TCCSĐT - Theo AFP, ngày 16-7, Mỹ đã tăng cường đáng kể lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do vấn đề U-crai-na, theo đó tập trung vào các công ty quốc phòng, tài chính và năng lượng.

“Đánh” mạnh vào kinh tế Nga

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, tính đến nay, các biện pháp trên là đòn giáng mạnh mẽ nhất của Oa-sinh-tơn vào nền kinh tế Nga, bao gồm các lệnh trừng phạt nhằm vào công ty dầu mỏ khổng lồ của Nga là Rosneft và ngân hàng Gazprombank. Tám công ty sản xuất vũ khí của Nga chuyên sản xuất các loại vũ khí nhỏ, đạn cối và xe tăng cũng sẽ phải đối mặt trực tiếp với lệnh trừng phạt mới.

Danh sách trừng phạt còn có cả các biện pháp nhằm vào Cộng hòa nhân dân Đô-nhét-xcơ (Donetsk) và Cộng hòa nhân dân Lu-gan-xcơ (Lugansk) tự phong ở miền Đông U-crai-na.

Động thái trên được đưa ra sau nhiều tuần Mỹ đưa ra lời cảnh báo rằng Mát-xcơ-va chưa tuân thủ theo các yêu cầu của phương Tây trong việc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục các phần tử ly khai ở miền Đông U-crai-na hạ vũ khí và ngăn chặn việc tuồn vũ khí cũng như thiết bị quân sự qua biên giới vào U-crai-na.

Trước đó, Oa-sinh-tơn đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với giới lãnh đạo một số công ty và xí nghiệp chủ chốt của Nga cũng như các nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào ly khai ở miền Đông U-crai-na.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Mát-xcơ-va, trong đó đáng chú ý là việc ngừng các khoản đầu tư mới vào Nga của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD).

EU cũng đồng ý mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty của Nga có liên quan tới các hoạt động làm xói mòn chủ quyền của U-crai-na.

Không quy trách nhiệm cho Nga về những gì đang xảy ra ở U-crai-na

Cũng trong ngày 16-7, Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) đang có chuyến thăm Bra-xin khẳng định: Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây chống lại Nga thể hiện lối tư duy lỗi thời cách đây 10 - 15 năm. Những biện pháp đó đang đẩy quan hệ Nga - Mỹ vào ngõ cụt và điều này chắc chắn gây tổn hại cho lợi ích chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, ông hy vọng xu hướng giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao sẽ chiếm ưu thế.

Về vấn đề U-crai-na, ông V. Pu-tin nhấn mạnh: Nga chính là nước mong muốn nhất chấm dứt đổ máu tại U-crai-na, và kêu gọi tất cả những ai đẩy quốc gia láng giềng này tới cuộc khủng hoảng hiện nay không đổ trách nhiệm cho Nga về những gì đang xảy ra. Ông V. Pu-tin cũng hối thúc các nước sử dụng ảnh hưởng của mình để đưa các bên xung đột tại U-crai-na ngồi vào bàn đàm phán.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống V. Pu-tin lấy làm tiếc rằng các đối tác của Nga, trước hết là Mỹ, không nỗ lực thúc đẩy hòa bình mà ngược lại đang đẩy chính quyền Ki-ép hiện nay vào cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”. Ông khẳng định chính sách này của Mỹ sẽ thất bại.

Về tài trợ quốc tế cho U-crai-na, ông V. Pu-tin tuyên bố Nga ủng hộ vấn đề này, song bày tỏ quan ngại trong tình hình hiện nay các khoản tài trợ của nước ngoài cho U-crai-na có thể vào túi các ngân hàng tư của các nhà tài phiệt U-crai-na hoặc được chi cho chiến dịch quân sự chống lại người dân ở miền Đông, trong khi đáng ra phải sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế và trả nợ khí đốt cho Nga./.