Cần Thơ: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với tổ chức công đoàn
Đảng lãnh đạo nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn
Tính đến tháng 9-2011, thành phố Cần Thơ có 80.748 CNVCLĐ, trong đó có 26.475 CNVCLĐ khu vực nhà nước, 54.273 CNVCLĐ khu vực ngoài nhà nước; với 62.910 đoàn viên công đoàn (chiếm gần 78% số CNVCLĐ). LĐLĐ thành phố Cần Thơ hiện có 6 ban là: Tổ chức, Tuyên giáo - Nữ công, Chính sách - Pháp luật, Tài chính, Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra; 4 đơn vị trực thuộc là: Trung tâm Tư vấn pháp luật, Trường Trung cấp nghề, Nhà Văn hóa Lao động, Công ty TNHH MTV và Du lịch Công đoàn Cần Thơ với tổng số 57 cán bộ, nhân viên. Ngoài ra còn có 5 Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức, Công đoàn các Khu Chế xuất - Công nghiệp, 5 LĐLĐ quận, 4 LĐLĐ huyện, với tổng số 53 cán bộ chuyên trách. Toàn thành phố hiện có 1.105 công đoàn cơ sở, trong đó khu vực nhà nước có 779 công đoàn cơ sở; khu vực ngoài nhà nước có 326 công đoàn cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chương trình số 35-CTr/TU ngày 19-5-2008 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 20/NQ/TW, thời gian qua, Đảng bộ thành phố đã tăng cường sự lãnh đạo đối với LĐLĐ, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp bảo đảm định hướng chính trị; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ của công đoàn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thực hiện tốt vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và nhiệm vụ tập hợp đông đảo CNVCLĐ gia nhập tổ chức công đoàn, nâng cao vị thế của công đoàn trong đời sống chính trị - xã hội. Sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ đối với tổ chức công đoàn giúp Đảng bộ thành phố Cần Thơ kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của CNVCLĐ và thông qua đó đưa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống của CNVCLĐ; tổ chức, vận động CNVCLĐ gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Cần Thơ đối với LĐLĐ được thể hiện rõ trên các mặt sau:
Xây dựng chương trình, nghị quyết lãnh đạo tổ chức công đoàn cùng cấp hoạt động; đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát các ngành, các cấp tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện.
Đảng bộ thành phố đã tập trung xây dựng nghị quyết về xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn quận, huyện, ngành và thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện nghị quyết. Song song đó, Thành ủy chú trọng kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở đảng tại các cấp, các ngành trong việc tăng cường xây dựng giai cấp công nhân và hoạt động của tổ chức công đoàn, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của tổ chức cơ sở đảng. Nhiều cấp ủy đã có hướng dẫn quy định, tiêu chuẩn tổ chức đảng được công nhận “Trong sạch vững mạnh” chỉ khi ở đó tổ chức công đoàn đạt vững mạnh.
Lãnh đạo LĐLĐ tổ chức, động viên phong trào thi đua lao động, sản xuất của đoàn viên công đoàn và người lao động với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Trên cơ sở sự lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ thành phố, công đoàn các cấp đã chú trọng đổi mới nội dung, sáng tạo phương thức tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong CNVCLĐ; đồng thời phối hợp với các ngành, các cấp có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời, nhằm tạo ra động lực lành mạnh trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, nhất là đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, Đảng bộ thành phố còn chú trọng lãnh đạo, tạo điều kiện cho LĐLĐ thành phố mở rộng quan hệ đối ngoại với các tổ chức trong hệ thống công đoàn của cả nước.
Tăng cường lãnh đạo LĐLĐ trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Đảng bộ thành phố đã xây dựng quy chế và các quy định phân cấp quản lý cán bộ, quy định quy trình lựa chọn, đề bạt, bầu cử, khen thưởng, kỷ luật cán bộ theo đúng quy trình, quy định của Đảng và quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa X) về công tác cán bộ. Định kỳ hằng năm, Thành ủy đều làm việc với LĐLĐ thành phố về phương án đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn và phương án quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức cán bộ công đoàn.
Trong những năm qua, hàng trăm cán bộ công đoàn chuyên trách đã được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực III, Khu vực IV và Trường Chính trị thành phố. Đến nay, đa số cán bộ công đoàn ở thành phố Cần Thơ có trình độ lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác công đoàn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong dân chủ, gương mẫu về đạo đức và lối sống, nhiệt tình công tác.
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, hoạt động của LĐLĐ trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, định kỳ Thành ủy nghe LĐLĐ báo cáo việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ trong tổ chức công đoàn; những thuận lợi, khó khăn; những kiến nghị, đề xuất với Thành ủy. Thông qua đó, Thành ủy nắm được thực trạng tổ chức hoạt động công đoàn các cấp, năng lực cán bộ công đoàn, những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ, từ đó đề ra những chủ trương, biện pháp để chỉ đạo, uốn nắn kịp thời tổ chức, hoạt động của công đoàn.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, LĐLĐ thành phố đã xây dựng đề án: “Xây dựng Mái ấm công đoàn, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân; tăng cường phát triển và nâng cao chất lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở trong các thành phần kinh tế”; phối hợp với các cấp chính quyền nắm bắt, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp lao động; nghiên cứu và kiến nghị bổ sung các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị liên doanh với nước ngoài đối với người lao động và tổ chức công đoàn.
Vẫn còn nhận thức chưa đúng về vai trò công đoàn
Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn ở thành phố Cần Thơ đã và đang bộc lộ một số hạn chế. Đó là:
Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn trong tình hình mới; thậm chí vẫn còn quan niệm công tác vận động công nhân là do công đoàn thực hiện. Trong công tác tổ chức, một số cấp ủy không cơ cấu cán bộ là lãnh đạo công đoàn. Do đó, sự chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng đối với hoạt động công đoàn còn chung chung, kém hiệu quả.
Ở nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, vai trò của tổ chức công đoàn bị lu mờ do tổ chức đảng chưa phát huy đúng mức vai trò của công đoàn, chưa tôn trọng tính độc lập tương đối của tổ chức công đoàn, làm cho công đoàn lúng túng trong hoạt động. Ngược lại, ở một số nơi có tình trạng cấp ủy can thiệp quá sâu vào hoạt động công đoàn, dẫn đến tình trạng tổ chức công đoàn bị động, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động.
Chính quyền nhiều nơi thiếu quan tâm, chưa tạo điều kiện để công đoàn nâng cao hiệu quả hoạt động; chậm thể chế hóa một số chủ trương của Đảng về công tác công đoàn nên chưa tạo ra động lực và điều kiện để phát huy vai trò của công đoàn và tiềm năng của CNVCLĐ. Chưa giám sát việc thi hành Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn ở một số đơn vị ngoài nhà nước; còn nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
Có nơi cấp ủy còn quan niệm cán bộ công đoàn không đòi hỏi có nhiều năng lực, nên bố trí những cán bộ không có khả năng chuyên môn hoặc đang chờ nghỉ chế độ sang làm công tác công đoàn. Điều này làm cho uy tín và vị thế của tổ chức công đoàn bị suy giảm. Mặt khác, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công đoàn chưa thoả đáng, làm cho không ít cán bộ công đoàn không an tâm phục vụ, công tác, nhất là khi xảy ra các vụ tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Ở nhiều tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, ban chấp hành công đoàn còn thụ động và trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy hoặc chủ doanh nghiệp, chưa mạnh dạn tham mưu đề xuất với Đảng những vấn đề về hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ; thiếu quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho người lao động.
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 – 2015, nêu rõ: “Cần Thơ phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”. Để đạt được mục tiêu đó, trong lãnh đạo tổ chức công đoàn, Đảng bộ thành phố xác định: “Lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên xây dựng LĐLĐ lớn mạnh; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; vững mạnh về tổ chức, chính trị, tư tưởng, làm cho LĐLĐ đủ sức vận động CNVCLĐ gia nhập tổ chức công đoàn, xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn vững mạnh trong tình hình mới. Công tác vận động và xây dựng giai cấp công nhân là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ của riêng tổ chức công đoàn”.
Trên cơ sở đó, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đối với LĐLĐ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác công đoàn, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đối với LĐLĐ gắn liền với việc tập trung xây dựng đội ngũ công nhân thành phố phát triển về số lượng và chất lượng. Thường xuyên quan tâm và có giải pháp cụ thể đáp ứng lợi ích thiết thân về việc làm, thu nhập và các nhu cầu ngày càng tăng về vật chất và tinh thần của công nhân.
- Phát huy vai trò chủ động của LĐLĐ trong hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ; tạo điều kiện để LĐLĐ thực hiện tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa LĐLĐ với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội khác.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn phải gắn liền với lãnh đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp theo Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X.
- Tập trung đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ thành phố phù hợp tình hình phát triển của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức công đoàn giai đoạn hiện nay trên cơ sở nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của LĐLĐ.
- Tăng cường sự lãnh đạo phải đi đôi với việc đánh giá đúng, tôn trọng tính độc lập tương đối và vai trò tham mưu của LĐLĐ đối với Đảng bộ thành phố. Gắn công tác lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức LĐLĐ vững mạnh với nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
- Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đối với LĐLĐ nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng đội ngũ công nhân thành phố Cần Thơ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 45-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khoá X “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”./.
10 địa phương phải giải quyết dứt điểm mặt bằng cho 3 dự án cao tốc  (07/09/2012)
Tháo “nút nghẽn” giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long  (07/09/2012)
Trao tặng đồng chí Nguyễn Đức Bình Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng  (07/09/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển