Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế
TCCSĐT - Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng 11-9-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chặng đường 20 năm thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, nhất là sau gần 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Việt Nam đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ, đang từng bước tiếp cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Nhờ định hướng đúng và các giải pháp quyết liệt của Đảng, Nhà nước, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cải thiện nhiều, người dân được hưởng dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, hiệu quả, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ Bảo hiểm y tế đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của bệnh viện.
Chính sách bảo hiểm y tế Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia bảo hiểm y tế, với phần đóng góp của người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu bảo hiểm y tế, tạo nền móng quan trọng để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên gần hoàn thành việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân (đạt 85-100%). Quỹ Bảo hiểm y tế từ chỗ bị bội chi hơn 3.000 tỷ đồng đến năm 2012 đã cân đối và kết dư lũy kế gần 13.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế bình quân cả nước là gần 70%, vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế dưới 60%, 4 tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế dưới 50%. Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế. Nhiều hình thức lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, nhất là tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, song chưa có công cụ và biện pháp hiệu quả kiểm soát vấn đề này. Công tác quản lý cũng như áp dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến thủ tục cho người bệnh còn hạn chế...
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng chi nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đặt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là một chỉ tiêu của Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Quốc hội. Trên cơ sở kết quả của Báo cáo giám sát, Quốc hội ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành hoàn thành việc hướng dẫn một số quy định thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh/thành phố triển khai các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt quan tâm các địa phương có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp.
Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố tăng cường kiểm soát chống cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức đánh giá tổng kết và kiến nghị về mô hình tổ chức bảo hiểm y tế, cũng như mô hình y tế cấp cơ sở (tuyến huyện và xã) cho phù hợp thực tế, đồng thời gắn với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhà nước về y tế nói chung, về bảo hiểm y tế nói riêng...
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo của Đoàn giám sát đã thể hiện tương đối đầy đủ về bức tranh thực trạng bảo hiểm y tế hiện nay. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo giám sát cần làm rõ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực bảo hiểm y tế; nêu các giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập, dẫn chứng cụ thể các trường hợp làm tốt hoặc chưa tốt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc khám chữa bệnh đối với các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, việc cấp phát thuốc...
Nhiều đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần triển khai các phương án cụ thể, xây dựng lộ trình cụ thể chống tình trạng lạm dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, đấu thầu cung ứng thuốc...
*** Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, buổi chiều Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này sẽ khắc phục những bất cập nảy sinh trong một số quy định về đối tượng, hình thức tham gia; phạm vi quyền lợi và mức hưởng; việc tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế; quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế, từng bước thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Về cơ bản, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với quan điểm sửa Luật phải nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo cơ chế để huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng với người dân để thực hiện cơ bản việc mở rộng diện bao phủ tiến tới b ảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Các ý kiến cho rằng bảo hiểm y tế thực chất là cơ chế tài chính chi trả trước nhằm mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng hiệu quả và phát triển. Vì vậy trong quá trình phát triển, cơ chế bảo hiểm y tế cần được sửa đổi kịp thời và thường xuyên để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn khác nhau.
Vấn đề quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo toàn Quỹ Bảo hiểm y tế, quy định tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc… là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Dự thảo Luật quy định nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% và nâng mức hưởng của người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100% để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng này. Đây là điều gây nhiều băn khoăn trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng nên cân nhắc kỹ về quy định mức cùng chi trả với hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công. Thời gian qua, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần cho việc chống lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế và bảo đảm an toàn quỹ, mặt khác cần phải đảm bảo sự công bằng về mức hưởng thụ bảo hiểm y tế giữa người nghèo, thân nhân người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo. Do đó, nên quy định tất cả các đối tượng này giữ ở mức cùng chi trả 5% là hợp lý. Song, để khắc phục việc người nghèo khó khăn khi cùng chi trả 5%, nên quy định theo hướng 5% này sẽ do Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ cùng chi trả để tránh lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn về việc sửa Luật có tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, Luật mở rộng diện đối tượng tham gia không phải trả tiền và trả tiền thấp nhiều hơn, trong khi việc mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc là rất ít, chi phí dịch vụ y tế và giá thanh toán chữa bệnh tăng lên, mức đóng bảo hiểm chưa tăng thì chưa thể đảm bảo an toàn quỹ. Chủ tịch yêu cầu cần tính toán đến khả năng an toàn của quỹ. Đây cũng là băn khoăn của một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại: Hiện nay ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho khoảng 70% số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế với số tiền chiếm tới 45% tổng số thu bảo hiểm y tế, với những sửa đổi này, Quỹ bảo hiểm chưa vỡ ngân sách đã vỡ. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, ngay bản thân Quỹ bảo hiểm y tế hiện tuy có kết dư nhưng cũng hết sức mong manh, kết dư chủ yếu do hơn 10 năm chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dự báo 2013 và 2014 sẽ không còn kết dư nhiều. Do vậy, cần tính toán, cân nhắc thêm, phải tính ngay từ nguồn đầu vào là số tiền đóng bảo hiểm phải nâng lên, trong đó có tính đến lộ trình tăng dân số, tăng thu nhập, tăng tỷ lệ người nghèo.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan quan ngại: mức hưởng tăng lên, mức chi trả ít đi, bài toán quan trọng nhất là sức chịu đựng của Quỹ bảo hiểm y tế, nếu vỡ quỹ sẽ gây mất ổn định an ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan liên quan có báo cáo giải trình thêm về việc bảo đảm an toàn Quỹ.
Về vấn đề này, đại diện các ngành khẳng định sửa đổi Luật sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Để cân đối nguồn Quỹ, các cơ quan liên quan đã thẩm định rất kỹ, từ nay đến năm 2015 có thể đảm bảo cân đối được nguồn Quỹ, khi tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ được bảo đảm an toàn.
Về quy định quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế , nhiều ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem lại tính khả thi của quy định này. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế có khả thi hay không là vấn đề còn nhiều câu hỏi đặt ra. Không bắt buộc sẽ không thể tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Luật không bắt buộc sẽ chỉ có lựa chọn ngược, người ốm mới mua bảo hiểm và như vậy không đảm bảo tính chất chia sẻ trong cộng đồng. Theo Luật mới, bảo hiểm y tế là bắt buộc nhưng cũng phải linh hoạt.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thận trọng khi sử dụng từ "bắt buộc” bởi đi liền với đó là phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hai bên. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định không thể bắt buộc mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, còn Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng thực ra đây là khuyến khích người dân tham gia, khuyến khích các hộ gia đình tham gia, không áp đặt và không thể sử dụng chế tài./
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng làm việc với Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao  (11/09/2013)
Tìm giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh  (11/09/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay