Việt Nam chưa có trường hợp mắc cúm A(H7N9)

Theo: dangcongsan.vn
21:16, ngày 23-04-2013
Ngày 23-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tổ chức tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước không ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) nào trên người cũng như trên gia cầm, nhưng lại ghi nhận thêm một số trường hợp mắc và tử vong do cúm A(H5N1) và A(H1N1).

Cụ thể, từ đầu năm 2013 đến nay ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại Đồng Tháp và Long An, trong đó trường hợp tại Đồng Tháp đã tử vong.

 

Theo kết quả giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp cho thấy có 28/335 mẫu dương tính với vi rút cúm; trong đó cúm A(H3N2) là 8 mẫu, cúm A(H1N1) 9 mẫu và cúm B là 11 mẫu.

 

Riêng đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm 81 mẫu bệnh phẩm; kết quả không có trường hợp nào dương tính với cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1).

 

Theo báo cáo của 6 tỉnh, thành phố trọng điểm là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai và Lạng Sơn cho thấy, tổng số hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc được giám sát là hơn 35.000 người qua đường không, đường bộ và đường thủy. Kết quả chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ cúm A(H7N9).

 

Ông Trần Đắc Phu nhận định: Nguy cơ dịch bệnh cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn do chủng vi-rút này có nguồn gốc gen từ vi-rút cúm gia cầm và cũng phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên chim bồ câu ở Trung Quốc; đặc tính của vi-rút cúm A là dễ biến đổi có tính tích nghi cao nên nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.

 

Tại cuộc họp, GS, TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong những tuần gần đây, khi dịch cúm A(H7N9) xuất hiện ở Trung Quốc, sự trở lại của cúm A(H5N1) trên người cộng thêm sự lưu hành của cúm thường A(H1N1) càng khiến người ta lo ngại về khả năng tái tổ hợp giữa vi-rút cúm A(H1N1) với cúm A(H7N9) hoặc A(H5N1).

 

Về dịch cúm A(H7N9) đang hoành hành tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, Trung Quốc đã xác nhận 104 trường hợp mắc, 21 tử vong (tỷ lệ tử vong là 20%). Triệu chứng chính của người nhiễm vi-rút cúm A(H7N9) gồm sốt, ho và khó thở gây suy hô hấp, gặp ở tất cả các độ tuổi nhưng tập trung ở nhóm trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc ở nam nhiều hơn nữ.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới chưa loại trừ khả năng cúm A(H7N9) lây truyền từ người sang người trong phạm vi hẹp do đã ghi nhận một số chùm ca bệnh. Hiện nay, chưa xác định rõ nguồn gốc, phương thức lây truyền của cúm A(H7N9), do đó việc kiểm soát dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng chống rất khó khăn.

 

Cùng với đó, hiện nay cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trải dài với Trung Quốc; việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm rất khó kiểm soát, việc giao lưu đi lại qua biên giới của người dân rất lớn. Do đó, nguy cơ cúm A(H7N9) xâm nhập vào nước ta là rất cao.

 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi-rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng; tăng cường phối hợp liên ngành giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A(H7N9); xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người./.