TCCSĐT - Gần đây người ta nhắc nhiều đến cụm từ "chiến tranh mạng". Vậy chiến tranh mạng là gì? Đó có phải là cuộc chiến trên mạng internet không? Trong bài viết của ông V.Ma-re-chen-kốp - Người phụ trách bộ phận báo chí của Nghị viện Nga, đăng trên mạng http://student.km.ru/ đã đề cập đến khái niệm chiến tranh mạng, và nước Nga trong cuộc chiến đó. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Xã hội hiện đại là một xã hội thông tin, mà ở đó những khuôn mẫu trước đây mất dần đi phần lớn ý nghĩa của mình. Trong các cuộc khủng hoảng chính trị và các cuộc xung đột thì cái có ý nghĩa ngày càng lớn không phải là số lượng các xe tăng hay tên lửa, mà là vũ khí thông tin. Thế giới đã bước vào kỷ nguyên “chiến tranh mạng”.

Vào nửa sau của thế kỷ XX, khi sức mạnh quân sự của hai siêu cường thế giới đã đạt tới trình độ là từng siêu cường có thể hủy diệt thế giới đến vài chục lần, thì cũng là lúc xuất hiện cái gọi là “ngõ cụt hạt nhân”.

Đó cũng chính là lúc những người Mỹ bắt đầu tăng cường nghiên cứu sâu “Kế hoạch Dulles”. Kế hoạch này lần đầu tiên được A-len Điu-lét (Allen Dulles), người đứng đầu CIA đề cập tại Phun-tơn (Fullton) vào năm 1947.

Về thực chất, cuộc “chiến tranh lạnh” giữa phương Tây và phe xã hội chủ nghĩa trước đây không phải là cuộc chiến diễn ra trên chiến trường giữa quân đội của các nước (mặc dù cả hai phía đều hiểu rằng, không có sức mạnh quân sự hùng hậu thì không thể đứng vững trong thế giới hiện đại), mà là cuộc chiến tranh thông tin, hay như bây giờ người ta thường gọi nó là cuộc “chiến tranh mạng”. Với ý nghĩa như vậy, “chiến tranh lạnh” chưa kết thúc, nó vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay và vẫn chưa rõ khi nào sẽ kết thúc.

Thuật ngữ “chiến tranh mạng” không chỉ được hiểu là cuộc chiến trên mạng internet và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mặc dù hiện nay, internet ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cuộc sống của mọi người, và truyền hình, các ấn phẩm in vẫn là nguồn cung cấp thông tin phổ cập nhất và dễ dàng tiếp nhận nhất hiện nay.  
 
Điều đặc biệt cần nhấn mạnh trong chiến tranh mạng là thông tin còn được sử dụng dưới dạng tác động vào tư tưởng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể dẫn thí dụ cụ thể ở đây để minh họa là, một số đảng phái, các phong trào, các giáo phái cực đoan đang phá hoại nền tảng không chỉ của mô hình nhà nước hiện hành của đất nước này hay đất nước khác, tấn công mô hình nhà nước đó trên mạng, mà nguy hiểm hơn là chúng phá hoại những nguyên tắc đạo đức nền tảng, tốt đẹp đã được hình thành từ nhiều thế kỷ và hủy hoại cả động lực của những con người sống trong nhà nước đó.

Trên quy mô toàn cầu, trước đây, để tác động lên đối phương về mặt tư tưởng, thông tin, tuyên truyền - tâm lý được sử dụng như một công cụ trợ giúp giải quyết những nhiệm vụ chính trị - quân sự của những quốc gia đứng đầu, còn ngày nay, việc tác động này đang khôi phục lại chức năng cơ bản của chiến tranh “truyền thống” là “tiếp diễn chính trị bằng các phương tiện khác”.

Phát triển và tiếp tục thực hiện các ý đồ để tác động vào tư tưởng, lãnh đạo các phong trào đối lập và các cuộc đấu tranh của các giáo phái cực đoan xây dựng “trụ cột thứ năm” trong cấu trúc xã hội, sử dụng các phong trào đối lập, ủng hộ những người bất đồng quan điểm, thực hiện những vụ ám sát chính trị được tổ chức một cách khéo léo và những cuộc "cách mạng màu sắc" – tất cả những cái đó đã trở thành hiện thực trong cuộc sống hiện nay. Tôi là con người không tin lắm vào những tiên đoán, những sấm truyền, tuy nhiên không thể không nhớ đến những dòng chữ do Mi-sen Nô-xtra-đa-mút đã viết về thế kỷ XXI của chúng ta:

“Thật đau đớn khi phải nói rằng, những kỷ nguyên bạo lực

Một lần nữa lại chi phối Trái đất rối ren.

Và bầu không khí nô lệ sẽ ngự trị

Bên dưới chiếc mặt nạ to đùng nhân danh hạnh phúc và tự do”...

Giương cao ngọn cờ “các giá trị dân chủ”, nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong NATO đang cố gắng chỉnh sửa thế giới theo ý đồ của mình. Vừa là tác giả của những vụ rối ren đẫm máu ở các khu vực khác nhau trên trái đất, họ đồng thời lại tăng cường các cuộc chiến tranh mạng, mà hậu quả nặng nề do cuộc chiến đó gây ra, có lẽ đã bắt đầu vượt quá hậu quả mà những cuộc chiến tranh thông thường vốn có.

Một minh chứng cụ thể: 29 người theo giáo phái "ngày tận thế" ở vùng Pen-da (miền Trung nước Nga - chú thích của người dịch) đã tự giam hãm mình dưới lòng đất. Họ là những con người bị truội ra khỏi xã hội và là những nạn nhân của một cuộc tấn công trên lĩnh vực thông tin. Những thí dụ như thế này trong những thập niên gần đây không thiếu.

Cuộc chiến tranh mạng chống lại nước Nga đang diễn ra với một tốc độ chóng mặt, và thật đau lòng là tổn thất do nó gây ra quá nặng nề. Trong những thập niên 90 của thế kỷ XX, dân số nước Nga đã không tăng, mà giảm đi khoảng 1 triệu người mỗi năm. Đây là kết quả trực tiếp của cuộc chiến tranh mạng. Những tiến sỹ khoa học tử vong trên các đống phế liệu; các chuyên gia trở thành những con nghiện vì mất việc làm; những vụ tự vẫn vì không còn hy vọng vào một cuộc sống sung túc; những đứa trẻ không được sinh ra vì cuộc sống quá đắt đỏ; và nhiều nhiều thí dụ khác nữa. Tất cả họ đều là những người đã rơi vào cuộc chiến tranh mạng.

Hiện nay phải thẳng thắn mà thừa nhận với nhau rằng, đang có một cuộc tấn công mạng trên phương diện thông tin và tư tưởng chống lại nước Nga. Và đứng vững được trong cuộc chiến tranh này là nhiệm vụ của tất cả những ai tự coi mình là một công dân của nước Nga, không phân biệt thành phần dân tộc./.