Hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và đối tác
TCCSĐT - Trong khuôn khổ của Hội nghị các Bộ trường kinh tế ASEAN lần thứ 44 (AEM-44), ngày 30-8, tại Xiêm-Riệp, Cam-pu-chia đã diễn ra các Hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và đối tác.
ASEAN tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ
Tại Hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Thương mại Mỹ, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 44 (AEM-44), diễn ra sáng ngày 30-8 tại Xiêm-Riệp (Siem Reap), dưới sự đồng chủ trì của nước chủ nhà Cam-pu-chia, Bộ trưởng Thương mại Chăm Pra-xít (Cham Prasidh) và Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ Rôn Cớt (Ron Kirk), hai bên đã cam kết mở rộng các cơ hội để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.
Các Bộ trưởng đã lưu ý quan hệ thương mại giữa ASEAN và Mỹ vẫn tiếp tục mạnh mẽ, tăng 9,2% trong năm 2011 so với năm 2010, từ 178 tỷ USD lên 194 tỷ USD. Mỹ hiện đứng thứ tư trong các đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác trao đổi thương mại đứng hàng thứ năm của Mỹ; đồng thời, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đứng hàng thứ ba vào ASEAN với 159,6 tỷ USD trong năm 2011, tăng 11,2% so với năm 2010.
Các Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến các cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ gia tăng hơn nữa các nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời lưu ý rằng ASEAN và Mỹ được coi là những động lực của các hoạt động và sự phát triển kinh tế toàn cầu; do đó việc tăng cường hơn nữa các mối quan hệ kinh tế có tầm quan trọng to lớn đối với cả ASEAN và Mỹ.
Tại Hội nghị các Bộ trưởng cũng đã thảo luận về việc thực hiện Hiệp định khung về thương mại và đầu tư ASEAN - Mỹ (TIFA), trong đó nhấn mạnh đến việc gia tăng các cơ hội để tăng cường mối quan hệ thương mại, đầu tư. Các Bộ trưởng lưu ý đến các hoạt động trong khuôn khổ TIFA trong năm 2012 như xây dựng đối thoại kỹ thuật số, như là một phần của diễn đàn cấp cao kinh tế ASEAN - Mỹ trong năm 2012, tiếp tục đối thoại tài chính, thương mại, tiêu chuẩn hóa sự hợp tác…
Ngoài ra, các Bộ trưởng đã trao đổi ý kiến về sự phát triển không ổn định của kinh tế toàn cầu gần đây ảnh hưởng đến khu vực ASEAN cũng như các sáng kiến để duy trì và phát triển kinh tế và thương mại.
Mỹ - Nga là nhân tố mới tăng cường kinh tế Đông Á
Cùng ngày đã diễn ra Hội nghị tham vấn lần thứ nhất giữa các Bộ trưởng Kinh tế Đông Á với sự tham dự của mười nước ASEAN và các nước Ốt-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di lân, Nga và Mỹ.
Tại Hội nghị, trong khuôn khổ của Hội nghị các Bộ trường kinh tế ASEAN lần thứ 44 (AEM-44), các Bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu và khu vực đang ảnh hưởng đến khu vực Đông Á cũng như những sự phát triển trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế trong khuôn khổ các nước Đông Á, thông cáo báo chí sau Hội nghị cho biết:
Các Bộ trưởng đã hoan nghênh quyết định chính thức về cuộc họp các Bộ trưởng kinh tế Đông Á, được tổ chức không chính thức từ năm 2008; hoan nghênh Nga và Mỹ đã tham dự Hội nghị lần này, coi đây là một nhân tố mới tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực Đông Á.
Các Bộ trưởng lưu ý rằng 18 nước tham dự Hội nghị lần này chiếm khoảng một nửa GDP của toàn cầu; đồng thời ghi nhận rằng trong năm 2011, tổng trao đổi thương mại của các nước ASEAN đến 8 nước khu vực Đông Á tăng 20,7 % trị giá 1.027,1 tỷ USD.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự nhất trí của các nhà lãnh đạo các nước Đông Á đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng khu vực và sự hội nhập trong cấu trúc khu vực; đồng thời ghi nhận vai trò quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy các quan hệ giữa các nước Đông Á, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và thương mại, thúc đẩy sự phát triển của khu vực, các bên cùng có lợi.
Khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực của ASEAN nhằm tiến tới cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu hơn của ASEAN vào năm 2015 với việc tăng cường tham gia vào các hệ thống toàn cầu, trong đó có chương trình kết nối ASEAN.
ASEAN và đối tác nhất trí khởi động đàm phán FTA
Các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 nước đối tác khu vực (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân đã gặp nhau tại Xiêm-Riệp, Cam-pu-chia và nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do tầm khu vực mang tên Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11 tới.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp nêu rõ: "Các bộ trưởng đã nhất trí khuyến nghị các nhà lãnh đạo những nguyên tắc hướng dẫn và mục tiêu đàm phán RCEP để xem xét và thông qua vào tháng 11-2012."
Dự kiến, RCEP có thể biến đổi khu vực này thành một thị trường chung gồm hơn 3 tỷ dân với tổng sản phẩm quốc nội đạt khoảng 17.230 tỷ USD.
Tuyên bố cũng cho biết cuộc gặp là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại tầm khu vực, và RCEP sẽ giúp củng cố cấu trúc kinh tế khu vực. Các Bộ trưởng cũng cam kết biến RCEP thành một thỏa thuận mẫu, giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và hội nhập giữa các nước tham gia.
Các Bộ trưởng cũng ghi nhận các tiến bộ đạt được trong Nhóm Làm việc RCEP về thương mại hàng hóa và chỉ dẫn các quan chức hữu quan để sớm bắt đầu làm việc song song về các khu vực thương mại dịch vụ và đầu tư tại Nhóm Làm việc.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN
Chiều ngày 30-8 tại Xiêm-Riệp, Cam-pu-chia cũng đã diễn ra Hội nghị tham vấn lần thứ tám giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Bộ trưởng Thương mại Cam-pu-chia Chăm Pra-xít (Cham Prasidh) và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Iu-cô E-đa-nô (Yuko Edano) đồng chủ trì Hội nghị.
Thông cáo báo chí sau Hội nghị cho biết các bên bày tỏ sự hài lòng trước hoạt động trao đổi thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản không ngừng gia tăng, với tổng giá trị 206,6 tỷ USD trong năm 2011, tăng 32,3% so với năm 2010. Từ vị trí thứ ba trong số các nước nhập khẩu vào ASEAN, năm 2011 Nhật Bản vươn lên vị trí thứ nhất; đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, sau Trung Quốc.
Đầu tư nước ngoài trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN năm 2011 đạt tổng trị giá 15,3 tỷ USD, tăng 39 % so với năm 2010 và trở thành nguồn đầu tư lớn thứ hai vào ASEAN.
Các Bộ trưởng hoan nghênh sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế với chuẩn mực và sự tương thích trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP); đồng thời khẳng định tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai bên về thương mại, đầu tư trên cơ sở các chương trình và dự án đã được hai bên thông qua.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thương lượng các vấn đề trao đổi dịch vụ và đầu tư trong khuôn khổ AJCEP nhằm hội nhập kinh tế sâu hơn nữa giữa ASEAN và Nhật Bản.
Tại Hội nghị, hai bên cũng đã thảo luận về các cam kết trong lĩnh vực kinh tế tư nhân; lộ trình chiến lược hợp tác kinh tế 10 năm giữa ASEAN và Nhật Bản; hội nhập các thị trường ASEAN và khu vực Đông Á; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nhiệp; cải thiện sự phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống.
Cùng ngày, trong khuôn khổ AEM-44 còn diễn ra Hội nghị lần thứ tư các Bộ trưởng Kinh tế các nước sông Mê-kông và Nhật Bản./.
ASEAN có thể giúp kiềm chế việc giá gạo leo thang  (31/08/2012)
Khai mạc Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 16 ở I-ran  (31/08/2012)
"An ninh hàng hải Đông Nam Á phải dựa vào UNCLOS, DOC"  (31/08/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự APEC 2012  (30/08/2012)
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua Tuyên bố chung  (30/08/2012)
Y án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ sai phạm tại Vinashin  (30/08/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên