Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến ngày 25-8-2013
Ngày 23-8, Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư” tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay một số thủ tục hành chính trong các dự án đầu tư đang còn rườm rà, không có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư đến lúc vận hành dự án. Có một số thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư tại các địa phương là khác nhau. Giả định với một dự án mọi yếu tố đều thuận lợi thì thời gian dành cho thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp cũng lên đến hơn 5 tháng.
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp thì cần phải có một đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính bởi hiện nay các nhà đầu tư khi thực hiện dự án vẫn phải gặp nhiều cơ quan khác nhau cho cùng một thủ tục, làm việc với nhiều sở, phòng, ban khác nhau trong khi cơ chế chia sẻ thông tin giữa và trong nội bộ các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế.
Việc áp dụng “mô hình chuẩn” này sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết những “chồng chéo”, “xung đột” và thiếu trình tự đang tồn tại hiện nay trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại các địa phương.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan chức năng nhà nước nơi thực hiện các thủ tục hành chính trong dự án đầu tư cũng như tăng tính chế tài đối với các cá nhân và doanh nghiệp khi vi phạm các thủ tục hành chính.
Những mô hình thực tiễn tốt trong quá trình triển khai “mô hình chuẩn” về thủ tục hành chính trong quá tình đầu tư sẽ được tổng kết để có thể cung cấp thông tin hữu ích cho quá trình điều chỉnh các luật liên quan đến lĩnh vực này.
Vẫn hoa mắt với thủ tục hành chính
Ngày 20-8, tại Hội thảo về thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính chủ trì, nhiều đại biểu khẳng định cải cách hành chính thời gian qua chỉ mới “đột chứ không phá”.Ông Nguyễn Hùng Huế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, cho biết đối với các dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp phải trải qua... 33 thủ tục hành chính, trong đó có rất nhiều thủ tục chỉ nghe tên thôi đã thấy phức tạp như: thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thẩm định nhu cầu sử dụng đất... Để hoàn thành 33 thủ tục hành chính này, theo ông Huế, doanh nghiệp phải mất đến 580-865 ngày!
Ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, VCCI, cho biết kết quả khảo sát 8.053 doanh nghiệp trong năm 2012 cho thấy có năm loại thủ tục mà doanh nghiệp dân doanh thường gặp khó khăn nhất là: thủ tục về xây dựng, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đất đai và thuế.
Với câu hỏi đâu là thủ tục phiền hà nhất, 33,3% doanh nghiệp cho biết là thuế, 28% doanh nghiệp chọn đất đai và tài nguyên môi trường, 15% khẳng định là thủ tục đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư..
Phấn đấu giảm 10 - 15% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, một trong những giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013 của ngành Thuế là tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn ngành Thuế đã thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và cộng đồng xã hội dưới nhiều hình thức, bảo đảm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất. Theo đó, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện gia hạn thuế giá trị gia tăng cho 105.037 doanh nghiệp, với số tiền là 4.428,5 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho 45.037 doanh nghiệp, với số tiền thuế được gia hạn 951,7 tỷ đồng.
Thông qua việc gia hạn nộp thuế đã góp phần hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển... Đồng thời, cơ quan Thuế các cấp tổ chức thường xuyên "Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế", "Tuần lễ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2012"... để giải quyết kịp thời các khó khăn, vương mắc cho người nộp thuế. Trong 6 tháng đầu năm đã hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan Thuế cho 122.695 lượt người nộp thuế; hỗ trợ qua điện thoại cho 147.098 lượt; hỗ trợ gần 8.000 văn bản cho người nộp thuế; tổ chức tập huấn 735 lớp với 287.516 lượt người tham gia; tổ chức 488 hội nghị đối thoại, với 61.275 người tham dự...
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp trình Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về chính sách pháp luật thuế theo hướng khuyến khích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt ban hành các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, hiện đại hoá công tác quản lý và ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam cam kết, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kê khai và nộp thuế điện tử; đẩy mạnh tự động hoá quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế; mở rộng việc nộp thuế qua ngân hàng thông qua việc gia tăng các ngân hàng thỏa thuận thu ngân sách nhà nước với cơ quan Thuế và đa dạng các hình thức thu nộp; thực hiện chữ ký số trên diện rộng đối với đề án kết nối thông tin giữa cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc và Tài chính… Phấn đấu giảm 10 đến 15% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Cải cách hành chính mà cũng vướng "lợi ích nhóm"
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã thẳng thắn nhận định về công cuộc cải cách hành chính tại buổi Hội thảo “Giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư” do VCCI và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, tổ chức ngày 20-8.
Theo ông Cung, hệ thống thủ tục hành chính hiện nay dù đã được “cải cách” khá nhiều nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên, phần lớn những người trực tiếp tham gia cải cách thủ tục hành chính vẫn chỉ mang tính hình thức, hô hào, đặc biệt là khái niệm “đột phá” được sử dụng quá nhiều.
“Muốn đột phá thì các nhà chuyên môn phải nói được với lãnh đạo cấp trên thế nào là đột phá, phải có thay đổi về chất, cái sau phải khác biệt cái trước, và đặc biệt là phải cảm nhận và đo lường được chứ”, ông Cung nói.
Theo TS. Cung, trong cải cách thủ tục hành chính, không phải lúc nào và ở đâu mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều có thể được hưởng lợi.
Trên bình diện chung, khi cải cách thủ tục hành chính thì phần lớn doanh nghiệp, người dân sẽ có lợi, song chính việc cải cách này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số không ít người đang thực thi công vụ, thực thi các thủ tục hành chính. Do đó, có thể xuất hiện những sự chống đối, cản trở quá trình cải cách.
“Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hiện nay, tôi hy vọng có được một kết quả nào đó có thể nhìn thấy được, chứ không hy vọng có đột phá”, ông Cung nói.
Ngày 20-8, Cục Cảnh sát biển Việt Nam khai trương Trang tin điện tử Cảnh sát biển Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (28-8-1998 – 28-8-2013).
Đây được xem là một nỗ lực lớn trong việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển.
Trang tin điện tử Cảnh sát Việt Nam (tại địa chỉ: www.canhsatbien.vn) được thiết kế có tính mỹ thuật cao, bảo đảm an ninh-an toàn mạng; được cập nhật các nội dung về tin tức-sự kiện (gồm hoạt động của Cảnh sát biển; an ninh-trật tự, quốc phòng-an ninh; trong nước, thế giới); quản lý-chỉ đạo (văn bản, ý kiến; văn bản quản lý; chỉ đạo, hướng dẫn; giáo dục pháp luật); hành chính công (cải cách hành chính; thủ tục hành chính), hợp tác quốc tế…
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam, nhấn mạnh: “Sự ra đời của Trang tin điện tử Cảnh sát biển Việt Nam không chỉ có ý nghĩa cung cấp thông tin, mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình thực hiện cải cách hành chính của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”.
Trang tin điện tử Cảnh sát biển Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác giữ vững an ninh trật tự, chủ quyền trên biển; đồng thời qua trang tin điện tử giúp tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế với lực lượng Cảnh sát biển trong khu vực và trên thế giới.
Nghiên cứu nhân rộng mô hình khai sinh “3 trong 1"
Với quy định của pháp luật hiện hành, người dân phải mất nhiều thời gian và công sức đi lại tại các cơ quan khác nhau để làm các thủ tục về đăng ký khai sinh (ĐKKS) - đăng ký thường trú/tạm trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, gần đây một số địa phương đã triển khai mô hình “3 trong 1” được dư luận xã hội rất quan tâm và người dân thụ hưởng đánh giá cao.
Từ hiệu quả này, Bộ Tư pháp đang đề xuất nhân rộng mô hình một cửa liên thông thực hiện các thủ tục hành chính cho trẻ em mới sinh.
Hiệu quả đã được kiểm chứng
Từ tháng 7-2010, Phòng Tư pháp huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã phối hợp với Phòng Nội vụ và các ngành có liên quan đề nghị UBND huyện cho phép thực hiện thí điểm mô hình khi trẻ ĐKKS sẽ được cấp luôn thẻ BHYT và nhập hộ khẩu tại thị trấn Bến Lức và xã Lương Hòa. Các thủ tục này đều được thực hiện ở cấp xã hoặc nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa cấp xã và liên quan đến 3 nhóm thủ tục hộ tịch, hộ khẩu, BHYT nên người dân vẫn gọi tắt là mô hình “3 trong 1”.
Theo đó, khi người dân đến ĐKKS cho con, cán bộ một cửa tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ theo quy định, rồi chuyển toàn bộ hồ sơ sang cán bộ hộ tịch. Khi ĐKKS xong, cán bộ hộ tịch chuyển trả giấy khai sinh và sổ hộ khẩu sang cán bộ thương binh và xã hội đăng ký thẻ BHYT cho trẻ. Thực hiện xong, cán bộ thương binh và xã hội chuyển tiếp hồ sơ sang cán bộ phụ trách hộ khẩu. Sau khi hoàn tất thủ tục, cán bộ hộ khẩu chuyển trả hồ sơ về bộ phận một cửa trả cho công dân.
Chỉ trong thời hạn 3 ngày, người dân nhận được giấy khai sinh, thẻ BHYT, sổ hộ khẩu tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính xã. “Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, giúp người dân rút ngắn 2/3 thời gian đi lại so với trước đây”, chị Nguyễn Lê Thị Phi Yến, cán bộ tư pháp xã Lương Hòa cho biết. Tính đến năm 2012, UBND cấp xã đã nhận và giải quyết được 7.913 trường hợp khai sinh. 100% các trường hợp ĐKKS đều được nhập hộ khẩu và cấp thẻ BHYT đến đúng địa chỉ, khắc phục được việc chậm trễ so với trước đây.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, gần như toàn bộ 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thực hiện quy chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hộ tịch - BHYT - hộ khẩu. Từ kết quả khảo sát của Sở Tư pháp vào năm 2012 cho thấy, thực tế có nhiều trường hợp trẻ em đã ĐKKS nhưng không được nhập hộ khẩu kịp thời; có trường hợp người dân vì ngại đi lại nhiều lần, chỉ làm ĐKKS nhưng không đăng ký cấp thẻ BHYT nên không đảm bảo được quyền lợi của trẻ. Nếu thực hiện độc lập các thủ tục ĐKKS - BHYT - đăng ký thường trú cho trẻ em dưới sáu tuổi thì tổng thời gian xử lý hồ sơ kéo dài đến 26 ngày.
Trên cơ sở này, cuối tháng 1-2013, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định 07/2013 ban hành quy chế một cửa liên thông các thủ tục nói trên. Nhờ vậy, thời gian làm các thủ tục ĐKKS - BHYT - đăng ký thường trú cho trẻ dưới sáu tuổi rút ngắn còn 11 ngày (ở Bến Lức, Long An là 10 ngày); đồng thời, người dân chỉ cần nộp hồ sơ ở UBND cấp xã là thực hiện được các thủ tục trên.
Nghiên cứu nhân rộng trong cả nước
Đánh giá về mô hình “3 trong 1”, Bộ Tư pháp cho rằng, hiệu quả của nó đối với người dân là rất lớn, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính, rõ nhất là giảm chi phí đi lại. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, việc tổ chức liên thông đã tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý dân cư và có thể coi mô hình trên là bước đi đầu tiên trong việc bảo đảm thống nhất quản lý dân cư. Nhưng mới chỉ có một bộ phận nhỏ người dân được hưởng lợi ích từ việc tổ chức mô hình liên thông; quy trình, thủ tục liên thông chưa được hình thành, áp dụng thống nhất.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đang đề xuất nhân rộng mô hình một cửa liên thông các thủ tục hành chính, trong đó có liên thông việc ĐKKS - đăng ký thường trú/ tạm trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan cho biết, với con số trung bình mỗi năm có khoảng 1,7 triệu trẻ được sinh ra thì nếu triển khai mô hình liên thông trong cả nước, năm đầu sẽ tiết kiệm gần 212 tỷ đồng, từ năm thứ 2 trở đi là xấp xỉ 200 tỷ đồng cho việc thực hiện các thủ tục hành chính về hộ tịch, hộ khẩu, BHYT và cắt giảm 8 loại giấy tờ cùng 4 loại bản sao giấy tờ trong thành phần hồ sơ.
“Không những thế, việc tổ chức thực hiện liên thông này sẽ từng bước hiện đại hóa việc thực hiện thủ tục hành chính, chuẩn bị cho việc cấp số định danh cá nhân và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức”, ông Phan nói thêm.
Tuy nhiên, tại phiên họp góp ý cho đề xuất do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào chiều 21-8, một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về lộ trình thực hiện chưa rõ ràng để bảo đảm “khớp” với Đề án tổng thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư. Có ý kiến đề xuất, đã thực hiện liên thông thì chỉ cần cấp 1 loại giấy tờ, “tại sao cứ phải cấp 3 giấy một lúc, có thể bổ sung trong giấy khai sinh nội dung là được bảo hiểm đến năm 6 tuổi được không”.
Vận hành hệ thống tiếp nhận xử lý thông tin về giải quyết thủ tục hành chính
181.908 hồ sơ thủ tục hành chính bị quá hạn - đó là con số được Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đưa ra tại Hội thảo Đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Ông Lê Vệ Quốc, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho hay, từ năm 2011 đến hết quý I-2013, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận giải quyết 50.835.175 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 181.908 hồ sơ quá hạn.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, mỗi ngày các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận khoảng 600 nghìn giao dịch hành chính, nhưng người dân hoàn toàn không kiểm soát được tình hình thủ tục của mình sẽ được xử lý như thế nào, mặc dù đã có giấy hẹn.
Ba năm qua, các bộ, ngành, địa phương chỉ tiếp nhận 1.692 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. “Con số này quá thấp vì người dân không thể biết, không có cơ chế để biết kiến nghị của mình có được giải quyết hay không. Đó là nguyên nhân người dân thiếu niềm tin vào cơ quan hành chính nhà nước…”, ông Quốc nói.
Nguyên nhân chủ yếu khiến người dân chưa hăng hái đóng góp ý kiến vì họ chưa được thể hiện vai trò làm chủ của mình thông qua việc giám sát toàn bộ quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Điều đó dẫn đến sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, thậm chí dẫn tới tình trạng tham ô, nhũng nhiễu của cán bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Trong khi đó, nhu cầu phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách cũng như quá trình giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước là rất lớn.
Thực tế, chúng ta còn thiếu một hệ thống thông tin tổng thể hỗ trợ công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cũng như giải quyết thủ tục hành chính và việc kiểm soát các hoạt động này một cách thống nhất, tập trung, trực tiếp trên phạm vi toàn quốc.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, phạm vi của Đề án là thiết lập thông tin về việc tiếp nhận xử lý, phản ánh kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên phạm vi cả nước, phục vụ việc ứng dụng CNTT trong quá trình hiện đại hóa công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
Đối tượng sử dụng hệ thống này bao gồm các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; ở bộ, ngành; hệ thống các cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, địa phương; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; người dân và doanh nghiệp.
Đề án với tổng kinh phí dự kiến khoảng 77,8 tỷ đồng sẽ được triển khai trong ba năm, từ năm 2014 đến hết năm 2016. Trong đó, năm 2014 kinh phí dự kiến 20 tỷ đồng, năm 2015 kinh phí 40 tỷ đồng và năm 2016 kinh phí khoảng 17,8 tỷ đồng. Hai phương án về nguồn vốn được tính để huy động đó là từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Nếu được triển khai đúng lộ trình đề xuất, tới năm 2016, hệ thống thông tin sẽ được triển khai kết nối ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhấn mạnh, Đề án này sẽ giúp người đứng đầu cơ quan có thể biết hồ sơ của người dân đang bị ách tắc ở khâu nào, ai là người phải chịu trách nhiệm, và người dân biết tình hình giải quyết hồ sơ của mình đến đâu.
Đề án này cũng là công cụ giúp tăng cường kỷ cương hành chính, phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án này cần rõ ràng hơn về nội dung, phạm vi và các dữ liệu về tài chính cũng như nhân lực. Với khoảng 600 nghìn thủ tục hành chính giao dịch mỗi ngày, quy mô các giao dịch liên quan, truy cập, cập nhật là khổng lồ./.
Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO  (26/08/2013)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-8 đến 25-8-2013)  (26/08/2013)
Liên hợp quốc ủng hộ xây công viên trên biên giới liên Triều  (26/08/2013)
Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam  (26/08/2013)
Khoảng lặng để suy ngẫm  (26/08/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên