TCCSĐT - Ngày 11-5, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc.

1. Kỷ niệm 59 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 7-5-2013)

 

* Ngày 7-5, tại Nghĩa trang Độc Lập thuộc xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã diễn ra lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2013).

 

Tại buổi lễ, các đoàn đã dâng vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ” tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Độc Lập, đọc điếu văn, cử nhạc trong không khí trang nghiêm, kính cẩn. Sau lễ viếng, các đoàn đã thắp hương tưởng niệm từng phần mộ liệt sĩ.

Tỉnh Điện Biên hiện có 3 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia cùng nhiều nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh, nghĩa trang thanh niên xung phong, quy tập hơn 8.000 phần mộ liệt sĩ. Nghĩa trang Độc Lập là nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất tỉnh Điện Biên, quy tập gần 2.500 phần mộ liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và liệt sĩ tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Lào.

 

* Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2013), ngày 7-5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Ký ức Điện Biên”.

 

Cuộc thi viết “Ký ức Điện Biên” nhằm động viên, khuyến khích các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân công hỏa tuyến và tất cả những ai đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ghi lại hoặc kể lại hồi ức về những câu chuyện, sự kiện, chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua đây khơi dậy lòng tự hào của cựu chiến binh và của cả dân tộc Việt Nam về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phát huy tinh thần “quyết chiến quyết thắng” của Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Mỗi tác giả tham gia cuộc thi được gửi không quá 3 bài dự thi. Bài dự thi phải là bài chưa được sử dụng trên các sách, báo, tạp chí khác; không được sao chép của người khác dưới mọi hình thức. Bài dự thi theo thể lệ hồi ký hoặc ghi chép văn xuôi không quá 3.000 từ. Ban Tổ chức nhận bài từ tháng 5-2013 đến tháng 5-2014. Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ tổng kết và trao thưởng trước ngày 7-5-2014 tại Trụ sở Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

 

2. Phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSat-1

 

Vào 9 giờ 6 phút (giờ Hà Nội) ngày 7-5-2013, Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp.

 

Đây là sự kiện khoa học - công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam tiếp nối sau thành công của các dự án vệ tinh viễn thông Vinasat 1 (2008) và Vinasat 2 (2012). Dự án vệ tinh VNREDSat-1 thành công không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học - công nghệ mà còn góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình nói riêng.

 

Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất với nhiệm vụ chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày. Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680km. Độ phân giải mặt đất là 2,5m (PAN) và 10m (MS). Vệ tinh có kích thước 600mm x 570mm x 500mm và nặng khoảng 120kg. Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.

 

3. Kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam

 

Ngày 7-5, tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lễ Kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 – 7-5-2013). Tham dự buổi lễ có toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo cùng đoàn đại biểu cán bộ các cơ quan Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến công tác đặc biệt do đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu thăm Trường Sa.

 

Lễ kỷ niệm là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng để cán bộ, chiến sĩ ôn lại truyền thống vinh quang hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đồng chí khẳng định, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc là hết sức nặng nề và vẻ vang, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam là nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trên biển.

 

Kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Quân chủng, cùng với niềm tự hào về những chiến công trong hơn nửa thế kỷ qua, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam càng nhận thức sâu sắc hơn trọng trách nặng nề trong giai đoạn mới của cách mạng được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”. Toàn quân chủng tập trung mọi nỗ lực xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tình hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Tại buổi lễ, các nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi những người chiến sĩ hải quân dũng cảm kiên cường và chuyển tải những tình cảm của đất liền đến với Trường Sa thân yêu.

 

4. Vòng chung kết cuộc thi Robocon toàn quốc năm 2013

 

Từ ngày 7 đến 12-5, tại Cung thể thao Tiên Sơn, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc vòng chung kết cuộc thi Robocon toàn quốc lần thứ 12, với chủ đề “Hành tinh xanh”. Tham dự có 32 đội tuyển xuất sắc nhất đã vượt qua 180 đội tuyển tới từ 45 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên cả nước.

 

Kết quả đội LH-SEE của Đại học Lạc Hồng đã giành chức Vô địch, với phần thưởng 50 triệu đồng. Đội LH-NVN EAGLE, Đại học Lạc Hồng giành giải Nhì với phần thưởng 30 triệu đồng. Đồng giải Ba là đội LH-ET*, Đại học Lạc Hồng và đội BKD-PTC, Đại học Bách khoa Đà Nẵng với phần thưởng 20 triệu đồng. Như vậy, 2 đội Robocon xuất sắc nhất là đội LH-SEE và LH-NVN EAGLE của Đại học Lạc Hồng sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam vào tháng Tám năm nay.

 

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải phụ như: giải pháp hay nhất Toyota Award (với phần thưởng 20 triệu đồng), giải công nghệ, giải ý tưởng, Robot bằng tay tốt nhất, Robot tự động tốt nhất, giải phong cách, với 15 triệu đồng/giải thưởng.

 

5. Trao giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam - năm 2012

 

Ngày 7-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam lần thứ 18 - năm 2012.

 

Quả bóng Vàng thuộc về các cầu thủ Huỳnh Quốc Anh, Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng và nữ cầu thủ Đặng Thị Kiều Trinh, Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh, với trị giá giải thưởng là 40 triệu đồng.

 

Quả bóng bạc thuộc về các cầu thủ Lê Tấn Tài, Câu lạc bộ Khatoco Khánh Hòa và Lê Thị Thương, Câu lạc bộ Than khoáng sản Việt Nam, với trị giá giải thưởng 30 triệu đồng.

 

Quả bóng đồng thuộc về cầu thủ Nguyễn Minh Phương, Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng và Nguyễn Thị Ngọc Anh, Câu lạc bộ Hà Nội.

 

Hai cầu thủ Trần Phi Sơn, Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An và Chương Thị Kiều, Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh giành danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc; tiền đạo Gát-xtơn Mê-lô của Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng là cầu thủ nước ngoài xuất sắc.

 

6. Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

 

Ngày 11-5, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc.

 

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định, cho ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị; Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và một số vấn đề quan trọng khác. Hội nghị đã thống nhất cao ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

 

Tại Hội nghị này, Trung ương nhấn mạnh, củng cố, kiện toàn, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị là công việc rất lớn, hệ trọng và phức tạp, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vừa qua đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng so với yêu cầu phát triển, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Trung ương yêu cầu, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Hội nghị nhất trí cho rằng, tiếp sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, việc lần này Trung ương bàn và ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Để thực hiện được yêu cầu nêu trên, phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng ta về dân vận, về đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

 

Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh và cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, ghi nhận, biểu dương Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng đã tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân; tổng hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc, giải trình các góp ý xây dựng để hoàn thiện thêm một bước Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ và nhất trí cao với những nhận định, đánh giá và đề xuất nêu trong Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hội nghị thống nhất cho rằng, trong hơn một năm qua, toàn hệ thống chính trị đã nghiêm túc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết; nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng Đảng. Trung ương yêu cầu phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 với những bước đi vững chắc để có thể thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng.

 

Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Trung ương đã cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự giới thiệu vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Bộ Chính trị sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương để hoàn thiện, ban hành quy hoạch; đồng thời bám sát những quan điểm, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo của Đề án đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua và Kế hoạch số 10 của Bộ Chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, từng bước đưa công tác cán bộ ở Trung ương đi vào nền nếp, chủ động hơn, chính xác hơn.

 

Tại Hội nghị này, Trung ương cũng đã xem xét các báo cáo công tác kiểm tra của Đảng năm 2012; công tác tài chính Đảng năm 2012; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến nay. Đồng thời yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công để trình Trung ương xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp.

 

7. Khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013

 

Ngày 11-5, Thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tổ chức Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 2, những hoạt động trọng tâm của Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 có chủ đề “Văn minh sông Hồng”.

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 là cơ hội cho cả vùng tổng kết và đề ra phương hướng nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự đột phá để du lịch thực sự phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, hỗ trợ, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phần giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng.

 

Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng diễn ra từ ngày 9 đến 18-5-2013 với hơn 30 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Điểm nhấn của tuần hoạt động này là chương trình khai mạc tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đồng bằng sông Hồng và Lễ hội hoa phượng đỏ lần thứ 2 diễn ra ngày 11-5-2013. Ngoài sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước, 8 đoàn nghệ thuật của các nước như Lào, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc tham gia Carnaval và biểu diễn trong tuần lễ này. Các sự kiện lớn khác trong tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch khác là: hội chợ du lịch Đồng bằng sông Hồng mở rộng, giải Golf hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng, khai mạc trại sáng tác nhiếp ảnh với chủ đề “Biển đảo quê hương”,...

 

8. Trao giải cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Ngày 12-5, 19 tác phẩm đã được tôn vinh tại Lễ trao giải cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội.

 

Cuộc thi nhằm phát hiện, biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia đông đảo, nhiệt tình, tâm huyết của người dân cả nước, nhất là những người làm báo chuyên nghiệp. Đặc biệt, cuộc thi năm nay có sự tham dự của rất nhiều tác giả tuổi còn rất trẻ, chứng tỏ sức lan tỏa sâu rộng của cuộc thi; nhiều tác giả tham gia nhiệt tình với số lượng 2 - 5 bài. Tính đến đầu tháng 5-2013, đã có hơn 800 bài dự thi gửi về Ban Tổ chức.

 

Từ 400 tác phẩm sơ tuyển, Ban Tổ chức chọn 150 tác phẩm đã đăng tải trên các ấn phẩm Báo Nhân dân và chọn ra 19 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải; trong đó, có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Tác phẩm “Bí thư lúa mới” của Nguyễn Trọng Duy (Báo Nhân dân) đạt giải Nhất.

 

Cũng trong dịp này, Báo Nhân dân phối hợp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục phát động cuộc thi viết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần thứ ba. Lời mời, thể lệ cuộc thi sẽ được đăng trên các ấn phẩm Báo Nhân dân. Lễ Tổng kết và trao giải dự kiến vào dịp Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2014).

 

9. Đoàn Việt Nam đạt thành tích cao tại Cuộc thi sáng tạo khoa học - công nghệ trẻ lần thứ 9

 

Ngày 12-5, Đoàn Việt Nam do Tiến sĩ Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam làm Trưởng đoàn, tham dự Cuộc thi - Triển lãm quốc tế Sáng tạo khoa học - công nghệ trẻ lần thứ 9 (IEYI 2013) và Cuộc thi - Triển lãm dành cho các nhà sáng tạo trẻ châu Á (AYIE) tại Kuala lumpur (Malaysia) trở về Hà Nội.

 

Cuộc thi - Triển lãm quốc tế Sáng tạo khoa học - công nghệ trẻ (IEYI) là sự kiện hằng năm của các nhà sáng tạo trẻ trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á được bắt đầu từ năm 2004 của Diễn đàn quốc tế về thúc đẩy Sáng chế (IFIP), một tổ chức trên toàn thế giới theo sáng kiến của Viện Sáng kiến và Sáng chế Nhật Bản (JIII). Năm nay, Cuộc thi - Triển lãm quốc tế IEYI phối hợp với Cuộc thi - Triển lãm dành cho các nhà sáng tạo trẻ châu Á do Malaysia là nước đăng cai tổ chức, từ ngày 9 đến ngày 11-5-2013. Tham gia cuộc thi triển lãm lần này có 47 đoàn thuộc 13 quốc gia trên thế giới, giới thiệu những sáng chế xuất sắc của các thanh, thiếu niên các nước.

 

Kết quả tham gia Cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế (IEYI 2013 và AYIE 2013) đoàn Việt Nam đã đoạt được 7 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc trên tổng số 9 công trình tham gia. Trong đó, các tài năng trẻ có các công trình sáng tạo giành được Huy chương Vàng Cuộc thi Sáng tạo trẻ quốc tế IEYI 2013 là: Đinh Thanh Bình (sinh năm 1993), tại tỉnh Ninh Bình với công trình sáng tạo là “Máy quét nhà tự động”; Bùi Quang Nhật và Trịnh Ngọc Cường (2004), học sinh của Trường Trung học Phù Lỗ A - Sóc Sơn, Hà Nội có “Bộ sách thông minh”; Nguyễn Châu Anh (1996), học sinh Trường THPT Amsterdam - Hà Nội và Nguyễn Đăng An (1996), học sinh Trường THPT Thăng Long - Hà Nội, có “Hệ thống trồng rau sạch trên mái nhà trong đô thị”, góp phần hỗ trợ kinh tế và bảo vệ môi trường.

 

Các em đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi sáng tạo trẻ Châu Á (AYIE 2013) là Hoàng Duy Khánh (sinh năm 1995), học sinh Trường THPT Lương Văn Tri - Văn Quang, tỉnh Lạng Sơn với công trình sáng tạo “Người máy cứu hộ LVT2”; Nguyễn Kim Dương Hảo (2001), học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều - Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh với “Bảng điều khiển thông minh v1.0”; Trần Huy Thành (2002) và Hoàng Thanh Trà (2003), học sinh Trường Trung học Xuân An 1 - Nghi Xuân, Hà Tĩnh có “Sa bàn an toàn giao thông”; Nguyễn Trọng Thủy (2000), học sinh Trường THCS Bình An - Lộc Hà, Hà Tĩnh với “FAN LED - Bảng quảng cáo cho nhiều mục đích”.

 

2 Huy chương Bạc của Cuộc thi Sáng tạo trẻ châu Á (AYIE 2013) thuộc về Đậu Bá Kiên, sinh năm 1997, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ - Bù Đăng, Bình Phước với Phần mềm “KFMouse - Giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật” và các đồng tác giả Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Trọng Hiếu cùng sinh năm 1995, Trường THPT số 1 Bảo Yên, Lào Cai với “Máy xử lý rác thông minh”.

 

Cuộc thi Sáng tạo trẻ quốc tế IEYI lần thứ 10 năm 2014 sẽ được tổ chức tại Indonesia./.