TCCSĐT - Khủng hoảng ở Ukraine trong tuần qua tiếp diễn với những cuộc biểu tình, chiếm giữ trụ sở các cơ quan chính quyền ở các khu vực công nghiệp quan trọng ở Đông Nam Ucraine: Donetsk, Lugansk và Kharkov…

Biểu tình ở các tỉnh Đông Nam Ucraine

Theo AFP, khoảng 200 người biểu tình ngày 12-4 đã ập vào trụ sở cảnh sát của thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine. Những người biểu tình trên đã không vấp phải sự kháng cự nào.

Theo Reuters, cũng ngày 12-4, cảnh sát Ukraine cho biết các phần tử vũ trang đã chiếm một đồn cảnh sát tại thành phố Slaviansk, miền Đông Ukraine.

Theo quyền Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov, các phần tử vũ trang sử dụng súng máy cũng đã nổ súng vào các đồn cảnh sát tại 2 thành phố khác thuộc vùng Donetsk là Kramatorsk và Krasnyi Lyman. Trước đó, những phần tử ly khai được trang bị súng tự động đã dùng lốp ô tô và bao cát để lập nên các chốt kiểm soát tại những con đường dẫn đến thành phố Slaviansk từ Donetsk và Lugansk.

Trước đó, cùng ngày, cảnh sát Ukraine cho biết các phần tử vũ trang đã chiếm thêm một tòa nhà ở thành phố miền Đông Slaviansk, là trụ sở của cơ quan an ninh quốc gia (SBU) ở thành phố này.

Trong khi đó, tòa nhà văn phòng công tố Donetsk, chính quyền Donetsk đã nhiều ngày nay thuộc quyền kiểm soát của những người biểu tình. Họ thiết lập chiến lũy, vành đai bảo vệ phòng ngừa tấn công của các lực lượng đặc nhiệm của Kiev. Những người biểu tình tổ chức lực lượng tự vệ, cứu trợ y tế trong khu vực và liên tục được người dân tiếp tế lương thực, thực phẩm,…

Tại Lugansk cũng vậy, đã nhiều ngày nay người biểu tình chiếm giữ trụ sở cơ quan an ninh Ucraine tại Lugansk, xây dựng chiễn lũy và hàng rào bảo vệ. Hiện nay, tại các tỉnh miền Đông Ukraine là Donetsk, Lugansk và Kharkov, các cuộc biểu tình đòi quyền tự chủ nhiều hơn, đòi liên bang hóa Ucraine và quy chế chính thức cho tiếng Nga đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, lan rộng.

Phản ứng của Kiev

Quyền Tổng thống Ukraine Oleksander Turchinov ngày 12-4 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh và quốc phòng.

Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết cuộc họp sẽ có sự tham dự của những quan chức an ninh và quốc phòng quyền lực nhất của ông Turchinov.

Ukraine đã cáo buộc Nga đứng sau những "hành động" trên song phía Nga đã bác bỏ việc hỗ trợ các phần tử ly khai.

Theo Itar-tass, ngày 12-4, Bộ Nội vụ Ukraine đã ra tuyên bố bộ này sẽ có những phản ứng mạnh mẽ chống lại những nỗ lực làm mất ổn định đất nước, đặc biệt là ở phía Đông Nam của Ukraine.

"Bộ Nội vụ sẽ có phản ứng mạnh mẽ với những nỗ lực cố ý làm mất ổn định tình hình, vi phạm trật tự công cộng và gây rối loạn công cộng trên toàn bộ lãnh thổ của Ukraine, đặc biệt tại khu vực, nơi các hoạt động đặc biệt được tiến hành để giải quyết tình hình như vùng Donetsk, Lugansk và Kharkov. Tất cả những ai sẽ vi phạm pháp luật, không phân biệt các khẩu hiệu tuyên bố và đảng phái, sẽ bị giam giữ, và tòa án sẽ xác minh mức độ trách nhiệm của những người bị bắt giữ." trích tuyên bố của Bộ Nội vụ Ukraine.

Bộ trên cũng cảnh báo rằng các điều luật "nặng" của Bộ luật hình sự Ukraine sẽ được áp dụng cho các cá nhân tham gia biểu tình bạo loạn.

Trước đó, trong một nỗ lực giải quyết tình hình, Chính phủ tạm quyền Ucraine ra tối hậu thư, yêu cầu những người biểu tình giải tán, trả lại trụ sở các cơ quan công quyền trong vòng 48 giờ (từ trưa ngày 9 đến trưa ngày 11-4 theo giờ địa phương). Chính phủ tạm quyền bảo đảm không truy cứu trách nhiệm của những người biểu tình. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng tạm quyền hứa sẽ xem xét gia tăng quyền lực cho các khu vực cũng như quyền được sử dụng tiếng Nga.

Tuy nhiên, thời hạn 48 giờ đã trôi qua mà tình hình không những không được giải quyết mà còn có những diễn biến phức tạp hơn.

Bất tuân lệnh trong các cơ quan chính quyền Ucraine

Ngày 12-4, Thị trưởng Slavyanka tuyên bố chống lại chính quyền trung ương Kiev và thông báo tất cả tòa nhà công quyền ở thành phố đã bị người biểu tình chiếm giữ, quốc kỳ Nga hoặc cờ ly khai được kéo lên thay thế quốc kỳ Ukraine. "Tôi đã viết thư cho quyền Thủ tướng Ukraine ba ngày trước, nói rằng đây là thời điểm để đàm phán," thị trưởng Slavyansk Nelly Shtepa nói. “Ngày hôm nay, cả Slavyansk đổ ra đường để hỗ trợ những người biểu tình. Cờ Ukraine trên các tòa nhà công quyền đã được hạ xuống và quốc kỳ Nga đã được kéo lên."

Truyền thông Ukraine ngày 11-4 cho biết các chỉ huy lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Alpha của Ukraine đã từ chối tuân lệnh chính quyền Kiev tấn công các tòa nhà tại Donetsk và Lugansk.

Một chỉ huy Alpha được dẫn lời nói: “Chúng tôi sẽ làm việc chỉ trong khuôn khổ luật pháp. Các đơn vị của chúng tôi được thành lập để giải phóng con tin và chống khủng bố.”

Các sỹ quan đã thông báo về quyết định được đưa ra trong các cuộc họp của lực lượng an ninh tại Donetsk và Lugansk, đáp lại yêu cầu trước đó của Phó Thủ tướng tạm quyền thứ nhất Vitaly Yarema và quyền Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSDC) Andrey Parubi Quốc hội chỉ định.

Theo Itar-tass và kênh truyền hình Nga 24, các thành viên cảnh sát đặc biệt Donetsk, phần lớn là các cựu cảnh sát Berkut, đã từ chối tới Slavyansk, nơi các tòa nhà công quyền đã bị người biểu tình chiếm giữ.

Phóng viên kênh truyền hình Nga 24 cho biết các thành viên lực lượng cảnh sát đặc biệt được gửi đến Slavyansk, nhưng họ từ chối chấp hành lệnh và quay lại nơi doanh trại ở Donetsk.

"Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình hòa bình và chúng tôi sẽ không tuân theo chính quyền Kiev bởi vì chúng tôi không biết ai là hợp pháp ở đó," một thành viên của lực lượng cảnh sát đặc biệt nói với phóng viên RIA Novosti.

Reuters đưa tin, ngày 12-4, cảnh sát trưởng thành phố Donetsk Kostyantyn Pozhydayev, đã tuyên bố sẽ từ chức, qua đó khuất phục trước yêu cầu của những người biểu tình ủng hộ Nga.

Phát biểu trước những người biểu tình, ông Pozhydayev nói: ''Theo yêu cầu của các bạn, tôi sẽ từ chức.''

Cuộc gặp 4 bên Mỹ, Nga, EU và Ucraine có là giải pháp

Theo AFP, ngày 12-4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo người đồng cấp Nga, ông Sergei Lavrov, rằng Moskva sẽ phải "lãnh" thêm hậu quả nếu không giảm căng thẳng tại Ukraine và rút quân đội khỏi khu vực giáp giới với quốc gia láng giềng Đông Âu này.

Phát biểu trong cuộc điện đàm với ông Lavrov, ông Kerry nêu rõ "nếu Nga không thực hiện các bước đi nhằm giảm căng thẳng tại Đông Ukraine và rút quân khỏi khu vực giáp giới với Ukraine, Moskva sẽ phải nhận thêm hậu quả."

Washington đã liên tục hối thúc Moskva giảm leo thang căng thẳng và rút quân đội Nga khỏi đường biên giới phía đông với Ukraine.

Một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã được công bố, đưa nhiều quan chức và doanh nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin vào danh sách đen để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ đến Ukraine vào ngày 22-4 để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev và những bước đi nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Ukraine trong bối cảnh Kiev đang có cuộc khủng hoảng với nước láng giềng Nga.

Từ phía Nga, phát biểu trên truyền hình "Nước Nga I" ngày 11-4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nga không chủ trương sáp nhập miền Đông Nam của Ukraine vì điều đó đi ngược lại lợi ích cơ bản của Liên bang Nga.

Ông Lavrov khẳng định tại miền Đông Nam Ukraine đang diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính quyền lâm thời ở Kiev, nhưng không có sự hiện diện của quân đội cũng như các nhân viên tình báo Nga.

Nga khẳng định việc ổn định tình hình trong nước Ukraine phải thuộc trách nhiệm của người dân và lãnh đạo nước này. Vì vậy, Nga phản đối mọi đề xuất về đưa mọi lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế và Liên hợp quốc vào Ukraine.

Nga cho rằng Kiev cần tiến hành đối thoại với các khu vực để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.

Về tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ xác nhận cuộc gặp bốn bên (Nga-Mỹ-EU-Ukraine) để tìm giải pháp cho khủng hoảng tại Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 17-4 tới tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Lavrov nhấn mạnh Nga sẵn sàng tham dự cuộc họp trên.

Tuy nhiên, khả năng triệu tập cuộc gặp vẫn còn để ngỏ tùy thuộc vào quyết định của chính quyền mới ở Kiev có sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc biểu tình tại miền Đông Nam hay không. Nếu vũ lực xảy ra tại miền Đông Ukraine do lỗi của Kiev thì cuộc gặp bốn bên sẽ bị phá vỡ.

Ngoại trưởng Lavrov đã bày tỏ lo ngại về khả năng Kiev dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây để làm cho tình hình xung đột leo thang ở các tỉnh - thành Đông Nam Ukraine.

Ông Lavrov đã kêu gọi chính quyền lâm thời tại Kiev thể hiện trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, cùng với lãnh đạo tất cả các lực lượng chính trị và các vùng miền bàn bạc giải pháp cho những vấn đề phức tạp nhất hiện nay của Ukraine.

Nga cảnh báo Mỹ rằng bất cứ sự can thiệp vũ trang nào của nhà chức trách Ukraine vào miền Đông Ukraine cũng sẽ đều phá hoại những nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột và đe dọa cuộc đàm phán hòa bình.

Bất cứ hành động sử dụng vũ lực nào nhằm vào người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine “cũng sẽ phá hoại tiềm năng hợp tác, trong đó có việc tổ chức cuộc gặp 4 bên đã được lên kế hoạch” vào ngày 17-4 tại Geneva giữa Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Trong một động thái có liên quan, ngày 12-4, bà Marine Le Pen - lãnh đạo Mặt trận Dân tộc theo đường lối cực hữu của Pháp, đã lên tiếng ủng hộ việc liên bang hóa Ukraine trong chuyến thăm tới Nga.

Theo RIA Novosti, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin, bà Le Pen, người đồng thời cũng là nghị sĩ nghị viện châu Âu, đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Nga trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, là tăng thêm quyền lực cho các khu vực của nước này.

Lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Pháp cũng chỉ trích Liên minh châu Âu EU đã ban bố lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức Nga.

“Chúng tôi đánh giá quyết định liên bang hóa là hoàn toàn không ngoan,” RIA dẫn lời bà Le Pen. “Tôi rất ngạc nhiên khi EU lại thực thi chính sách kiểu Chiến tranh Lạnh chống lại Nga, điều hoàn toàn không phù hợp với truyền thống hữu nghị giữa các quốc gia.”

“Tôi tiếp tục cho rằng trừng phạt, hay thậm chí là đe dọa trừng phạt, là một biện pháp phản tác dụng.”

Bà Le Pen không phải là lãnh đạo cực hữu châu Âu đầu tiên chỉ trích chính sách của EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tháng trước, Nigel Farage, lãnh đạo đảng UK Independence cũng cáo buộc châu Âu đã “vấy máu” khi ủng hộ người biểu tình thân phương Tây lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych./.