Bức tranh nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X
TCCSĐT - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, đời sống của người dân nông thôn các tỉnh, thành trong cả nước đang ngày càng được nâng cao, bức tranh nông thôn mới đã và đang hình thành ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.
Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi với 6 huyện (Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương) và thành phố (Tuyên Quang) bao gồm 129 xã, 7 phường, 5 thị trấn; địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, đặc biệt ở phía Bắc tỉnh, và địa hình thấp dần, ít bị chia cắt hơn, có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các sông ở phía Nam của tỉnh. Với điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi như vậy, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch, cố gắng triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, vận dụng sáng tạo các chính sách hỗ trợ của trung ương, đồng thời ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn… Việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 7 đã mang lại kết quả khá khả quan trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh.
Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương trong Tỉnh triển khai các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phát triển đảng viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Tỉnh còn ban hành chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ; hằng năm tổ chức rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, lập kế hoạch và cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu, chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây chính là đội ngũ cán bộ nòng cốt góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 7 vào thực tế nông thôn Tuyên Quang.
Tỉnh ủy cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng, thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch về nông, lâm nghiệp, giao thông, môi trường, đất đai. Nhiều chính sách định hướng, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Tỉnh ban hành, như: Chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách về bê-tông hóa đường giao thông nông thôn; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; làm nhà cho gia đình chính sách; hỗ trợ 3 công trình vệ sinh ở nông thôn; khuyến khích đầu tư... Các chính sách này không chỉ giúp các hộ nông dân nâng cao thu nhập, mà còn là bước đi trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, với tổng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên 3.880 tỷ đồng, Tỉnh đã có 8/30 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đến năm 2020. Đó là các chỉ tiêu về sản lượng lương thực, độ che phủ rừng, xã có điện lưới, xã phủ sóng điện thoại di động, có điểm phục vụ bưu chính viễn thông…
Nông nghiệp của Tỉnh có bước phát triển toàn diện. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2008 - 2013 tăng bình quân gần 6,4%/năm. Sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 32 vạn tấn. Trong 5 năm (2009 - 2013), toàn Tỉnh trồng được hơn 73.000 ha rừng tập trung, duy trì độ che phủ rừng đạt trên 60%. Giá trị sản xuất ngành tiểu thủ công nghiệp năm 2012 đạt hơn 800 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2008.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, nhất là về giao thông, thủy lợi, nước sạch, hệ thống lưới điện và hệ thống thông tin... khiến cho bộ mặt nông thôn ngày càng có nhiều đổi mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày một hoàn thiện, tỷ lệ thôn, bản có đường ô-tô đến trung tâm đạt hơn 99%, bê-tông hóa được 1.500 km đường giao thông nông thôn, đạt hơn 70% so với kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015. Với 324 công trình thủy lợi được tu sửa, nâng cấp và 162,6 km kênh mương được kiên cố hóa đã bảo đảm nước tưới cho hơn 80% diện tích gieo cấy, tăng 2,3% so năm 2008. Hạ tầng lưới điện, thông tin có bước phát triển, 100% xã có điện lưới, 96% thôn bản có điện lưới quốc gia và hơn 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã trên địa bàn Tỉnh được phủ sóng điện thoại di động và có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, điểm kết nối in-tơ-nét.
Vấn đề văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường cũng được quan tâm thích đáng, nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, việc quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đã được chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn Tỉnh có 111 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; có 1.669 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố, phục vụ sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng thôn bản. Toàn Tỉnh hiện có 79 chợ nông thôn (tăng 18 chợ so với năm 2008) và theo dự kiến, đến hết năm 2013 có 23 chợ đạt tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống trường học được đầu tư, nâng cấp. Trong 5 năm, toàn Tỉnh đã xây dựng 1.138 phòng học các cấp, 1.018 gian nhà công vụ, với tổng số vốn đầu tư là 468,974 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong Tỉnh.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong hầu hết các huyện đã tích cực đóng góp tiền, công lao động làm đường bê tông nông thôn, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động thiết thực như xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa; giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Cho đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh giảm xuống còn 22,63%. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch được chú trọng. Đặc biệt, Lễ hội Lồng tồng và hát Then của người Tày Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả trên, hệ thống chính trị ở các huyện, xã của Tỉnh cũng được củng cố và tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhìn chung được giữ vững. Điều đáng mừng là từ các cấp ủy, đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tới các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có những chuyển biến trong nhận thức về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Bức tranh nông thôn mới đã bắt đầu rõ nét
Có thể thấy, nông nghiệp Tuyên Quang sau 5 năm nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 đang tăng trưởng khá, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Khoa học - kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất đã nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần tăng giá trị sản lượng hàng hóa và thu nhập trên một đơn vị diện tích. Một số loại hình dịch vụ, thủ công nghiệp ở nông thôn bước đầu đã có chuyển biến. Công tác huy động các nguồn lực có nhiều đổi mới, như thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn, huy động đóng góp của nhân dân để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày một nâng cao.
Những kết quả trên đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang ngày một khởi sắc. Hầu hết các xã trong toàn Tỉnh đều đạt từ 5 - 15 trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó chủ yếu là các tiêu chí về quy hoạch, bưu điện, an ninh, trật tự, hệ thống tổ chức chính trị và xã hội vững mạnh. Điển hình nhất là các xã như Mỹ Bằng (Yên Sơn) đạt 15 tiêu chí, An Khang (thành phố Tuyên Quang) đạt 14 tiêu chí, tiếp đến là các xã Bình Xa (Hàm Yên), Kim Bình (Chiêm Hóa), Thượng Lâm (Lâm Bình), Năng Khả (Nà Hang).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 ở tỉnh Tuyên Quang vẫn tồn tại một số mặt hạn chế. Cụ thể là, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Chưa hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sản xuất nông, lâm nghiệp ở nhiều nơi còn manh mún, phân tán, chưa tạo được nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh còn chậm, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa thấp. Hơn nữa, một bộ phận nông dân còn thiếu việc làm, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở nhiều địa phương, kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn; việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; các hợp tác xã nông, lâm nghiệp hoạt động đạt hiệu quả chưa cao. Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có mặt còn hạn chế. Tình hình an ninh, trật tự ở một số xã còn tiềm ẩn phức tạp; một số xã vẫn xảy ra các hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Chính quyền cơ sở một số nơi thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong công tác quản lý, điều hành; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi còn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngân sách nhà nước. Tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt đề án quy hoạch nông thôn mới của các xã còn chậm; việc lập quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất, quy hoạch trung tâm xã; chất lượng đề án quy hoạch của nhiều xã còn thấp. Công tác theo dõi, đánh giá một số tiêu chí nông thôn mới ở một số nơi còn lúng túng.
Giải pháp đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thắng lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Cụ thể là:
Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực giai đoạn 2011 - 2020; tiếp tục rà soát các quy hoạch liên quan đến nông nghiệp, kinh tế nông thôn để điều chỉnh, bổ sung kịp thời bảo đảm phù hợp với thực tế. Cần tập trung xây dựng các quy hoạch lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang nói chung, các cấp huyện, xã nói riêng giai đoạn 2011 - 2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp, tạo điều kiện để người trồng rừng tăng thu nhập và làm giàu từ nghề rừng.
Thứ hai, tập trung thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống lưới điện nông thôn, công trình cấp nước sạch, đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, xây dựng trạm y tế, các công trình văn hóa, chợ ở nông thôn... Tăng cường nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn; nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống khuyến nông; từng bước cơ giới hóa, tăng hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng chăn nuôi gia súc như trâu thịt, bò thịt, lợn hướng nạc…, tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ các loại cây trồng như: chè, mía, cam, lạc và các nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Quản lý chặt chẽ diện tích chuyên trồng lúa theo quy hoạch, bảo đảm giữ vững an ninh lương thực. Thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ với các hình thức phù hợp để tăng năng suất, sản lượng và giá trị. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến nông sản; tiếp tục củng cố và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế ở nông thôn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch.
Thứ tư, thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo điều kiện để người nghèo, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách tự vươn lên thoát nghèo; huy động cộng đồng hỗ trợ người nghèo, chống tái nghèo. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo cán bộ, nâng cấp các trạm y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở nông thôn./.
Tăng cường hợp tác bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản  (18/03/2014)
Tổng Bí thư làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế  (18/03/2014)
Đổi mới văn hóa ở Việt Nam  (17/03/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 10 đến ngày 16-3-2014  (17/03/2014)
Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại cho các nhà báo  (17/03/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên