TCCSĐT - Ngày 4-1-2011, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, từ 10 đến ngày 12-1-2012, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner sẽ có chuyến công du tới hai cường quốc kinh tế châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản để thảo luận về những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Quyết định về chuyến thăm này được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố phản đối các biện pháp đơn phương của Mỹ.

Dự kiến trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Bộ trưởng Tài chính mỹ Timothy Geithner sẽ gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, còn ở Nhật Bản ông sẽ hội kiến Thủ tướng Yoshihiko Noda nhằm thảo luận "tình hình kinh tế thế giới, các chính sách nhằm củng cố tăng trưởng toàn cầu và các vấn đề kinh tế khác quan trọng với cả hai bên. Bộ trưởng Timothy Geithner cũng sẽ thảo luận về việc tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế trong khu vực để gia tăng sức ép lên Chính phủ Iran, trong đó có các biện pháp tài chính nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran".

Ngày 31-12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới nhằm vào Ngân hàng Trung ương và ngành tài chính của Iran. Động thái này của Mỹ đã khiến mối quan hệ giữa Washington và Tehran càng thêm căng thẳng. Các biện pháp trừng phạt trên nằm trong một dự luật quốc phòng trị giá 662 tỉ USD mà các quan chức nói rằng ông Obama đã ký thông qua dù lo ngại nó có thể khiến nỗ lực xây dựng một mặt trận quốc tế chống Tehran trở nên phức tạp hơn.

Theo dự luật vừa được ký, các công ty nước ngoài phải lựa chọn hoặc là làm ăn với ngành dầu mỏ và tài chính của Iran, hoặc làm ăn với nền kinh tế và tài chính hùng mạnh của nước Mỹ. Các ngân hàng nước ngoài hợp tác với Ngân hàng Trung ương Iran trong các giao dịch dầu mỏ cũng có thể đối mặt với các chế tài tương tự. Trước đó, dự luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số phiếu ủng hộ để phản đối chương trình hạt nhân của Iran. Và Nhà Trắng cũng đã có các cuộc tranh luận gay gắt với Quốc hội Mỹ về các điều khoản thi hành dự luật này, do lo ngại các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Iran có thể gây ra hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu và đẩy giá dầu mỏ lên cao. Dự luật cũng cho phép Tổng thống Barack Obama có quyền được bãi bỏ nó nếu ông thấy rằng, nó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama đã ký dự luật này vào thời điểm căng thẳng với Iran gia tăng sau khi nước này đe dọa phong tỏa Eo biển Hormuz, nơi hơn 1/3 lượng dầu mỏ của thế giới được trung chuyển qua.

Ngay sau khi dự luật này của Mỹ được thông qua, Trung Quốc đã liên tục lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt "đơn phương" của Mỹ đối với Iran sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama ký ban hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới nhằm vào Ngân hàng Trung ương và các thể chế tài chính của Iran.

Phát biểu tại một buổi họp báo hôm 4-1-2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định: "Trung Quốc phản đối việc đặt luật pháp của một nước lên trên luật pháp quốc tế cũng như việc (một nước) đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt các nước khác." Cuộc khủng hoảng Iran nên được giải quyết thông qua đối thoại. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Obama ký ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran hôm 31-12 vừa qua.

Trước đó, Anh và Canada cũng cho biết, họ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran sau khi có bằng chứng cho thấy Tehran đang phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên Iran vẫn bác bỏ cáo buộc và khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Hiện Trung Quốc và Iran là hai đối tác thương mại chính của nhau. Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu có kế hoạch tới Iran để thảo luận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran cũng như tình hình tại Iraq và Syria. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu sẽ lưu lại Iran trong hai ngày để tiến hành các cuộc tham vấn với người đồng cấp nước chủ nhà Ali Akbar Salehi.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng do Iran tiến hành tập trận hải quân và tiếp tục có những động thái được cho là "khiêu khích" Mỹ và phương Tây. Trong những tuyên bố gần đây, Iran cho biết, đã thử nghiệm thành công tên lửa đất đối không, đất đối hạm, đất đối đất; chế tạo tàu khu trục hiện đại; đồng thời cảnh báo Mỹ không được đưa tàu sân bay quay trở lại vùng Vịnh Persian./.