Eurozone vẫn trên bờ vực thẳm

Ngọc Linh
23:34, ngày 25-08-2012
TCCSĐT - Nợ công chồng chất, ngân hàng khủng hoảng, thất nghiệp gia tăng, kinh tế lao dốc – những mối đe dọa đó ngày càng trở nên trầm trọng ở nhiều nước châu Âu, kể cả các nước như Italia và Tây Ban Nha có nền kinh tế mạnh thứ ba và thứ tư châu lục này.

Kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục lao dốc

Nền kinh tế Tây Ban Nha lớn thứ tư trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang tiếp tục suy thoái nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, khủng hoảng nợ của nước này đã lan rộng tới tất cả các lĩnh vực, trên khắp các miền đất nước và dâng cao đến mức “báo động đỏ”. Chính quyền nhiều địa phương của “xứ sở bò tót” đang phải cấp tốc tìm kiếm “phao cứu trợ tài chính” để có thể duy trì hoạt động. Lãi suất trái phiếu dài hạn 10 năm của Chính phủ Tây Ban Nha tăng vọt lên 6,192%, mức cao chưa từng thấy kể từ đầu tháng 12-2011, trong khi chi phí vay mượn ngắn hạn của nước này cao gần gấp đôi so với cách đây một tháng. Nếu chi phí vay mượn tiếp tục gia tăng, Tây Ban Nha sẽ không thể trả được nợ, giống như tình trạng đã buộc Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải tìm kiếm các khoản cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng Tây Ban Nha không phải là Hy Lạp, mà là nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu, bởi vậy hậu quả của việc nước này vỡ nợ sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn Moody's cho rằng, Tây Ban Nha là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với Eurozone. Ông cảnh báo: “Nếu Tây Ban Nha sụp đổ, toàn bộ Eurozone sẽ tan vỡ!”

Ở thời điểm cuối năm 2011, khoản nợ của Chính phủ Tây Ban Nha mới chỉ chiếm 70% GDP, thấp hơn cả khoản nợ của Mỹ và mức nợ trung bình của các nước Eurozone. Khó khăn chính của Tây Ban Nha là khoản nợ của khu vực tư nhân. Trong số 5 nước lớn nhất Eurozone, Tây Ban Nha có  tỷ lệ nợ tư nhân lớn nhất. Bong bóng bất động sản vỡ đã làm tăng khoản nợ của khu vực tư nhân nước này lên 214% GDP, vượt xa số nợ của bất cứ nước nào trong Eurozone. Theo số liệu của IMF, trong vòng 5 năm, từ năm 2002 đến năm 2007, giá bất động sản ở Tây Ban Nha tăng hơn 50%, gấp đôi giá ở Mỹ, nhưng hiện nay lại đang “lao dốc không phanh”, đẩy hàng loạt nhà đầu tư vào cảnh không thể trả được nợ các ngân hàng. Đây chính là thực tế đang làm cho cả Chính phủ, các nhà kinh doanh, giới ngân hàng, cũng như mỗi người dân xứ sở này vô cùng lo lắng. Đến nay, toàn bộ các khoản vay thế chấp của các ngân hàng Tây Ban Nha đã lên tới 2,4 nghìn tỉ euro, tương đương 230% GDP, một gánh nặng rất lớn ở bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là trong khi kinh tế nước này đang xuống dốc.

Chính phủ Tây Ban Nha dự đoán nền kinh tế của họ sẽ không thể tăng trưởng trở lại cho tới năm 2014, trong khi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới đang gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp nước này. Ngoài ra, Tây Ban Nha sẽ còn phải đối mặt với những khoản chi mới, khi chính quyền nhiều địa phương “thi nhau” yêu cầu chính quyền liên bang cứu trợ. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, đã 3 quý liên tiếp, nền kinh tế Tây Ban Nha có chỉ số tăng trưởng âm và đây là lần thứ hai trong vòng bốn năm qua, nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II của nước này giảm 0,4% GDP, nghĩa là giảm sâu hơn so với mức giảm 0,3% trong quý I năm 2012.

Vào trung tuần tháng 7, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố một loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu, tăng thuế... nhằm tiết kiệm 65 tỉ euro (tương đương 80 tỉ USD) trong vòng ba năm, để đưa mức thâm hụt ngân sách đáp ứng mục tiêu 3% do EU đề ra vào năm 2015 và thúc đẩy kinh tế trong chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, các biện pháp này đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía người dân. Trong nhiều tuần qua, hàng trăm nghìn người trên khắp cả nước đã xuống đường, tham gia các cuộc tuần hành phản đối kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ.

Nước Mỹ khi phải đối mặt với nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản, Chính phủ liên bang đã tung ra một gói kích cầu khổng lồ. Thế nhưng, ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Ma-ri-a-no Ra-dô (Mariano Rajoy) đang làm ngược lại. Ông đã rút các khoản tiền của Chính phủ khỏi nền kinh tế bằng cách hạn chế các khoản chi tiêu từ 8,5% GDP xuống còn 5,3% GDP. Quả thực, Thủ tướng Ma-ri-a-no Ra-dô không có nhiều lựa chọn. EU đã yêu cầu Tây Ban Nha áp dụng các biện pháp khắc khổ quá mức, trước khi họ nhảy vào can thiệp hoặc giúp đỡ. Trong tình trạng nền kinh tế tụt dốc quá lớn, việc bắt buộc phải thực thi những biện pháp quá khắt khe như vậy đã đẩy các ngân hàng Tây Ban Nha vào tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”.

Tính đến cuối quý II năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã tăng lên 24,63%, nghĩa là gần 5,8 triệu người trong độ tuổi lao động không có việc làm, trong đó thanh niên (từ 18 đến 30 tuổi) chiếm tới 53% và hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một người không có việc làm”. Với tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức kỷ lục, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong nhóm các nước công nghiệp hóa. Các nhà phân tích cho rằng, tình trạng thất nghiệp gia tăng cùng với những khó khăn kinh tế triền miên là hệ quả tất yếu của tình trạng vỡ bong bóng bất động sản ở nước này, vốn kéo dài suốt mấy năm gần đây.

Mặc dù Chính phủ Tây Ban Nha đã và đang rất cố gắng đưa ra nhiều thay đổi đối với luật lao động để hỗ trợ cho chủ các doanh nghiệp và nghiệp đoàn lao động, thế nhưng đội quân thất nghiệp nước này chưa hề giảm bớt, thậm chí vẫn không ngừng tăng lên. Cuối quý II vừa qua, chính đại diện của Tây Ban Nha tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Manuel Gonzalez - Paramo, cũng phải thừa nhận rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ông đã cao gấp đôi chỉ số trung bình tại Eurozone. Ông hối thúc Chính phủ Tây Ban Nha cần có những chính sách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa nhằm hỗ trợ thị trường lao động, các chủ doanh nghiệp và người thất nghiệp.

Cả châu Âu lo ngại

Khả năng phải cứu trợ Tây Ban Nha đang khiến cả châu Âu lo lắng, bởi chi phí cho việc cứu trợ này sẽ vượt quá tiềm lực tài chính sẵn có của các quỹ khẩn cấp. Hơn nữa, những lo ngại về Italia, một nền kinh tế chủ chốt, lớn thứ ba ở châu Âu, đang nợ chồng chất nhiều khoản lớn cũng ngày càng gia tăng.

Tính đến cuối quý II năm nay, tổng số nợ công của I-ta-li-a đạt mức kỷ lục - 1.946 tỉ euro (tương đương 2.320 tỉ USD), chiếm khoảng 120% GDP. Đây là khoản nợ công lớn nhất trong các nước Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Trong tình thế này, lãi suất trái phiếu hạn 10 năm của Chính phủ I-ta-li-a vào ngày 23-7 đã lên tới 6,15%, còn lãi suất kỳ hạn 184 ngày (6 tháng) là 2,4%, trong khi thị trường chứng khoán của nước này giảm 2,76%. Theo các số liệu thống kê chính thức, GDP của Italia trong quý I năm 2012 đã giảm 0,8% và đây là mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 3 năm qua. Những số liệu này là dấu hiệu rất xấu đối với Chính phủ của Thủ tướng I-ta-li-a Ma-ri-o Mon-ti, nhất là khi nước này đang nỗ lực thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, tăng thuế, cải cách thị trường lao động và chính sách hưu trí nhằm cân bằng ngân sách vào năm 2013. 

Trong khi đó, Hy Lạp vẫn đang phải chầy chật với một núi nợ. Các chủ nợ quốc tế tới nước này vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 để kiểm tra các nỗ lực cải cách kinh tế của Hy Lạp. Đã có những ý kiến của Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó bày tỏ lo ngại rằng, Hy Lạp không tuân thủ những điều khoản của các gói cứu trợ và rất có thể các tổ chức này sẽ từ chối cấp thêm tiền cho Hy Lạp trong tương lai.

Bồ Đào Nha cũng bị nợ công làm cho điêu đứng, đến nỗi Thủ tướng nước này, ông Jo-se Sô-cờ-ra-tex, đã phải từ chức. Sau sự ra đi của ông J. Sô-cờ-rates, Bồ Đào Nha không những chưa thể tìm ra được các biện pháp giải quyết khó khăn về kinh tế, mà còn bị lún sâu hơn vào khủng hoảng chính trị. Khó khăn cần được tháo gỡ khẩn cấp đối với Bồ Đào Nha là phải huy động 9 tỉ euro (tương đương gần 13 tỉ USD) để thanh toán các khoản nợ vào thời hạn chót - cuối tháng 6. EU và các tổ chức tài chính quốc tế lại phải oằn lưng gánh thêm một gói cứu trợ cho Bồ Đào Nha! Đương nhiên, điều kiện để được nhận gói cứu trợ này là Bồ Đào Nha phải thắt chặt hơn nữa trong chi tiêu. Điều này cũng có nguy cơ gây phản tác dụng đối với sự phục hồi kinh tế, khi mà tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã lên mức cao kỷ lục (hơn 11%) và lãi suất vọt lên mức “báo động đỏ”. Rủi ro lớn là các nhà đầu tư sẽ bán tháo trái phiếu Bồ Đào Nha, dẫn tới bất ổn gia tăng trên thị trường tài chính nước này. Ngày 20-7 vừa qua, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Bồ Đào Nha đã lên tới 7,18%. Các quan chức nước này cũng phải thừa nhận, mức lãi suất trái phiếu trên 7% là mức lãi suất kỷ lục tại Eurozone.

Cho đến nay, Hy Lạp, Ai-zơ-len và Bồ Đào Nha đã phải xin cứu trợ tài chính, sau khi các nước này không còn khả năng vay mượn từ các thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những khó khăn của ba nước đó “vẫn chưa có gì đáng ngại”, so với I-ta-li-a và Tây Ban Nha, hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong Eurozone. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, những gói cứu trợ toàn diện cho cả hai nước này có thể sẽ “vắt kiệt” nguồn tài chính các nước khác trong Eurozone.

Đã có những dự đoán rằng, rút cục, ECB sẽ phải noi theo Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, khởi động chương trình “Nới lỏng định lượng”, mua toàn bộ các tài sản tài chính ở khắp khu vực đồng euro, nhằm làm tăng lượng cung tiền. Chương trình này cũng có thể sẽ trợ giúp cho các chính phủ thông qua việc làm giảm các chi phí vay mượn. Tuy nhiên, cái gọi là chương trình “Nới lỏng định lượng” bị cản trở về mặt pháp lý đối với ECB, bởi một hiệp ước của châu Âu cấm ECB đi vay hộ các chính phủ.

Như vậy, người ta thấy rõ rằng, thực trạng tại 5 trong số 17 nước Eurozone đang còn rất bùng nhùng, chưa có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất, kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng, chính phủ và người dân đều phải “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu. Cũng chưa ai dám chắc 12 nước thành viên Eurozone còn lại sẽ vững bước chống lại mọi thách thức. Bởi thế, nếu tình hình nợ công của 5 nước nói trên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì khó có thể đoán định được Eurozone sẽ đi về đâu, theo hướng nào, hay vẫn đứng trên bờ vực thẳm./.