Ngày 21-10, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam tổ chức Tổng kết Chương trình hành động về phòng, chống và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chương trình hành động về phòng, chống và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ tệ nhất do ILO triển khai trên địa bàn 5 xã thuộc tỉnh Quảng Nam gồm Điện Phước, Điện An (huyện Điện Bàn); Duy Nghĩa, Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) và xã A Tiêng (huyện Tây Giang). Thời gian triển khai dự án từ tháng 7-2011 đến tháng 9-2013. 

Trong thời gian triển khai dự án, các cá nhân, tổ chức hưởng lợi được Ban Quản lý dự án đào tạo tập huấn nâng cao năng lực; truyền thông, giáo dục vận động xã hội; hỗ trợ cơ sở vật chất; dạy nghề; khám sức khỏe; hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ doanh nghiệp/chủ cơ sở, sản xuất kinh doanh hộ gia đình...

Đồng chí Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết quá trình triển khai dự án trên địa bàn Quảng Nam đã góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề lao động trẻ em. Đã có gần 1.000 trẻ em trên địa bàn các địa phương triển khai dự án được hưởng lợi. 

Dự án đã lập hồ sơ và tiến hành các biện pháp ngăn ngừa, hỗ trợ cho trẻ em lao động các ngành nghề. Các doanh nghiệp tham gia dự án tại địa phương và cơ sở việc làm tại gia đình được cải thiện điều kiện làm việc phù hợp...

Phát biểu tại buổi tổng kết dự án, bà Maria Luisa Rodriguez Campos, Cố vấn trưởng dự án cho biết Quảng Nam là một trong năm tỉnh, thành phố trên toàn Việt Nam được chọn triển khai dự án. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, ILO đánh giá cao về sự hợp tác của các bên liên quan. Mục tiêu của dự án là cung cấp, chia sẻ những kiến thức về phòng, chống và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức, năng lực của các bên tham gia dự án, từ đó đẩy mạnh Chương trình hành động mang tính hiệu quả trong công tác này.

Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, ILO sẽ có những khuyến nghị đối với địa phương và quốc gia để cơ quan chức năng xây dựng những chương trình hành động về phòng, chống và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất mang tính bền vững./.