TCCSĐT: Để quản lý tốt môi trường biển, trước hết cần phải dựa vào các cộng đồng dân cư đang sinh sống ở vùng ven biển và hải đảo. Sự tham gia của người dân vào bảo vệ môi trường (BVMT) không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự ô nhiễm môi trường biển ngay từ khi mới xuất hiện.

Nhận thức đã có nhưng... còn hạn chế

Đang có một thực trạng là, tại nhiều địa phương, các cộng đồng dân cư ven biển ít quan tâm và hầu như họ không có những thông tin cần thiết tối thiểu về các vấn đề như biến đổi khí hậu (BĐKH) hay các khái niệm, phương thức về quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) hoặc những khuyến cáo khác về môi trường sinh thái biển... Ở một số tỉnh sau khi đã thực hiện các chương trình truyền thông về QLTHĐB như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... thì cộng đồng dân cư đã có hiểu biết bước đầu về QLTHĐB; từ đó ý thức được vai trò, vị trí của người dân tại chỗ trong quản lý vùng bờ.

Việc triển khai các chương trình QLTHĐB tại một số địa phương miền Trung sẽ giúp cho các cộng đồng dân cư ven biển, cho ngư dân nhận thức được giá trị tài nguyên và môi trường (TN&MT) vùng bờ; đồng thời khuyến cáo cho họ về tác hại của việc khai thác tài nguyên quá mức. Từ đó xây dựng ý thức tham gia tích cực các chiến dịch làm sạch bãi biển, các phương thức đánh bắt thủy hải sản mang tính hủy diệt đã giảm hẳn. Nhờ có chuyển đổi dần nhận thức nên cộng đồng dân cư ven biển ở một số địa phương đã tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền về BVMT và BĐKH.

Các dự án QLTHĐB bước đầu đã có những tác động tích cực, nhưng về lâu dài vẫn cần có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để vừa bảo đảm sinh kế cho người dân, vừa giúp các cộng đồng dân cư nhìn nhận được những ích lợi từ các chương trình quản lý tổng hợp (QLTH). Từ đó, chính người dân sẽ tham gia hiệu quả các hoạt động BVMT, tham gia vào các chương trình hành động, các quyết sách của QLTHĐB tại địa phương mình.

Hiệu quả của các chương trình QLTHĐB tại địa phương phụ thuộc vào vấn đề nhận thức và tham gia của cộng đồng. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề TN&MT ven biển là việc làm hết sức cần thiết và mang ý nghĩa lớn.

Các chương trình QLTHĐB tại một số tỉnh ven biển khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được tổ chức phong phú dưới nhiều hình thức như: tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tán phát tờ rơi, áp phích, tờ tin, hội thi lồng ghép các buổi biểu diễn, các đêm văn nghệ, xây dựng băng hình và chiếu phim về dự án trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố.

Ngoài ra theo chu trình dự án QLTHĐB cũng tổ chức một số các hoạt động khác nhằm tạo cơ hội tham gia và nâng cao nhận thức của cộng đồng, chẳng hạn: tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng cho các tuyên truyền viên, tạo mạng lưới cộng tác viên tham gia các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường và tham gia thảo luận, góp ý cho một số dự thảo văn bản quan trọng của dự án QLTHĐB như chiến lược, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược, ...

Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam,... điểm xuất phát trong nhận thức về QLTH, phát triển bền vững và BĐKH của đại đa số cộng đồng dân cư ven biển vẫn rất thấp. Họ chỉ được tiếp cận thông qua một số hoạt động cộng đồng như “tuần lễ biển và hải đảo”, “ngày môi trường thế giới”… được đưa ra áp dụng tại địa bàn sinh sống nhưng không thường xuyên. Nhóm đối tượng này chưa được tham gia tập huấn nâng cao về nhận thức, về quyền và nghĩa vụ khi tham gia BVMT tại địa phương mình.

Có thể thấy tình trạng phổ biến là hầu hết các địa phương ven biển chưa thực sự chú trọng vấn đề chuyển đổi nhận thức và tham gia của cộng đồng trong công tác BVMT và phát triển bền vững ứng phó với BĐKH. Cũng có một cơ chế phù hợp để người dân có thể tham gia công tác BVMT tại địa phương. Sự tham gia của cộng đồng chủ yếu chỉ được thực hiện qua một số dự án, chương trình của các tổ chức phi chính phủ khi được đưa triển khai trên địa bàn, nên người dân chưa được tham gia sâu để có tác động tích cực, đem lại hiệu quả cao cho công tác BVMT và phát triển bền vững.

Về tổ chức triển khai trên thực tế với các địa phương vùng ven biển và hải đảo mới chỉ chú trọng đến việc nâng cao năng lực, nhận thức của bộ máy quản lý, các tổ chuyên viên và cộng tác viên mà chưa chú trọng trong việc tuyên truyền, tập huấn rộng, đại trà nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng. Vì thế, mục tiêu đặt ra là, cùng với việc nâng cao năng lực cho cán bộ, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng chuyên môn, chuyên ngành, cơ quan điều phối, quản lý cần sự quan tâm chú trọng hơn về vai trò, vị trí và nhất là phải xây dựng những cơ chế cho người dân tại chỗ có thể tham gia vào công tác BVMT trên bình diện xã hội rộng.

Sóc Trăng và Trà Vinh là những tỉnh có đa số là đồng bào người Khmer, tiếp đó là cộng đồng người Hoa, đời sống của họ còn nhiều khó khăn. Người dân ít có điều kiện học tập và không có nhiều điều kiện thụ hưởng hoặc được tham gia các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mặt bằng xã hội về học vấn và nhận thức của người dân thấp, hủ tục còn nặng nề.

Khảo sát tại 23 xã thuộc 7 huyện ven biển trên địa bàn hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh cho thấy, cộng đồng dân cư ven biển tại đây hầu hết không được tiếp cận thông tin hoặc rất mơ hồ về BĐKH và phát triển bền vững. Một số việc thuần túy BVMT như thu gom rác thải chỉ mang tính tự phát, chưa tạo thành nền nếp và thói quen đối với cộng đồng. Các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến nhỏ cũng hầu như không có hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước thải.

Nguyên nhân dễ nhận thấy là, khi sinh kế còn gặp nhiều khó khăn thì người dân vẫn chưa có sự quan tâm đến vấn đề BVMT. Vậy nên, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT cần phải tiến hành đồng thời với các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Phát triển kinh tế không đi đôi với BVMT sẽ không đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Khi trong cộng đồng dân cư ven biển nhận thức được những giá trị và lợi ích của nguồn tài nguyên ven bờ; vai trò, vị trí và lợi ích của mình, họ sẽ có những hành động thiết thực BVMT ngay tại cơ sở cũng như tham gia tích cực hơn vào các chương trình, dự án về môi trường về phát triển bền vững ứng phó với BĐKH,...

Việc triển khai chương trình QLTHĐB ở các tỉnh ven biển miền Trung chưa đồng đều. Tại một số tỉnh phía Bắc Trung Bộ đã triển khai thì người dân đã có chuyển đổi nhận thức ban đầu về BVMT, QLTH, bảo vệ phát triển TN&MT vùng ven biển nói chung. Nhưng, đối với đồng bào các dân tộc ven biển Tây Nam Bộ thì vấn đề BVMT, QLTHĐB, phát triển bền vững ứng phó BĐKH lại chưa thực sự được quan tâm. Từ đó cho thấy sự cần thiết phải tích cực triển khai và nhân rộng các mô hình QLTHĐB ra các địa phương khác trên toàn bộ dải ven biển Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phát triển của “Chiến lược biển” Việt Nam đến năm 2020.

Việc tham gia của cộng đồng trong các chương trình, dự án về QLTHĐB có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại trong công tác BVMT. Vì vậy, xây dựng và nâng cao ý thức của cộng đồng về quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển Việt Nam là vấn đề cấp bách.

Nâng cao nhận thức cộng đồng là nền tảng của thành công

Kết quả ban đầu nhưng rất đáng khích lệ từ các chương trình QLTHĐB tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung Bộ đã xuất hiện một số mô hình cấp cơ sở tiêu biểu như Rạn Trào (Khánh Hòa), các nhà quản lý chương trình dự án và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu tổng kết để nhanh chóng nhân rộng, triển khai tới các địa phương khác trong khu vực.

Ở nước ta, việc xây dựng và duy trì các mô hình ngoài việc nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của cộng đồng trong QLTHĐB rất cần sự ủng hộ vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Kinh nghiệm bước đầu cho thấy việc thành lập các tổ, nhóm triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại quận - huyện, phường - xã - thị trấn ven biển là cách làm tốt có hiệu quả cao. Biên soạn những tài liệu ngắn gọn và tán phát đến từng người dân như tờ bướm, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền các vấn đề cần chuyển tải sẽ phù hợp với đặc điểm của nhiều nhóm cộng đồng dân cư. Phải tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn cho người dân rà soát, xây dựng kế hoạch quản lý và hoàn thiện hệ thống thông tin vùng bờ. Tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, internet; đồng thời nâng cao vai trò của các trang thông tin điện tử trong hoạt động tuyên truyền, cập nhật thông tin và thu thập ý kiến phản hồi từ cộng đồng; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các hoạt động, các cuộc thi tìm hiểu và hiến kế các giải pháp thiết thực, hiệu quả về BVMT, BĐKH, phát triển bền vững và các chương trình QLTHĐB. Tạo điều kiện để cộng đồng có thể tham gia vào các diễn đàn hoạt động khác nhau trong QLTHĐB như: góp ý cho chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược QLTHĐB, …thông qua các cuộc họp lấy ý kiến tham vấn tổ chức ở cấp cơ sở mà đối tượng tham vấn là đại diện của cộng đồng hoặc thông qua các cuộc phỏng vấn ở cộng đồng.. sẽ là những cách làm thiết thực, đem lại hiệu quả như mong muốn./.