Xây dựng lối sống đô thị trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay

PGS, TS. Trương Minh Dục, TS. Lê Văn Định Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III
16:47, ngày 26-09-2013
TCCSĐT - Trong xã hội đương đại, quá trình đô thị hóa luôn gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. So với nông thôn, đô thị có những ưu thế vượt trội trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống của người dân.

Phát triển đô thị bền vững và xây dựng lối sống văn minh

Đô thị hóa là xu thế diễn ra mạnh mẽ từ nhiều thập niên trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, quá trình này mới chỉ bắt đầu gia tăng tốc độ. Mặc dù vậy, đến nay, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có tỷ lệ dân cư đô thị thấp nhất khu vực và thế giới. Phần lớn các đô thị ở Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ, chưa có siêu đô thị. Những giai đoạn trước, dưới tác động của nhiều nhân tố khác nhau, như: chiến tranh, cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, chủ trương và chính sách phát triển đô thị cùng những hạn chế trong quy hoạch phát triển đô thị,… nên khu vực đô thị Việt Nam phát triển chậm, manh mún, thậm chí diễn ra “quá trình nông thôn hóa đô thị”. Sự phát triển đó khiến lối sống đô thị ở Việt Nam mang nhiều đặc trưng của lối sống nông thôn - làng xã, lưu giữ nhiều tính chất “tam nông” trong quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, phong cách ứng xử, lề lối làm việc... 

Dưới tác động của chính sách đổi mới, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra với tốc độ nhanh hơn trước. Trong hơn 10 năm, tỷ lệ dân cư đô thị tăng từ dưới 20% năm 1990 lên gần 30% dân số cả nước vào năm 2009 (1). Giai đoạn 1999 - 2009, dân số đô thị tăng trưởng trung bình 3,4%/năm, cao hơn tỷ lệ tăng dân số ở nông thôn (0,4%/năm). Mạng lưới đô thị quốc gia được mở rộng từ 629 đô thị lên 754 đô thị. Dự báo đến năm 2020, dân số đô thị Việt Nam sẽ chiếm khoảng 40% - 50% dân số (2).

Cùng với sự phát triển về quy mô, khu vực đô thị ngày càng thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong phát triển đất nước. Tăng trưởng kinh tế đô thị trung bình cao gấp 2 lần so với nông thôn. Nguồn thu ngân sách từ khu vực đô thị chiếm tỷ trọng ngày càng cao (hơn 70%) trong tổng nguồn thu ngân sách cả nước. Mỗi năm, khu vực đô thị tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần duy trì ổn định, bảo đảm sự phát triển chung của quốc gia. 

Những biến đổi của đô thị trong quá trình đô thị hóa tăng tốc có tác động đa chiều đến lối sống đô thị Việt Nam nói chung, lối sống ở các đô thị lớn nói riêng. Nhìn chung, tuy vẫn chưa hết tính chất quá độ từ nông thôn sang đô thị, nhưng lối sống đô thị Việt Nam ngày càng đa dạng hóa, biến đổi nhanh hơn, phức tạp hơn theo chiều hướng hiện đại, hội nhập với thế giới. Có thể nói rằng, bản chất của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay nằm ở quá trình biến đổi văn hóa - lối sống từ nông thôn sang đô thị với những đặc trưng tiêu biểu như: đa dạng hóa, phức tạp hóa, hiện đại hóa, tốc độ hóa,… trong đó chứa đựng nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trái chiều.

Là sản phẩm của quá trình phát triển đô thị, lối sống đô thị không chỉ thụ động mà còn có vai trò tác động trở lại đối với chính sự phát triển đô thị. Sự biến đổi của lối sống đô thị trước hết phụ thuộc vào chất lượng phát triển đô thị, mà cốt yếu nhất là vào chất lượng của quá trình đô thị hóa. Cụ thể hơn, sự biến đổi của lối sống đô thị chịu sự quy định của hai nội dung: 

Một là, quá trình xây dựng các thành tố không gian - vật chất đô thị. Đó chính là xây dựng môi trường cảnh quan, kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện và các tiện nghi sống do con người tạo ra. Nói cách khác, đây chính là phần “nhân tạo” trong đô thị, làm cho cuộc sống của con người ở đô thị trở nên tiện nghi, ít phụ thuộc vào môi trường tự nhiên hơn so với nông thôn. Phụ thuộc nhiều vào thành tố không gian - vật chất đô thị làm cho lối sống đô thị bị chính phần “nhân tạo” này chi phối, quy định rất rõ.

Hai là, quản lý phát triển xã hội đô thị. Đó chính là cách thức tổ chức, xây dựng các mối liên hệ, các kiểu cộng đồng xã hội trong không gian lãnh thổ đô thị. Quản lý phát triển xã hội đô thị bao hàm trong nó tất cả những thiết chế, thể chế và luật lệ hiện hành, hữu hình và vô hình… 

Hai nội dung trên liên quan chặt chẽ với nhau. Nói tới xây dựng, phát triển đô thị là nói tới sự kết hợp giải quyết một cách tốt nhất hai nội dung trên. Bởi vậy, xây dựng lối sống đô thị theo hướng văn minh, hiện đại cần phải làm nhiều việc, trong đó đặc biệt chú ý tới xây dựng không gian - vật chất đô thị và quản lý phát triển xã hội đô thị.

Những tồn tại, hạn chế

Thực trạng phát triển đô thị và đô thị hóa ở Việt Nam những năm qua cho thấy, phần lớn đô thị Việt Nam hiện nay vẫn rất yếu kém trong xây dựng các thành tố không gian - vật chất đô thị, nhất là các đô thị vừa và nhỏ. Kết cấu hạ tầng đô thị Việt Nam còn chưa đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, cũng như chính sự phát triển đô thị và nhu cầu thiết yếu của người dân đô thị. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị, mà còn làm nảy sinh nhiều vấn nạn, gây khó khăn cho quản lý phát triển xã hội đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. 

Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị ở Việt Nam còn thiếu hiệu quả trong bối cảnh ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức pháp luật của người dân đô thị còn ở mức độ thấp. 

Tính tự do tùy tiện, vô kỷ luật, bừa bãi, hành xử theo thói quen, theo lệ, tục,… đang chi phối mạnh mẽ lối sống của người dân đô thị hiện nay. Các hiện tượng vi phạm cảnh quan, kiến trúc đô thị, xây dựng trái phép, vi phạm quy tắc, luật lệ giao thông, vi phạm các quy định về trật tự, an ninh đô thị, bảo vệ môi trường,... xảy ra khá phổ biến. Việc xử lý các vi phạm này chưa hiệu quả và còn thiếu tính chuyên nghiệp. Các thành phố ở những nước công nghiệp phát triển của châu Âu và châu Mỹ đã trải qua một thời kỳ đô thị hóa dài hàng trăm năm, và ở đó, đô thị hóa là kết quả hợp quy luật của sự phát triển thương mại - công nghiệp - dịch vụ. Quá trình này diễn ra dưới sự quản lý, quy hoạch của các chủ thể quản lý xã hội, tạo được sự cân đối, hài hòa tương đối của hai mặt không gian vật chất và quản lý phát triển đô thị. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam vốn trải qua nhiều thăng trầm, khi nhanh, khi chậm, thậm chí thoái lùi, lại không đi cùng (trong khá nhiều trường hợp) với phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí là đô thị hóa kiểu “cưỡng bức”. Sự bùng nổ dân số trong điều kiện kinh tế nông thôn còn hạn chế đã thúc đẩy dòng di dân nông thôn đổ về đô thị ngày càng nhiều. Trong khi đó, các chủ thể quản lý xã hội đô thị vẫn chưa đủ năng lực, trình độ cần thiết để quản lý, điều chỉnh, định hướng quá trình này, dẫn đến hàng loạt vấn đề nan giải liên quan đến quản lý phát triển xã hội đô thị trong thời kỳ đô thị hóa nhanh. 

Là một xã hội phức tạp, đa tầng cấp, đa văn hóa, nghề nghiệp và đông dân cư, nếu không được quy hoạch, xây dựng và quản lý tốt, xã hội đô thị sẽ trở thành nơi nảy sinh các vấn nạn đô thị. Khi đó, lối sống đô thị văn minh, tiến bộ sẽ không đồng hành cùng quá trình đô thị hóa. 

Một số giải pháp cơ bản xây dựng lối sống đô thị 

Lối sống đô thị văn minh, tiến bộ chỉ có được nếu như quá trình đô thị hóa được lập kế hoạch tốt với một chiến lược phát triển đô thị tối ưu kết hợp với quản lý đô thị hiệu quả.

Một là, thay đổi các điều kiện sống, lao động của người đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, tiến bộ, cũng như chú trọng xây dựng các quy tắc, chuẩn mực xã hội đô thị dựa trên pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng.

Thực tế cho thấy, lối sống (của 1 người, 1 cộng đồng người) luôn chịu sự quy định, tác động mạnh mẽ của điều kiện nơi con người sống. Tuy nhiên, lối sống bị quy định bởi các quan hệ vật chất - thực tiễn của con người, đến lượt mình lại góp phần làm thay đổi các điều kiện đã tạo ra nó. Phần lớn các nhân tố quy định, tác động đến lối sống đều do con người sáng tạo ra. Những nhân tố này bao gồm các điều kiện sống và lao động ở đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị; điều kiện ăn, mặc, ở; các dịch vụ văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế... 

Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết xây dựng lối sống đô thị văn minh, hiện đại, tiến bộ, không những để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn bảo đảm phát triển đô thị bền vững. Đây là quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp, cần kết hợp hài hòa giữa “chống” và “xây”, vừa tuân thủ những kế hoạch, phương hướng mang tính chiến lược lâu dài, vừa chú trọng thực hiện những biện pháp, hoạt động cụ thể, giải quyết từng vấn đề nảy sinh. 

Hai là, phát triển kinh tế, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, không ngừng nâng cao mức sống, chất lượng sống của người dân... Lối sống đô thị văn minh, tiến bộ không thể xây dựng trong một xã hội có nền kinh tế kém phát triển, mức sống vật chất thấp, kết cấu hạ tầng xuống cấp... 

Ba là, tiếp tục chú trọng đầu tư, hiện đại hóa nhanh kết cấu hạ tầng đô thị, tránh tình trạng quá tải, xuống cấp như hiện nay. Trong kết cấu hạ tầng, chú ý phát triển đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng “cứng” và kết cấu hạ tầng “mềm”, cũng như phát triển một cách hợp lý các ngành kinh tế, các lĩnh vực dịch vụ theo lợi thế so sánh của từng đô thị, từng loại đô thị. Quá trình phát triển đô thị phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, gắn với những quy hoạch phát triển đô thị khoa học, hoàn chỉnh theo các tiêu chí phát triển bền vững mới tránh được những vấn nạn đô thị trầm kha (3). 

Bốn là, tăng cường hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý đô thị, nhất là công tác quản lý nhà nước về đô thị; gấp rút hoàn thiện để áp dụng trên diện rộng mô hình chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý đô thị. Trước hết, áp dụng mô hình chính quyền đô thị cho các đô thị lớn trực thuộc Trung ương; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đô thị, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý nhà nước trong các đô thị; khẩn trương giải quyết các vấn nạn đô thị, như: nhập cư tự do và quản lý nhân khẩu đô thị, đô thị hóa tự phát, ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, sự phát triển không đồng bộ các dịch vụ công… 

Quá trình xây dựng lối sống đô thị văn minh, tiến bộ rất cần sự chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo của các chủ thể lãnh đạo, quản lý đô thị. Bởi một hệ thống chính sách phát triển đô thị, dù chi tiết đến mấy cũng không thể luôn sát hợp với cuộc sống đang đổi thay hằng ngày, hằng giờ. Vì vậy, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền đô thị, tăng cường hiệu quả lãnh đạo và quản lý phát triển đô thị, cũng như tăng cường sự tham gia của quần chúng nhân dân luôn là điều tiên quyết trong quá trình xây dựng văn hóa, lối sống đô thị.

Năm là, chú trọng công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, dần dần nâng cao văn hóa pháp luật cho người dân đô thị. Trong quá trình này, cần phát huy vai trò quan trọng của hệ thống giáo dục - đào tạo vốn là thế mạnh của các đô thị; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy tinh thần tự quản của người dân tại các cộng đồng dân cư cũng là cách thức thiết thực, hiệu quả trong xây dựng lối sống đô thị. Trong xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ cần sự tham gia rộng rãi của các lực lượng xã hội như: mặt trận tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội,… để tạo được sự đồng thuận cao.

Xây dựng lối sống đô thị văn minh, tiến bộ không phải là một công việc nhất thời mà là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác với những bước đi, cách làm cụ thể phù hợp trong từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể. Phát triển đô thị bền vững sẽ tạo điều kiện để xây dựng lối sống đô thị văn minh, tiến bộ. Đến lượt mình, sự hình thành lối sống đô thị văn minh, tiến bộ sẽ tác động tích cực đến sự phát triển đô thị bền vững. Đó chính là biện chứng giữa phát triển bền vững đô thị với xây dựng lối sống đô thị văn minh, tiến bộ ở Việt Nam trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay./. 

----------------------------------

(1) Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Báo cáo thực trạng môi trường Việt Nam năm 2000, tr. 2

(2) www.tienphong.vn/van-nghe/89508/Thieu-y-thuc-phap-luat.html

(3) Phát triển bền vững là khái niệm được áp dụng rộng rãi khi hoạch định các chính sách, kế hoạch và chiến lược phát triển hiện nay. Phát triển bền vững chính là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của xã hội hiện tại nhưng có tính đến cả các nhu cầu của các thế hệ tương lai. Như vậy, phát triển đô thị bền vững chính là kiến tạo một đô thị mà trong đó tất cả các cư dân của nó có thể thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của họ mà không làm nguy hại việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nói một cách dễ hiểu, phát triển đô thị bền vững tức là tạo ra một đô thị sống tốt không chỉ ở hiện tại, mà cả trong tương lai.