Tình hình tại Xyri đang ngày càng căng thẳng

PV (tổng hợp)
10:58, ngày 14-06-2012
TCCSĐT - Ngày 12-6, khi được báo giới đặt câu hỏi liệu có cho rằng Xyri đang xảy ra nội chiến, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Herve Ladsous trả lời: "Tôi cho rằng chúng ta có thể nói như vậy. Rõ ràng, những gì đang xảy ra là Chính phủ Xyri đã mất nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở một số thành phố vào tay phe đối lập và muốn giành lại quyền kiểm soát những khu vực này". Theo ông Herve Ladsous, mức độ bạo lực đang gia tăng nghiêm trọng và phần nào phản ánh một số thay đổi về bản chất cuộc xung đột, vì "không chỉ xe tăng và đạn pháo được sử dụng mà đã xuất hiện cả trực thăng chiến đấu. Xung đột đang leo thang trên diện rộng vì phe đối lập cũng kháng cự quyết liệt".
Phó Tổng Thư ký Herve Ladsous là quan chức cao cấp nhất của Liên hợp quốc nhận định tình hình Xyri đang biến thành nội chiến. Tuần trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng "nội chiến sắp xảy ra". Trong khi đó, phái bộ quan sát viên của Liên hợp quốc tại Xyri (UNSMIS) cố gắng tìm cách tiếp cận thị trấn Al-Heffa, nơi xảy ra giao tranh quyết liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Xyri, giao tranh ở trong và xung quanh Al-Heffa trong tuần trước đã làm ít nhất 120 người thiệt mạng, trong đó có 68 binh sĩ quân đội, 29 dân thường và 23 tay súng nổi dậy. Ngày 12-6, lực lượng nổi dậy "Quân đội Xyri tự do" cho biết họ rút khỏi thị trấn Al-Heffa sau khi quân chính phủ pháo kích dữ dội nơi này.

UNSMIS cho biết họ nhận được tin hàng trăm dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em, bị mắc kẹt tại đây và phái bộ đang đàm phán để sơ tán người dân. Tuy nhiên, ngày 12-6, các quan sát viên của UNSMIS đã bị đám đông bủa vây, ngăn không cho họ tiếp cận Al-Heffa. Ba chiếc xe Liên hợp quốc đã bị bắn khi rời khỏi khu vực này, song chưa rõ những kẻ nổ súng thuộc phía nào.

Theo ông Herve Ladsous, gần 300 quan sát viên UNSMIS tại Xyri đang đối mặt với "mối đe dọa an ninh nghiêm trọng" bởi những vụ việc như tại Al-Heffa đã diễn ra thường xuyên hơn. Nhiệm vụ của phái bộ này dự kiến kết thúc ngày 20-7 tới, và Liên hợp quốc đang xem xét "nhiều lựa chọn khác nhau" cho tương lai của UNSMIS. Trong đó, một yếu tố quan trọng cần được tính đến là liệu một tiến trình đối thoại chính trị có thể khởi động ở Xyri hay không. Theo Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, kéo dài nhiệm vụ của UNSMIS sẽ rất khó khăn nếu không có tiến triển trong thực thi kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập (AL) là Kofi Annan.

Phát biểu tại Thụy Sĩ ngày 12-6, ông K.Annan kêu gọi các quốc gia nhiều ảnh hưởng trên thế giới cần gia tăng sức ép thực thi kế hoạch hòa bình 6 điểm ở Xyri nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang. Ông cũng bày tỏ hy vọng cuộc gặp của nhóm liên lạc theo sáng kiến của Nga "sẽ sớm diễn ra". Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow đã sẵn sàng tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề Xyri. Trong khi Nga đang nỗ lực thúc đẩy các giải pháp chính trị, ngày 12-6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Washington lo ngại trước thông tin Nga có thể đang đưa máy bay trực thăng chiến đấu sang Xyri. Phát biểu tại một cuộc nói chuyện tại Viện Nghiên cứu Brookings ở Washington, bà Hillary Clinton nói: "Chúng tôi đã yêu cầu Nga ngừng chuyển các lô hàng vũ khí cho Xyri. Họ luôn nói rằng không cần phải lo lắng vì mọi thứ họ chuyển đến không liên quan đến các hành động của Chính phủ Xyri. Điều này rõ ràng là không đúng sự thật. Và chúng tôi quan ngại về thông tin mới nhất nói rằng các máy bay trực thăng chiến đấu đang được chuyển từ Nga đến Xyri, điều đó sẽ làm leo thang khá chóng vánh cuộc xung đột này". Về việc này, ngày 13-6, công ty xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport khẳng định họ "không cung cấp những vũ khí và kỹ nghệ quân sự trái với những yêu cầu về an ninh của Liên hợp quốc", song không cho biết chi tiết. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ cũng từ chối tiết lộ nguồn tin mà bà Hillary Clinton có được về việc này. Nếu thông tin này là đúng sự thật, giới phân tích ở Mỹ cho rằng đây sẽ là một trở ngại cho các nỗ lực quốc tế để hạn chế cuộc xung đột tại Xyri, đồng thời cáo buộc của bà Hillary Clinton có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow.

Ngược lại, ngày 12-6, Bộ Ngoại giao Xyri ra tuyên bố cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Xyri và hậu thuẫn các nhóm khủng bố vũ trang. Xyri khẳng định rằng những tuyên bố gần đây của chính quyền Mỹ về tình hình Xyri là "bóp méo sự thật đồng thời xúi giục các nhóm khủng bố vũ trang tiến hành thêm những cuộc thảm sát ở Xyri". Theo Bộ Ngoại giao Xyri, chính quyền ở Đamat vẫn tuân thủ kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên Annan, trong khi các nhóm vũ trang được phương Tây hậu thuẫn không thực thi kế hoạch này.

Trước tình hình đang ngày càng căng thẳng tại Xyri, ngày 13-6, Trung Quốc nhận định tình hình Xyri đã ở "thời điểm sống còn" đồng thời bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" trước diễn biến bạo lực tại quốc gia Trung Đông này. Trung Quốc là thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã tái khẳng định quan điểm phản đối nước ngoài can thiệp và dùng vũ lực để thay đổi chế độ ở Xyri. Bắc Kinh cũng hối thúc các bên xung đột ở Xyri thực thi kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan, Đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập (AL) về Xyri./.