Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến ngày 17-11-2013)
1. Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII
Ngày 11-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; Xem xét về công tác nhân sự. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Ngày 12-11, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Theo đó, số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIII tăng lên 01 người thành tổng số 05 Phó Thủ tướng. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này với 87,75% đại biểu tán thành. Quốc hội cũng đã nghe và thảo luận về Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ;... Buổi chiều, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Ngày 13-11, Quốc hội tiếp tục xem xét về công tác nhân sự và nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Đồng thời, tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 14-11, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Ngày 15-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 và tiếp tục xem xét về công tác nhân sự. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Ngày 16-11, Quốc hội tiếp tục xem xét về công tác nhân sự, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư công và thông qua Luật Việc làm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
2. Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông
Từ ngày 11 đến 12-11, tại Hà Nội, với gần 40 tham luận và gần 100 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận về bối cảnh và diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Các đại biểu đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm giảm bớt sự khác biệt, tăng cường hợp tác khu vực, phương hướng áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định tại Biển Đông và khu vực.
Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực áp dụng các nguyên tắc và biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Kinh nghiệm cho thấy, các tranh chấp có thể được giải quyết thành công thông qua đàm phán và các cơ quan tài phán.
3. Tổng thống Liên bang Nga kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Ngày 12-11, Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Nga V.Putin đã có buổi hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong các cuộc tiếp xúc, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại của mỗi nước; trao đổi ý kiến về các vấn đề quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện; cho rằng quan hệ chính trị Việt - Nga đang phát triển mạnh mẽ với độ tin cậy cao, thống nhất sẽ tiếp tục cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, mở rộng các kênh hợp tác theo đường Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, bộ, ngành và các địa phương. Hai bên nhấn mạnh ưu tiên phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; khẳng định tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, giao thông, bao gồm cả hàng không dân dụng, đóng tàu, chế tạo máy, thông tin liên lạc và viễn thông.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; chứng kiến lễ ký một loạt văn kiện hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin cũng đã tham dự triển lãm ảnh về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nga và dự lễ khai mạc Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam.
4. Đại hội Quảng cáo châu Á lần thứ 28
Từ ngày 12 đến 14-11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Quảng cáo Châu Á (AdAsia) lần thứ 28 với chủ đề “Tái cấu trúc truyền thông quảng cáo”.
Đại hội Quảng cáo châu Á được hình thành từ năm 1958, đến nay đã trải qua 27 kỳ Đại hội và đây là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tại Đại hội lần này, nhiều diễn giả đã thuyết trình, đàm luận về những vấn đề thời sự kinh tế gắn với truyền thông quảng cáo ở châu Á trong xu thế toàn cầu hóa. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề văn hóa trong quá trình thiết kế, sáng tạo những sản phẩm quảng cáo thực sự phù hợp với nền văn hóa.
5. “Ngày Thanh niên ASEAN” lần thứ 19
Ngày 12-11, tại Hà Nội đã diễn ra “Ngày Thanh niên ASEAN” lần thứ 19 nằm trong chương trình hợp tác thanh niên ASEAN do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề “Thanh niên đoàn kết vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng”.
Trong khuôn khổ “Ngày Thanh niên ASEAN” đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ trao “Giải thưởng 10 tổ chức thanh niên xuất sắc ASEAN” (ASEAN TAYO) và “Giải thưởng Thanh niên ASEAN” cho 10 cá nhân thanh niên xuất sắc ASEAN. Trong đó, “ASEAN TAYO” là giải thưởng tôn vinh các tổ chức thanh niên tại các nước ASEAN đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; văn hóa - giáo dục; nghề nghiệp, việc làm; sức khỏe vị thành niên; thanh niên tình nguyện,… “Giải thưởng Thanh niên ASEAN” là giải thưởng tôn vinh các cá nhân tiêu biểu tại các nước ASEAN có nhiều thành tích, đóng góp đối với cộng đồng.
6. Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất
Từ ngày 14 đến 17-11, tại Sóc Trăng đã diễn ra Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất với 62 đội ghe nam và nữ đến từ 8 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng năm 2013 đã diễn ra nhiều sự kiện ấn tượng, thu hút đông đảo người dân tham quan, theo dõi như: Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ nhất, Hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, Triển lãm ảnh “Ký ức Sóc Trăng”, Hội thao dân tộc; Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc, Hội chợ thương mại và triển lãm, Hội thi Lôi Prôtip (thả đèn nước), Phục dựng Lễ cúng trăng truyền thống của đồng bào Khmer.
7. Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI”
Ngày 15-11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI”. Đây là Hội nghị quan trọng nhất về Diễn đàn APEC do Việt Nam tổ chức trong năm 2013, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia APEC (15-11-1998 - 15-11-2013).
Hội nghị gồm 2 phiên, tập trung vào nội dung: “Cục diện châu Á -Thái Bình Dương của thế kỷ XXI - Chương trình nghị sự tương lai của diễn đàn APEC” và “Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong tham gia APEC”.
8. Lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông
Ngày 16-11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng hàng chục nghìn tăng ni, phật tử, thân nhân các nạn nhân và người dân đã tham gia cầu nguyện và nghi lễ thả hoa đăng tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.
Lễ cầu siêu là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông, đồng thời chia sẻ những mất mát với người thân của họ. Đây cũng là cơ hội để mỗi cá nhân và toàn thể cộng đồng bày tỏ quyết tâm làm tất cả những gì có thể để giao thông ở Việt Nam phát triển theo hướng văn minh, an toàn./.
Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn nước ta hiện nay  (20/11/2013)
Tổng thống Cộng hòa Namibia thăm chính thức Việt Nam  (19/11/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Ấn Độ  (19/11/2013)
Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo khắc phục lũ lụt miền Trung  (19/11/2013)
Đối thoại An ninh Việt Nam - Myanmar cấp Thứ trưởng lần thứ nhất  (19/11/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay