TCCSĐT - Ngày 21-10, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ sáu, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Nền kinh tế đang trên đà phục hồi...

Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và nhiệm vụ 2014 - 2015.

Báo cáo cho biết, trong 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2013, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch là: tốc độ tăng trưởng GDP và tạo việc làm; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013,
kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và nhiệm vụ 2014 - 2015

Báo cáo của Chính phủ nhận định: Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. GDP cả năm 2013 tăng khoảng 5,4% so với năm 2012, đạt mục tiêu tổng quát đề ra là tăng trưởng cao hơn năm 2012 (5,25%).

Báo cáo nêu rõ: Trong gần 3 năm, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng; xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục; lãng phí thời gian, nguồn lực còn lớn; ý thức tiết kiệm chưa được đề cao…

Theo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân: Cử tri và nhân dân cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.

Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm.

Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại tố cáo, báo cáo nêu rõ: Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và việc ban hành văn bản không phù hợp, không khả thi; tích cực triển khai Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; cụ thể hóa các mục tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử trong mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước và xây dựng kế hoạch triển khai thiết lập hệ thống thông tin kết nối bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh mô hình một cửa; triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.

Theo báo cáo, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai. Ước tính tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm 1,8-2% so với năm 2012, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tuy nhiên, tính bền vững của thành tựu giảm nghèo còn thấp do ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh (tính đến cuối năm 2012, số hộ cận nghèo bằng gần 68,4% tổng số hộ nghèo), tỷ lệ hộ nằm sát chuẩn nghèo cao.

Đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn rất nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư đặc biệt là ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; nguồn lực huy động cho chương trình xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, chưa thật sự đáp ứng được mục tiêu đề ra. Số lượng các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn nhiều...

Trên tinh thần đó, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của năm 2014 là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.

Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014.

Về giải pháp cho vấn đề phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo khẳng định cần thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triệt để tiết kiệm, nhất là trong hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài…

Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; đề cao trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế chính sách, công khai minh bạch trong công tác quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và công tác cán bộ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc cần thiết kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý phù hợp tại cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại vượt cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng.

Về định hướng đến năm 2014, phấn đấu giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống giữa các vùng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng ATK, tập trung cho các huyện, xã, thôn, bản khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Bên cạnh đó, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không”; tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.

... nhưng các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Báo cáo nêu rõ kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015.

 
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá
kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

Tán thành với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Báo cáo Thẩm tra cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”.

Song, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 2011 - 2013, cơ quan thẩm tra nhận định: Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Một số ý kiến của cơ quan thẩm tra cho rằng, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới.

Từ tình hình trên, Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong năm 2014 là hết sức nặng nề. Chính phủ cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển với định hướng ưu tiên vào các ngành sản xuất và nông nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và mục tiêu việc làm. Điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường, kể cả thị trường bất động sản; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; tạo chuyển biến rõ nét tình trạng hàng hóa tồn kho và nợ xấu...

* Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Cũng trong buổi làm việc sáng ngày 21-10, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

 
 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Nhiều vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị tại Kỳ họp thứ năm vừa qua đã được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nhà nước tiếp thu và giải quyết, như: triển khai nhiều giải pháp tích cực có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện từng bước đời sống nhân dân; kịp thời hỗ trợ cho ngư dân bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cử tri và nhân dân mong muốn tại Kỳ họp thứ sáu này, Quốc hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tập trung vào 5 nội dung cơ bản về: sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai; sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân; lĩnh vực y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường; tình hình an toàn giao thông và giao thông vận tải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cử tri và nhân dân bày tỏ mong rằng Quốc hội chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp cần được kế thừa; những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục khẳng định. Đó là, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị là vấn đề thu hồi đất. Tán thành cao quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng, tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn đối với mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất...

Năm 2014, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả; hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả hơn cho nông dân; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như thủy lợi, đường giao thông, điện, nước; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa; hướng sản xuất nông nghiệp tới xuất khẩu. Nhà nước cần có chính sách để người nông dân không bỏ ruộng; triển khai mạnh các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Thời gian qua, đời sống người dân một số địa phương gặp khó khăn do thiên tai, nhất là các tỉnh miền Trung và một số nơi như Cà Mau, Lào Cai. Đặc biệt, các cơn bão số 10, số 11 đổ bộ vào khu vực miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, Chính phủ, các bộ, ngành và toàn xã hội cần có biện pháp kịp thời, thiết thực, giúp nhân dân, chính quyền các địa phương sớm khắc phục hậu quả sau bão. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm tăng cường công tác bảo vệ rừng, công tác thủy lợi và phòng chống lụt bão; quản lý chặt chẽ và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc bảo đảm chất lượng công trình và an toàn các hồ chứa nước, đập thủy điện, nhất là ở khu vực miền Trung, tránh tình trạng nhân dân vừa phải chịu bão, lũ vừa phải chịu ảnh hưởng do xả lũ gây úng ngập. Các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực dự báo sớm bão, lũ và các hiện tượng thiên tai khác để kịp thời ứng phó.

Đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng, cử tri và nhân dân cho rằng, phong trào Đền ơn đáp nghĩa với những hoạt động thiết thực trên phạm vi cả nước đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, rà soát nhằm giải quyết dứt điểm các tồn đọng về thực hiện chính sách người có công, đặc biệt là thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, người tham gia hoạt động bí mật, công tác quy tập hài cốt các liệt sĩ...

Cử tri và nhân dân cũng băn khoăn, lo lắng về việc thu, chi và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội còn chưa thật chặt chẽ, chưa bảo đảm an toàn quỹ. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội cho phù hợp, tăng cường quản lý nhà nước về việc đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động; đổi mới cơ chế thu, chi và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quỹ tăng trưởng bền vững; xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh một số kết quả và tiến bộ đạt được gần đây của ngành y tế cũng như việc tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số quy hoạch, chiến lược, đề án quan trọng đến 2020 của ngành y tế; tăng cường việc kiểm tra công tác chuyên môn, kịp thời xử lý một số sai phạm của các đơn vị. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, quản lý, lưu thông thuốc chữa bệnh, giá thuốc; nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành y tế cần triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giảm quá tải ở các bệnh viện.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ, các địa phương đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn có kết quả việc nhập lậu, tiêu thụ gia cầm trái pháp luật, khuyến khích chăn nuôi gia cầm trong nước phát triển. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả; xử lý nghiêm và công bố công khai người vi phạm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi diễn ra ngày càng trầm trọng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của người dân, cử tri và nhân dân kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc buông lỏng quản lý về môi trường; tăng mức xử phạt và xử lý nghiêm các cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường.

Thời gian qua, tình hình ùn tắc và mất trật tự, an toàn giao thông đã từng bước được khắc phục, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước được cải thiện. Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mất trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành hữu quan và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa việc quy hoạch, quản lý chất lượng các công trình giao thông; xử lý nghiêm việc xe quá tải phá hỏng đường; kiểm tra chặt chẽ việc đào tạo và sát hạch lái xe; xử lý nghiêm, kể cả đình chỉ, rút giấy phép các cơ sở vi phạm; xử phạt nghiêm khắc những người cố tình vi phạm luật lệ giao thông; giải quyết dứt điểm tình trạng nhồi nhét khách, chở quá tải và lộn xộn tại nhiều bến xe hiện nay. Đồng thời, cần thống kê, phân loại các công trình giao thông thi công dở dang, ưu tiên vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, thật sự cần thiết.

Cử tri cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm... Cử tri và nhân dân hy vọng trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri, nhân dân kiến nghị Chính phủ có những quy định cụ thể hơn về chính sách và yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng lãng phí lớn trong đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng như sân vận động, nhà thi đấu, bến cảng, chợ, trung tâm thương mại. Đồng thời, có hình thức bảo vệ và khen thưởng thích đáng hơn đối với những người phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Cùng với những kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có báo cáo rõ hơn cho Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước về: Kết quả công tác dạy nghề và việc khắc phục những bất cập, hạn chế của công tác đào tạo nghề 2012 - 2013; kết quả 3 năm thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non; việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản mang tính lũng đoạn thị trường gây ra nhiều thiệt hại cho nông dân...

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công trong cả nước, tập trung cao nhất cho việc giải quyết đúng chính sách người có công cho các đối tượng chưa được hưởng đầy đủ các chính sách người có công hiện hành là một quyết định có ý nghĩa to lớn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với chức năng giám sát xã hội cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương thực hiện việc tổng rà soát này, báo cáo kết quả cho Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và Chính phủ, Quốc hội vào cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tích cực tham gia thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2014 của Quốc hội, đặc biệt là nội dung giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

* Chiều 21-10, trong phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm. Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm./.