Phát triển khoa học và công nghệ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam qua gần 30 năm đổi mới

GS, TS. Châu Văn Minh Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
21:06, ngày 13-10-2014

TCCSĐT - Đồng hành chung với sự nghiệp đổi mới đất nước, khoa học và công nghệ luôn khẳng định được vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Gần 30 năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Những thành tựu nổi bật 

Trong gần 30 năm qua, khoa học và công nghệ ở Việt Nam đã có những bước trưởng thành về mọi mặt, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận; góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển nhanh và ổn định không chỉ về kinh tế, xã hội mà cả an ninh, quốc phòng. Quá trình đổi mới của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gắn chặt với quá trình đổi mới đất nước, từ đổi mới tư duy quản lý, đổi mới cơ chế, chính sách đến đổi mới phương pháp điều hành, tổ chức nghiên cứu khoa học hướng vào mục tiêu xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về cơ chế chính sách và tổ chức bộ máy

Kể từ Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (năm 1986), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho khoa học - công nghệ phát triển, như: Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 30-3-1991, của Bộ Chính trị khóa VI; Nghị quyết số 20/NQ-TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong những năm gần đây, một loạt các luật liên quan đến khoa học - công nghệ đã được ban hành, cụ thể là: Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005), Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật (năm 2006), Luật Chuyển giao công nghệ (năm 2006), Luật Năng lượng nguyên tử (năm 2008), Luật Công nghệ cao (năm 2008), đặc biệt là Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013) đã đánh dấu bước đổi mới căn bản trong chính sách phát triển khoa học - công nghệ Việt Nam.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với tư cách là một cơ quan nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Việt Nam, cũng đã kịp thời đổi mới về cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy. Được thành lập ngay sau khi đất nước thống nhất, Viện Khoa học Việt Nam (tên gọi khi mới thành lập của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có sứ mệnh lịch sử là xây dựng nền khoa học cơ bản của nước nhà. Cán bộ của Viện là các thế hệ lưu học sinh được Nhà nước tuyển chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài trong những năm chiến tranh, sau trở thành những chuyên gia, cán bộ nòng cốt của Viện trong hầu hết các lĩnh vực khoa học - công nghệ, như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo…

Năm 1993, Viện được tổ chức lại thành Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia. Chức năng của Viện được định rõ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và được bổ sung thêm việc nghiên cứu phát triển công nghệ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, phản ánh yêu cầu của xã hội đối với nhiệm vụ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào thực tế. Với sự lãnh đạo của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh cùng nhiều đồng chí khác, các cán bộ của Viện tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong cả công tác nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ.

Năm 2004, Viện được đổi tên là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước, nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ có trình độ cao cho đất nước. Từ năm 2013, Viện mang tên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với vị thế và tầm cao mới. Chức năng cơ bản của Viện là nghiên cứu về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học - công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ có trình độ cao; là trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu của đất nước.

Song song với việc tích cực thực hiện cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và tăng cường đổi mới cơ chế quản lý trong các lĩnh vực hoạt động của Viện, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ , như Chương trình Hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình thu hút các nhà khoa học xuất sắc vào công tác tại Viện, Quy hoạch xây dựng và quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ cấp viện hàn lâm, Quy định quản lý các đề tài thuộc các hướng khoa học - công nghệ ưu tiên cấp viện hàn lâm,…

Về mặt tổ chức, một trong những thành công của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong những năm gần đây là sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị 35 và các mô hình khác không còn phù hợp với yêu cầu quản lý của Nhà nước. Hàng chục đơn vị (ra đời từ những năm 1990) đã được sắp xếp hoặc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…

Về nhân lực và cơ sở vật chất

Nhân lực khoa học - công nghệ của Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới đã tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Đóng góp vào nguồn nhân lực của quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xây dựng và phát triển được đội ngũ khá đông đảo các cán bộ khoa học có trình độ cao. Nếu như khi mới thành lập, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ có khoảng 500 cán bộ khoa học, trong đó chỉ có vài cán bộ là giáo sư, tiến sĩ, chưa đến 50 cán bộ có học vị phó tiến sĩ; thì đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có đội ngũ hơn 4.000 cán bộ, trong đó có trên 250 giáo sư và phó giáo sư, trên 700 tiến sĩ khoa học và tiến sỹ, trên 700 thạc sĩ và gần 1.500 cán bộ nghiên cứu khoa học và quản lý.

Trong xu hướng phát triển chung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nâng cấp và cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Đến nay, Viện có 33 viện nghiên cứu chuyên ngành, 6 đơn vị chức năng, 6 đơn vị sự nghiệp và nhiều đơn vị ứng dụng triển khai công nghệ đóng tại nhiều địa phương, địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước. Viện có hệ thống trên 50 đài, trạm quan trắc từ vùng núi đến hải đảo. Ngoài việc đầu tư cho 4 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ gen, công nghệ tế bào thực vật, vật liệu và linh kiện điện tử, công nghệ mạng và đa phương tiện, Viện đang tích cực xây dựng Khu Nghiên cứu triển khai công nghệ cao cùng với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Hệ thống quan trắc động đất và cảnh báo sóng thần.

Về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Với chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là quan điểm tập trung đổi mới tư duy quản lý, đổi mới cơ chế chính sách phù hợp với quy luật khách quan trong điều kiện cụ thể nước ta, khoa học - công nghệ Việt Nam đã có những bước tiến lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và hội nhập quốc tế. Trong thành công chung của khoa học - công nghệ nước nhà có phần đóng góp đáng kể của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị đi đầu trong cả nước về nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng và triển khai các hướng nghiên cứu mới về công nghệ cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, công nghệ na-nô, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường. Số lượng công trình công bố ở các tạp chí quốc tế uy tín của các cán bộ trong Viện luôn dẫn đầu, chiếm trên 40% tổng số công trình trong cả nước.

Trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện thành công dự án vệ tinh VNREDSAT-1, dự án nghiên cứu và chế tạo vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon, dự án chế tạo, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ máy bay không người lái đầu tiên ở Việt Nam. Viện cũng đang triển khai có hiệu quả dự án vệ tinh VNREDSAT-1B là vệ tinh ra-đa quan sát Trái đất đầu tiên ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh, hóa học: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đạt được những thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật AND để định danh hài cốt liệt sĩ; hoàn thành quy trình sản xuất giống, sản xuất vắc-xin thành phẩm và hoàn tất khâu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho vắc-xin cúm gia cầm H5N1. Nhiều thành tựu nghiên cứu về công nghệ sinh học đã được áp dụng cho việc tạo các giống lúa mới, năng suất cao và có khả năng chịu hạn, các giống bò sữa cao sản,… Viện cũng áp dụng công nghệ vi sinh chế tạo các loại phân bón, chế phẩm xử lý nước thải, ô nhiễm dầu…

Trong lĩnh vực khoa học vật liệu, môi trường: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành công trong việc nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm ứng dụng công nghệ na-nô, áp dụng thành công công nghệ xử lý nước phèn, nước lợ, nước ô nhiễm và lắp đặt hàng nghìn trạm xử lý nước phục vụ đồng bào và chiến sĩ tại những vùng sâu, vùng xa và biên giới. Đặc biệt gần đây, Viện đã thử nghiệm thành công công nghệ xử lý bùn đỏ thành quặng thép với quy mô công nghiệp 200 tấn/mẻ, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn.

Trong lĩnh vực khoa học biển và Trái đất: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng Tây Nguyên, vùng Đồng Tháp Mười và nhiều vùng, miền khác. Viện cũng chủ trì xây dựng bộ bản đồ quốc gia Việt Nam, đề xuất xây dựng cảng nước sâu Dung Quất cũng như các mô hình trồng rừng và tổ chức, quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ, Viện còn xây dựng và xuất bản tập Át-lát Biển Đông và vùng phụ cận, đóng góp đáng kể trong việc cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan lập hồ sơ xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam trình Liên hợp quốc đúng thời hạn vào tháng 5-2009.

Trong lĩnh vực thông tin, xuất bản: Chất lượng các tạp chí khoa học, hệ thống thư viện điện tử của Viện đã được chú trọng và nâng cao đáng kể. Hiện tại, Viện chủ trì xuất bản 12 tạp chí khoa học phát hành bằng tiếng Anh và tiếng Việt, trong đó có 3 tạp chí đã được đưa vào danh mục các tạp chí quốc tế Scopus. Một loạt các sách chuyên khảo do các nhà khoa học đầu ngành của Viện biên soạn đã được Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ phát hành, nhiều bộ sách đã đạt các giải thưởng khác nhau tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực đào tạo: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ trên đại học, bổ sung lực lượng cho Viện và tăng cường cho cả nước. Đến nay, 19 viện chuyên ngành đã được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Hằng năm, Viện đào tạo được trên 400 nghiên cứu sinh và trên 300 học viên cao học. Các cán bộ của Viện cũng tham gia giảng dạy ở các trường đại học trong cả nước. Ngày 22-9-2014, Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập góp phần đẩy mạnh hoạt động đào tạo sau đại học cả về số lượng và chất lượng.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn tích cực và chủ động phát triển hợp tác quốc tế với nhiều hoạt động nghiên cứu chung, giao lưu, trao đổi học thuật tầm cỡ khu vực và thế giới. Đến nay, Viện đã có quan hệ hợp tác về khoa học - công nghệ với hơn 60 đối tác nước ngoài là các viên hàn lâm, các trung tâm khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học - công nghệ quốc tế ở hơn 20 nước trên thế giới. Quan hệ hợp tác quốc tế của Viện đã có nhiều bước phát triển năng động, theo xu hướng đổi mới, hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực và trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam.

Một số hạn chế và giải pháp khắc phục

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khoa học - công nghệ Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Những tồn tại, bất cập trong hoạt động của khoa học - công nghệ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng chính là biểu hiện cho những hạn chế chung của nền khoa học - công nghệ đất nước. Thứ nhất, năng lực khoa học - công nghệ còn yếu, thể hiện ở đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện vẫn còn thiếu cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là cán bộ đầu ngành giỏi, cán bộ trẻ kế cận, nhất là trong các lĩnh vực và các hướng khoa học - công nghệ trọng điểm. Số lượng các công trình khoa học còn khiêm tốn, chưa nổi trội và mang tính đột phá. Trong lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ, số lượng các phát minh, giải pháp hữu ích, bằng sáng chế còn ở mức khiêm tốn. Thứ hai, đầu tư cho khoa học - công nghệ còn dàn trải, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động khoa học - công nghệ, kết quả là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu khoa học - công nghệ còn lạc hậu, thiếu thốn và chưa đồng bộ. Thứ ba, công tác đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt với những lĩnh vực khoa học - công nghệ tiên tiến. Nhiều chính sách đào tạo và thu hút người tài chưa thực sự hiệu quả; thiếu sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và sản xuất - kinh doanh, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu - phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp, do đó các kết quả nghiên cứu triển khai ứng dụng còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, hiệu quả mang lại cho kinh tế - xã hội còn thấp. Thứ tư, các cơ chế quản lý còn chậm được đổi mới và mang nặng tính hành chính. Cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động khoa học - công nghệ chưa tạo thuận lợi cho nhà khoa học, chưa phù hợp với đặc thù lao động sáng tạo, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Thứ năm, thị trường khoa học - công nghệ Việt Nam còn chậm phát triển, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ thiếu sự định hướng chiến lược.

Từ những hạn chế còn tồn tại trên, để khoa học - công nghệ Việt Nam phát triển, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đầu tư kịp thời, hiệu quả, không dàn trải cho khoa học - công nghệ, trong đó đặc biệt phát huy mạnh mẽ nguồn đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách đầu tư đến ngưỡng cho các công trình nghiên cứu có triển vọng; tập trung giải quyết các nhiệm vụ khoa học - công nghệ quy mô lớn, liên quan các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế của đất nước. Khuyến khích đầu tư cho các nhiệm vụ có định hướng tìm kiếm bí quyết và giải mã công nghệ.

Hai là, xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học - công nghệ hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là cơ chế tài chính. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức nghiên cứu khoa học theo chương trình nhằm mục tiêu giải quyết những vấn đề do kinh tế - xã hội đặt ra ở trình độ khoa học - công nghệ quốc tế. Tổ chức khoa học - công nghệ cần được rà soát, đổi mới, tái cơ cấu, bảo đảm phát huy được hiệu quả nguồn lực khoa học - công nghệ. Các quá trình xét duyệt, thẩm định, đầu tư, quản lý đề tài, nhiệm vụ, dự án khoa học - công nghệ cần thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế; chú trọng mục tiêu, sản phẩm của các dự án trong quá trình tuyển chọn. Tổ chức học tập và áp dụng phương pháp xây dựng kế hoạch khoa học - công nghệ của các nước tiên tiến để nâng cao chất lượng hoạt động khoa học - công nghệ trong nước.

Ba là, tăng cường xây dựng và phát huy tiềm lực con người, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Tích cực thực hiện các chính sách đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ khoa học - công nghệ, áp dụng chính sách thu hút cán bộ trẻ và giỏi; khuyến khích vật chất và tinh thần đối với các nhà khoa học cũng như tổ chức chủ trì trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng chuyển giao cho sản xuất thông qua việc gắn lợi ích của nhà khoa học, nhà quản lý với kết quả của các chương trình, dự án, đề tài. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm khoa học, nhất là các lĩnh vực công nghệ chiến lược./.