TCCSĐT - Ngày 16-3-2014, Chủ tịch Hội đồng cấp cao Crưm về chuẩn bị và tổ chức trưng cầu ý dân Mi-kha-in Ma-lư-sép (Mikhail Malyshev) cho biết, 95,7% cử tri nói “Có” với kịch bản sáp nhập Crưm vào Nga với tư cách một chủ thể liên bang, 3,5% muốn Crưm ở lại U-crai-na và 1% số phiếu còn lại không hợp lệ.

Báo động tình trạng thiếu lương thực ở châu Á - Thái Bình Dương

 

Sản xuất lương thực trên thế giới từ nay đến năm 2050 cần tăng 60% để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ cho nhân loại. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 10-3-2014, tại Hội nghị về an ninh lương thực tổ chức tại Thủ đô U-lan Ba-to của Mông Cổ, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng sản xuất lương thực trên thế giới từ nay đến năm 2050 cần tăng 60% để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ cho nhân loại. Theo báo cáo của FAO, mặc dù nhu cầu lương thực trên thế giới ngày càng tăng, song ngân sách dành cho nghiên cứu phát triển nông nghiệp lại giảm đi một cách đáng kể. Do vậy, các chuyên gia lo ngại trong tương lai, cung sẽ tăng chậm hơn cầu. Đặc biệt, tình trạng thiếu lương thực sẽ là gánh nặng cho những quốc gia chậm phát triển - nơi có tỷ lệ dân số tăng cao. Tại những quốc gia nghèo, sản lượng nông nghiệp phải tăng 77% mới có thể cung cấp đầy đủ lương thực cho nhân loại và nếu mục tiêu này không đạt được thì chỉ riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có hơn 500 triệu người bị suy dinh dưỡng.

FAO cũng cảnh báo tình trạng thiếu lương thực trầm trọng sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra bạo loạn xã hội, khủng hoảng chính trị, nội chiến và khủng bố. Hiện trên thế giới có khoảng 842 triệu người bị thiếu dinh dưỡng và 2/3 trong số đó sống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là nơi 20% trẻ em bị thiếu ăn. Trước tình trạng đó, FAO kêu gọi các nước châu Á cần tăng diện tích trồng trọt hoặc nâng cao sản lượng nông nghiệp.

Mỹ La-tinh thống nhất quan điểm về kinh tế xanh và đa dạng sinh học

Từ ngày 12-3 đến ngày 14-3-2014 đã diễn ra Hội nghị lần thứ 19 của Diễn đàn các Bộ trưởng Môi trường khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê tại thành phố Lốt Ca-bốt, bang Ba-ha Ca-li-pho-ni-a Xu-rơ, miền Tây Bắc Mê-xi-cô. Hội nghị lần này tập trung vào hai chủ đề chính là phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.

Trong lời khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên nước chủ nhà, Hoan Hô-xê Ghê-ra A-bút (Juan José Guerra Abud) nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp, cho rằng xóa đói giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ La-tinh. Ông H. A-bút khẳng định, để thực hiện thành công ưu tiên này, các nước khu vực cần chú trọng tăng trưởng bền vững, tuyệt đối tôn trọng môi trường và cùng nỗ lực hành động chống lại những tác động của quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Theo Bộ trưởng H. A-bút, các nước Mỹ La-tinh cần có chung quan điểm và nguyên tắc liên quan đến phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu trước khi đến dự Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu dự kiến sẽ diễn ra tại Pê-ru vào cuối năm nay.

Tăng cường phòng, chống tội phạm ma túy

Ngày 13-3-2014, tại Viên (Áo), Ủy ban phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã tổ chức khóa họp lần thứ 57 để thảo luận việc thực hiện Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. Theo thông báo của Trung tâm thông tin Liên hợp quốc, phát biểu khai mạc khóa họp, ông Gian Ê-li-a-xơn (Jan Eliasson), Phó Tổng Thư ký thứ nhất Liên hợp quốc khẳng định rằng ma túy đang trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến tất cả mọi người. Hàng triệu người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em đã trở thành nạn nhân với cuộc sống hoàn toàn không bình thường, mất khả năng lao động, hoặc phải ngồi tù. Ma túy tiếp tục phá hoại xã hội, làm băng hoại đạo đức con người, sinh ra nhiều loại tội phạm khác nhau và gây ra dịch bệnh, đặc biệt là bệnh suy giảm khả năng miễn dịch HIV/AIDS...

Ông Gi. Ê-li-a-xơn đặc biệt lưu ý cộng đồng quốc tế về các loại ma túy mới được điều chế có tác hại ghê gớm đối với sức khỏe và mạng sống con người. Theo ông, đây thực sự là đòn tấn công vào hệ thống y tế toàn cầu. Ông kêu gọi các quốc gia, các cộng đồng dân cư cùng hợp tác để tuyên truyền về tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người, cũng như sự phát triển của cộng đồng và xã hội, đồng thời có các biện pháp mạnh mẽ chống lại việc trồng cây, tàng trữ, buôn bán và sử dụng trái phép ma túy. Để làm được như vậy, Gi. Ê-li-a-xơn khẳng định, tất cả các quốc gia cần thực hiện nghiêm túc và triệt để Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy đã được Liên hợp quốc thông qua.

Đa số cử tri Crưm ủng hộ sáp nhập Nga

 

Người dân Xim-phê-rô-pôn thức trắng đêm chờ kết quả bỏ phiếu. Ảnh: RIA/TTXVN

Ngày 16-3-2014, Chủ tịch Hội đồng cấp cao Crưm về chuẩn bị và tổ chức trưng cầu ý dân Mi-kha-in Ma-lư-sép (Mikhail Malyshev) cho biết, 95,7% cử tri nói “Có” với kịch bản sáp nhập Crưm vào Nga với tư cách một chủ thể liên bang, 3,5% muốn Crưm ở lại U-crai-na và 1% số phiếu còn lại không hợp lệ. Người Crưm ở các thành phố Xim-phê-rô-pôn và Xê-va-xtô-pôn của U-crai-na đã sẵn sàng ăn mừng kết quả trưng cầu ý dân ở Crưm. Hầu hết những người được hỏi ý kiến đều bày tỏ tin tưởng cuộc trưng cầu ý dân lần này sẽ đưa họ trở về “gia đình Nga”.

Trong cuộc điện đàm ngày 16-3 Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp và người đồng cấp Mỹ Gi. Ke-ri nhất trí sẽ tiếp tục tiếp xúc để tìm giải pháp cho khủng hoảng tại U-crai-na, thông qua việc sớm cải cách hiến pháp. Hai bên cũng thỏa thuận cuộc cải cách hiến pháp này sẽ được tổ chức với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, được các bên chấp thuận và tôn trọng lợi ích của tất cả khu vực của U-crai-na.

Ma-lai-xi-a đề nghị 25 nước hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích

Trong bối cảnh chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng hàng không quốc gia Ma-lai-xi-a bước sang ngày thứ chín và tiếp tục cần nhiều nguồn lực, ngày 16-3-2014, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã đề nghị 25 nước hỗ trợ tìm kiếm và đã nhận được những phản hồi tích cực. Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a Hi-sam-mu-đin Hu-xen (Hishammuddin Hussein) cho biết, Thủ tướng Ma-lai-xi-a đã điện đàm với Thủ tướng Băng-la-đét, Tổng thống Tuốc-mê-ni-xtan, Tổng thống Ca-dắc-xtan và Thủ tướng Ấn Độ về công tác phối hợp tìm kiếm. Chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a cũng có cuộc họp báo với 22 nước liên quan đến hai vành đai Bắc (trải dài từ biên giới Ca-dắc-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan tới miền Bắc Thái Lan) và vành đai Nam (từ In-đô-nê-xi-a tới phía Nam Ấn Độ Dương). Ông H. Hu-xen cho biết, các nước này tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Ma-lai-xi-a trong chiến dịch tìm kiếm. Ngoài ra, Ma-lai-xi-a cũng yêu cầu các nước có vệ tinh như Mỹ, Trung Quốc, Pháp cũng như một số nước khác cung cấp thêm những dữ liệu vệ tinh và phân tích khả năng tìm kiếm trên mặt đất; dữ liệu ra-đa; các phương tiện trên biển và trên không.

Về công tác điều tra của cảnh sát, ông H. Hu-xen cho biết, theo trình tự thông thường, Cảnh sát Hoàng gia Ma-lai-xi-a đang điều tra tất cả phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay MH370 cũng như các kỹ sư, nhân viên điều khiển mặt đất, những người có liên quan tới máy bay MH370 trước khi nó cất cánh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng H. Hu-xen còn tiết lộ cảnh sát Ma-lai-xi-a đã tới điều tra tại nhà riêng của cơ trưởng và cơ phó trên chiếc máy bay bị mất tích. Theo hãng hàng không quốc gia Ma-lai-xi-a, cả hai người này đều không đưa ra đề nghị được bay cùng chuyến./.