Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam từ ngày 8 đến ngày 10-10-2013.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ tập trung bàn việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3 và EAS, hướng phát triển của ASEAN giai đoạn sau 2015 cũng như trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh ASEAN quyết tâm đẩy mạnh xây dựng cộng đồng; tăng cường kết nối và hướng về người dân. ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đoàn kết ASEAN tiếp tục được củng cố; quan hệ với các nước đối tác tiếp tục được tăng cường và làm sâu sắc thêm; vai trò và tiếng nói của ASEAN trong các vấn đề chung quan trọng ở khu vực cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, ASEAN cũng phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là đảm bảo tiến độ xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đề ra tầm nhìn ASEAN sau 2015 với 4 mục tiêu cơ bản: Củng cố tiến trình xây dựng cộng đồng và hội nhập hiện nay của ASEAN; Hướng tới người dân nhiều hơn; Tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trong xử lý các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm; Tiếp tục chủ động mở rộng quan hệ với bên ngoài.

Trong bối cảnh mốc thời gian Cộng đồng ASEAN ra đời 31-12-2015 đang đến gần, ASEAN đang nỗ lực, quyết tâm và tăng cường huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã đề ra trên cả ba trụ cột: Chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. ASEAN cũng nhất trí sớm xây dựng định hướng phát triển sau 2015 và đã bắt đầu thảo luận về việc xây dựng lộ trình sau 2015 cũng như bàn và triển khai một số đề xuất về nâng cao hiệu quả và vai trò của ASEAN, rà soát và nâng cao hiệu quả bộ máy, Ban Thư ký và hợp tác đối ngoại ASEAN...

Trong thời gian qua, quá trình triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN (APSC), nhất là 14 lĩnh vực ưu tiên đã đạt được nhiều tiến triển. Các cơ chế về hợp tác chính trị - an ninh giữa ASEAN với các đối tác cũng được củng cố và tăng cường đồng thời đạt được những bước tiến trong việc đàm phán với 5 nước có vũ khí hạt nhân, ra Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD), thiết lập Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR), tiếp tục củng cố Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) với 8 đối tác thuộc Cấp cao Đông Á trong năm 2012.

Về kinh tế, ASEAN đã hoàn thành 78% các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Các thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối thoại đang được tích cực thúc đẩy.

Trong hợp tác kinh tế với bên ngoài, ASEAN cũng đẩy mạnh triển khai các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã có với các đối tác; kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại dịch vụ và Đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ; đồng ý về nguyên tắc với Sáng kiến Hợp tác Kinh tế mở rộng ASEAN - Hoa Kỳ do Hoa Kỳ đề xuất.

Đặc biệt, hồi tháng 5-2013, ASEAN và 6 nước đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Australia đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm kết nối các FTA hiện có và thúc đẩy liên kết toàn khu vực Đông Á, và hy vọng sẽ kết thúc đàm phán RCEP vào 2015.

Về văn hóa - xã hội, ASEAN đã xác định các lĩnh vực ưu tiên của trụ cột Cộng đồng Văn hóa - xã hộ (ASCC) trong năm 2013 gồm thanh niên, văn hóa, giáo dục, thể thao, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu (lĩnh vực quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu do Việt Nam đề xuất). Đến nay, gần 86% số các biện pháp đề ra trong Kế hoạch tổng thể ASCC đã và đang được thực hiện. ASEAN đã thông qua Sáng kiến ASEAN về Biến đổi Khí hậu (ACCI), lập Nhóm công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu, và Kế hoạch hành động ASEAN về Biến đổi khí hậu đến 2015 (do Việt Nam chủ trì soạn thảo).

Năm 2013, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM) và đã tổ chức thành công Hội nghị ACDM 22 và Hội nghị cấp Bộ trưởng COP2 các bên tham gia AADMER, trong đó các Bộ trưởng nhất trí kiến nghị Lãnh đạo cấp cao thông qua Tuyên bố về tăng cường hợp tác phòng chống thiên tai tại Cấp cao ASEAN 23 sắp tới. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ chủ trì họp ACDM 23, Hội nghị ACDM với các đối tác để kêu gọi tài trợ, và Diễn tập ứng phó thiên tai ASEAN (ARDEX13) dịp từ nay đến cuối năm.

ASEAN cũng đang tiếp tục nỗ lực thúc đẩy triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN trên cả 3 lĩnh vực kết nối về hạ tầng, thể chế và con người. Vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển tiếp tục được đẩy mạnh với trên 1/3 trong tổng số 182 hoạt động đề ra trong Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 2 đang được triển khai.

Quan hệ đối ngoại của ASEAN tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu thông qua các khuôn khổ ASEAN+1 (quan hệ ASEAN với từng nước đối thoại), ASEAN+3 (Quan hệ ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMMplus). Nhìn chung, các đối tác coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, triển khai kết nối khu vực.

Tiếp tục phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong tham gia hợp tác ASEAN, trong năm 2013, Việt Nam đã tham gia tích cực tất cả các hoạt động của ASEAN, được các nước ASEAN và các nước đối tác coi trọng và đánh giá cao. Các trọng tâm ưu tiên của ASEAN đã được Việt Nam tích cực thúc đẩy và thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ. Việt Nam đã trực tiếp tham gia và đóng góp quan trọng trong việc xác định phương hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN; tích cực tham gia xây dựng các văn kiện Hội nghị...

Trong bối cảnh ASEAN chịu nhiều tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến đoàn kết, uy tín và vai trò trung tâm của Hiệp hội, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những đóng góp quan trọng, hiệu quả và thực chất, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị lần này với tinh thần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được thời gian qua, cùng các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN Brunei đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao; thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, góp phần xây dựng một ASEAN vững mạnh và liên kết chặt chẽ, thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, qua đó, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác./.