Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23-1 đến ngày 29-1-2012)
TCCSĐT - Từ ngày 25 đến ngày 29-1-2012, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 42 đã diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề: “Sự chuyển đổi lớn: Định hình những mô hình mới”.
1. Liên minh châu Âu nhất trí biện pháp trừng phạt mới với Iran, Syria
Ngày 23-1-2012, tại cuộc họp diễn ra ở Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và Syria đồng thời đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp cấm vận Myanmar. Các ngoại trưởng EU đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong lúc phương Tây đang gia tăng sức ép đối với chương trình hạt nhân của nước này. Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm cấm nhập khẩu dầu mỏ, các sản phẩm hóa dầu và vàng của Iran. EU là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất của Iran. Việc EU ngừng nhập khẩu dầu của Tehran được coi là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này. Để bảo đảm nguồn cung cấp dầu, EU đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao nhằm nhập khẩu dầu từ các nhà cung cấp khác. Saudi Arabi - nước có sản lượng dầu lớn nhất thế giới, cho biết sẽ tăng sản lượng khai thác thêm khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, gần tương đương với khối lượng 2,6 triệu thùng mỗi ngày mà Iran cung cấp cho các thị trường quốc tế. Cũng tại cuộc họp, các ngoại trưởng EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Syria. EU đã công bố danh sách 22 cá nhân và 8 doanh nghiệp Syria sẽ bị cấm nhập cảnh vào EU và bị phong tỏa tài sản. Những cá nhân nằm trong danh sách này phần lớn là giới lãnh đạo quân sự và quan chức an ninh của Syria.
2. EU siết chặt qui định về cứu trợ vỡ nợ
Ngày 23-1-2012 Các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua hiệp ước siết chặt các quy định liên quan Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) - Quỹ cứu trợ dài hạn của Eurozone thay thế quỹ cứu trợ ngắn mang tên Cơ chế Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) sẽ hết hiệu lực vào năm 2013. Theo Hiệp ước, ESM chỉ được áp dụng đối với những nước thông qua Công ước tài chính mới, dự kiến sẽ được các nước thành viên EU, trừ Anh, ký vào tháng 3 tới. Công ước tài chính mới được xem là "nguyên tắc vàng" nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách để tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng nợ công. Các nhà lãnh đạo EU dự định thông qua ESM tại cuộc họp cấp cao vào ngày 30-1 để từng nước thành viên ký văn bản này vào tháng 2. EMS sẽ được triển khai vào tháng 7-2012, song song với EFSF cho đến khi quỹ ngắn hạn này hết hiệu lực vào giữa năm 2013. Khả năng cho vay tối đa của 2 quỹ này là 500 tỉ euro, song các nhà hoạch định chính sách EU sẽ kiểm tra liệu con số này có thích hợp hay không trước khi triển khai EMS. Kết thúc cuộc họp kéo dài đến rạng sáng 24-1, các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone đã yêu cầu Hy Lạp cải cách kinh tế mạnh mẽ để được nhận gói cứu trợ thứ hai từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các bộ trưởng đồng thời kêu gọi các chủ nợ tư nhân nới lỏng quy định về lãi suất đối với những trái phiếu sẽ được Aten phát hành theo chương trình hoán đổi nợ.
3. Ai Cập bãi bỏ tình trạng khẩn cấp sau 30 năm áp dụng
Ngày 24-1-2012, phát biểu trên truyền hình, Nguyên soái Hussein Tantawi, Chủ tịch Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) hiện đang nắm quyền điều hành đất nước tuyên bố, Ai Cập sẽ dỡ bỏ luật tình trạng khẩn cấp, được áp đặt ở đất nước này từ 30 năm qua, bắt đầu từ ngày 25-1-2012, đúng dịp kỷ niệm một năm cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Luật tình trạng khẩn cấp gây tranh cãi có hiệu lực từ năm 1981 sau khi cố Tổng thống Anwar Sadat bị ám sát và đã liên tục được gia hạn dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Thời điểm dỡ bỏ luật tình trạng khẩn cấp trùng với ngày kỷ niệm một năm nổ ra cuộc biểu tình chống chính phủ dẫn tới sự sụp đổ chế độ Tổng thống Hosni Mubarak, người đang bị xét xử vì những cáo buộc tham nhũng và ra lệnh sát hại người biểu tình. Sáng 25-1, hàng nghìn người Hồi giáo, người thế tục và công dân Ai Cập đã tập trung về quảng trường Tahrir, trung tâm thủ đô Cairo (Ai Cập), nhân kỷ niệm một năm cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Tổ chức “Anh em Hồi giáo”, lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập và cũng là lực lượng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua, đã tham gia sự kiện kỷ niệm một năm cuộc nổi dậy này. Nhiều nhóm chính trị khác cũng có mặt tại quảng trường Tahrir để tiếp tục cuộc cách mạng còn dang dở của họ và yêu cầu SCAF nhường lại quyền lực cho một chính phủ dân sự.
4. IMF: Khủng hoảng ở Eurozone tiếp tục đe dọa kinh tế thế giới
Ngày 24-1-2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 xuống còn 3,3% so với dự báo trước đó là 4% và cho rằng tình trạng đình đốn ở Eurozone đang đe dọa sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu. IMF đã kêu gọi chính phủ các nước không sa vào những biện pháp cứu trợ tài chính khẩn cấp nhằm tránh sự thay đổi đột ngột chi tiêu, điều có thể khiến tình hình thêm trầm trọng. Trong Báo cáo về sự ổn định tài chính toàn cầu, trong đó cập nhật các dự báo kinh tế hồi tháng 9 năm ngoái, IMF cho rằng, Eurozone gồm 17 quốc gia thành viên sẽ tăng trưởng âm 0,5% trong năm nay. Tăng trưởng toàn cầu năm 2013 có thể tăng lên 3,9% nhưng chỉ khi tránh được tâm lý hoang mang về sự tăng trưởng mong manh của khu vực này. IMF cũng khẳng định các nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu đã "tăng lên" do cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone trở nên tồi tệ. IMF cũng dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là 8,2% so với mức dự báo trước đó là 9%. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cũng giảm xuống còn 7%, Nhật Bản còn 1,7%. Mặc dù giữ nguyên dự báo đối với kinh tế Mỹ là 1,8%, tuy nhiên, IMF cũng cho rằng, Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ không tránh khỏi sự ảnh hưởng nếu cuộc khủng hoảng tại châu Âu gia tăng cường độ. Trong khi đó, IMF lại cho rằng, tăng trưởng kinh tế tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ tăng lên.
5. Nhật Bản lần đầu tiên thâm hụt thương mại trong vòng 31 năm
Ngày 25-1-2012, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, trong năm 2011, thâm hụt thương mại của nền kinh tế này là 2.490 tỉ yên (tương đương 32 tỉ USD) và đây là lần thâm hụt thương mại đầu tiên của đất nước Mặt Trời mọc kể từ năm 1980. Những lí do chính của tình trạng này là thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái, đồng yên giảm mạnh ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản năm 2011 đã tăng 12% so với năm 2010, lên mức 68,05 nghìn tỉ yên (tương đương 875 tỉ USD), đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu dầu thô tăng 21,3%, nhập khẩu khí hóa lỏng tăng 37,5% và nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu tăng 39,5%. Trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm 2,7% xuống mức 65,66 nghìn tỉ yên (tương đương 843 tỉ USD), xuất khẩu ô tô giảm 10,6%, xuất khẩu linh kiện điện tử giảm 14,2%. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nhà giao dịch lao vào tìm kiếm sự an toàn ở đồng yên, đẩy giá trị đồng tiền này lên cao gây ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Giới phân tích kinh tế đang cảnh báo Nhật Bản sẽ phải "làm quen" với tình trạng thâm hụt thương mại trong dài hạn vì cho dù kinh tế có phục hồi, xuất khẩu vẫn khó bù đắp được nhập khẩu do quốc gia này phải phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên ở nước ngoài, đặc biệt là năng lượng, trong khi các giải pháp thay thế như năng lượng hạt nhân chưa thể khôi phục.
6. Cương lĩnh tranh cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama
Sáng 25-1-2012 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Barack Obama đã đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội Mỹ khóa 112. Đây là thông điệp liên bang lần thứ ba kể từ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ và cũng được coi là cương lĩnh tranh cử nhiệm kỳ hai của mình. Mặc dù dành nhiều thời gian cho các vấn đề đối nội, nhưng ông B.Obama đã mở đầu bài diễn văn bằng việc nêu bật sự kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 9 năm tại Iraq và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Ông cũng dành nhiều thời gian nhấn mạnh vào ba ưu tiên lớn gồm: nâng cao năng lực sản xuất, tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng tái sinh và cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo. Tổng thống B.Obama kêu gọi quay trở lại với “các giá trị Mỹ”, xây dựng và phát triển một xã hội thịnh vượng và công bằng, trong đó trách nhiệm và cơ hội là cho tất cả mọi người. Ông B.Obama nhấn mạnh, nước Mỹ hiện nay không thể đi theo hướng "ai được lợi cứ hưởng mãi và người thua thiệt vẫn tiếp tục thua thiệt". Biện pháp mà ông B.Obama đưa ra là tiếp tục hối thúc Quốc hội sớm thay đổi bộ luật thuế, theo đó các tập đoàn và thiểu số những người giàu có phải đóng thuế cao hơn để chính phủ có tiền tăng đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội. Sau khi đọc thông điệp liên bang, ông B.Obama sẽ sử dụng cương lĩnh này đi vận động tranh cử 5 ngày tại 5 bang được xác định là “trận địa giành giật quyết liệt” trong cuộc bầu cử tháng 11-2012, đó là Iowa, Arizona, Nevada, Colorado và Michigan.
7. Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 42
Chủ tịch Diễn đàn Davos, ông Klaus Schwab: chủ nghĩa tư bản trong trạng thái hiện nay không còn phù hợp
|
Từ ngày 25 đến ngày 29-1-2012, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 42 đã diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề: “Sự chuyển đổi lớn: Định hình những mô hình mới”. Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận vào các đề tài như các mô hình tăng trưởng và việc làm, các mô hình đổi mới và lãnh đạo, các mô hình tài nguyên mang tính lâu dài cũng như các mô hình xã hội và công nghệ... Hội nghị WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) chìm ngập trong gánh nặng nợ nần. Giới phân tích nhận định, thế giới đang đối mặt với những nguy cơ ngày càng tăng ở một quy mô chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Phát biểu trước khi diễn ra Hội nghị, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Davos Klaus Schwab nêu ra câu hỏi quan trọng là: liệu chủ nghĩa tư bản còn phù hợp với thế giới ngày nay? Theo ông K.Schwab, không rút ra được những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, chủ nghĩa tư bản trong trạng thái hiện nay không còn phù hợp, đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề và nguy cơ mà thế giới đang phải đối mặt và sau đó có thể dẫn thế giới rơi vào tình trạng “lạc lối” với kinh tế suy giảm, xã hội rối loạn. Ông cũng kêu gọi cải cách mô hình cũ để theo kịp với sự chuyển đổi của thế giới đang diễn ra.
8. Mỹ cắt giảm chi tiêu cho ngân sách quốc phòng
Ngày 26-1-2012, Lầu Năm góc đã công bố kế hoạch ngân sách tài khóa 2013, theo đó sẽ cắt giảm chi tiêu 487 tỉ USD trong vòng 10 năm tới bằng việc giảm khoảng 100.000 lính lục quân, giảm mua sắm tàu chiến, máy bay trong nỗ lực xây dựng một lực lượng tinh gọn và cơ động phù hợp với chiến lược quân sự mới công bố của nước này. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, ông đề nghị mức chi 525 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2013, tức là thấp hơn 6 tỉ USD so với tài khóa hiện nay (kết thúc vào ngày 30-9 tới). Đây là lần đầu tiên Lầu Năm góc đề nghị mức ngân sách quốc phòng thấp hơn tài khóa trước kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đề nghị cấp thêm 88 tỉ USD ngân sách dành cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài, chủ yếu tại Afghanistan. Kế hoạch này cũng thể hiện Mỹ đổi trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông. Theo kế hoạch trên, quân đội Mỹ từ nay tới trước tháng 9-2017 sẽ cắt giảm khoảng 100.000 binh sỹ gồm cả lục quân và lính thủy đánh bộ. Xác định châu Á là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ sẽ duy trì tất cả các máy bay ném bom và 11 tàu sân bay, đồng thời tiến tới trang bị máy bay ném bom thế hệ thứ năm có khả năng “thâm nhập các hàng rào phòng thủ tinh vi của đối phương và tấn công các mục tiêu ở cách xa”.
9. Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba đã diễn ra tại Cung Hội nghị ở thủ đô La Habana
|
10. Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi
Ngày 29-1-2012, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 18 đã khai mạc tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với chủ đề “Tăng cường thương mại liên Phi”. Đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo AU kể từ sau cái chết của người sáng lập ra tổ chức này - cố lãnh đạo Libya, ông Muammar Gaddafi. Hội nghị dự kiến sẽ bầu ra các thành viên mới của Hội đồng Liên minh châu Phi (AUC) - cơ quan hành pháp của AU có 54 thành viên - gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 8 ủy viên hội đồng. Ngày 28-1-2012, Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết nước này rất lạc quan rằng, Bộ trưởng Nội vụ Nam Phi Dlamini Zuma - cựu phu nhân của Tổng thống Jacob Zuma, có thể giành ghế của Chủ tịch AUC đương nhiệm người Gabon ông Jean Ping, người được bầu vào chức vụ này năm 2008. Nhiệm kỳ 4 năm của các thành viên AUC hiện nay kết thúc vào tháng 1-2012. Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch AUC Jean Ping cho biết châu Phi cần tiếp tục tăng cường hòa bình và an ninh đồng thời lưu ý rằng vẫn còn sự can thiệp của bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của châu Phi. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon kêu gọi thiết lập một thế giới hòa bình phát triển bền vững, tôn trọng các quyền của phụ nữ và trẻ em cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Ban Ki-Moon cũng bày tỏ lòng biết ơn của ông đến Trung Quốc, nước đã tài trợ xây dựng khu Trung tâm Hội nghị của AU to đẹp, khang trang./.
Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba  (30/01/2012)
Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân “Đảng cho ta mùa Xuân”  (30/01/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Cà Mau  (30/01/2012)
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước*  (30/01/2012)
Gặp mặt đón Tết Nhâm Thìn 2012 tại Hy Lạp  (30/01/2012)
Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây Xuân 2012  (29/01/2012)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm