Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEC) vào năm 2015 sẽ có lợi cho tất cả các nước thành viên ASEAN, đồng thời đây cũng là điểm xuất phát của chặng đường quan trọng hướng tới một Cộng đồng kinh tế không biên giới vào năm 2030.

Đây là nội dung một nghiên cứu do Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore thực hiện với sự cộng tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ban Thư ký ASEAN, được tập hợp trong cuốn sách “ASEAN 2030 - Hướng tới cộng đồng kinh tế không biên giới”.

Ngày 17-7, phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách tổ chức ở Singapore, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh cuốn sách giúp cung cấp thông tin và làm phong phú hơn các cuộc thảo luận về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và qua đó giúp ASEAN cải tiến hơn nữa chương trình nghị sự của mình về hội nhập kinh tế.

Tổng Thư ký ASEAN cũng kêu gọi ADB, ADBI, ISEAS, các viện và tổ chức nghiên cứu khác trong khu vực tiếp tục tiến hành các dự án nghiên cứu sâu liên quan tới chương trình nghị sự của ASEAN sau năm 2015 để giúp đẩy mạnh hoạt động hội nhập và xây dựng cộng đồng trong ASEAN sau năm 2015.

Theo nghiên cứu trên, ASEAN cần có kế hoạch lớn về hội nhập kinh tế sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài là xây dựng Đông Nam Á thành khu vực phát triển bền vững, hài hòa và ngày càng cạnh tranh (RICH) vào năm 2030.

Nghiên cứu dự đoán rằng tới năm 2030, các nước ASEAN có thể đạt tốc độ phát triển kinh tế cao với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp ba lần so với hiện nay và chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên bằng mức hiện nay của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Nghiên cứu nhận định rằng để trở thành khu vực RICH vào năm 2030, ASEAN sẽ phải đối mặt với bốn thách thức lớn, gồm tăng cường ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô; hỗ trợ sự phát triển công bằng; thúc đẩy tính cạnh tranh; bảo vệ môi trường và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo các nhà nghiên cứu, muốn vượt qua những thách thức trên, các nước ASEAN cần phải kết hợp một cách hài hòa giữa các biện pháp đổi mới cấu trúc ở trong nước với những sáng kiến nhằm tăng cường hội nhập khu vực để biến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành một cộng đồng kinh tế thực sự không có biên giới.

Ngoài ra, các nước ASEAN cũng cần đề ra các chính sách để bảo đảm việc quản lý kinh tế vĩ mô một cách lành mạnh, thúc đẩy phát triển một cách bao quát và tăng cường “tăng trưởng xanh”, chấm dứt những rào cản gây trở ngại cho việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất, đồng thời củng cố khuôn khổ thể chế ở khu vực./.