Sáng 1-8, đại lễ tưởng niệm và cầu siêu anh linh các anh hùng, liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh ở chiến trường Thượng Đức đã diễn ra long trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ và chùa Hà Tân xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Đây là chương trình do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 304, Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc và Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch tấn công giải phóng Thượng Đức, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và chiến thắng Thượng Đức (7-8-1974 - 7-8-2012).

Tại lễ tưởng niệm, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Thệ, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 304 đã giới thiệu về tầm quan trọng của chiến thắng Thượng Đức trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Đồng thời, bày tỏ sự tri ân, biết ơn sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến này.

Căn cứ Thượng Đức nằm trên địa phận xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ ngụy đã biến nơi đây thành một hệ thống quân sự hầm ngầm liên hoàn bê tông cốt thép kiên cố, được xem như là cánh cửa thép phía Tây Đà Nẵng, là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch tấn công giải phóng Thượng Đức do Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), cùng các đơn vị pháo binh, công binh, phòng không phối thuộc và lực lượng bộ đội địa phương đảm nhiệm thực hiện diễn ra từ ngày 29-7 đến 7-8-1974. Chiến thắng Thượng Đức của quân và dân ta đã đập tan “cánh cửa thép” phía Tây Đà Nẵng, làm choáng váng cả chế độ ngụy quyền Sài Gòn lúc ấy. Đây được xem là trận chiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975.

Trong chiến dịch này, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, quân du kích và người dân huyện Đại Lộc hy sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 1.300 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 304 đã hy sinh trong thời gian diễn ra trận tấn công này. Thế nhưng chỉ có hơn 800 hài cốt của chiến sĩ Sư đoàn được quy tập về các nghĩa trang. Vì vậy, việc tổ chức cầu siêu cho các anh linh anh hùng, liệt sĩ và đồng bào nạn nhân chiến tranh trận đánh này có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

Theo kế hoạch, Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và đồng bào nạn nhân chiến tranh trong chiến dịch tấn công giải phóng Thượng Đức sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ nay đến hết ngày 3-8./.