Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-5-2013
Phải hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước - tỷ lệ người được hỏi đồng tình với nhận định này là 44% (năm 2011 là 29%). Số người đồng tình với việc phải hối lộ mới được chăm sóc y tế và xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng với tỷ lệ tương đương (từ 31% năm 2011 lên 42% năm 2012 đối với chăm sóc y tế; từ 21% lên 32% đối với chứng nhận quyền sử dụng đất).
Những con số trên đáng phải suy nghĩ, bởi sau nhiều năm cả nước đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) nhưng đánh giá, khảo sát của các cấp, các ngành đều phản ánh thực trạng người dân chưa được phục vụ, thậm chí còn phải "lót tay" để được việc. Còn nhớ, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 đã chỉ rõ công tác "Xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức" là nội dung thực hiện kém nhất. Vì thế, Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục xác định đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Theo đó, mục tiêu phấn đấu là nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020. Thế nhưng, hơn hai năm đã trôi qua vẫn chưa thấy tín hiệu vui. Càng buồn hơn nữa, theo khảo sát chỉ số PAPI cho thấy, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân tăng lên, họ chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ với hy vọng được phục vụ tốt hơn và có tới 25% số người dân tham gia khảo sát nói, họ đã từng thấy có tình trạng vòi tiền hối lộ nhưng không tố cáo.
Các cấp, ngành nỗ lực thực hiện CCHC, dù đã có kết quả nhất định nhưng trong những lĩnh vực sát sườn với người dân như: đất đai, y tế, giáo dục, xây dựng, đầu tư… dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" ở đâu đó, thậm chí còn thụt lùi về chất lượng phục vụ, thực sự là điều báo động. Thiết nghĩ, cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong thực hiện công tác CCHC, đừng để mức độ chịu đựng nạn tiêu cực của người dân tăng dần và trở thành thói quen xấu.
Tăng trách nhiệm phục vụ
Thời gian qua, công tác CCHC của TP. Hà Nội được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung và đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, có thể thấy, việc tổ chức thực hiện của không ít đơn vị vẫn chưa thực sự đi vào nền nếp, chưa đúng yêu cầu, kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tổ chức, công dân.
Kết quả rõ nhất trong công tác CCHC của TP. Hà Nội là việc tổ chức thực hiện bộ phận "một cửa" đã đều khắp. Hiện đã có 29/29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn; 26 sở, ban, ngành, đơn vị hiệp quản đã tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" (gọi chung là bộ phận "một cửa"). Về cơ bản, các đơn vị, địa phương đều ban hành đầy đủ văn bản, cụ thể hóa các quy định của cấp trên, làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bộ phận "một cửa".
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đơn vị do cơ sở vật chất còn khó khăn, bộ phận "một cửa" không đủ diện tích 40m2 theo quy định. Sự chật hẹp đó kéo theo khó khăn trong việc bố trí trang thiết bị (ghế ngồi, máy tính, máy in, vách ngăn giữa cán bộ và công dân…). Trong việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC), nhiều đơn vị cấp xã, phường chưa công khai đầy đủ danh mục TTHC hoặc có công khai nhưng chưa kịp thời cập nhật các thủ tục mới theo quy định. Một số đơn vị chưa tính đến sự thuận tiện cho công dân tra cứu nên vẫn treo bộ TTHC ở vị trí khó xem, thậm chí có đơn vị đã treo cố định trên bảng nhưng lại in nội dung trên hai mặt giấy khiến công dân khó theo dõi.
Theo ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, điều bất cập trong thực hiện cơ chế "một cửa" trên địa bàn huyện hiện nay là số TTHC thực hiện tại bộ phận "một cửa" ở các cơ sở còn ít, hầu hết chỉ thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, các lĩnh vực còn lại, việc tiếp nhận và giải quyết được thực hiện tại phòng chuyên môn, không qua bộ phận "một cửa". Bên cạnh đó, việc mở sổ nhật ký hằng ngày, phiếu nhận - hẹn trả kết quả, phiếu giao - nhận hồ sơ hầu hết các cơ sở thực hiện chưa đầy đủ, chưa theo hướng dẫn của các văn bản luật.
Mới đây, đoàn kiểm tra công vụ của TP. Hà Nội kiểm tra đột xuất tại UBND huyện Thường Tín đã phát hiện trong lĩnh vực tư pháp, huyện chưa cập nhật niêm yết theo quyết định mới của thành phố nên vẫn niêm yết thừa một TTHC đã được hủy bỏ. Chưa hết, huyện này đã dùng tờ khai theo mẫu mới cung cấp cho công dân theo đúng quy định nhưng trên bảng lại niêm yết tờ khai theo mẫu cũ. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Xuân Phương - dẫn đầu đoàn kiểm tra khẳng định: UBND huyện Thường Tín đã ban hành đầy đủ các văn bản, kế hoạch nhưng việc niêm yết không kịp thời, thậm chí niêm yết sai các tờ khai, thủ tục. Cho dù việc thực hiện không sai, vẫn tuân thủ đúng quy định nhưng đã cho thấy "lỗi kết nối" giữa các bộ phận trong đơn vị. Ngành Tư pháp không chủ động trao đổi với bộ phận "một cửa" về các văn bản mới cần niêm yết vì cho rằng đó là việc của "một cửa", còn bộ phận "một cửa" cũng tắc trách, cứ niêm yết mẫu cũ nhưng thực hiện theo mẫu mới. Điều này sẽ khiến tổ chức, công dân khó hiểu.
Việc thực hiện các nội dung của công tác CCHC chưa thực sự hiệu quả còn do nhiều đơn vị chưa tuân thủ đúng, quá chậm trễ trong triển khai các nhiệm vụ, yêu cầu của Trung ương và thành phố. Cụ thể như đến hết năm 2012 vẫn còn 6 sở, ngành chưa xây dựng kế hoạch CCHC giai đoạn 2011 - 2015; 8 sở được UBND thành phố giao thực hiện nhiệm vụ, đề án về công tác CCHC năm 2012 nhưng kết quả còn chậm so với tiến độ. Không ít đơn vị có ban hành kế hoạch kiểm tra CCHC nhưng mới dừng lại ở trên giấy, chưa thực thi.
Để chấn chỉnh tình trạng này, trong năm 2013, thành phố tăng cường kiểm tra công vụ thường xuyên, đột xuất việc thực hiện các quy chế, quy trình công tác, sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị hiệp quản. Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố cũng tập trung kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực, những đơn vị chưa ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013". Kiểm tra những vụ việc theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và việc thực hiện văn bản, ý kiến chỉ đạo điều hành của UBND, Chủ tịch UBND thành phố. Tuy nhiên, với 19 thành viên, đoàn kiểm tra công vụ của thành phố không thể đi kiểm tra được hết. Do đó, mỗi đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tự kiểm tra và định kỳ báo cáo đơn vị cấp trên, đó cũng là cách thực hiện hiệu quả "Năm kỷ cương hành chính - 2013", góp phần tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
Thừa Thiên - Huế: Học Bác để sửa đổi lề lối làm việc
Thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một trong những kết quả đáng ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên - Huế là công tác cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc dần được chú trọng, nhất là công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; cơ chế “một cửa”…
Công tác cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc liên quan đến đời sống của nhân dân được chú trọng, nhất là công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; cơ chế “một cửa” tiếp tục cải cách thông thoáng…
Việc thực hiện Chỉ thị 03 đã tạo ra nhiều phong trào và điển hình tiêu biểu, như: Bệnh viện Trung ương Huế với phong trào “Thực hiện tốt 12 điều y đức và Bộ quy tắc của ngành Y tế”; Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt với hoạt động giúp đồng bào vùng biên giới làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh và làm tốt công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc ít người; Chi hội Phụ nữ Thanh Phước, thị xã Hương Trà thực hiện tốt mô hình “Hũ gạo tiết kiệm giúp đỡ người nghèo”...
Công đoàn Viên chức TP. Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cải cách hành chính
Thực hiện Năm kỷ cương hành chính, Công đoàn viên chức TP. Hà Nội đã triển khai các cuộc thi "Tìm hiểu về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước", "Đề xuất ý tưởng CCHC", trong các tổ chức công đoàn, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện CCHC trong đội ngũ cán bộ, viên chức.
Cùng với đó, Công đoàn Viên chức TP cũng tạo điều kiện cho 925 cán bộ được đào tạo sau đại học, gần 300 người được hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng; hơn 580.000 lượt người được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; gần 10.000 lượt người được bồi dưỡng về kiến thức quản lý và CCHC. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức trong giao dịch với dân.
Tính phương án tháo gỡ vướng mắc
Liên quan việc các chủ phương tiện sau khi sang tên đổi chủ phải làm thủ tục kiểm định lại dù hạn đăng kiểm vẫn còn, ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là ủng hộ việc sang tên đổi chủ phương tiện.
Việc cấp giấy đăng kiểm mới cho những xe còn hạn đăng kiểm, không cần qua kiểm định là cần thiết, phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
“Đầu tuần tới, chúng tôi sẽ trao đổi ngay với Cục Đăng kiểm và báo cáo lãnh đạo Bộ. Nếu không vướng mắc gì, kể cả phải thay đổi thông tư, Bộ sẽ sớm nghiên cứu để tạo thuận lợi cho công tác sang tên đổi chủ”, ông Lưu nói.
Hà Nội: Thí điểm thi tuyển lãnh đạo
Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết trong năm 2013 Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm hình thức thi một số chức danh lãnh đạo quản lý, trong khuôn khổ chương trình mục tiêu giai đoạn (2010 - 2015) về cải cách hành chính.
Ngày 13-5, sau thời gian khảo sát thực tế tại một số địa điểm của thành phố, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với TP. Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” (CBCCVC).
Được biết từ năm 2005 đến nay, Hà Nội đã ban hành 23 văn bản liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ CBCCVC.
Công tác tuyển dụng của thành phố bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh. Xác định rõ vị trí làm việc để xây dựng cơ cấu về trình độ, chuyên ngành trước khi tuyển dụng. Chỉ tính riêng năm 2012, số công chức cấp xã trúng tuyển là 1.326 người, viên chức giáo dục là 7.504 người và số viên chức sự nghiệp khác là 788 người. Đến năm 2015, phấn đấu 80% công chức có trình độ đại học trở lên.
Đồng thời, thành phố cũng chú trọng các chủ trương, chính sách đặc thù về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC. Từ năm 2009 đến nay đã tuyển dụng 37 thủ khoa các trường, tiếp nhận 42 viên chức ngoại tỉnh có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ về công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Việc bổ nhiệm, phân công cán bộ cũng xuất phát từ yêu cầu công việc và quy hoạch cán bộ từng địa phương, đơn vị, thực hiện phương châm “mở” và “động” trong quy hoạch cán bộ. Từ năm 2010 đến nay bổ nhiệm 2.753 CBCCVC vào vị trí lãnh đạo cấp thành phố, sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Tại buổi làm việc, TP. Hà Nội cũng đề xuất, kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định vị trí việc làm và xác định ngạch công chức; quy định về các đối tượng có tài năng, năng khiếu đặc biệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất các chuyên ngành đào tạo, cách tính điểm học tập trung bình toàn khóa ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp trong toàn quốc để bảo đảm sự công bằng và thống nhất
Công an Hà Nội giúp dân làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện
Trong khi một số thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông đang nảy sinh những bất cập, Công an TP. Hà Nội đã có những giải pháp kịp thời nhằm cải cách hành chính, giúp nhân dân thuận lợi hơn. Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội: “Lực lượng cảnh sát khu vực sẽ đến từng hộ dân, phát tờ khai, hướng dẫn nhân dân làm các thủ tục đổi chủ xe”.
Sau 15 ngày thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an về chuyển đổi xe chính chủ (có hiệu lực từ ngày 15-4-2013), Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận 7.403 hồ sơ đăng ký sang tên, di chuyển xe ô tô (tăng 98% so với cùng kỳ). Trong đó, hồ sơ sang tên trong thành phố 5.167 xe, chuyển đến 506 xe, chuyển đi 1.730 xe. Công an thành phố cũng tiếp nhận 1.473 hồ sơ sang tên, di chuyển xe mô tô, xe máy (tăng 88,6% so với cùng kỳ tháng trước). Trong đó, số xe máy sang tên trong thành phố là 939 xe, chuyển đến 149 xe, chuyển đi 385 xe.
Phương tiện sang tên đổi chủ tăng đột biến
Hà Nội hiện có 4 điểm đăng ký sang tên ô tô và 29 điểm đăng ký xe máy. Theo khảo sát, tại các điểm đăng ký, lưu lượng người đến làm thủ tục luôn quá tải. Lý do chính khiến nhân dân đến làm thủ tục ngày một đông là do thuế trước bạ, phí sang tên, đổi chủ các phương tiện giao thông giảm nhiều so với trước. Theo quy định hiện hành, thuế trước bạ đối với xe ô tô dưới 10 chỗ đăng ký lần 2 trở đi giảm xuống 2%.
Thời gian từ nay đến cuối năm, lực lượng cảnh sát khu vực sẽ trực tiếp đến từng hộ gia đình nắm tình hình số người có nhu cầu đăng ký sang tên, di chuyển xe; giúp họ khai theo mẫu, sau đó cảnh sát khu vực mang về công an phường làm xác nhận rồi trực tiếp mang đến nhà trả cho nhân dân.
Tranh thủ từng giờ để giúp nhân dân
Theo Trung tá Nguyễn Dũng, Trưởng đồn công an số 1, Công an huyện Từ Liêm: “Trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ, kể cả buổi tối, đơn vị tổ chức lực lượng đến từng hộ dân để cấp tờ khai, hướng dẫn thủ tục sang tên đổi chủ xe máy cho những người có nhu cầu. Do địa bàn rộng với 16.000 hộ dân, cán bộ, chiến sĩ phải tranh thủ từng giờ để đi địa bàn”.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết: “Lực lượng cảnh sát khu vực vất vả một chút nhưng việc đến từng nhà dân hướng dẫn sẽ giúp cho việc đăng ký sang tên thuận tiện hơn”.
Bên cạnh đó, Công an thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành để việc sang tên đổi chủ xe của người dân được thực hiện đạt kết quả cao. Các đơn vị nghiệp vụ sẽ xử lý nghiêm các đối tượng cò mồi, môi giới làm thủ tục để trục lợi từ việc đăng ký xe (trong những ngày qua, lực lượng chức năng đã bắt 4 đối tượng cò mồi làm thủ tục tại các điểm đăng ký, 6 đối tượng lừa đảo làm nhanh hồ sơ nộp thuế trước bạ tại Chi cục Thuế Hoàng Mai). Đối với các huyện ngoại thành, trưởng công an các huyện sẽ báo cáo chủ tịch huyện chỉ đạo chi cục thuế, kho bạc nhà nước cùng cấp phối hợp lực lượng công an xuống từng xã, thị trấn trên địa bàn làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe cho nhân dân.
Kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn.
Dự kiến từ 4 đến 28-6, đoàn kiểm tra (gồm đại diện UBND Thành phố, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư) sẽ kiểm tra, khảo sát việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú; tổ chức làm việc sáng thứ bảy để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; việc thực hiện thư xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn… Các đơn vị được kiểm tra là Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch, Sở Giáo dục và Dào tạo, UBND Quận 2, Q.Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Đơn vị được khảo sát là Kho bạc Nhà nước Thành phố.
Hải Phòng đẩy mạnh cải cách hành chính
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01 của Thành ủy Hải Phòng về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015, năm 2013, Hải Phòng tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu: Cắt giảm, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
100% TTHC được cập nhật, công khai trên cổng thông tin điện tử thành phố; hoàn thiện mô hình tổ chức để bảo đảm thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" ở tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước... Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực; tiếp tục rà soát các quy định về TTHC ở các lĩnh vực để kịp thời bổ sung, sửa đổi, thay thế, bãi bỏ các quy định về TTHC không cần thiết, không còn phù hợp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" của các cơ quan đơn vị; bảo đảm giải quyết TTHC thực chất, hiện đại, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục.
Cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc
Tỉnh ủy Trà Vinh vừa ban hành chỉ thị về việc cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc; chấn chỉnh việc chấp hành quy định trong giờ hành chính và việc chấp hành kỷ luật phát ngôn của cán bộ, đảng viên, nhằm khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Theo đó, các tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát việc đảng viên chấp hành 19 điều đảng viên không được làm; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi phục vụ nhân dân, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo phân cấp quản lý phù hợp với trình độ, năng lực cán bộ và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tỉnh vừa quyết định điều động, luân chuyển, phân công, bổ nhiệm 32 cán bộ; giải quyết chính sách nghỉ hưu 6 cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý; đồng ý cho nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu hai đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các sở, ngành đã sắp xếp, bố trí 24 cán bộ, điều động, luân chuyển 38 cán bộ.
Cải cách hành chính và những việc nóng của thành phố
Thành phố Hà Nội đã có quyết định đúng đắn, rất hợp lòng dân khi quyết định chọn Năm 2013 là Năm kỷ cương hành chính.
Chọn chủ đề của năm, cũng có nghĩa là công tác trọng tâm, là nhiệm vụ trọng tâm và đây cũng là lĩnh vực đang tồn tại nhiều yếu kém cần được tập trung thúc đẩy, làm chuyển biến tình hình.
Nói đến kỷ cương hành chính, trước hết là đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải gương mẫu trong việc nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trước công việc. Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người dân và công khai, minh bạch. Đồng thời, không thể không nhấn mạnh yêu cầu phải khắc phục, xử lý thật nghiêm các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh, tắc trách... gây phiền hà cho người dân, cản trở cho quá trình giải quyết công việc.
Với tinh thần của Năm kỷ cương hành chính, dư luận đòi hỏi thành phố phải tập trung xử lý một cách khẩn trương, kiên quyết những vụ việc do chậm trễ, hoặc tiêu cực trong thời gian gần đây, gây bức xúc và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của người cán bộ, công chức và hình ảnh Thủ đô.
Có những việc, có phần khó khăn hơn, liên quan đến quy trình, thủ tục, trong đó có quy trình đúng, hợp lý lẫn những quy trình, thủ tục nhiêu khê, xa rời thực tế, thiếu tính khả thi nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục, dẫn tới sự chậm trễ đưa ra phương án tu bổ, chống dột cho chùa Diên Hựu, nằm trong quần thể di tích chùa Một Cột.
Việc mới hơn, cũng đang rất nóng, một việc hy hữu, gần 80 người dân ký đơn xin trả lại danh hiệu Làng cổ Đường Lâm. Thật sự gây không ít ngạc nhiên cho rất nhiều người, nhưng thêm một lần thức tỉnh các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, chuyên gia, học giả... cả trong lĩnh vực văn hóa, bảo tồn di tích và nhiều lĩnh vực khác, rằng chúng ta phải gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân hơn nữa.
Có những quyết định, tưởng là rất hay, rất tốt; nhưng với người dân, chưa hẳn là như thế, nếu không có một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý, khả thi đi cùng. Phong tặng danh hiệu "Làng cổ Đường Lâm", không ai không nghĩ đó là ý tưởng tốt. Nhưng chỉ tốt về ý tưởng không thôi là chưa đủ với những người đang sống ở Đường Lâm, kính thưa các nhà quản lý văn hóa và du lịch, nếu như chúng ta không quan tâm đến đời sống hiện tại của người dân trong các ngôi nhà cổ, trong không gian làng cổ. Nếu ai đó chỉ chăm chăm lo bảo tồn các ngôi nhà cổ mà lại thiếu đi sự quan tâm đối với những con người đang sống trong ngôi làng đó, ít ra cũng như sự quan tâm bảo vệ các ngôi nhà của chính họ, thì ý tưởng tốt đẹp, hiển nhiên sẽ không thể khả thi.
Điểm qua mấy việc đang nóng sôi sùng sục trên mặt báo tuần qua, để thấy thành phố chúng ta đang có biết bao việc phải làm một cách khẩn trương, bài bản và đồng bộ, với tinh thần cải cách hành chính của Năm kỷ cương hành chính.
Tuy nhiên, cũng xin nói thêm, sẽ là duy ý chí hoặc không khách quan khi có những ý kiến cho rằng, dường như thành phố nghìn năm tuổi của chúng ta đã quá coi nhẹ việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa thành phố Hà Nội. Liệu nhận xét đó có là xác đáng? Cái bất cập, thiếu sót, khuyết điểm, như vừa kể trên chỉ là số ít, thậm chí rất nhỏ so với tất cả những gì thành phố Hà Nội đã và đang làm. Nhưng tất cả những điều đó, vẫn là chưa đủ so với yêu cầu, đòi hỏi tôn vinh Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, một Thủ đô có bề dày lịch sử, văn hóa hiếm có trên thế giới, với 5.175 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2.251 di tích đã được xếp hạng. Chỉ cần những người quản lý một trong số các di tích đó có biểu hiện lơ là, tắc trách trong công tác bảo tồn, quản lý là dư luận lập tức lên tiếng "kêu cứu". Rất nhiều công việc đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hơn, tích cực hơn với tinh thần của Năm kỷ cương hành chính và đồng thời, cũng đang rất cần một sự đồng thuận, một sự chung tay, góp sức và trách nhiệm hơn của mọi người, cả trong lời nói lẫn việc làm./.
Phát động cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (21/05/2013)
Vì một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, an toàn về nguồn nước  (21/05/2013)
Mỹ: Lốc xoáy kinh hoàng, 91 người chết  (21/05/2013)
Hà Nội bàn giải pháp bảo tồn làng cổ Đường Lâm  (21/05/2013)
Việt Nam đoạt giải tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế  (21/05/2013)
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chống dịch bệnh với quốc tế  (21/05/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên