Ngày 18-5, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước nhiệm vụ hợp tác về khoa học công nghệ theo Nghị định thư “Một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2011 - 2020”.

Nhiệm vụ này vừa có giá trị khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn, làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn cho quan hệ hợp tác song phương; các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa; xem xét quan hệ đặc biệt giữa hai bên trong bối cảnh phát triển mới của thế giới và khu vực với các vấn đề của chủ nghĩa khu vực ở Đông Á, thực trạng hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng để đưa ra những nhận định đúng đắn, cảnh báo về nhân tố lớn thách thức mối quan hệ hai nước. Các diễn biến mới nhất của bối cảnh phát triển khu vực và thế giới đang và sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho quan hệ hai bên, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực.

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, triển vọng sắp tới, hai bên cần phát huy lợi thế về vị trí địa chính trị, duy trì mối quan hệ chính trị lâu đời làm định hướng nhưng phải lấy quan hệ kinh tế làm động lực để đẩy mạnh hợp tác phát triển toàn diện. Sự liên kết thị trường và mở rộng không gian hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào luôn là một đòi hỏi tất yếu khách quan.

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế diễn biến đa dạng, năng động và phức tạp hiện nay, lợi thế địa lý của Việt Nam và Lào do nằm kề ở “trục lộ xương sống” của kinh tế khu vực, đặc biệt khu vực miền Nam và miền Trung của hai nước nằm ở vị trí “bản lề” giữa biển và đất liền, ngay trung tâm của không gian hội nhập và hợp tác Đông Nam Á, hoàn toàn có điều kiện bổ sung cho nhau, sẽ là nguồn tài nguyên vô giá, là đòn bẩy chiến lược giúp hai nước cùng phát triển và phồn thịnh. Từng phần lãnh thổ Việt Nam có thể đóng vai trò “cửa ngõ” cho Lào thông ra Thái Bình Dương vì Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có biển, đây là lợi thế không có quốc gia láng giềng nào của Lào có thể cạnh tranh với Việt Nam.

Việt Nam cần giảm các loại chi phí liên quan đến việc sử dụng các cảng biển, hỗ trợ đầu tư cho các nhà máy sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở một số khu vực của Lào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và làm tăng nguồn hàng hóa từ Lào qua các cảng biển Việt Nam./.