TCCSĐT - Trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Đền Huyền Trân năm 2012, ngày 30-1-2012 (tức ngày Mồng 8 Tết Nhâm Thìn), tại Thiền viện Hương Vân thuộc Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tổ chức Đại lễ cầu nguyện "Quốc thái, dân an".

Thượng tọa Thích Giác Đạo, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Đại lễ là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động của lễ hội Đền Huyền Trân năm 2012 nhằm cầu nguyện cho "Quốc thái, dân an", mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân an lành, no ấm, hạnh phúc, đất nước hưng thịnh, phát triển.

Sau lễ dâng hương, tăng ni, phật tử, nhân dân địa phương cầu nguyện theo nghi lễ truyền thống của Phật giáo. Lễ hội thu hút hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đến tham dự. Ngày mai (mồng 9 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), Lễ hội Đền Huyền Trân năm 2012 chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, với nhiều hoạt động mang đậm tính tâm linh và các hoạt động dân gian truyền thống. Được biết, trong dịp Tết Nhâm Thìn, Trung tâm Văn hóa Du lịch Huyền Trân thu hút khoảng 30.000 lượt khách. Từ Mùng 3 đến Mùng 6 Tết, thời tiết đẹp, khách vãn cảnh đông nên mỗi ngày Trung tâm Văn hóa Du lịch Huyền Trân đón 2.500 lượt khách; trong đó có nhiều du khách đến từ Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và khách quốc tế. Thế mạnh của Trung tâm là nằm ở phía Tây Nam thành phố, cảnh quan thiên nhiên đẹp kết nối với tuyến du lịch tham quan các chùa chiền ở Huế, lăng tẩm ở Huế.

Đến Trung tâm Văn hóa Du lịch Huyền Trân, du khách vừa tham quan vãn cảnh khu đền, dâng nén hương tưởng nhớ Huyền Trân công chúa, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; lại có dịp được viếng và thắp hương tại tượng đài Di Lặc, leo lên đỉnh Ngũ Phong cao 108 mét thỉnh chuông hòa bình cầu quốc thái dân an...

** Ngày 30-1-2012, trong không khí tưng bừng đầu xuân năm mới, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang và du khách đã nô nức kéo về trung tâm huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) để tham dự Lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng. Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được tổ chức vào mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc...

Lễ hội bắt đầu bằng lễ rước 9 mâm Tồng từ đền Bách Thần (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá) về trung tâm sân vận động của huyện Chiêm Hoá, với màn múa lân (múa "xuống đồng") của những trai thanh nữ tú. Sau khi Thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm xong lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc. Ông Ma Phúc Đào, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hoá đã đọc lời chúc phúc đầu năm đến bách gia trăm họ, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, mọi người khoẻ mạnh, nhà nhà yên vui và đánh màn trống hội khai mạc lễ hội Lồng Tông. Kết thúc phần lễ là đến phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: tung còn, đánh đu, đẩy gậy, kéo co..Ngoài việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, huyện Chiêm Hoá đang từng bước đưa Lễ hội Lồng Tông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

** Cũng trong ngày 30-1-2012, tại xóm Luỹ, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) trên 1 vạn người dân trong vùng và du khách thập phương đã đến dự Lễ hội Khai hạ năm 2012. Nét mới của Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2012 là có thêm Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật mùa xuân và con người Hòa Bình.

Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày mồng 8 âm lịch hằng năm tại Mường Bi - Tân Lạc, vùng Mường lớn nhất tỉnh Hoà Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang trọng tại miếu thờ xóm Luỹ. Thầy mo làm lễ cúng thành Hoàng là Quốc Mẫu Hoàng Bà và tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Đồ tế gồm có thịt, xôi và một con hoẵng (ngày nay thay bằng thịt bò). Sau đó, đoàn rước gồm hơn 70 người trong trang phục truyền thống dân tộc rước thánh ra sân vận động để xem hội, chứng kiến sự đổi thay của quê hương Mường Bi và rước ra khu ruộng Nà Trùng để chứng kiến đường cày đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Mường Bi, sau khi những người có uy tín trong bản thực hiện đường cày đầu tiên, vùng Mường khi đó mới bắt đầu xuống đồng cấy, vào rừng lấy măng, củi và săn bắn. Phần hội diễn ra sôi động với các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội năm 2012, có sự đua tài của 24 xã, thị trấn trong huyện ở 10 môn thi: hát đối, hát Thường rang Bọ mẹng, trại văn hóa, thi người đẹp trang phục dân tộc, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bóng chuyền, đánh mảng. Điểm độc đáo của Lễ hội là phần trưng bày và giới thiệu ẩm thực Mường Bi do người dân các xã, thị trấn thực hiện. Đây là những món ăn vẫn được người dân sử dụng hằng ngày và trong những ngày lễ, tết như cá suối ốc đồ, nhái nấu măng chua, hạt dổi, cua đá ốc lá khao, nấm, mộc nhĩ nấu tấm, thịt trâu lá lồm, rêu suối, thịt chuột sấy khô.../