Theo báo Le Monde, PMI (Chỉ số quản lý sức mua) mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vừa được Markit đưa ra trong báo cáo tuần trước đã nhích lên 51,7 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 6-2011, ghi nhận chiều hướng thay đổi tích cực trong năm tháng liên tiếp. Với GDP tăng trưởng 0,3% trong quý Hai, kinh tế khu vực đồng euro dường như đang hồi phục.

Theo Chris Williamson, giám đốc kinh tế của Markit (Công ty dịch vụ thông tin), nếu xu hướng đó được khẳng định, trong quý Ba, Eurozone sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất kể từ đầu năm 2011.

Thông tin tích cực đầu tiên mà Markit nêu trong báo cáo mới công bố chính là sự gia tăng của sản lượng ngành chế tạo trong tháng thứ hai liên tiếp. Điều này dự báo một khả năng đột khởi của sản xuất công nghiệp tại Eurozone trong một tương lai gần.

Theo Jean-Luc Proutat, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Paribas, tín hiệu rõ nét thứ hai được phát ra từ sự khởi sắc trong lĩnh vực dịch vụ vốn trì trệ trong thời gian qua.

Ngược lại, trên thị trường lao động, trong 20 tháng liên tiếp, số việc làm tại khu vực này liên tục giảm sút trong cả lĩnh vực công nghiệp lẫn dịch vụ.

Theo đánh giá của hầu hết chuyên gia, phải mất thêm nhiều thời gian để liên minh kinh tế và tiền tệ này tạo ra một chuyển biến tích cực về tạo việc làm.

Nhìn vào các kết quả sơ bộ mà Markit công bố, sự hồi phục của Eurozone trước hết nhờ vào động lực của nền kinh tế đầu tàu Đức. Một lần nữa Đức đã cho thấy một thành tích thực sự ấn tượng về tăng trưởng, trong đó lĩnh vực tư nhân ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 1-2013 đến nay.

Giám đốc Williamson cho rằng nền kinh tế lớn nhất Eurozone “tiếp tục tăng trưởng vững vàng trong tháng Tám nhờ nhu cầu nội địa và xuất khẩu đều tăng".

Nếu Đức được Markit ví như một đầu máy kéo của châu Âu thì ngược lại, Pháp lại được nhìn nhận như một toa tàu tụt lại phía sau. Tính theo chỉ số PMI, hoạt động trong lĩnh vực tư nhân của kinh tế Pháp đã có một số dấu hiệu hồi phục trong tháng Bảy. Tuy nhiên, xét cả lĩnh vực chế tạo lẫn dịch vụ, xu hướng này lại chưa được xác nhận trong tháng Tám.

Thực trạng này đã đặt dấu hỏi về khả năng tăng trưởng vững của Pháp, cho dù nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro đã thoát khỏi suy thoái trong quý II với một thành tích đáng ngạc nhiên: GDP tăng 0,5% trong các tháng 4 đến 6-2013. Thực tế cho thấy khả năng phục hồi của kinh tế Pháp vẫn còn bấp bênh trong những tháng tới.

Do tình trạng mất việc làm vẫn tiếp diễn trong quý II, đầu tư của các doanh nghiệp chưa được “khởi động lại,” khả năng tiêu dùng của các hộ gia định chưa có dấu hiệu cải thiện trong những tháng tới, do ảnh hưởng của các chính sách cân bằng ngân sách và thuế, các động lực then chốt của kinh tế Pháp chắc chắn sẽ còn vận hành rất chậm. Tuy vậy, cũng không nên nhìn bức tranh kinh tế Pháp toàn màu đen.

Jack Kennedy, một chuyên gia kinh tế của Markit, cho rằng đã thấy “những dấu hiệu đáng khích lệ” cho kinh tế Pháp, đặc biệt các chỉ số mới có sự tăng nhẹ và đây là dấu hiệu tích cực đầu tiên kể từ hơn hai năm nay.

Trong một thông tin có liên quan, theo số liệu chính thức của Ủy ban châu Âu (EC), công bố ngày 23-8, niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở 17 quốc gia Eurozone trong tháng Tám vừa qua đã tăng từ mức âm 17,4 điểm lên âm 15,6 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 7-2011 và cao hơn dự đoán âm 16,5 điểm của các nhà kinh tế trước đó.

Việc lòng tin tiêu dùng trong khu vực này đã tăng liên tục trong chín tháng qua cho thấy mức tăng chi tiêu của các hộ gia đình có thể giúp sự phục hồi kinh tế được bắt đầu trong quý II-2013.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất và dịch vụ trong tháng Tám cũng đều tăng cao hơn dự đoán và đây cũng là minh chứng cho đà phục hồi của Eurozone sẽ còn tiếp tục trong quý Ba năm nay.

Nhà kinh tế Guillaume Menuet tại Citigroup cho rằng trước những dấu hiệu phục hồi này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ ở mức như hiện nay trong cuộc họp sắp tới vào ngày 5-9./.