Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, hoạt động thực tiễn, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, trường đại học đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, trong thế giới hiện đại, khi chuyển dần sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Việt Nam đang bước vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tất yếu đang từng bước tiến tới chiếm lĩnh những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, nên đòi hỏi một lực lượng đông đảo nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ và cạnh tranh. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ chuyên môn cao và nhất là có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, là yếu tố then chốt bảo đảm nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Trên cơ sở mục đích của Hội thảo và những đề xuất nội dung trao đổi được nêu trong phát biểu đề dẫn, hơn 70 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào một số nhóm nội dung chính yếu:
- Làm rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng và xu thế phát triển kinh tế tri thức, lấy tri thức làm động lực phát triển hiện nay, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao với tư cách là bộ phận hạt nhân có ý nghĩa quyết định chất lượng của tổng thể nguồn nhân lực, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự phát triển. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nguồn gốc giàu có của một quốc gia chính là tri thức và chỉ có con người mới có khả năng nắm giữ tri thức và sản sinh tri thức. Quốc gia nào có chiến lược đúng đắn trong việc phát huy nguồn lực con người, chuẩn bị được một nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên nền tảng tri thức hiện đại thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ gia tăng mạnh mẽ năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
- Khẳng định những thành tựu, đồng thời phân tích những hạn chế, bất cập trong phát triển nguồn nhân lực của nước ta
Trong những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã đạt được những bước tiến. Từ góc độ đào tạo đại học, các tham luận và ý kiến phát biểu đều cho rằng, hệ thống giáo dục đang dần dần được đa dạng hóa cả về loại hình, phương thức và nguồn lực, từng bước hòa nhập với xu thế của giáo dục thế giới. Từ một hệ thống giáo dục chỉ có các trường công lập và chủ yếu là loại hình chính quy đến nay đã có các trường ngoài công lập, có nhiều loại hình không chính quy, có các trường mở, có các phương thức đào tạo từ xa, các hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài phát triển mạnh mẽ. Quy mô đào tạo nhân lực tăng nhanh, thể hiện rõ nét qua số lượng người được đào tạo và mạng lưới trường lớp.
Đối với khu vực nông thôn, nơi có tới 70% dân số sinh sống, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thu được một số thành tựu đáng ghi nhận, như: tạo lập được sự nhất trí cao, hình thành tổ chức triển khai đào tạo nghề từ Trung ương đến tất cả các địa phương, tổ chức thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, bước đầu xác định được nhu cầu đào tạo nghề một cách cụ thể.
Các đại biểu dành nhiều thời gian để phân tích những hạn chế của nguồn nhân lực hiện nay ở nước ta và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng của nguồn nhân lực có chất lượng đang là những vấn đề lớn trong phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Hầu hết tất cả các ngành kinh tế đều ở trong tình trạng khan hiếm nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ. Cơ cấu lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao trong các lĩnh vực không cân đối. Việc phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực không hợp lý làm cho chất lượng nguồn nhân lực nước ta vốn đã thấp lại bị giảm xuống. Lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao là một hạn chế lớn và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người lao động khó có thể tham gia thị trường lao động. Kỹ năng nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của lao động nước ta hiện còn thiếu và yếu, thể hiện ở chỗ, hầu như lao động kỹ thuật sau khi ra trường chỉ nắm được kiến thức cơ bản, thiếu kỹ năng để làm việc giỏi, thành thạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế lớn nhất trong việc phát triển nguồn nhân lực nước ta là các chiến lược phát triển kinh tế và chiến lược phát triển nhân lực không gắn với nhau. Hệ quả của cách làm này là, mặc dù chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng lớn của GDP nhưng nguồn nhân lực của chúng ta không có bước đột phá, các chiến lược phát triển kinh tế không có đủ nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện.
Theo PGS, TS Đặng Quốc Bảo (nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục), giáo dục có nhiều lúng túng khi đồng thời phải thực hiện cả hai nhiệm vụ “Vi nhân - Vi phú”. Sự đào tạo cũng còn nhiều nỗi dở dang, ngổn ngang trên mục tiêu tổng thể “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”. Một số cán bộ kinh tế có trách nhiệm quyết định việc đầu tư cho giáo dục chưa cung ứng kịp thời các nhu cầu của các nhà trường. Một số cán bộ quản lý giáo dục khi xây dựng chiến lược phát triển còn thiếu bao quát cả hai nhiệm vụ : “Nhân cách - Nhân lực”.
Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mặc dù chúng ta tiếp cận về vấn đề nguồn nhân lực từ rất sớm nhưng cách thực hiện không hiệu quả, không đạt được mong muốn. Việc sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực phải phục vụ “cầu”, tức là nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhu cầu đó hình thành từ việc xác định rõ những ngành kinh tế “mũi nhọn”, then chốt. Việc đào tạo hiện nay chưa đúng địa chỉ. Không chỉ có đào tạo, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần xem trọng cả 3 khâu là đào tạo, sử dụng và đãi ngộ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu phát biểu cho rằng, hạn chế, trở ngại và thách thức lớn nhất vẫn là chất lượng nguồn nhân lực trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đất nước. Hiện nay chúng ta đang thiếu đội ngũ cán bộ tham mưu hoạch định chính sách ở tầm chiến lược.
So sánh với Hàn Quốc, GS. TS. Đỗ Thế Tùng đưa ra con số minh họa, chỉ trong 6 kế hoạch 5 năm, đất nước này đã hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong vòng 35 năm Hàn Quốc đã từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp mới, phát triển.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của tài nguyên nhân lực của nước ta được nhiều ý kiến cho là do nhận thức về bản chất, đặc điểm của tài nguyên nhân lực chưa đầy đủ; nhận thức về vai trò của tài nguyên con người chưa rõ và nhất quán; nhận thức và ứng xử thực tế về điều kiện khai thác, sử dụng tài nguyên con người chưa đầy đủ và nhất quán; chưa xác định rõ nhu cầu về tài nguyên con người; hệ thống đào tạo, phát triển tài nguyên con người chưa đáp ứng nhu cầu; mục tiêu đào tạo, phát triển tài nguyên con người chưa rõ và thiếu nhất quán, thiếu thực tế; các chương trình đào tạo, phát triển tài nguyên con người chưa bám sát nhu cầu; lực lượng cán bộ đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu; những hạn chế, bất cập trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài; những hạn chế trong quản lý và sử dụng nguồn nhân lực...
- Đề xuất định hướng và giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Các tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung đề xuất những giải pháp có tính khả thi, như phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phải dựa trên các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ bản nền giáo dục quốc dân, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo nghề. Tập trung đầu tư và nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Có cơ chế thu hút, sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Huy động các nguồn lực của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò tham gia tích cực của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và của các cơ quan báo chí, truyền thông…
Nhấn mạnh đến nguồn nhân lực là lãnh đạo - quản lý, TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc sử dụng nguồn nhân lực này phải theo phương châm “Quý hồ tinh, bất Quý hồ đa”, “đủ hơn thừa”. Cần vận dụng bỏ phiếu tín nhiệm một cách đúng đắn để giữ lại những người có đủ tố chất, đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo quản lý. Đảng và Nhà nước nên tạo điều kiện, hướng cho cán bộ, công chức phấn đấu theo con đường chuyên môn trở thành chuyên gia (vốn là con đường rộng rãi), không nên tạo ra xu thế chạy theo con đường quan chức (vốn là con đường chật hẹp do cấu trúc bộ máy quy định) bằng các chính sách hợp lý (không hạ thấp tiêu chuẩn lãnh đạo - quản lý; phải trả lương đúng với trình độ và kết quả công việc của cán bộ, cần có chính sách nhà đất khuyến khích hợp lý...).
PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội nêu một số nhìn nhận ban đầu về ứng dụng khung năng lực vào xây dựng chuẩn và đào tạo đạt chuẩn lãnh đạo khu vực công tại Việt Nam. Theo đó, khung năng lực bao gồm 3 nhóm chính là Tâm (nhóm năng lực văn hóa, thái độ, hành vi) - Tầm (năng lực dẫn dắt, định hướng) - Tài (năng lực quản trị, thực thi). Khung năng lực được xây dựng bám sát đặc thù của từng tổ chức công, cấp độ lãnh đạo (cao/trung/cơ sở) và được hình thành theo 5 cấp độ. Dựa trên khung năng lực, quy trình 6 bước có thể được áp dụng để quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo và bồ dưỡng theo chuẩn đối với lãnh đạo khu vực công.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội, trên cơ sở kết quả nghiên cứu sự biến đổi trong cơ cấu dân số Việt Nam, đề xuất cần xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng chú trọng chất lượng. Do mức sinh ở nước ta giảm, số con của mỗi cặp vợ chồng sẽ nhỏ hơn 2 con. Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo, kinh tế ngày càng phát triển, lao động đòi hỏi có trình độ ngày càng cao. Vì vậy, tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học đã gần tới hạn (98%), tỷ lệ nhập học ở các bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ cao hơn. Do vậy, hệ thống giáo dục phổ thông nên chuyển hướng chiến lược từ phát triển theo chiều rộng sang chiến lược trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc học này thông qua củng cố cơ sở trường lớp, thiết bị giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo viên. Không nên đào tạo giáo viên bậc tiểu học, bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông nhiều hơn quy mô hiện nay, mà nên tập trung chọn lọc đối tượng đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật khái quát lại những nội dung chủ yếu mà các đại biểu trao đổi tại Hội thảo và cho biết, kết quả nghiên cứu của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức hội thảo tổng hợp và báo cáo Ban Bí thư, nhằm góp phần cung cấp những luận chứng khoa học và thực tiễn, thiết thực phục vụ Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XI của Đảng sẽ bàn và ra nghị quyết chuyên đề về giáo dục và khoa học - công nghệ, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Đồng thời, Ban Tổ chức Hội thảo cũng sẽ tuyển chọn một số bài tham luận và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học tại Hội thảo để biên soạn lại thành một cuốn sách tham khảo, góp phần phục vụ việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng./.
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Đông U-ru-goay và kỷ niệm Ngày độc lập của U-crai-na  (24/08/2012)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng mạnh  (24/08/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên