Cho ý kiến quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
21:41, ngày 06-10-2012
Chiều 6-10, trong phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là một nội dung thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, được đông đảo nhân dân, cử tri cả nước quan tâm.
Theo Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này của Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra tán thành việc chia 4 mức để đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm vì cho rằng việc chia các mức như vậy là phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm; đồng thời cũng tránh được nhầm lẫn giữa việc “lấy phiếu tín nhiệm” với việc “bỏ phiếu tín nhiệm” (bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”).
Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân sẽ trình hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Trong phiên thảo luận chiều nay, về cơ bản, các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc quy định lấy ý kiến tín nhiệm đối với cấp Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội vì quy định này rất khó thực hiện bởi trên thực tế, nhiều cấp phó là đại biểu kiêm nhiệm, thời lượng tham dự các phiên họp, cũng như những hoạt động của các ủy ban, cơ quan của Quốc hội hạn chế.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết phải trên tinh thần thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan thẩm tra cần tách biệt rõ khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm này chỉ có ý nghĩa thăm dò, nhằm đánh giá cán bộ đó trong việc hoàn thành nhiệm vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn chứ không liên đới đến các chức vụ khác trong hệ thống chính trị của những người này.
Dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục được cơ quan soạn thảo hoàn thiện, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Cũng trong buổi làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng của dự án Luật Thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, do một số quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô chưa đạt được sự đồng thuận cao, nên dự án Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
Thảo luận về dự thảo Luật này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Dự thảo cần bổ sung các điều khoản theo hướng tăng cường vai trò của người dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô, bên cạnh trách nhiệm của hệ thống các cơ quan Nhà nước đối với mọi lĩnh vực: Văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường…Quy định về bảo vệ và đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự của Thủ đô phải gắn việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Các thành viên của Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tăng phí giao thông trên địa bàn Thủ đô, vì đây chỉ là giải pháp nhất thời để hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, không nên đưa vào Luật.
Góp ý với cơ quan soạn thảo Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần cụ thể, dứt khoát các nội dung đã lấy ý kiến, bàn thảo kỹ như biểu tượng của Thủ đô; Danh hiệu Công dân danh dự của Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Luật cần quy định theo hướng các bộ, ngành quy chuẩn riêng cho Thủ đô trên mọi lĩnh vực: Giáo dục, xây dựng, văn hóa…Luật cũng cần có cơ chế bảo đảm quản lý tốt dân cư trong nội thành tương ứng với cơ sở hạ tầng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc áp dụng hình thức xử phạt quy định mức phạt tiền cao hơn 2 lần so với quy định chung đối với 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai và xây dựng trên địa bàn Thủ đô là cần thiết để duy trì trật tự chung.
Theo dự kiến, Dự thảo Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới./.
Người Việt Nam tại Lào một lòng hướng về Tổ quốc  (06/10/2012)
Nhật Bản kêu gọi tôn trọng UNCLOS ở Biển Đông  (06/10/2012)
Nga chuyển 25 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Syria  (06/10/2012)
Nigeria và Ecuador coi trọng quan hệ với Việt Nam  (06/10/2012)
Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định  (05/10/2012)
Việt Nam – Hàn Quốc đồng hành vì nạn nhân da cam  (05/10/2012)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên