TCCSĐT - Chiều 24-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tiếp ông Giét-phơ-ry Ai-meo-tơ (Jeffrey Immelt), Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh và Việc làm của Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama). Cùng ngày, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã tiếp Đoàn bạn bè cánh tả Mỹ đang thăm làm việc tại nước ta.
Hoan nghênh ông Giét-phơ-ry Ai-meo-tơ sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam vui mừng thấy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước; Việt Nam mong muốn hai bên nỗ lực đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ các hoạt động đầu tư nước ngoài nói chung và của Hoa Kỳ nói riêng vào Việt Nam ; coi sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là sự thành công của Việt Nam .

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, bằng uy tín của mình, ông Giét-phơ-ry Ai-meo-tơ, Hội đồng Cạnh tranh và Việc làm của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ có những hành động thiết thực ủng hộ việc Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; ủng hộ hai nước đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ; thúc đẩy các hoạt động đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam; góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt những con số ấn tượng hơn trong thời gian tới.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp, ông Giét-phơ-ry Ai-meo-tơ cho biết, qua khảo sát thực tế, các dự án đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam đều được triển khai thực hiện hiệu quả, nhiều nhà đầu tư của Hoa Kỳ đang làm ăn rất thành công tại Việt Nam. Ông Giét-phơ-ry Ai-meo-tơ khẳng định, Hội đồng Cạnh tranh và Việc làm của Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ luôn ủng hộ các đề nghị mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập. Ông Giét-phơ-ry Ai-meo-tơ cũng đề xuất, hai bên tiếp tục mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư vào lĩnh vực hàng không, năng lượng, sản xuất thiết bị y tế, khoa học công nghệ…

* Cùng ngày, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình đã tiếp Đoàn bạn bè cánh tả Mỹ đang thăm làm việc tại nước ta.

Ông Ram-xy Clác (Ramsey Clark), 85 tuổi, luật sư, nhà hoạt động hòa bình chống chiến tranh thuộc cánh tả Mỹ bày tỏ niềm phấn khởi khi chứng kiến một đất nước Việt Nam đang có những bước phát triển đầy ấn tượng sau nhiều năm dài chiến tranh. Ông R. Clác cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này là tròn 40 năm kể từ lần thứ nhất vào năm 1972. Trở lại Việt Nam là để thực hiện nguyện vọng tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam hiện nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như hậu quả chiến tranh...

Hoan nghênh chuyến thăm của Đoàn, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã bày tỏ sự cảm động khi gặp luật sư Ram-xy Clác - người đã từng giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong các hoạt động hòa bình tại Mỹ và châu Âu trong những năm tháng chiến tranh. điểm lại các phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình khẳng định: nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn những người bạn quốc tế, trong đó có nhân dân Mỹ đã tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ hòa bình cho Việt Nam.

Chia sẻ về thành quả của công cuộc đổi mới của Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân trong khắc phục hậu quả chiến tranh trong suốt mấy chục năm qua, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình bày tỏ mong muốn các nhà hoạt động hòa bình Mỹ qua chuyến thăm tiếp tục quan tâm, nhất là những ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin trên đất đai và đối với con người.

Nhân dịp này, Đoàn bạn bè cánh tả Mỹ cũng đã đề xuất với Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình về một chương trình hỗ trợ giúp đỡ phát hiện, điều trị một số bệnh ung thư ở phụ nữ. Đánh giá cao thiện chí của Đoàn, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình cho biết sẽ liên hệ với cơ quan chức năng Việt Nam để kết nối, tìm hiểu chương trình y tế này. Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Đoàn bạn bè cánh tả Mỹ đã thăm Làng Hữu nghị Việt Nam tại Vân Canh.

Cũng trong ngày 24-8, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí trong đó cho biết: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố một khoản tài trợ trị giá 2,4 triệu USD cho Đại học bang A-zi-zô-na (Arizona - ASU) để hỗ trợ mở rộng Chương trình hợp tác giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP) nhằm bổ sung vào nguồn tài trợ nhà nước và tư nhân với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.

Khoản tài trợ này sẽ dành cho một hợp phần mới của chương trình HEEAP, đó là Viện lãnh đạo và sáng kiến hướng nghiệp và đại học (VULII). Chương trình này sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa lĩnh vực học thuật và công nghiệp. Dưới sự bảo trợ của chương trình HEEAP, VULII sẽ cung cấp các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho hiệu trưởng các trường đại học, nhà quản lý cấp trung và các giáo sư ngành kỹ thuật...

HEEAP là một chương trình đối tác được thành lập năm 2010 giữa USAID, ASU, Tập đoàn Intel và hiện nay bao gồm ngày các nhiều các đối tác công nghiệp. Cho đến nay, chương trình này đã đào tạo được trên 100 giảng viên từ các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam về các phương pháp tiến tiến trong giảng dạy kỹ thuật tại ASU.


Chương trình HEEAP phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA). Các cơ sở đào tạo tham gia chương trình HEEAP bao gồm: Đại học Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc mở rộng chương trình HEEAP được các đối tác vừa công bố cũng sẽ có các đối tác tài trợ bao gồm: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Intel và các đối tác khác. Khoản đầu tư mục tiêu dự kiến từ các đối tác hiện tại và tương lai để mở rộng chương trình HEEAP là 40 triệu USD.

Có thể thấy, quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian qua đã và đang phát triển tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Những chuyến thăm, những buổi làm việc giữa lãnh đạo hai nước là hành động thiết thực thể hiện những nỗ lực nhằm đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến văn hóa, ngoại giao./.