Nhãn môi trường và vấn đề ứng dụng ở Việt Nam

Doãn Công Khánh Giám đốc Trung tâm Môi trường, Bộ Công Thương
22:45, ngày 01-04-2014

TCCSĐT - Để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong thị trường lớn, nơi mà sức ép về các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư và các nhà sản xuất buộc phải có hành động làm giảm nhẹ những tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.



Nhãn môi trường


Muốn được sự thừa nhận của xã hội và cộng đồng, thu hút sự chú ý của khách hàng đối với các nỗ lực vì môi trường, tại một số nước, ngoài việc xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004, các nhà sản xuất đã và đang tạo sự phân biệt cho những sản phẩm của mình bằng cách tham gia chương trình dán nhãn môi trường cho sản phẩm.

Theo Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO), nhãn môi trường là “sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí kỹ thuật, quảng cáo hoặc các hình thức khác”.

Mạng lưới nhãn môi trường toàn cầu định nghĩa: “Nhãn môi trường (eco - label) là nhãn chỉ ra tính ưu việt về mặt môi trường của một sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại dựa trên các đánh giá vòng đời sản phẩm”.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Ngân hàng Thế giới (WB) “Nhãn môi trường là một công cụ chính sách do các tổ chức phát hành ra để truyền thông và quảng bá tính ưu việt tương đối về tác động tới môi trường của một sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại”.

Hoạt động công bố và dán nhãn môi trường phải tuân thủ 9 nguyên tắc được nêu trong tiêu chuẩn ISO 14020:1998, cụ thể như sau:

1- Nhãn môi trường phải phản ánh chính xác, có thể đánh giá - xác minh được, không gây nhầm lẫn hoặc khó hiểu;

2- Nhãn môi trường không được tạo ra rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, có thể so sánh (bảo đảm được tính nổi trội về môi trường so với sản phẩm có cùng chức năng);

3- Các công bố và nhãn môi trường phải dựa trên phương pháp khoa học một cách đầy đủ và hệ thống để minh chứng cho thông tin công bố đồng thời đưa ra kết quả chính xác và có khả năng tái lập;

4- Các thông tin liên quan được sử dụng làm tư liệu cho các công bố và nhãn môi trường phải sẵn sàng để cung cấp cho các bên hữu quan khi có nhu cầu;

5- Việc xây dựng công bố và nhãn môi trường phải dựa trên việc xem xét các khía cạnh môi trường liên quan đến vòng đời sản phẩm;

6- Công bố và nhãn môi trường không được ngăn cấm các sáng kiến nhằm duy trì và cải tiến hoạt động môi trường;

7- Các thủ tục hành chính hoặc yêu cầu thông tin liên quan đến công bố và nhãn môi trường chỉ giới hạn ở những điều cần thiết để thiết lập sự phù hợp với tiêu chí môi trường sản phẩm và yêu cầu sử dụng nhãn;

8- Quá trình xây dựng công bố và nhãn môi trường cần có sự tham gia, góp ý và nhất trí của các bên hữu quan;

9- Thông tin về khía cạnh môi trường của sản phẩm, dịch vụ liên quan tới công bố và nhãn môi trường phải sẵn có tại bên xây dựng để cung cấp cho khách hàng và khách hàng tiềm năng.

Đối với cơ sở tham gia chương trình nhãn môi trường, việc tự công bố hoặc được cấp giấy chứng nhận nhãn môi trường có thể đem lại một số lợi ích như:

- Sản phẩm/dịch vụ của họ sẽ được công bố trong danh bạ các sản phẩm được dán nhãn môi trường và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Có bằng chứng trực tiếp trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm, đem lại lòng tin cho người tiêu dùng, cộng đồng, nhà nhập khẩu...

- Được các cơ quan có thẩm quyền miễn hoặc giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra về môi trường.

- Là giấy thông hành vượt qua các “rào cản xanh” để vào một số thị trường đặc biệt khi có yêu cầu.

- Nhãn môi trường có thể được sử dụng trong tài liệu đấu thầu, quảng cáo, mở rộng thị trường...

- Tạo sự gắn bó, niềm tự hào và lòng tin cho cán bộ, nhân viên.

Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng nhãn môi trường ở Việt Nam

Ở Việt Nam, khái niệm “Nhãn môi trường hay nhãn sinh thái ” vẫn còn khá xa lạ với người sản xuất và người tiêu dùng. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tư vấn công nghệ môi trường tại 526 doanh nghiệp trên địa bàn 18 tỉnh, thành trong cả nước thì chỉ có 47 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 9%), 26 doanh nghiệp liên doanh (chiếm 5%) và 10 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 2%) là quan tâm tới vấn đề nhãn môi trường. 

Thực tế hiện nay cho thấy những tiêu chuẩn cơ bản liên quan đến nhãn môi trường đã được tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) thiết lập. Chúng ta có thể kế thừa để triển khai được cả 3 loại nhãn mà thế giới đã làm. Đồng thời, có thể tham khảo cách làm cụ thể của một số nước như Hoa Kỳ, Ốt-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Xin-ga-po... Hiện chúng ta đã có Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) có thể cấp giấy chứng nhận ISO 14001:1996. Đây là nền tảng hết sức cơ bản để triển khai công tác chứng nhận nhãn môi trường theo thông lệ và bài bản của quốc tế. Ngoài ra, có thể tận dụng sự hỗ trợ của các chính phủ hoặc của các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến vấn đề môi trường để đào tạo nhân lực thực hiện chương trình. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình nhãn môi trường, chúng ta sẽ gặp phải một số khó khăn như:

- Nhận thức của xã hội nói chung về vấn đề môi trường còn ở mức hạn chế, nên áp lực cho việc dán nhãn từ phía Chính phủ cũng như người tiêu dùng chưa cao.

- Kiến thức về đặc tính môi trường của sản phẩm còn rất hạn chế đối với hầu hết những người làm công tác quản lý môi trường ở cấp cơ sở cũng như người sử dụng sản phẩm nên việc công bố rộng rãi các báo cáo kỹ thuật môi trường cũng ít có ý nghĩa (vì không hiểu hoặc ít thông tin thì khi nhà sản xuất công bố rộng rãi các đặc tính môi trường cụ thể cũng khó thuyết phục rằng như thế là tốt, là hơn hẳn).

- Tính tự giác và tự cam kết của người áp dụng sẽ là yêu cầu tiên quyết cho sự thành công của việc triển khai nhãn tự công bố. Nếu thiếu nhận thức về tác động môi trường gây nên bởi các hoạt động của mình thì tính tự giác và tự cam kết sẽ không cao, dẫn đến việc dán nhãn tự công bố kém độ tin cậy. Việc này làm cho người tiêu dùng có thể bị nhiễu, bị định hướng sai bởi những người làm chưa tốt nhưng lại rùm beng trong công bố hoặc quảng cáo.

Để xây dựng chương trình và mô hình cấp nhãn môi trường ở Việt Nam 

a) Về xây dựng chương trình

Lựa chọn sản phẩm/nhóm sản phẩm 

Trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, có thể lựa chọn thực hiện chương trình cấp nhãn môi trường cho một số nhóm sản phẩm thân thiện môi trường, như:

- Các nhóm sản phẩm được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, dây chuyền công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, phát tán ít chất thải (chè, dừa, gỗ cao su, vật liệu xây dựng…);

- Các loại sản phẩm mà việc tiêu thụ chúng không ảnh hưởng xấu đến môi trường trái lại còn có các tác động tích cực trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường đất, nước, không khí như các sản phẩm tái chế, tái sử dụng, các sản phẩm tiêu thụ ít năng lượng hoặc những sản phẩm thay thế (sản phẩm dệt, giấy lụa, thuỷ tinh, nhựa tái chế, giấy bao gói, bóng đèn tiết kiệm điện…); 

- Các loại hình dịch vụ được coi là thân thiện với môi trường như dịch vụ thu gom rác thải, thu gom phế liệu, dịch vụ xử lý chất thải bệnh viện, dịch vụ công viên cây xanh, dịch vụ du lịch sinh thái...

Lập tiêu chí 

Trong giai đoạn đầu thử nghiệm chương trình ở Việt Nam, chỉ nên giới hạn ở việc đánh giá các thuộc tính của sản phẩm cuối cùng, sau đó sẽ dần điều chỉnh và mở rộng đến việc đánh giá các quá trình khác. Trước mắt, các nhóm tiêu chí cơ bản sau có thể được sử dụng: 

- Tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu;

- Phát sinh ít chất thải;

- Có khả năng tái chế, tái sử dụng; 

- Giảm ô nhiễm và có tác dụng cải thiện môi trường đất, nước, không khí.

Các tiêu chí cần được xem xét thường xuyên trên cơ sở những thay đổi của công nghệ, thị trường, yêu cầu ưu tiên về môi trường, sự xuất hiện của các sản phẩm mới cũng như thay đổi nhận thức về môi trường, sản phẩm của các nhà sản xuất và người tiêu dùng… Trong những khoảng thời gian nhất định (từ 3 năm đến 5 năm theo kinh nghiệm của nhiều nước), chương trình cần có những quyết định phù hợp về việc có nên huỷ bỏ các tiêu chí đã được xây dựng hay nên sửa đổi, bổ sung, nâng cao… hoặc tiếp tục thực hiện tiêu chí đó. 

Chấp nhận và cấp chứng nhận nhãn môi trường

Chỉ những sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chương trình nhãn môi trường mới được chấp nhận cấp chứng nhận và được phép sử dụng nhãn. Nếu kết quả đánh giá đạt yêu cầu và được chấp nhận cấp nhãn, tổ chức đánh giá và cấp nhãn có thể gửi thông báo chấp nhận đến doanh nghiệp. 

Sau khi có thông báo chấp nhận, sẽ tiến hành soạn thảo và ký kết hợp đồng cho phép doanh nghiệp sử dụng nhãn. Nội dung của hợp đồng phải ghi rõ những thông tin cơ bản về doanh nghiệp, tên sản phẩm phù hợp với tiêu chí của chương trình và thời hạn được phép sử dụng nhãn, cam kết của doanh nghiệp tuân thủ các quy chế và điều kiện ràng buộc của chương trình… Đồng thời, với việc ký hợp đồng, doanh nghiệp sẽ được nhận chứng chỉ về quyền sử dụng nhãn môi trường. Chứng chỉ này có giá trị trong một năm và doanh nghiệp có thể xin gia hạn ít nhất ba tháng trước khi hết hạn. Các doanh nghiệp được cấp chứng nhận cũng phải làm báo cáo hằng năm về tình hình thực hiện các nội dung của hợp đồng.

Công khai và tư vấn chương trình

Để ra quyết định cuối cùng về lựa chọn sản phẩm, chương trình cần dựa vào ý kiến của ban tư vấn, tổ chức đối thoại với các chuyên gia, cán bộ quản lý cũng như các cơ quan chức năng liên quan. Sau khi đã có danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm được lựa chọn và các tiêu chí môi trường liên quan, các thông tin này cần được công bố công khai trên các phương tiện thuận lợi cho việc tiếp cận. Các thông tin khác liên quan đến quy trình và thủ tục đăng ký cấp chứng nhận nhãn môi trường (như mẫu đơn, hồ sơ, danh mục và phương pháp thử nghiệm, thời hạn, địa điểm, mức phí, sử dụng nhãn…) cần được công khai cho các doanh nghiệp (trừ những thông tin thuộc phạm vi cần phải bảo mật theo quy định). Chương trình cũng nên có bộ phận thường trực để cung cấp, giải đáp những thông tin và yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, tư vấn giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về chương trình, cách đọc và sử dụng thông tin trên nhãn sản phẩm... 

b) Về mô hình quản lý cấp nhãn môi trường

Chương trình nhãn môi trường ở Việt Nam nên thành lập một hội đồng quốc gia bao gồm: ban chỉ đạo, bộ phận văn phòng, các ban chuyên môn và tổ chức đánh giá, cấp nhãn môi trường. 

Theo kinh nghiệm của nhiều chương trình nhãn môi trường đã nghiên cứu, mô hình hoạt động độc lập của các tổ chức đánh giá và cấp nhãn môi trường thường tỏ ra có hiệu quả hơn, phù hợp với xu hướng phi tập trung hoá quản lý hiện nay. Trước mắt có thể thí điểm ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, ủy quyền cho một tổ chức chuyên môn có tư cách pháp nhân, đủ năng lực để thực hiện việc đánh giá và cấp nhãn. Sau đó sẽ dần mở rộng trên phạm vi toàn quốc và có thể có nhiều tổ chức đánh giá, cấp nhãn phân bố ở các vùng, miền để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký cấp nhãn. 

Lộ trình thực hiện chương trình cấp nhãn môi trường: 

Giai đoạn 2013 - 2014:

Trong giai đoạn này nên tập trung thực hiện các công việc sau:

- Xây dựng chương trình và tổ chức mô hình. 

- Tiếp tục tiến hành các nghiên cứu chi tiết hơn về kinh nghiệm của các chương trình nhãn môi trường trên thế giới và điều kiện thực tế Việt Nam.

- Đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực hành động về môi trường cho các doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và phổ biến về chương trình nhãn môi trường.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về nhãn môi trường và bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2015 - 2016:

Từng bước áp dụng mô hình cấp nhãn môi trường cho một số mặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Theo đó: 

- Triển khai thử nghiệm việc cấp nhãn và dán nhãn cho một số nhóm sản phẩm được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, dây chuyền công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, phát tán ít chất thải (chè, sản phẩm từ cây dừa, gỗ cao su, vật liệu xây dựng…); các loại sản phẩm mà việc tiêu thụ chúng có các tác động tích cực đến môi trường như các sản phẩm tái chế, tái sử dụng, các sản phẩm tiêu thụ ít năng lượng hoặc các sản phẩm thay thế…

- Thực hiện áp dụng thí điểm việc cấp nhãn ở một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu… là những nơi có thị trường tiêu thụ lớn, nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường và nhãn môi trường tương đối cao so với các thị trường khác. 

Giai đoạn 2017 - 2018: 

Mở rộng chương trình, thực hiện chứng nhận cấp nhãn trên diện rộng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa./.