Để cải thiện đời sống công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất

Nguyễn Mạnh Hoạch Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
13:52, ngày 13-06-2012
TCCSĐT - Sau 20 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các khu này, trong đó trực tiếp nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ công nhân, lao động tại đây.
1- Tính đến hết năm 2011, cả nước có 283 KCN, KCX với tổng diện tích 76 nghìn héc-ta, được thành lập trên 58 tỉnh, thành phố; đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỉ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỉ USD, bằng 45% tổng vốn đầu tư đăng ký; thu hút 4.681 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 420 nghìn tỉ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 210 nghìn tỉ đồng (bằng 50% tổng vốn đầu tư đăng ký); đóng góp 32% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động(1).

Tuy nhiên, việc đầu tư các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ người lao động (NLĐ) trong các KCN, KCX chưa được quan tâm thích đáng, tiền lương, tiền công còn nhiều bất cập, do đó đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ còn rất khó khăn.

Về tiền lương và thu nhập của NLĐ. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động của tăng giá đối với đời sống của người nghèo, người làm công hưởng lương, thu nhập bình quân của NLĐ (nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất) thường không theo kịp tốc độ tăng giá khi lạm phát xảy ra. Năm 2010, tiền lương của NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp (DN) là 3,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,3% so với năm 2009. Trong đó, DN nhà nước có mức lương bình quân là 3,8 triệu đồng, tăng 8,6%; DN cổ phần có vốn đầu tư trong nước là 3,3 triệu đồng, tăng 10%; DN có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng, tăng 11,1%. Song, chỉ số giá sinh hoạt tăng ở mức 11,75%, nên tiền lương chỉ bảo đảm một phần tiền lương thực tế của NLĐ. Phần lớn đối tượng này là lao động phổ thông, lao động nhập cư có thu nhập thấp. Ngoài việc phải chịu chung mức tăng giá cả sinh hoạt như những người dân khác ở đô thị, thì họ phải trả tiền thuê nhà, điện, nước cao hơn từ 20% đến 30%.

Để từng bước giải quyết tình trạng này, ngày 22-8-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2011/NĐ-CP về Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng trong tất cả các loại hình DN, không phân biệt DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ ngày 01-10-2011 đến hết ngày 31-12-2012. Theo đó, lương tối thiểu đối với NLĐ tại vùng I là 2 triệu đồng/tháng, vùng II là 1,78 triệu đồng/tháng, vùng III là 1,55 triệu đồng/tháng và vùng IV là 1,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Viện Công nhân Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), mức lương này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống tối thiểu của NLĐ, nhất là NLĐ trong các KCN, KCX. Theo tính toán của Viện này (tại thời điểm tháng 8-2011), mức lương tối thiểu của NLĐ (đáp ứng nhu cầu cho bản thân và nuôi 01 con): vùng I phải là 3.042.660 đồng/tháng, vùng II: 2.861.780 đồng/tháng, vùng III: 2.664.750 đồng/tháng và vùng IV phải là 2.470.950 đồng/tháng.

Phần lớn các chủ DN vẫn đang lấy mức lương tối thiểu để trả lương cho NLĐ, chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng thang, bảng lương. Ngoài tiền lương cơ bản, các chủ DN thường quy định các khoản trợ cấp, phụ cấp (chiếm từ 25% - 30% tiền lương): tiền ăn trưa (ăn ca), tiền chuyên cần, tiền hỗ trợ đi lại, tiền thưởng... Thực chất, đây là một phần tiền lương của NLĐ. Người sử dụng lao động cố tình tách ra thành các khoản trợ cấp, phụ cấp để dễ điều chỉnh, “thể hiện” sự quan tâm và trốn đóng một phần bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Lương quá thấp không tương xứng cường độ, thời gian NLĐ bỏ ra là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc đình công, ngừng việc tập thể; góp phần làm cho quan hệ lao động trong các DN chưa thật hài hoà, ổn định. Theo báo cáo của TLĐLĐVN, năm 2011, cả nước xảy ra 981 cuộc đình công, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010 (424 cuộc), tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (837 cuộc, chiếm 85,32%) và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (734 cuộc, chiếm 74,82%).

Về nhà ở của người lao động tại các KCN. Hầu hết các KCN, KCX tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho NLĐ. Số lượng công nhân tăng nhanh, nhưng trong quy hoạch phát triển các KCN, KCX chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở, nhà trẻ, trường học cho gia đình họ. Các chính sách hiện có chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho NLĐ, nhất là vấn đề vốn và đất đai. Theo số liệu điều tra, tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các KCN khoảng trên 50%. Ở một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao, như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, tỷ lệ lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (tại hội thảo quốc gia: “Nhà ở công nhân, thực trạng và giải pháp”, tổ chức ngày 17-10-2011 tại Bình Dương), số NLĐ trong các KCN hiện nay khoảng 1,6 triệu người. Trong đó, chỉ có 20% số người có chỗ ở ổn định. Đa số NLĐ ngoại tỉnh làm việc tại các KCN đều phải thuê nhà trọ với giá 150.000 – 200.000 đồng/người (diện tích phòng trọ bình quân 2 m2 – 3 m2/người, điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm). Vì vậy, vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ, trường học ở khu vực này càng trở nên bức xúc.  

Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan, thực hiện Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg, ngày 24-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố đã đăng ký 110 dự án nhà ở cho NLĐ tại các KCN trong giai đoạn 2010 - 2015, với tổng vốn đầu tư là 25.554 tỉ đồng (trong đó vốn doanh nghiệp là 24.425 tỉ đồng, vốn địa phương: 1.129 tỉ đồng); quy mô xây dựng 6.000.000 m2 sàn, bảo đảm chỗ ở cho 960.000 NLĐ. Tuy nhiên, đến nay, theo Thanh tra Chính phủ, các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN đều chậm so với yêu cầu, có 27 dự án đã được khởi công xây dựng với quy mô đáp ứng khoảng 139.800 NLĐ, diện tích sàn khoảng 866.600m2 với tổng mức đầu tư khoảng 3.015 tỉ đồng; nhưng mới chỉ có 9 dự án hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho 27.800 NLĐ.   

Bất cập lớn nhất hiện nay là việc xây nhà ở cho NLĐ tại các KCN, KCX thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị...). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng là một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng NLĐ không muốn vào ở, vì quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc. Theo kết quả điều tra, khảo sát, hiện nay, trong tổng số 283 KCN, KCX hầu như chưa có KCN nào xây dựng được nhà trẻ, mẫu giáo, trường học phổ thông và trạm y tế để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của NLĐ. Họ hiện đang phải gửi con ở các cơ sở giữ trẻ tư nhân, điều kiện không bảo đảm, trả phí cao.

Về đời sống văn hoá của NLĐ. Đời sống văn hóa trong công nhân, lao động đòi hỏi gắn liền với địa bàn cư trú, làm việc, nghỉ ngơi và giải trí cùng với hệ thống các thiết chế văn hóa và dịch vụ ổn định.

Thời gian qua, các phong trào vận động xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân lao động (CNLĐ) đã cổ vũ, động viên họ tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở cơ sở, góp phần tạo môi trường tinh thần lành mạnh để ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Các nhu cầu văn hóa đa dạng của NLĐ đã từng bước được đáp ứng. Sự tham gia của họ vào các hoạt động sáng tạo, sản xuất, truyền bá và hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn nghệ được nâng cao. Nhiều tấm gương cá nhân và đơn vị điển hình, nhiều nhân tố mới trong xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ đã xuất hiện. Sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước, vai trò của TLĐLĐVN đã được phát huy trong quá trình tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ.

Tuy nhiên, sự quan tâm xây dựng đời sống văn hóa của CNLĐ chưa đồng đều, nhiều nơi còn bỏ trống, nhất là ở các KCN, KCX, ở các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Việc xây dựng còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chất lượng chưa cao. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn và thiếu thốn. Những tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội trong CNLĐ còn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn kịp thời. Đội ngũ cán bộ quản lý về nghiệp vụ trong việc tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu… Với mức tiền lương và thu nhập thấp, điều kiện nhà ở khó khăn, NLĐ rất thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu... Các dịch vụ phát triển con người bị thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí NLĐ không có điều kiện để tiếp cận với thông tin đại chúng,  như báo chí, phát thanh, truyền hình ... Các KCN, KCX đã đi vào hoạt động chưa chú ý ngay từ đầu những yếu tố hạ tầng xã hội cần thiết, như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao... Người lao động được ví như cỗ máy làm việc với cường độ cao, thời gian làm thêm giờ nhiều, nên khi về phòng trọ, mệt mỏi, chỉ tranh thủ ngủ. Đặc biệt, trong các KCN, KCX có nhiều lao động nữ, vấn đề hôn nhân và gia đình trở nên bức xúc nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. 

2- Để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, lao động, đặc biệt NLĐ ở các KCN, KCX, cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục nhất quán thực hiện cơ chế tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp; đồng thời, mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp về tiền lương. Cùng với thực hiện nghiêm túc chế độ lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp phải đăng ký quỹ lương với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và công khai tổng quỹ lương với NLĐ. Khuyến khích hình thành cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa NLĐ, tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động về tiền lương, thống nhất định mức lao động, đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, làm thêm giờ, tiền thưởng, phụ cấp, tiền ăn… trong việc xếp lương, trả lương cho người NLĐ; xây dựng định mức và đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, quy chế trả lương... theo quy định của Nhà nước và được ghi vào hợp đồng lao động cá nhân, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của doanh nghiệp; từng bước thực hiện chính sách tiền lương cao để bảo đảm đời sống cho NLĐ, gia đình họ và có tích lũy từ tiền lương; đồng thời, mở rộng cơ hội cho họ mua cổ phần trong doanh nghiệp, để họ vừa là NLĐ, vừa là người đầu tư, nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công trong doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng nhà nước và tổ chức công đoàn cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, xử lý nghiêm các doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động. Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với NLĐ. 

Hai là, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề nhà ở cho NLĐ. Bảo đảm tốt vấn đề này sẽ giúp NLĐ ổn định sức khỏe, tái sản xuất sức lao động, góp phần tạo nguồn lực lao động có chất lượng cho xã hội. Việc cải thiện chỗ ở cho NLĐ, nhất là NLĐ trong các KCN, KCX cần được sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước, chủ doanh nghiệp, NLĐ và toàn xã hội. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lo nhà ở  cho NLĐ. Dành quỹ đất tương xứng để xây dựng nhà ở và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cho công nhân khi phê duyệt các dự án KCN, KCX. Quy hoạch phát triển KCN, KCX phải bao gồm quy hoạch trong và ngoài KCN, gắn kết KCN với khu đô thị có đầy đủ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho NLĐ. Những dự án mới phát triển KCN nhất thiết phải có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các KCN, KCX đã đưa vào hoạt động để có đất xây dựng nhà ở, xây dựng công trình phúc lợi, thiết chế văn hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu cho NLĐ.

Cần có chính sách ưu đãi thích đáng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các KCN; nhất là những chính sách tạo điều kiện về quỹ đất, có quy định ưu đãi về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng. Nhà nước cần có chính sách, quy định bắt buộc các chủ DN nói chung và chủ DN ở các KCN, KCX sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia giải quyết nhà ở cho NLĐ thông qua việc đóng góp tài chính hoặc tự xây nhà ở cho NLĐ thuê, mua; nghiên cứu đa dạng hóa các kiểu dáng kiến trúc phù hợp với điều kiện sống của NLĐ.

Từng bước thực hiện phương châm xã hội hóa việc xây dựng nhà ở cho NLĐ. Nhà nước có cơ chế tạo điều kiện cho NLĐ cải thiện chỗ ở thông qua các chính sách về đất ở, tài chính, đầu tư xây dựng. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhà ở, nhất là chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho NLĐ tại các KCN. Tuy nhiên những chính sách này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, khiến vấn đề nhà ở của NLĐ ngày càng trở nên bức xúc. Vì vậy, cần rà soát lại các chính sách đã ban hành, làm rõ nguyên nhân của những ách tắc, từ đó có các giải pháp, điều chỉnh chính sách cho phù hợp; cần tập trung khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở. Đồng thời, cần ban hành cơ chế kiểm soát chặt chẽ giá cho thuê nhà ở, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá nhà ở mua hoặc cho thuê ở mức bất hợp lý, không phù hợp với khả năng của NLĐ trong KCN, KCX; hỗ trợ để có giá thuê, giá mua hợp lý với các đối tượng NLĐ hưởng lương ở khu vực đô thị, đặc biệt NLĐ ở các KCN, KCX.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của việc xây dựng đời sống văn hoá trong NLĐ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; Phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa trong NLĐ. Nhà nước cần thể chế hóa các quy định, xác định trách nhiệm rõ ràng đối với các cấp chính quyền, các doanh nghiệp trong việc chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cho NLĐ tại các KCN, KCX. Xây dựng các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân cùng với các dịch vụ văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Nâng cao chất lượng hoặc bổ sung quy hoạch các KCN, KCX và đô thị một cách đồng bộ, toàn diện, trong đó nhất định phải có nhà ở cho CNLĐ, nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế, các thiết chế văn hoá ... với tỷ lệ diện tích phù hợp.

Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên và các đoàn thể chính trị trong CNLĐ. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn các cấp trong việc chăm lo xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Phát huy vai trò chủ động sáng tạo của CNLĐ trong việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở nơi làm việc và nơi cư trú. Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu nhà ở, khu nhà trọ có đông CNLĐ. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong cộng đồng dân cư và trong doanh nghiệp. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc tổ chức đám cưới, đám tang, xây dựng nếp sống, lối sống lành mạnh. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực và tệ nạn xã hội trong CNLĐ./.

 



(1) Theo số liệu được công bố tại Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, KCX ở Việt Nam, tổ chức ngày 17 - 02 - 2012