Trong phiên làm việc sáng 16-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua hai dự án Luật là Luật việc làm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng với tỷ lệ tán thành lần lượt là 84,34% và 85,34%.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật đầu tư công.

Theo đó, Luật đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Dự Luật cũng được kỳ vọng là bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn đầu tư.

Đáng chú ý, việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công; đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, việc tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn - một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công cũng được quy định trong dự thảo luật nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.
 
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hải quan như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự án Luật Hải quan (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, tác động sâu rộng tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các quy định trong Luật liên quan đến nhiều đạo luật chuyên ngành và nhiều điều ước quốc tế. Bên cạnh yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, hiện đại hóa hải quan và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, yêu cầu nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng được đặt ra.

Do đó, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế làm thất thu ngân sách nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Mặt khác, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Về thẩm quyền tiếp tục truy đuổi của lực lượng hải quan, nhiều đại biểu tán thành như đã nêu trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng trong việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Liên quan đến việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung quy định của dự thảo Luật về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan và nhận thấy việc bổ sung này phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phù hợp với các quy định của Luật quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, để hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc áp mã số, xác định trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục thông quan, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ giá trị pháp lý của văn bản thông báo cho người khai hải quan, đồng thời xác định trách nhiệm của cơ quan hải quan trong trường hợp sai sót làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp.

Về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, một số đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan là cần thiết, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các quy định trong Công ước Kyoto của Tổ chức Hải quan Thế giới, đồng thời đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, quy định này chưa khắc phục được những hạn chế nêu trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hải quan như chưa quy định nội hàm, nguyên tắc, nội dung quản lý rủi ro nên việc hiểu, áp dụng không thống nhất cả trong và ngoài ngành hải quan đã làm hạn chế tính hiệu lực, hiệu quả của phương pháp này.

Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm và các nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan để bảo đảm tính khả thi trong các quy định của Luật.

Cũng trong chiều 16-11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận các vấn đề như kiểm tra sau thông quan; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu và việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia; thủ tục hải quan điện tử; kiểm tra sau thông quan.../.