Dự án TSGP và nguy cơ khủng bố

18:39, ngày 30-08-2009

TCCSĐT - Dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí dài hơn 4.000 km xuyên Xa-ha-ra (tên viết tắt là TSGP) đang được các chuyên gia đánh giá là một trong những công trình cơ sở hạ tầng tham vọng nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, theo một số phân tích gần đây, nguy cơ khủng bố có thể đe dọa tới TSGP - vốn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích lớn cho các nước châu Phi cũng như châu Âu.

Ngày 3-7-2009, ba nước An-giê-ri, Ni-giê-ri-a và Ni-giê đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ nhằm triển khai xây dựng tuyến đường ống dẫn khí dài 4.128 km, kết nối nhiều vùng có trữ lượng khí đốt lớn ở Ni-giê-ri-a tới châu Âu. Ước tính, dự án này có chi phí xây dựng lên tới 12 tỉ USD và sẽ cung cấp khoảng 30 tỉ m3 khí thiên nhiên/năm cho châu Âu. Dự kiến, sau khi lô hàng đầu tiên xuất sang châu Âu vào năm 2015, TSGP sẽ cho phép Ni-giê-ri-a tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên, đồng thời giúp An-giê-ri trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn trong khu vực, là nguồn cung cấp khí đốt chính cho thị trường châu Âu.

Bởi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và những căng thẳng về nguồn cung trong thế kỷ XXI, Liên minh châu Âu (EU) không ngần ngại ủng hộ, đề nghị hỗ trợ tài chính cho dự án TSGP và coi việc triển khai TSGP có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong khu vực. TSGP - đường ống dẫn khí xuyên Xa-ha-ra - sẽ rót hàng tỉ m3 khí đốt tự nhiên của Ni-giê-ri-a vào các nước châu Âu, giúp khu vực này giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Mát-xcơ-va (mặc dù Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cũng có khả năng tham gia dự án TSGP). Hiện nay, EU mỗi năm tiêu thụ 300 tỉ m3 khí đốt, trong đó 1/4 là do Nga cung cấp; nhu cầu này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.

Trước quy mô và tiềm năng lợi ích kinh tế to lớn của TSGP, không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều tập đoàn năng lượng tầm cỡ “đại gia” của châu Âu như Total (Pháp), Gazprom (Nga), ENI (Ý), Anglo-Dutch Shell (Anh - Hà Lan)… đều bày tỏ sự quan tâm tới dự án này. Rất nhanh chân, Gazprom đã ký kết thỏa thuận với tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ni-giê-ri-a (NNPC), theo đó sẽ thành lập một liên doanh sản xuất và vận chuyển khí đốt liên quan tới dự án TSGP. Tập đoàn Gazprom cũng đang lập kế hoạch xây dựng tuyến đường ống vận chuyển khí đốt dài 360 km từ Nam ra Bắc Ni-giê-ri-a, với tổng chi phí khoảng 400-500 triệu USD. Đây sẽ là tuyến đường ống đầu tiên trở thành một phần hệ thống TSGP xuyên Xa-ha-ra.

Mặc dù tính khả thi về mặt kỹ thuật và lợi ích kinh tế của dự án đã được công bố cách đây mấy năm nhưng vẫn có một số nhân tố có thể ảnh hưởng tới TSGP.

Một là, TSGP là dự án đường ống vận chuyển khí đốt dài nhất trên thế giới, phần lớn công trình sẽ được thi công ở sa mạc Xa-ha-ra, phía bắc châu Phi. Trên sa mạc Xa-ha-ra, ban ngày nóng như thiêu đốt, ban đêm lại lạnh cắt da cắt thịt. Bão cát và gió bụi thường làm cát bay, đá lở, tối tăm trời đất. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt có lẽ vào bậc nhất hành tinh như trên sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thi công TSGP, làm tăng chi phí xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu một cách đáng kể.

Hai là, phát triển công nghiệp khí hóa lỏng (LNG) của Ni-giê-ri-a gần như rẻ hơn và hiệu quả hơn để xuất khẩu các nguồn khí đốt thiên nhiên ở quốc gia này.

Ba là, TSGP là dự án có tính mạo hiểm cao. Bởi vậy, không dễ gì tìm ra các đối tác tư nhân sẵn sàng rót vốn đầu tư và khởi công xây dựng một công trình khó đoán trước rủi ro đến như vậy. Chỉ cần một sự cố xảy ra, việc thi công TSGP sẽ bị ngưng trệ và việc khắc phục sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, tiền của trước khi thu về lợi nhuận.

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với dự án TSGP khổng lồ này là vấn đề an ninh tại các quốc gia có đường ống dẫn khí chạy qua. An-giê-ri, Ni-giê-ri-a và Ni-giê đều nằm trong số các nước bất ổn nhất thế giới, bởi sự xuất hiện của nhiều tổ chức khủng bố và phong trào nổi dậy. Nếu có một vụ tấn công khủng bố thậm chí chỉ ở quy mô nhỏ xảy ra, toàn bộ tuyến đường ống TSGP có thể bị gián đoạn hoặc hư hỏng nghiêm trọng.

Mối lo ngại khủng bố từ Ni-giê-ri-a

Lo ngại lớn nhất cho sự an toàn của dự án TSGP đến từ Ni-giê-ri-a, điểm khởi đầu của các nguồn khí sẽ được vận chuyển thông qua tuyến TSGP tới châu Âu. Sau khi thỏa thuận xây dựng TSGP được ký kết, những kẻ chống đối quyết liệt nhất tại Ni-giê-ri-a thuộc Phong trào Giải phóng châu thổ sông Ni-giê (MEND) đã đe dọa sẽ phá hủy TSGP ngay khi nó được thi công. Họ cho rằng, dự án TSGP dù mang lại cho Ni-giê-ri-a hàng triệu USD lợi nhuận nhưng đi ngược lại nguyện vọng của các hãng sản xuất dầu khí ở vùng đông nam, làm tăng thêm sự bất công về thu nhập của dân cư sinh sống ở vùng châu thổ nước này.

Hoạt động tấn công vào các cơ sở dầu mỏ, khí đốt của MEND bắt đầu từ đầu năm 2006, với mục đích giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, đồng thời được chia sẻ công bằng hơn về thu nhập dầu mỏ. Năm ngoái, sau khi bị các lực lượng an ninh Ni-giê-ri-a ráo riết truy quét, MEND đã phát động “chiến tranh dầu lửa”, liên tiếp phá hủy một số đường ống dẫn dầu và một số giàn khoan nổi, tăng cường bắt cóc công nhân dầu mỏ nước ngoài. Gần đây nhất, ngày 13-7, MEND đã sử dụng tàu cao tốc tấn công một bến neo đậu tàu chở dầu ở La-go (Ni-giê-ri-a) khiến ít nhất 5 lính canh gác thiệt mạng, hơn 10 ống dẫn dầu và kho chứa dầu bị đốt cháy. Vụ việc cho thấy các lực lượng an ninh đã không thể kiểm soát tình hình ở điểm bốc dỡ xăng dầu, đi-ê-zen, các sản phẩm nhiên liêu lớn nhất tại Ni-giê-ri-a.

Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi và lớn thứ 8 trên thế giới, nhưng Ni-giê-ri-a đã phải cắt giảm 30% sản lượng trong nửa năm qua vì các cuộc tấn công khủng bố của MEND. Theo số liệu của các quan chức chính phủ Ni-giê-ri-a, sản lượng dầu của Ni-giê-ri-a hiện giảm xuống gần mức 1,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng là 2,3 triệu thùng/ngày. Các cuộc tấn công của MEND từ hồi tháng 5 đến nay cũng buộc các tập đoàn Shell (Hà Lan), Che-vơ-ron (Mỹ), A-gip (Ý) cắt giảm sản lượng khoảng 300.000 thùng/ngày, khiến giá dầu trên thị trường thế giới tăng theo. Việc cắt giảm sản lượng còn khiến dự án TSGP có thể phải điều chỉnh các thông số kỹ thuật cho phù hợp với nguồn nguyên liệu đầu vào.

Trước tình hình này, thật khó để loại bỏ mối đe dọa thực sự của MEND đối với an ninh đường ống dẫn khí TSGP, nhất là khi 1.037 ki-lô-mét đường ống TSGP sẽ chạy qua Ni-giê-ri-a. Một số chuyên gia chống khủng bố cho rằng, một khi chính phủ Ni-giê-ri-a và các lực lượng an ninh nước này không có khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại La-go, khu vực nằm ngoài châu thổ sông Ni-giê, thì việc bố trí đủ lực lượng bảo vệ cho 1.037 km đường ống sẽ càng là nhiệm vụ khó khăn.

Như vậy, lợi ích kinh tế của TSGP chỉ đạt được khi MEND chấm dứt những hoạt động gây mất ổn định tại Ni-giê-ri-a. Điều này phụ thuộc phần lớn vào kết quả các cuộc đàm phán hòa bình đang được xúc tiến giữa Chính phủ Ni-giê-ri-a và MEND.

Mối lo ngại khủng bố từ vùng Sahel, hạ Xa-ha-ra

MEND không phải là mối đe dọa an ninh duy nhất đối với dự án TSGP. Có tới 3.151 km đường ống (chiếm khoảng 76% tổng số chiều dài TSGP) sẽ chạy qua hai quốc gia Ni-giê và An-giê-ri thuộc vùng Sahel, một dải đất nằm giữa sa mạc Xa-ha-ra và hạ Xa-ha-ra của châu Phi. Đây là khu vực có nhiều nhóm khủng bố và nổi dậy, hoạt động mạnh mẽ thời gian qua, làm dấy lên những lo ngại về một “thiên đường an toàn” mới của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Tại vùng Sahel, hạ Xa-ha-ra, nổi lên hai mối đe dọa lớn sẽ làm phức tạp thêm quá trình triển khai dự án TSGP.

Thứ nhất là mối đe dọa từ Phong trào Công lý cho người Ni-giê (MNJ). Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Ni-giê đã trở thành tâm điểm của phong trào nổi dậy thuộc bộ tộc Tua-rét. MNJ bao gồm các thành viên bất mãn từ nhiều bộ tộc bán du cư ở phía bắc Ni-giê, trong đó phần lớn là người Tua-rét. Trong mấy năm qua, MNJ đã tấn công một số cơ sở hạ tầng của Ni-giê, bắt cóc một kỹ sư hạt nhân người Trung Quốc cùng bốn công nhân người Pháp làm việc cho Công ty Năng lượng hạt nhân A-rê-va. MNJ tập trung phá hoại sản phẩm, tấn công các quan chức, kỹ sư, công nhân ngành u-ra-ni-um tại Ni-giê, với mục đích đòi chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn.

Gần đây, do chia rẽ nội bộ, hoạt động của MNJ có xu hướng lắng xuống. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Ni-giê và lực lượng MNJ có thể dẫn tới sự chấm dứt của phong trào này. Tuy thế, những mối lo ngại về an ninh của TSGP vẫn không thể bỏ qua. Trong trường hợp căng thẳng trở lại, không chỉ ngành công nghiệp u-ra-ni-um mà cả đường ống dẫn khí TSGP mới sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn của phong trào nổi dậy thuộc bộ tộc Tua-rét.

Thứ hai là mối đe dọa từ chi nhánh “chân rết” của tổ chức khủng bố An-kê-đa đặt tại An-giê-ri, với tên gọi tắt là AQIM. Tại Ma-li, quốc gia láng giềng của An-giê-ri và Ni-giê, các bộ tộc bản địa Tua-rét đã hợp tác với chính quyền chống lại AQIM, trước những nghi ngờ có sự cấu kết giữa MNJ và AQIM. Tuy nhiên, đáng chú ý là gần đây số lượng các vụ tấn công có sự dính líu của AQIM lại gia tăng trong khu vực.

Thời gian qua, lực lượng phía nam của AQIM hoạt động rất mạnh ở vùng Sahel, tấn công vào An-giê-ri, Ni-giê, Ma-li và Mau-ri-ta-ni-a. Để gây dựng tài chính, AQIM tập trung vào các hoạt động bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, buôn bán, vận chuyển ma túy, súng đạn. Cuối năm 2008 và đầu 2009, AQIM đã bắt cóc hai nhà ngoại giao Ca-na-đa và một nhóm du khách châu Âu ở gần biên giới Ma-li và Ni-giê. Bên cạnh đó, số vụ hành quyết con tin và ám sát đối thủ của AQIM ở mức báo động. Tháng 5-2009, một con tin là du khách người Anh đã bị bắn chết. Tới tháng 6, một quan chức tình báo Ma-li cũng bị AQIM sát hại tại nhà riêng. Có thể nói, trong lúc bộ máy an ninh An-giê-ri tập trung xóa bỏ sự hiện diện của An-kê-đa ở khu vực đông bắc nước này, Ma-li và Ni-giê bận giải quyết vấn đề nổi dậy của bộ tộc Tua-rét, thì lực lượng phía nam của AQIM đã khai thác triệt để lỗ hổng an ninh ở vùng Sahel.

Các tổ chức tình báo phương Tây và chính quyền An-giê-ri, Ni-giê, Ma-li, Mau-ri-ta-ni-a hiện đã nhận ra sự đe dọa nghiêm trọng về an ninh bắt nguồn từ AQIM. Tháng 6-2009, xuất hiện nhiều lời đồn đoán về một cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào AQIM, mặc dù các cuộc đàm phán thả con tin châu Âu dường như đã làm trì hoãn kế hoạch tấn công này. Để đối phó với AQIM, quân đội An-giê-ri đang hỗ trợ quân đội Ma-li nhiều thiết bị quân sự, đồng thời hàng loạt cuộc gặp song phương giữa các quan chức quốc phòng An-giê-ri và đồng nghiệp ở hai quốc gia láng giềng của An-giê-ri cũng đã diễn ra. Cùng lúc, Tổng thống Ma-li lặp lại lời kêu gọi tổ chức một cuộc họp cấp khu vực về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, thiệt hại của quân đội địa phương trong các cuộc đụng độ với AQIM cho thấy, cần có sự hợp tác vượt khỏi phạm vi khu vực mới có thể “đánh bật tận gốc” AQIM.

Đến nay, lực lượng phía nam của AQIM chưa tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ và khí đốt nào của An-giê-ri, chứng tỏ sự hạn chế về nguồn lực và tổ chức của nhóm này. Nhưng trước đó, các cơ sở phía bắc của AQIM đã tấn công nhằm vào lao động dầu mỏ nước ngoài. Vì vậy, không loại trừ khả năng lực lượng phía nam của AQIM cũng sẽ quay sang phá hoại công trình TSGP, với một trong các thủ đoạn đáng lên án là tấn công hoặc bắt cóc công nhân nước ngoài làm việc cho dự án TSGP.

Lời kết

Bất chấp chi phí xây dựng, vận hành TSGP khá cao, cùng với những mối lo ngại về an ninh như đã đề cập ở trên, chính phủ An-giê-ri, Ni-giê và Ni-giê-ri-a vẫn không bày tỏ bất cứ sự dao động nào và khẳng định về tính khả thi của dự án. Có thể nói, TSGP mang tầm vóc chiến lược đối với sự phát triển của ba nước, bởi nó giúp họ khai thác thích hợp các nguồn năng lượng khí đốt dồi dào, tiếp cận đầy đủ với thị trường châu Âu. Nhưng cũng phải thấy rằng, An-giê-ri, Ni-giê và Ni-giê-ri-a sẽ không thể “bình chân như vại” trước các mối đe dọa an ninh hiển hiện. Chi phí đảm bảo an ninh cho TSGP trước các cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào hệ thống đường ống và con người sẽ rất cao. Phí bảo hiểm công trình TSGP cũng đáng kể, bởi chỉ cần một vụ tấn công khủng bố thành công sẽ khiến việc thi công TSGP đình trệ hàng tháng. Một khi hoàn thành, đường ống dẫn khí TSGP cần được trang bị các hệ thống giám sát an ninh hiện đại và đắt tiền. Tất cả các nhân tố có khả năng xảy ra này sẽ khiến giá thành xây dựng TSGP nhiều khả năng vượt khỏi dự kiến trước khi nó mang lại lợi nhuận cho các quốc gia có đường ống chạy qua./.