Ngày 23-7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo công khai báo cáo kiểm toán năm 2008 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Năm 2008, KTNN tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 20 bộ, cơ quan Trung ương; 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 19 dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia; hai chuyên đề; 29 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh; sáu cơ quan tỉnh ủy; 23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính, ngân hàng, kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2007.

Kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2007, về thu NSNN có những điểm đáng lưu ý:
 
Công tác lập và giao dự toán các khoản thu sự nghiệp tại các bộ, ngành so với năm 2006 chưa có chuyển biến, vẫn chưa bao quát đầy đủ các nguồn thu phát sinh. Có 9/21 bộ, ngành được kiểm toán, dự toán thu ngân sách năm 2007 được giao thấp hơn thực hiện của năm 2006; 3/21 bộ, ngành có phát sinh thu nhưng không được giao dự toán. Thu từ lĩnh vực ngoài quốc doanh tăng khá, vượt 13% dự toán,  song số thất thu ngân sách từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn lớn. Nguyên nhân chủ yếu  do các đơn vị xác định sai thuế suất thuế GTGT, hạch toán thiếu doanh thu, hạch toán vào chi phí một số khoản không hợp lý, hợp lệ, chi phí vượt định mức, xác định sai tiền sử dụng đất. Kiểm toán hồ sơ thuế của 469 doanh nghiệp tại cơ quan thuế ở 35 tỉnh, xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 452,3 tỷ đồng. Tình trạng thất thu tại các đơn vị sự nghiệp còn khá nhiều, kiểm toán 235 đơn vị dự toán  thuộc 21 bộ, ngành và 194 đơn vị dự toán thuộc 35 địa phương, xác định thuế và các khoản phải nộp khác tăng thêm 164,2 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN phát hiện và kiến nghị tăng thu NSNN là 4.166 tỷ đồng, trong đó thuế nội địa 1.203 tỷ đồng; thuế xuất nhập khẩu 1.415 tỷ đồng; phí, lệ phí 155 tỷ đồng; thu về đất 1.049 tỷ đồng; thu từ xổ số kiến thiết 75 tỷ đồng và thu khác 269 tỷ đồng.

Về chi NSNN: chi đầu tư phát triển, công tác quy hoạch vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu nghiên cứu chi tiết và không phù hợp quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng nhưng vẫn được phê duyệt, hoặc chưa phê duyệt quy hoạch tổng thể nhưng vẫn phê duyệt dự án, dẫn đến khi triển khai thực hiện phải dừng hoặc phải điều chỉnh, bổ sung làm lãng phí NSNN.
 
Chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án hạn chế nên khi thực hiện dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần, ảnh hưởng công tác kế hoạch hóa vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ðặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - Dự án II, Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện nhưng không được sử dụng, gây lãng phí NSNN 1,43 tỷ đồng. Một số dự án quyết định đầu tư không có vốn để triển khai, quá thời gian quy định phải lập lại dự án làm tăng chi phí đầu tư; đặc biệt, Dự án xử lý nước thải Khu công nghiệp Vĩnh Niệm vốn đã cấp phát ba tỷ đồng và Dự án xử lý Khu du lịch Vịnh Tùng (Hải Phòng) vốn đã cấp phát 23,52 tỷ đồng, hoàn thành nhưng không hoạt động; hạng mục vườn ươm Thanh Táo (công trình tuyến tránh Hà Nội - Cầu Giẽ) đã đầu tư 1,2 tỷ đồng đến nay đang để hoang.
 
Công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán của các đơn vị được kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu nên phải thay đổi, bổ sung thiết kế, điều chỉnh dự toán và tổng mức đầu tư. Ðặc biệt, Dự án Viện Âm nhạc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chưa được giao đất chính thức nhưng đã tiến hành lập dự án, khảo sát địa chất, thiết kế kỹ thuật, nên khi thay đổi vị trí đất, toàn bộ kết quả này không được sử dụng  gây lãng phí 1,2 tỷ đồng. Hầu hết các dự án, công trình được kiểm toán, giá trị khối lượng nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu phải giảm trừ, trong đó các sai phạm điển hình: nghiệm thu thanh toán không căn cứ khối lượng thực tế thi công mà căn cứ vào khối lượng trúng thầu, hoặc dự toán được duyệt, dẫn đến sai khối lượng; nghiệm thu khối lượng còn mang tính hình thức, chưa thực hiện tính toán theo quy định, dẫn tới nghiệm thu, thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công; nghiệm thu, thanh toán trùng lắp, sai đơn giá, định mức, làm tăng giá trị quyết toán; thanh toán vượt kế hoạch vốn được duyệt.
 
Về chi thường xuyên, công tác quản lý chi của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách có tiến bộ, chấp hành dự toán tương đối tốt, tỷ lệ vượt dự toán thấp (3%), chi quản lý hành chính của bộ, ngành Trung ương chỉ bằng 99,9% dự toán. Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý giảm chi NSNN 2.731 tỷ đồng.

Việc huy động vốn Trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi chưa phù hợp tiến độ thực hiện các dự án, dẫn đến tồn dư lớn. Ðến ngày 31-12-2007 còn dư 5.170 tỷ đồng.

KTNN đã kiểm toán 224/3.188 doanh nghiệp (DN) thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó 208 DN (92,8%) có lãi, 16 DN (7,2%) kinh doanh thua lỗ. Cơ bản các DN quản lý kinh tế, tài chính tuân thủ quy định của Nhà nước, xây dựng quy chế tài chính nội bộ  phù hợp đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Phần lớn các DN được kiểm toán  đều có hoạt động đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính ở các mức độ và tỷ lệ khác nhau, hiệu quả đầu tư chưa cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh ổn định, đạt kết quả tốt, tăng trưởng và có hiệu quả; tỷ suất lợi nhuận trên vốn  chủ sở hữu cao, các chỉ tiêu huy động vốn, tín dụng, đầu tư  đều tăng trưởng so với năm 2006.

KTNN có nhiều kiến nghị với Chính  phủ, trong đó có kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra hồ sơ Công ty Thương mại và Ðầu tư phát triển Hà Nội (Tổng công ty Du lich Hà Nội) và thanh tra bộ, ngành năm hồ sơ khác để  làm rõ theo quy định của pháp luật./.