TCCSĐT - Ngày 14-7, tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2009 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vùng Tây Nam Bộ. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Nam Bộ.

Những kết quả đạt được
 
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 trong vùng giảm trên 40% so cùng kỳ, nhưng vẫn đạt tốc độ 6,29%. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung đều tăng, lúa Đông Xuân đạt 1,548 triệu ha, năng suất 6,36 tấn/ha, sản lượng 9,9 triệu tấn, tăng trên 23.000 tấn so cùng kỳ. Lúa xuân hè và hè thu toàn vùng đạt 2,05 triệu ha, năng suất 5 tấn/ha, sản lượng trên 10,2 triệu tấn. Các địa phương, doanh nghiệp tập trung thu mua lúa hàng hoá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên không có tình trạng lúa tồn đọng tồn đọng trong dân nhiều như những năm trước.

Sản xuất công nghiệp đạt gần 44.670 tỉ đồng, bằng 39,22% kế hoạch, tăng 5,97 % so cùng kỳ. Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá là Tiền Giang tăng 15,8%, Đồng Tháp tăng 11%, Kiên Giang tăng 10%, Thành phố Cần Thơ tăng 7,5%... Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để sản xuất kinh doanh trong gói kích cầu của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất và có bước chuyển biến tích cực.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,2 tỉ USD, bằng 36,85% kế hoạch năm, giảm 9,7% so cùng kỳ; chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu chỉ đạt gần 700 triệu USD, giảm 28,19% so cùng kỳ.

Những hạn chế cần khắc phục

Mặc dù đạt thành tích khá tốt trong phát triển sản xuất, nhưng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề; chăm sóc y tế, các tỉnh trong vùng lại đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế. Đến nay, số trẻ đi nhà trẻ mới đạt 5,7%; số trẻ đi mẫu giáo mới đạt 59,8%. Tỷ lệ học sinh Trung học phổ thông đi học đúng độ tuổi mới đạt 43%. Lao động qua đào tạo nghề đạt 17,24%. Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất 3,1% so với cả nước là 1,37%; đội ngũ cán bộ giáo viên còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, còn chênh lệch giữa các trung tâm đô thị và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế trong vùng vẫn còn thiếu và yếu, nhiều bệnh viện quá tải... Y tế toàn vùng hiện nay mới đạt 18,7 giường bệnh/vạn dân, thấp hơn mức bình quân cả nước (23,81 giường bệnh/vạn dân); 5 bác sĩ/vạn dân, so với bình quân cả nước 6,5 bác sĩ/vạn dân)…

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009 của toàn vùng

Các đại biểu dự Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm đưa kinh tế - xã hội trong vùng phát triển mạnh hơn nữa, nhất là sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy hải sản - thế mạnh của vùng, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo và công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh trong vùng trong khó khăn vẫn duy trì tốc độ cao so với cả nước, phát huy tốt vai trò là đầu mối cung cấp lúa gạo, nông sản, trái cây lớn nhất của cả nước, góp phần quan trọng vào việc giữ vững và ổn định sự tăng trưởng kinh tế của cả nước. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản tiếp tục phát huy được thế mạnh, lượng xuất khẩu cao hơn. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; chính sách tôn giáo, dân tộc đã tạo được những bước chuyển biến mới.

Phó Thủ tướng khẳng định: thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất hơn 20 triệu dân là con người, thế mạnh này cần được phát huy để làm giàu cho đất nước, cho quê hương và cho chính mình. Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung vào các Nghị quyết của Chính phủ về kích cầu, nhất là Nghị quyết 30. Chú ý triển khai đúng tiến độ, hiệu quả, đúng mục tiêu. Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ để ổn định đời sống nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Cuối năm 2009, 13 tỉnh của trong vùng phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%.

Các bộ, ngành cần tích cực hỗ trợ kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ phát triển hơn nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, đề xuất chủ trương về xuất khẩu lương thực và chính sách cho thủy sản. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng đề án để thay thế cho Quyết định 20/2006-QĐ-TTG ngày 20/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mạng lưới trường lớp cần được quy hoạch lại và xây dựng thêm, kết hợp với kiên cố hoá và chuẩn hóa. Chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên, thầy thuốc phải được tính toán một cách căn cơ…/.