Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14-10 đến ngày 20-10-2013)
TCCSĐT - Ngày 18-10 tại Mát-xcơ-va đã diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về an ninh và hợp tác ở Biển Đông do Viện Đông Phương học - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức.
1. Đông Nam Á cần đầu tư 1.700 tỷ USD vào kết cấu hạ tầng năng lượng
Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người của Đông Nam Á hiện nay còn thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của toàn cầu, nhưng nhu cầu được dự báo sẽ tăng hơn 80% đến năm 2035. Tới thời điểm đó, nhập khẩu dầu của Đông Nam Á sẽ tăng lên hơn 5 triệu thùng/ngày, cao gấp đôi mức tiêu thụ hiện nay, đưa khu vực trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), trong khi sản xuất dầu trong khu vực sẽ giảm gần 1/3. Tăng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu sẽ gây áp lực gia tăng chi phí khiến các nền kinh tế Đông Nam Á dễ bị tổn thương hơn trước các biến động về nguồn cung cấp năng lượng. Để bảo đảm an ninh và bền vững năng lượng, cần có sự đầu tư thích đáng với khoảng 1.700 tỷ USD vào kết cấu hạ tầng năng lượng, chiếm 60% tổng đầu tư của ngành năng lượng khu vực. Dự kiến, xuất khẩu than và khí tự nhiên của các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ giảm để đáp ứng nhu cầu trong nước gia tăng, khi 134 triệu người (tương đương hơn 1/5 dân số khu vực) chưa có điều kiện tiếp cận với điện. Mặc dù than đá là nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm nặng nề, song nó ngày càng trở nên quan trọng hơn ở Đông Nam Á, khi chiếm 50% nhiên liệu sử dụng để sản xuất điện vào năm 2035, tăng từ mức 1/3 hiện nay. Do đó, IEA đã kêu gọi các nước Đông Nam Á tăng cường áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng để có thể cắt giảm 15% nhu cầu năng lượng vào năm 2035, đồng thời cắt giảm chi tiêu về năng lượng để tăng thu nhập và kích thích hoạt động kinh tế.
2. Liên minh châu Âu thành lập hệ thống giám sát ngân hàng mới
Trong cuộc họp ngày 15-10 tại Lúc-xem-bua, các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua việc thành lập Cơ chế giám sát chung (SSM) nhằm giám sát các ngân hàng khu vực EU và các tổ chức tín dụng khác. Phát biểu sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính EU, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, Mai-cơn Ba-ni-ơ (Michael Barnier) nói rằng SSM là “trụ cột đầu tiên” của liên minh ngân hàng EU. Ông M. Ba-ni-ơ nhận định việc thành lập SSM là “bước đi quan trọng” và là “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong giám sát các ngân hàng thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”. SSM không chỉ kiểm soát các ngân hàng thuộc khu vực sử dụng đồng ơ-rô mà còn ở các quốc gia EU không nằm trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu lựa chọn tham gia. Cơ chế giám sát chung đối với hệ thống ngân hàng toàn khu vực Eurozone được trao cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho phép ECB trực tiếp giám sát khoảng 200 ngân hàng lớn nhất, có giá trị tài sản trên 30 tỷ ơ-rô (tương đương 39 tỷ USD) trong số khoảng 6.000 định chế cho vay trong khu vực và can thiệp các ngân hàng nhỏ hơn khi các ngân hàng này gặp rắc rối. Điều này đồng nghĩa mỗi quốc gia thành viên EU sẽ có tối đa 3 ngân hàng chịu sự giám sát trực tiếp của ECB.
3. P5+1 và I-ran đánh giá tích cực về kết quả đàm phán hạt nhân
Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) và I-ran đã quyết định tổ chức vòng đàm phán tiếp theo về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran vào tháng tới, sau khi I-ran đưa ra đề xuất mang tính khai thông tại vòng đàm phán vừa kết thúc ngày 16-10 ở thành phố Giơ-ne-vơ của Thụy Sĩ. Tuyên bố chung do Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Ca-thơ-rin A-stơn (Catherine Ashton) cho biết, vòng đàm phán lần này diễn ra “thực chất, tạo cơ hội cho các vòng đàm phán tiếp theo”. Đề xuất do I-ran đưa ra là “nền tảng” và “sự đóng góp quan trọng” cho tiến trình đàm phán. Các bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong các ngày 07 và 08-11 tới, cũng ở Giơ-ne-vơ. Tuyên bố ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý từ phía I-ran kể từ khi Tổng thống Hát-xan Ru-ha-ni (Hassan Rouhani) lên cầm quyền sau cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua. Không cho biết cụ thể, song tuyên bố khẳng định kế hoạch đại cương do Ngoại trưởng I-ran Mô-ham-mát Gia-vát Da-ríp (Mohammad Javad Zarif) đưa ra có thể giúp xua tan nghi ngờ xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Theo nhà đàm phán I-ran Áp-bát A-rắc-tri (Abbas Araqchi), đề xuất của I-ran bao gồm 3 bước nhằm giải quyết tranh cãi về chương trình hạt nhân của nước này trong vòng một năm tới, với bước đầu tiên có thể đạt được trong một, hai tháng tới hoặc thậm chí ít hơn. Các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất tại các cơ sở hạt nhân của I-ran là một phần trong bước đi cuối cùng. Tuy nhiên, ông Áp. A-rắc-tri khẳng định đề xuất mới liên quan đến những bước đi thích hợp “từ cả hai phía”. Liên quan kết quả vòng đàm phán mới, giới chức ngoại giao Mỹ nhận xét vòng đàm phán diễn ra căng thẳng, nhưng rất cụ thể và thẳng thắn. Phía I-ran tham gia với thái độ nghiêm túc chưa từng có từ trước tới nay và tỏ ý sẵn sàng thu nhỏ quy mô các hoạt động hạt nhân nhạy cảm nhằm đổi lấy sự nới lỏng các đòn trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ và I-ran còn bất đồng về nội dung nới lỏng các biện pháp trừng phạt (nếu có) trong trường hợp I-ran hạn chế chương trình hạt nhân.
4. Dư luận quốc tế hoan nghênh quyết định nâng mức trần nợ công của Mỹ
Cộng đồng quốc tế cũng như thị trường tài chính toàn cầu đã xuất hiện nhiều phản ứng tích cực sau khi ngày 17-10-2013, hai viện Quốc hội Mỹ đồng ý cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động trở lại và gia hạn quyền vay tiền trả nợ cho Bộ Tài chính. Tổng thống B. Ô-ba-ma đã ký ban hành dự luật chi tiêu ngân sách, chấm dứt tình trạng đóng cửa kéo dài hơn 2 tuần qua của chính phủ liên bang và nâng mức trần nợ công. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C. La-gác-đơ (Christine Lagarde) đánh giá quyết định của Chính phủ Mỹ là “quan trọng và thiết yếu”, song khẳng định nước Mỹ vẫn cần xây dựng một kế hoạch bền vững hơn về trần nợ công. Bà C. La-gác-đơ hối thúc Oa-sinh-tơn sớm thông qua một kế hoạch ngân sách cho năm 2014 và thay thế chương trình cắt giảm chi tiêu chính phủ bằng các biện pháp cắt giảm theo giai đoạn để tránh làm tổn hại đến tiến trình khôi phục của nền kinh tế, đồng thời triển khai một kế hoạch ngân sách trung hạn toàn diện và cân bằng. Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hoan nghênh động thái tháo gỡ bế tắc về trần nợ công của hai viện Quốc hội Mỹ, coi đây bước đi không chỉ mang lại lợi ích cho riêng nước Mỹ mà còn vì sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Thông tin mới nhất về cuộc chiến ngân sách Mỹ cũng đã ngay lập tức có những tác động tích cực lên thị trường tài chính. Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số 500 S&P đều tăng 1,4%. Các chỉ số chứng khoán trên nhiều thị trường đồng loạt tăng lên các mức cao trong nhiều tuần. Kết thúc phiên giao dịch 17-10, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 119,37 điểm, tương đương 0,83%, lên 14.586,51 điểm. Đồng USD tăng lên mức 99 yên/USD trong phiên giao dịch buổi sáng tại Tô-ki-ô, so với mức 98,79 yên/USD phiên 16-10 tại Niu Oóc và giảm xuống 98,51 yên/USD.
5. Quốc tế kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình
Ngày 18-10 tại Mát-xcơ-va đã diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về an ninh và hợp tác ở Biển Đông do Viện Đông Phương học - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức. Phát biểu tại Hội thảo, ông Vi-ta-li Na-um-kin (Vitaly Naumkin), Viện trưởng Viện Đông phương học đánh giá an ninh tại châu Á là một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm sát sao của dư luận quốc tế, trong đó có Nga. Nga mong muốn các bên tranh chấp cùng nhau vượt qua thách thức nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực. Các chuyên gia tham dự Hội thảo nhất trí cho rằng Việt Nam đã thể hiện lập trường xây dựng, nhất quán ủng hộ việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, kiên trì kêu gọi các bên liên quan xây dựng “lộ trình” thống nhất và mang giá trị pháp lý cao hơn để giải quyết tranh chấp như thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nhà nghiên cứu quốc tế nhấn mạnh, hòa bình và ổn định chỉ được bảo đảm trên cơ sở nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên liên quan. Trong đó, lòng tin, sự nhượng bộ lẫn nhau và cam kết không sử dụng vũ lực trong bất luận trường hợp nào đóng vai trò hết sức quan trọng; mọi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Về tương lai giải quyết vấn đề Biển Đông, các chuyên gia cho rằng các bên liên quan cần chấm dứt mọi hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giữ nguyên hiện trạng, khôi phục lại lòng tin và nghiên cứu đưa ra một chương trình nghị sự mới, đáp ứng tốt hơn lập trường của các bên, trước mắt cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và tuyệt đối tuân thủ các thỏa thuận đã được ký kết. Hội nghị cũng nhận định, tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông phụ thuộc phần lớn vào lập trường và thiện chí của Trung Quốc. Trong đó, một trong những giải pháp tháo gỡ nút thắt là Trung Quốc phải công nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và các nước liên quan ở Biển Đông, thay vì đơn phương phủ nhận hoàn toàn như hiện nay. Nếu Trung Quốc thực hiện bước đi này, thế bế tắc hiện nay sẽ được tháo gỡ và mở ra bầu không khí thuận lợi hơn để tiến tới giải quyết vấn đề một cách công bằng và hợp lý.
6. Hội nghị Iberoamerica cam kết cải tổ trước những thách thức mới
Ngày 19-10-2013, Hội nghị thượng đỉnh Iberoamerica lần thứ 23 đã bế mạc sau hai ngày họp ở thành phố Pa-na-ma với việc thông qua tuyên bố chung, trong đó cam kết tái thúc đẩy đối thoại và các thỏa thuận chính trị, hợp tác trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Mê-xi-cô Ên-ri-kê Pê-nha Ni-ê-tô (Enrique Peña Nieto) nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới cơ chế đối thoại và hợp tác hiện nay trong Iberoamerica để có thể thích ứng tốt hơn với những thách thức của thời đại. Theo ông, các nước thành viên Iberoamerica cần ưu tiên những vấn đề về chất lượng giáo dục và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất cũng như khả năng cạnh tranh trong nhóm các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trên tinh thần đó, Hội nghị đã nhất trí điều chỉnh hoạt động phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng ưu tiên của khu vực Mỹ La-tinh. Các nước nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh 2 năm/lần kể từ sau năm 2014, cam kết tái cơ cấu nguồn tài chính cho cơ quan Tổng Thư ký Iberoamerica (SIGEB) và tăng cường nỗ lực hợp tác trong phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cũng theo kết quả đạt được tại Hội nghị, hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ giảm dần tỷ lệ đóng góp tài chính cho SIGEB từ 70% hiện nay xuống còn 60%, trong khi các nước thành viên còn lại sẽ tăng mức đóng góp từ 30% lên 40%. Quá trình điều chỉnh cơ cấu đóng góp tài chính này sẽ được tiến hành trong 3 năm./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 14 đến ngày 20-10-2013  (22/10/2013)
Thông cáo số 1 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII  (22/10/2013)
Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và nhiệm vụ năm 2014 - 2015  (22/10/2013)
Cập nhật chính sách của EU về các hiệp định FTA  (22/10/2013)
“Đường băng” mới cho Phú Quốc “cất cánh”  (22/10/2013)
Xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em ở Quảng Nam  (22/10/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên