Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

T.L tổng hợp
21:06, ngày 05-10-2013

TCCSĐT - Chiều 4-10-2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng đầu tiên, nguyên Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã qua đời hồi 18h8', tại Bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi.

Ngay trong đêm Đại tướng từ trần, nhiều hãng tin lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin Đại tướng trên vị trí nổi bật.

Hãng Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã viết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Hãng thông tấn Mỹ AP viết: Tướng Giáp nổi lên "là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954"… “Tướng Giáp là một anh hùng dân tộc, người mà di sản chỉ xếp thứ hai sau người thầy của ông, Chủ tịch lập quốc Hồ Chí Minh, người dẫn dắt đất nước giành độc lập”.

Hãng thông tấn Pháp AFP đã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử” và là kiến trúc sư cho chiến thắng chống Pháp và chống Mỹ. Hãng tin Pháp trích phát biểu trước đây của nhà báo Mỹ Stanley Karnow nhận xét “sự lỗi lạc của tướng Giáp trong vai một nhà chiến lược đặt ông vào ngôi đền của những lãnh đạo quân sự vĩ đại”, cùng với công tước Wellington, Ulysses S. Grant và Tướng Douglas MacArthur.

Hãng Reuters nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ XX của Việt Nam, xếp ngang với những người khổng lồ quân sự như Montgomery, Rommel và MacArthur.

Với sự nhanh nhạy đáng kinh ngạc, tờ The Washington Post đã có ngay một bài viết dài hơn 3.000 chữ để viết về cuộc đời của vị tướng huyền thoại, người được tờ báo Mỹ ca ngợi là “bậc thầy quân sự người Việt Nam”, trong đó có đoạn: “Cùng với lãnh tụ Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh, người từ trần năm 1969, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người từ trần năm 2000, Đại tướng Giáp được tôn kính như là một trong những nhà lập quốc ở quê hương ông. Với các học giả quân sự trên toàn thế giới, ông là một trong những nhà thực hành chiến tranh du kích cách mạng hiện đại hàng đầu”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người từng tham gia chiến tranh Việt Nam đã nhanh chóng chia buồn trên trang Twitter: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời - nhà chiến lược quân sự lỗi lạc từng nói với tôi rằng chúng ta là những “kẻ thù danh dự”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25-8-1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, qua một hành trình dài: từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, ông đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo; một vị tổng tư lệnh văn võ song toàn; một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là “Một thống soái vĩ đại”, Một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”.

Được mệnh danh là một “Napoleon Đỏ”, Tướng Giáp nổi bật với tư cách là tư lệnh của đội quân các du kích đi dép lốp và kéo từng khẩu pháo qua núi cao vực sâu vào bao vây rồi nghiền nát quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 dù chưa bao giờ được đào tạo quân sự bài bản. Ông thường đùa mình đã tốt nghiệp học viện quân sự “bụi rậm” nhưng đối với thế giới, cái tên Võ Nguyên Giáp dường như đã quen thuộc và không cần phải phiên dịch, diễn giải. Nhà thơ nổi tiếng thế giới Raxun Gamzatov thật có lý và cũng thật sâu sắc khi ông cho rằng, khi bạn đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết bạn là người thế nào, thì bạn có thể chìa chứng minh thư, chìa tấm hộ chiếu ra, trong đó đã ghi mọi điều cần thiết. Còn nếu khi có ai hỏi một dân tộc, xem dân tộc đó thế nào, thì dân tộc đó cũng cần phải đưa ra "giấy tờ" của mình, là các nhà bác học, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài giỏi. Họ chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chính là minh chứng cho "tấm giấy thông hành" này bởi nó đã đưa tên tuổi ông vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để vươn tới tầm cao của các bậc danh tướng thế giới./.