“Đường băng” mới cho Phú Quốc “cất cánh”
“Đảo Ngọc” chuyển mình
Huyện đảo Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá 120km, thị xã Hà Tiên 46km, nằm trong vùng biển tiếp giáp vùng biển của các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, với diện tích tự nhiên gần 59.000ha, bao gồm 27 đảo lớn, nhỏ. Trong đó, đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất, diện tích tự nhiên 567km2, chu vi bờ biển dài 150km; quần đảo Nam An Thới nằm liền kề phía Nam đảo Phú Quốc, diện tích khoảng 10 km2; quần đảo Thổ Châu cách Phú Quốc khoảng 100km về hướng Tây Nam, diện tích khoảng 16km2. Dân số toàn huyện hơn 103.000 người.
Để tập trung đầu tư phát triển nhanh và bền vững huyện đảo Phú Quốc, ngày 05-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 178) phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Đây là một cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển huyện đảo Phú Quốc. Sau 9 năm triển khai thực hiện Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đảo Phú Quốc đã được phát triển về nhiều mặt.
Kinh tế tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững
9 năm qua, kinh tế của Phú Quốc luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, GDP tăng bình quân hằng năm hơn 22%; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 57 triệu đồng, tăng 5,78 lần so với năm 2004; lượng khách du lịch tăng bình quân 13%/năm (năm 2012 đạt 313.581 lượt người, tăng 2,8 lần so với năm 2005); thu ngân sách tăng bình quân hằng năm hơn 36%; huy động vốn đầu tư năm 2012 tăng 11 lần so năm 2004. Đời sống nhân dân trong huyện không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo từ 14% năm 2004 giảm còn 1,86% năm 2012. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Nhiều công trình trọng điểm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội
Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc được khởi công ngày 23-11-2008, đến ngày 15-12-2012 hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, sử dụng, với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng, bảo đảm tiếp nhận được các loại máy bay tầm xa, thân rộng như Boeing 777-300; 747-400, với nhà ga hành khách đến năm 2020 đạt công suất 2,65 triệu khách/năm và sau năm 2030 đạt công suất 7 triệu khách/năm. Việc xây dựng các cảng biển, nâng cấp cảng cá An Thới được triển khai với tổng vốn đầu tư 62,440 tỷ đồng, đến nay giá trị khối lượng đã thi công đạt khoảng 31% so với tổng mức đầu tư. Công trình đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông, tổng mức đầu tư 129,206 tỷ đồng, đến nay giá trị khối lượng thực hiện đạt trên 51%. Đường trục chính Nam - Bắc đảo dài 51,5km, tổng mức đầu tư hơn 2.468 tỷ đồng, giá trị khối lượng đã thực hiện đạt trên 50%; đường vòng quanh đảo Phú Quốc, với tổng chiều dài 99,5km, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đạt trên 25%; các tuyến đường nhánh nối trục Nam - Bắc ra biển, tổng mức đầu tư 194 tỷ đồng, giá trị khối lượng thi công đến nay đạt trên 73%. Dự án cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, tổng mức đầu tư khoảng 2.345,139 tỷ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đến nay đạt trên 18%. Dự án cấp nước Phú Quốc, có công suất 16.000m3/ngày, tổng mức đầu tư 297 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; công trình nâng cấp Hồ nước Dương Đông, tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đến nay đạt trên 51%. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải (25ha) đang được tập trung giải phóng mặt bằng, để khởi công vào cuối năm 2013…
Tăng cường thu hút đầu tư phát triển
Năm 2004, Phú Quốc chỉ có 285 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư 373 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5-2013, toàn huyện có 1.367 doanh nghiệp, tăng gấp 5 lần so với năm 2004, số vốn đăng ký đầu tư 26.000 tỷ đồng, tăng gấp 70 lần so với năm 2004. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, huyện đã thu hút 157 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch, với diện tích 6.208ha, trong đó có 71 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với diện tích 3.478ha, vốn đầu tư 86.688 tỷ đồng, 86 dự án đã được chấp thuận chủ trương. Từ năm 2005 đến nay, Phú Quốc có thêm 45 cơ sở lưu trú du lịch đi vào hoạt động, với 853 phòng, 2.063 giường, nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch lên 100 cơ sở, với 1.975 phòng, 3.366 giường.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được sau 9 năm thực hiện Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đảo Phú Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển. Đó là:
- Chưa có cơ chế chính sách đặc thù, mang tính ổn định lâu dài để phát triển đảo Phú Quốc hoặc nghị quyết chuyên đề của Trung ương về định hướng phát triển đảo Phú Quốc. Do hạn chế này nên trong quá trình xây dựng và phát triển thường phải điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức triển khai các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện.
- Kinh tế tuy có mức tăng trưởng cao, nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện của Phú Quốc. Các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước chưa phát huy hiệu quả cao; các công trình trọng điểm xây dựng còn chậm, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội.
- Sự hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương còn hạn chế, chưa tạo ra đòn bẩy thúc đẩy các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào Phú Quốc trong giai đoạn hiện nay.
- Đội ngũ cán bộ, công chức của huyện còn thiếu và quá tải so với yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế của huyện. So với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì kết quả còn thấp và tiến độ còn rất chậm.
Nhìn chung, do xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, những cơ chế, chính sách, khung pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển của huyện và nhà đầu tư chưa đồng bộ… đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, phát triển đảo Phú Quốc. Hiện trạng kinh tế - xã hội của Phú Quốc hiện nay vẫn có khoảng cách rất xa so với tiềm năng, vị trí và mục tiêu đề ra trong Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ.
Tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển xứng tầm
Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển nhanh, bền vững đảo Phú Quốc, ngày 25-9-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1322 thành lập Tổ Công tác nghiên cứu, cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc, Kiên Giang (gọi tắt là Tổ Công tác Phú Quốc), với thành viên là lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường…, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Đến cuối tháng 12-2012, Tổ Công tác Phú Quốc đã thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bước đầu cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sự phát triển của huyện đảo này và đã được Thủ tướng thống nhất chủ trương. Tháng 01-2013, Tổ Công tác hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, đề xuất Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Khu kinh tế Phú Quốc; xây dựng Đề án nâng cấp Phú Quốc lên đô thị loại III; Đề án thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang…
Trên cơ sở đó, ngày 22-5-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2013/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với diện tích tự nhiên 58.923ha. Khu kinh tế Phú Quốc được tổ chức thành khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu phi thuế quan là khu vực được xác định gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc và khu thuế quan là khu vực còn lại gồm các khu chức năng: Khu du lịch, dịch vụ, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo đồng ý cho tỉnh Kiên Giang được ứng trước vốn kế hoạch giai đoạn 2013 - 2015 thuộc các nguồn vốn: trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu và được xem xét bổ sung vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ, đồng thời chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại đảo Phú Quốc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả. Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên cơ sở đề xuất của Tổ Công tác Phú Quốc dự thảo Tờ trình và Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc.
Một số đề xuất, kiến nghị của Tổ Công tác Phú Quốc về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc
Nhóm cơ chế, chính sách liên quan mô hình tổ chức, bộ máy
- Về mô hình tổ chức: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế biển Phú Quốc. Ngoài các cơ chế, chính sách, pháp luật được hưởng theo qui định riêng cho đảo Phú Quốc, được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ta ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất; cho các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế thương mại tự do, khu kinh tế mở.
- Về tổ chức bộ máy, cán bộ: Bổ sung 1 Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Kiên Giang kiêm Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc; tăng biên chế cho Phú Quốc theo tỷ lệ bằng 1,5 lần biên chế hiện tại của đơn vị hành chính cấp huyện để đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
- Về thủ tục hành chính công: Cho phép Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp, đồng thời mở rộng thẩm quyền xem xét về quy mô vốn tương đương thẩm quyền đăng ký doanh nghiệp ở cấp tỉnh. Kéo dài thời hạn lưu trú miễn thị thực của người nước ngoài, du khách đến Phú Quốc từ 15 ngày lên 30 ngày; cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở trên đảo Phú Quốc. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà (trực tiếp để ở) và được thuê đất ở lâu dài trên đảo Phú Quốc.
Nhóm cơ chế, chính sách liên quan công tác quy hoạch, kết cấu hạ tầng
- Về quy hoạch: Giao Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định thuê tư vấn trong và ngoài nước xây dựng Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thay thế Quyết định số 178); điều chỉnh, lập mới các quy hoạch ngành để thống nhất mục tiêu quy hoạch; xây dựng Đề án thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, trình Chính phủ quyết định thành lập trong giai đoạn 2013 - 2015. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đảo Phú Quốc hướng đến mục tiêu trở thành Đặc khu hành chính - kinh tế vào năm 2020.
- Về kết cấu hạ tầng: Tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống giao thông đường bộ (đường trục chính và đường vòng quanh đảo), nguồn và hệ thống cấp điện, nguồn và hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý rác thải và nước thải,... Các công trình cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013 - 2015 gồm: đường trục chính Nam - Bắc đảo, các tuyến đường vòng quanh đảo, cầu Nguyễn Trung Trực, cảng An Thới; hoàn thành các tuyến đường vòng quanh đảo phía bờ Tây, đường trục chính Nam - Bắc đảo, cầu Nguyễn Trung Trực.
Nhóm cơ chế, chính sách tài chính, vốn đầu tư
- Vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu trên đảo Phú Quốc. Ưu tiên bổ sung trái phiếu Chính phủ, nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ và nguồn thu vượt hằng năm cho các công trình trọng điểm phát triển đảo Phú Quốc. Thủ tướng Chính phủ cho phép Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Kiên Giang được tạm ứng trước vốn kế hoạch của năm liền kề trong 3 năm (2013 - 2015) theo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng trên đảo sử dụng vốn ngân sách. Cho phép tỉnh Kiên Giang được giữ lại 100% số thu ngân sách hằng năm của huyện (chủ yếu từ đất) để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội; các công trình công ích; các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, công tác bảo vệ rừng; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực,… trên đảo Phú Quốc.
- Vốn đầu tư ngoài ngân sách: Ban hành cơ chế hấp dẫn thu hút vốn đầu tư từ các nơi khác trong nước và từ nước ngoài (kể cả để kinh doanh kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất) với mức ưu đãi cao hơn 1,5 lần khung ưu đãi trong các quy định hiện hành. Huy động vốn theo các hình thức BOT, BT, BTO, PPP.
- Chính sách đầu tư, đất đai: Giao Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh được áp dụng cơ chế: nhà đầu tư tự ứng trước tiền và tổ chức thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật chung ngoài hàng rào dự án của nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ thủ tục và triển khai đầu tư xây dựng. Số tiền ứng trước được trừ vào tiền thuê đất, tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp.
Áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư về tiền sử dụng đất (giảm từ 50% đến miễn tiền sử dụng đất tùy dự án thuộc hay không thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và lĩnh vực ưu đãi đầu tư); tiền thuê đất (giảm 50% nếu thực hiện theo hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê); ưu đãi thuế chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất giao cho các nhà đầu tư được áp dụng chung cho cả khu vực và được Ủy Ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xác định, công bố hằng năm.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Các dự án đầu tư trên đảo Phú Quốc tiếp tục được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, không phân biệt đối xử giữa dự án đầu tư mới hay đầu tư mở rộng quy mô dự án. Các dự án đầu tư mở rộng quy mô, năng lực cũng được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo sự bình đẳng và thống nhất về chính sách đầu tư nói chung.
Hướng đến phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc
Trong nỗ lực phát huy đúng mức những tiềm năng, lợi thế, tạo “sức bật” cho Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16-9-2013, tại huyện đảo Phú Quốc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy Ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phối hợp tổ chức “Hội thảo khoa học góp ý Đề án xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc” với sự chủ trì của đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Với mục tiêu xây dựng Phú Quốc “trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm công nghệ, trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí trình độ cao, giao thương quốc tế lớn và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế”, một trong những điểm nhấn của Đề án này là thiết lập mô hình tổ chức chính quyền năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong xây dựng, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục… Đề án dự thảo Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc có 2 cấp hành chính là cấp đặc khu (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) và cấp phường (chỉ có Ủy ban hành chính); đồng thời cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nguồn nhân lực, xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, quản lý sử dụng đất, thuế, thu chi ngân sách, du lịch, dịch vụ... để tạo sức hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cần thiết của việc xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương có liên quan và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cần phối hợp rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, thật sự có tính đột phá và bảo đảm tính khả thi trên cơ sở một tổ chức chính quyền năng động, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư xã hội, để tạo động lực cho huyện đảo Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, gắn với sự phát triển chung của cả nước và góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng để tạo “đường băng” mới cho Phú Quốc “cất cánh” vươn lên thành Khu hành chính - kinh tế đặc biệt, các cơ chế, chính sách đặc thù phải “vượt lên” hệ thống cơ chế, chính sách của cả nước hiện nay. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là rất cần có một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về phát triển đảo Phú Quốc; cần những nguyên tắc được chế định trong Hiến pháp mới về mô hình tổ chức chính quyền, Luật về khu hành chính - kinh tế... nhằm tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy Phú Quốc phát triển mạnh mẽ hơn./.
Xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em ở Quảng Nam  (22/10/2013)
Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII quyết định nhiều nội dung quan trọng  (22/10/2013)
Anh ký hợp đồng xây nhà máy điện hạt nhân mới  (22/10/2013)
Đoàn Cán bộ Chính trị cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Cuba  (22/10/2013)
Khai mạc Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII  (22/10/2013)
Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Vê-nê-xu-ê-la  (22/10/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên