Phong cách dân chủ, thực tiễn, sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhiệm vụ Bác giao và “quyết định lịch sử” của Đại tướngVõ Nguyên Giáp
Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, cục diện chiến trường Đông Dương ngày càng chuyển biến theo hướng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đặc biệt, với 5 đòn tiến công chiến lược trên các địa bàn trọng điểm như Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên… ta đã từng bước buộc thực dân Pháp phải phân tán, dàn mỏng lực lượng qua đó bước đầu làm phá sản mưu đồ tập trung lực lượng của kẻ địch trong kế hoạch Na-va. Trên chiến trường chính Điện Biên Phủ, từ chỗ không có trong kế hoạch Na-va, song trước các đòn tiến công của ta, thực dân Pháp đã buộc phải điều động một lượng lớn binh lực để xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Nhận định đây là trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quan trọng, là thời cơ thuận lợi để ta sớm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm: “Toàn dân, toàn Ðảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này” (1).
Xuất phát từ tính chất quan trọng của trận quyết chiến tại lòng chảo Điện Biên Phủ, ngày 05-01-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường trực tiếp chỉ huy chiến dịch: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận… Tướng quân tại ngoại. Giao cho chú quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(2).
Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở chiến trường Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta và đoàn cố vấn Trung Quốc đi trước để chuẩn bị chiến trường đã đã đề nghị phương án “đánh nhanh thắng nhanh”, theo đó tranh thủ thời điểm địch đứng chân chưa vững, ta sẽ tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ trong “ba đêm hai ngày”. Công bằng nhìn nhận thì phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” không phải là không có cơ sở. Điện Biên Phủ từ đầu hoàn toàn không có trong kế hoạch Na-va. Đến cuối năm 1953 việc Pháp đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên là do sức ép trước những đòn tiến công của ta ở Tây Bắc và Trung Lào. Địch ở trong thế bị động đối phó, còn ta với những thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường, cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm chiến đấu rất cao. Mặt khác, ta lại có sự chi viện to lớn sức người, sức của từ nhân dân cả nước; bộ đội mới được trang bị thêm lựu pháo, cao xạ pháo… khả năng tác chiến, chiến đấu được cải thiện rõ rệt. Nếu không “đánh nhanh”, để địch tăng cường thêm quân và củng cố công sự thì sẽ bỏ lỡ thời cơ “giành thắng lợi quan trọng”.
Ngay sau khi lên Điện Biên, nắm hình thái bố trí và dự trù phương án đối phó của địch, bằng tư duy quân sự sắc sảo và cảm nhận của một vị tướng đã trải qua trận mạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy những điểm “không ổn” trong kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” do bộ phận tham mưu xây dựng. Tuy nhiên, với phong cách dân chủ, tôn trọng tập thể, Đại tướng đã từng bước nghiên cứu kỹ tình hình để xác định cách đánh thực sự phù hợp, bảo đảm chắc thắng. Như Đại tướng đã viết trong hồi ký, “Tuy không tin vào thắng lợi của phương án “đánh nhanh thắng nhanh” nhưng tôi tự thấy mình vừa mới đến chiến trường, chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ ý kiến của đa số nên đã đồng ý triệu tập Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Đồng thời tôi chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch từng ngày, từng giờ, kịp thời báo cáo; nếu tình hình thay đổi ta có thể thay đổi kế hoạch”(3).
Thực tiễn chiến trường đã diễn ra đúng như những gì Đại tướng phán đoán. Trong quá trình ta chuẩn bị kế hoạch chiến đấu theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, địch đã tiếp tục tăng cường lực lượng xây dựng và củng cố vững chắc hệ thống phòng ngự ở Điện Biên Phủ: điểm cao Độc Lập ở phía Bắc tập đoàn cứ điểm ban đầu chỉ là một vị trí tiền tiêu đã trở thành một cứ điểm mạnh, do một tiểu đoàn Âu Phi chốt giữ; điểm cao Him Lam phía Đông Bắc được củng cố thành một trung tâm phòng ngự mạnh; phía Nam Hồng Cúm từ chỗ chỉ là một cứ điểm đã phát triển thành một cụm cứ điểm với sân bay, trận địa pháo có khả năng chi viện mạnh cho phân khu Mường Thanh… Điện Biên Phủ được củng cố thành một tập đoàn cứ điểm với 49 cứ điểm liên hoàn cùng trên 16.200 quân. Còn ta, tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tập trung lực lượng, chiếm lĩnh trận địa… Dù đã điều chỉnh lại thời gian đưa pháo vào trận địa nhưng chưa thể hoàn thành theo kế hoạch; nhiều vấn đề về cách đánh của bộ binh và pháo binh chưa được giải quyết như: biện pháp nào để hạn chế hỏa lực, phi pháo và cơ giới của địch trong điều kiện đánh liên tục ngày đêm trên cánh đồng bằng phẳng, kinh nghiệm hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh và pháo binh trong đánh cụm cứ điểm chưa nhiều, nhất là chi viện pháo binh trong đánh tung thâm và đánh địch phản kích…
Những vấn đề trên đã khiến Đại tướng hết sức trăn trở. Với trách nhiệm trước Đảng, trước lời căn dặn của Bác Hồ và nhất là trách nhiệm trước máu xương của chiến sĩ trên chiến trường, Đại tướng đã phải cân chắc rất kỹ về phương châm tác chiến. Bởi ta đã tập trung đến 3/4 lực lượng cơ động chiến lược về chiến trường Điện Biên Phủ với hơn 4 Đại đoàn chủ lực. Nếu cách đánh không phù hợp, chiến dịch không thắng, lực lượng bị thương vong lớn, thì sẽ rất bất lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Bám sát mọi diễn biến trên chiến trường, phát huy tư duy sáng tạo quân sự, sau 11 ngày đêm trăn trở, cân nhắc kỹ lưỡng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến một quyết định như sau này Đại tướng chia sẻ, “quyết định khó nhất trong cuộc đời chỉ huy”(4), đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, còn gọi là “đánh bóc vỏ”. Song bài toán đặt ra ở đây là làm thế nào để thuyết phục được tập thể Đảng ủy mặt trận trong khi số đông đều tán thành “đánh nhanh, thắng nhanh” và phương châm tác chiến đã được phổ biến đến mọi cán bộ, chiến sĩ?
Trước hết, với tinh thần thẳng thắn, trên cơ sở tình hình thực tiễn, sáng 26-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ động trao đổi những trăn trở của mình với Tướng Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào những khó khăn sẽ gặp phải khi dốc toàn lực để đánh nhanh: “Ý định của tôi là hoãn cuộc tấn công ngay buổi chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”(5). Sau khi thống nhất với đồng chí Trưởng đoàn cố vấn, Đại tướng đã triệu tập Hội nghị Đảng ủy mặt trận, trình bày và phân tích những những vấn đề trăn trở của bản thân. Đại tướng cho rằng, phải xây dựng phương án tác chiến bảo đảm giành chiến thắng chứ không thể đánh liều. Nếu không chuyển phương án tác chiến thì chúng ta chắc chắn là đánh không thắng mà có thể gặp tổn thất lớn. Với tinh thần thực sự cầu thị, hội nghị đã thảo luận sôi nổi, ban đầu đa số đều cho rằng bộ đội đã quyết tâm cao, mọi mặt đã chuẩn bị, cần đánh nhanh nếu không sẽ khó khăn, mất thời cơ. Song bằng phong cách dân chủ, thực tiễn, sáng tạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích từng khó khăn, làm rõ những cơ sở của phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Theo Đại tướng, chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” tức là ta sẽ bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận, từ ngoại vi vào trung tâm; đánh theo cách này ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận giải quyết dứt điểm từng mục tiêu, tạo nên sức mạnh áp đảo để đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ. Phát huy tinh thần dân chủ, Đảng ủy mặt trận sau đó đã thẳng thắn thảo luận và đi đến thống nhất 100% nhất trí với quyết định thay đổi phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Có thể thấy việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định quan trọng song cũng hết sức khó khăn. Trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới đã thấu triệt phương án đánh nhanh giải quyết nhanh, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu, “pháo đã lên nòng” chờ giờ nổ súng… việc thay đổi phương châm tác chiến là biểu hiện của tư duy quyết đoán, sáng tạo trong tập thể Đảng ủy mặt trận trên cơ sở thực tiễn chiến trường cũng như quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Quyết định chuyển phương án tác chiến đã gắn liền cùng tên tuổi và phong cách dân chủ, thực tiễn, sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù đã được Bác Hồ tin tưởng trao toàn quyền quyết định với tư cách “tướng quân tại ngoại” nhưng khi thấy thực tế ở chiến trường không đúng với dự tính, thay vì áp đặt quyền quyết định tối cao của một vị Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực sự tôn trọng và đề cao tập thể, phát huy dân chủ, kiên trì thuyết phục mọi người cùng đồng thuận chuyển sang hướng chiến lược khác. Và vì thế, quyết định thay đổi phương châm tác chiến thành “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng không chỉ thể hiện bản lĩnh của một nhà cầm quân thiên tài mà còn thể hiện khả năng thu phục nhân tâm và thuyết phục người khác của Đại tướng.
Thực tiễn những gì diễn ra trên chiến trường Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn, sáng tạo trong quyết định thay đổi phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không phải chỉ trong “ba đêm hai ngày” như kế hoạch ban đầu mà phải trải qua 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, qua 3 đợt tiến công, bộ đội ta mới giành được thắng lợi. Chỉ riêng cứ điểm đồi A1, ta phải mất 38 ngày đêm mới dứt điểm được. Trong khi đó nếu theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, với 49 cứ điểm mà ta dự kiến tiêu diệt trong ba đêm hai ngày thì quá mạo hiểm nếu như không muốn nói là không thể thực hiện được. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, thời gian đầu, bộ đội ta giành phần lớn thắng lợi, nhưng lại gặp khó khăn khi đánh đồi A1 và C1, hai cứ điểm quan trọng của địch. Trận đánh đồi A1, mặc dù đã huy động tới ba trung đoàn nhưng ta đã bị tổn thất rất nặng nề. Chính nhờ thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta đã có điều kiện tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt địch từng bộ phận, từ ngoại vi đánh vào trung tâm, tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” để từng bước tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Học tập phong cách dân chủ, thực tiễn, sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lịch sử đã chứng minh, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07-5-1954 - 07-5-2014) là dịp để mỗi chúng ta cùng ôn lại những bài học kinh nghiệm quý báu; tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước; học tập và làm theo phong cách dân chủ, thực tiễn, sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “tư lệnh của mọi tư lệnh, chính ủy của mọi chính ủy”.
Thực tiễn trong thời gian qua ở một số cơ quan, đơn vị vẫn có những cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu còn biểu hiện thiếu tôn trọng tập thể, vi phạm nguyên tắc dân chủ, thậm chí độc đoán, chuyên quyền, “đứng trên tổ chức”… Dư luận xã hội cũng đã lên án những cán bộ, đảng viên là “công bộc” của dân nhưng lại có thái độ hách dịch, cửa quyền; thiếu tôn trọng quyền làm chủ của người dân. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với hai nhiệm vụ cách mạng chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã, đang và sẽ đặt ra những đòi hỏi lớn về phong cách làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Từ giá trị to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là bài học về phong cách dân chủ, thực tiễn, sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thiết nghĩ từng cán bộ, đảng viên cần thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác gắn với thực hiện tốt một số vấn đề như:
Một là, quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ.
Đây là vấn đề cốt lõi có ý nghĩa quan trọng trong mọi giai đoạn cách mạng. Trên cơ sở nguyên tắc dân chủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo dựng sự đồng thuận cao trong tập thể Đảng ủy mặt trận từ đó tạo nên thắng lợi Điện Biên Phủ vĩ đại. Trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát huy trí tuệ tập thể, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước tiến lên. Quán triệt và thực hiện nguyên tắc dân chủ cần gắn với từng nội dung nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần dân chủ thảo luận, thẳng thắn trao đổi để đi đến những giải pháp, phương hướng phù hợp, tạo dựng sự thống nhất, nhất trí cao trong từng cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
Hai là, thực sự đề cao quyền làm chủ của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được… Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(6). Trong tình hình mới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, sự nghiệp cách mạng của chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Cùng với đó là âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động. Thực tế đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị, chức trách của mình cần tôn trọng và đề cao quyền làm chủ của nhân dân; coi trọng quyền làm chủ của nhân dân trong thực tiễn gắn với thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở đặc biệt là phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Ba là, bám sát thực tiễn của đời sống xã hội; chủ động, sáng tạo trong mọi nhiệm vụ cách mạng.
Thực tiễn cuộc sống và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng luôn vận động biến đổi không ngừng, vì vậy quá trình công tác mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên bám sát thực tiễn đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời, cần phát huy tốt tinh thần chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể, chống biểu hiện của tư tưởng “kinh nghiệm chủ nghĩa” hay những cách làm rập khuôn, máy móc, sách vở mà thiếu tính sáng tạo./.
--------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Văn kiện lịch sử Ðảng, Nxb. Sự Thật, H, 1964, t. 8, tr. 129
(2) Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 79
(3), (4), (5) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Kim Đồng, H, 2004, tr. 125, 81, 81
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 212
Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam biểu hiện trong chiến thắng Điện Biên Phủ  (07/05/2014)
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ - qua lời kể của những người lính Nga  (07/05/2014)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ  (07/05/2014)
Tòa bác kháng cáo, y án tử hình đối với Dương Chí Dũng  (07/05/2014)
Xây dựng Cộng đồng ASEAN thành công, tiếp tục phát triển  (07/05/2014)
Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thi hành Hiến pháp  (07/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển