Kinh nghiệm quốc tế về tránh “bẫy thu nhập trung bình”
Để quá trình phát triển không dừng lại ở mức thu nhập trung bình, hay nói cách khác là tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì một quốc gia phải hoạch định chiến lược phát triển sao cho duy trì được tốc độ tăng trưởng một cách bền vững. Báo cáo về tăng trưởng - Chiến lược tăng trưởng bền vững và phát triển hòa nhập của ủy ban về Tăng trưởng và Phát triển cho thấy, kể từ năm 1950 đến nay, chỉ có 13 nền kinh tế đã tăng trưởng với tỷ lệ trung bình 7% /năm trở lên trong suốt 25 năm liên tục hoặc lâu hơn. Như vậy, để đạt được tăng trưởng nhanh và bền vững là không dễ dàng.
Hàn Quốc: Vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển
Hàn Quốc như một trường hợp thành công trong quá trình phát triển kinh tế và là một quốc gia bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong cuộc khủng hoảng năm 1997, rồi sau đó nhanh chóng thoát ra nhờ Chính phủ nước này đã tiến hành chính sách cải cách mạnh mẽ trong hàng loạt các lĩnh vực, như luật pháp, tài chính, doanh nghiệp…
Có rất nhiều nhân tố tạo ra sự tăng trưởng bền vững kéo dài này, như việc thực thi chiến lược tăng trưởng hướng vào xuất khẩu, cải cách thể chế và chính sách công, đầu tư vào nguồn nhân lực và lực lượng doanh nhân chất lượng cao, sử dụng hiệu quả nguồn lực công cho phát triển kết cấu hạ tầng và giáo dục, khả năng điều chỉnh linh hoạt đối với các thay đổi của giới doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách, khả năng duy trì được phân phối thu nhập khá đồng đều.
Đầu tiên, với triết lý cơ bản của chính quyền của Tổng thống Pác Chung Hy lúc đó là “xuất khẩu là hàng đầu” và “xây dựng đất nước bằng thúc đẩy xuất khẩu”, Chính phủ Hàn Quốc đã có những can thiệp mạnh mẽ bằng việc cung cấp các nguồn đầu tư và các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Tất cả những ngành xuất khẩu đều được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, hỗ trợ trong giai đoạn ban đầu.
Sau khi củng cố khả năng công nghệ, vào những năm giữa thế kỷ XX, Hàn Quốc đã bắt đầu tự do hóa thương mại bằng việc giảm thuế quan. Tuy nhiên, ưu đãi thuế quan đối với các ngành công nghiệp chiến lược lại bị xóa bỏ và điều này không dẫn tới sự sụp đổ của ngành công nghiệp Hàn Quốc, mà ngược lại, tạo ra sức ép cần thiết để nhiều ngành công nghiệp cạnh tranh trở thành số một thế giới.
Về chính sách ngành, Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết tạo ra một nền kinh tế mạnh dựa vào sở hữu trong nước, có xu hướng công nghiệp hóa kiểu “cú hích lớn”. Hàn Quốc cũng phải chịu sức ép từ việc nâng cấp và tái cấu trúc ngành công nghiệp từ thâm dụng vốn và lao động sang thâm dụng công nghệ. Khó khăn chính của quá trình này là Hàn Quốc thiếu khả năng công nghệ để chuyển lên các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Lúc này, sự can thiệp của Chính phủ là thông qua các doanh nghiệp lớn (chaebol) của Hàn Quốc đã phát huy tác dụng. Những ngành công nghệ cao của các chaebol được bảo hộ trước cạnh tranh toàn cầu và được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ. Hai nhân tố quan trọng trong giai đoạn ban đầu này là sự cam kết của Chính phủ và các ngân hàng quốc doanh để làm giảm rủi ro của việc phát triển công nghệ.
Một điểm nổi bật nữa của Hàn Quốc là sự phát triển nguồn nhân lực nhanh chóng. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp xuất khẩu thâm dụng lao động kỹ năng đã thúc đẩy giáo dục của xã hội. Chính phủ Hàn Quốc, bằng việc xác định nhu cầu tương lai của lực lượng lao động kỹ năng phục vụ cho phát triển công nghiệp, đã đưa ra nhiều chương trình quản lý nguồn nhân lực. Vì vậy, khi các dòng công nghệ mới từ nước ngoài vào Hàn Quốc đã thực hiện rất tốt do đầu tư vào nguồn nhân lực được đào tạo tốt ngay từ thời kỳ đầu công nghiệp hóa.
Thái Lan: Nỗ lực thoát ra khỏi bế tắc
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Á thành công trong phát triển kinh tế. Sau vài thập niên tăng trưởng cao, nền kinh tế Thái Lan đã tăng gấp 15 lần, GDP từ dưới 9 tỉ USD vào năm 1960 tăng lên 140 tỉ USD theo giá hiện tại năm 2000. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người vào năm 2003 cũng tăng lên 6 lần so với năm 1960.
Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (năm 1997), nền kinh tế Thái Lan được đánh giá là lành mạnh hơn, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, ít bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế Thái Lan vẫn dường như bế tắc trong việc tìm kiếm triển vọng tăng trưởng lâu dài mặc dù đất nước này còn rất nhiều tiềm năng.
Về mặt nguyên tắc, tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghiệp hóa phải thông qua sự phát triển của ngành chế tạo. Kinh tế Thái Lan từ năm 1978 đến giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI cũng phát triển dựa vào tăng trưởng công nghiệp, với tỷ lệ công nghiệp lên tới 46% GDP. Tuy nhiên, Thái Lan hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tài nguyên như trước khủng hoảng. Việc tái cơ cấu kinh tế đã không xảy ra. Theo nhiều đánh giá, nền công nghiệp Thái Lan hiện nay chủ yếu gia công và lắp ráp, nghĩa là Thái Lan chưa làm chủ được công nghệ, mà chủ yếu vẫn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Sự phục hồi sau khủng hoảng của Thái Lan là nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân do các khuyến khích tài chính và tín dụng chỉ định. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân của Thái Lan vẫn bị coi là “gót chân Asin” của quá trình phục hồi tăng trưởng. Vốn tư nhân chủ yếu chảy vào lĩnh vực xây dựng dân dụng chứ không vào lĩnh vực chế tạo, vốn là động lực và thế mạnh của nền kinh tế Thái Lan. Theo đánh giá, chất lượng môi trường đầu tư của Thái Lan cùng với những bất ổn về chính trị đã làm mất lòng tin của các nhà đầu tư tư nhân.
Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Thái Lan tăng từ 47% lên khoảng 67% trong vòng một thập niên qua nhờ sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cơ cấu xuất khẩu. Lượng xuất khẩu của Thái Lan sang khu vực Đông Á đã tăng lên nhanh chóng và sản phẩm xuất khẩu của Thái Lan cũng chuyển dịch lên phía trên của chuỗi giá trị. Tuy nhiên, những lợi thế so sánh của Thái Lan đang mất dần đi bởi sự vươn lên của các quốc gia trong khu vực, như Trung Quốc, Việt Nam. Hiện nay, Thái Lan đang “mắc kẹt” trong sức ép từ các nước xuất khẩu hàng hóa thâm dụng lao động giá rẻ, cũng như hàng công nghệ cao từ các nước phát triển hơn. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư Thái Lan đã không tiếp tục đầu tư vào các ngành có sức cạnh tranh trước đây, trong khi các cơ hội đầu tư vào các ngành mới dường như bị thu hẹp lại bởi sự cạnh tranh của Trung Quốc. Sự tăng trưởng xuất khẩu trong thập niên qua của Thái Lan cho thấy, việc thiếu hụt lao động kỹ năng sẽ tạo ra những rào cản cho tăng trưởng của nước này. Một vấn đề quan trọng và là nguyên nhân sâu xa của bất ổn xã hội hiện nay, là trong quá trình tăng trưởng, Băng Cốc và các vùng lân cận đã phát triển quá nhanh thành một khu vực thu nhập cao do sự tập trung cao độ của các ngành công nghiệp, trái ngược với các vùng kém phát triển ở phần còn lại của đất nước. Hậu quả là, sự bất bình đẳng và chênh lệch trong chính sách phát triển giữa các khu vực, vùng miền và các nhóm người trong xã hội, tạo ra những khía cạnh tiêu cực về mặt xã hội dẫn tới khủng hoảng chính trị tại Thái Lan trong những năm gần đây.
Phi-líp-pin: Từ phát triển đến tụt hậu
Vào thập niên 50 của thế kỷ XX, Phi-líp-pin là nước phát triển nhất trong khu vực, cao hơn cả Hàn Quốc. Năm 1960, GDP đầu người của Phi-líp-pin gấp đôi Thái Lan, nhưng đến năm 1984, Thái Lan đã theo kịp Phi-líp-pin và khoảng năm 2000 hai nước đảo ngược vị trí của năm 1960. Tại sao Phi-líp-pin tụt hậu?
Sự lãnh đạo yếu kém và không kiên định của Tổng thống Phéc-đi-nan Mác-cốt trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1986 bị coi là một nguyên nhân khiến đất nước Phi-líp-pin thất bại. Tổng thống Glo-ri-a M. A-roi-ô đã đặt mục tiêu đưa đất nước Phi-líp-pin gia nhập hàng ngũ các nước giàu có trên thế giới vào năm 2020. Mặc dù triển vọng có sáng sủa hơn trước nhưng dường như sự bất ổn về chính trị, những yếu kém về kết cấu hạ tầng và chênh lệch xã hội vẫn chưa được giải quyết. Tỷ lệ đầu tư so với GDP của Phi-líp-pin đã luôn ở mức thấp trong 20 năm qua dẫn tới việc kết cấu hạ tầng yếu kém gây cản trở kinh doanh. Một vấn đề nữa đối với Phi-líp-pin là những yếu kém trong lĩnh vực tài chính công. Thuế thu được tính theo GDP vẫn ở mức thấp hơn so với mức trước năm 1997, trong khi nợ của nhà nước vẫn cao, khoảng 75% GDP.
Các doanh nghiệp Phi-líp-pin còn mất sức cạnh tranh trên thị trường thế giới do không có môi trường, cơ chế tạo ra các khuyến khích cần thiết để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện năng suất và chi phí kinh doanh quá cao. Thêm vào đó, nạn tham nhũng hoành hành, lan rộng và thấm sâu trong xã hội, hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều vào sự bảo hộ chính trị của giai tầng thống trị. Các cơ chế cho phát triển bị chi phối bởi những người có đặc quyền đặc lợi.
Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chỉ ra rằng, những trở ngại cơ bản đối với tăng trưởng của nền kinh tế Phi-líp-pin là: (1) Các điều kiện tài chính quá chặt chẽ; (2) Kết cấu hạ tầng yếu kém, đặc biệt là giao thông và phân phối điện; (3) Lòng tin của giới đầu tư kém do những bất ổn chính trị; (4) Phát triển ngành chế tạo không theo nhu cầu thị trường.
Như vậy, có thể rút ra một số nguyên nhân chính khiến Phi-líp-pin không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình như sau:
- Tiết kiệm và đầu tư thấp. Tỷ lệ tiết kiệm thấp đã làm cho Phi-líp-pin không đủ nguồn lực để tích lũy các nhân tố, đặc biệt là công nghệ cho tăng trưởng dài hạn.
- Một hệ quả khác của tỷ lệ tiết kiệm thấp là tình trạng thâm hụt thương mại trầm trọng do cả xuất khẩu giảm xuống lẫn nhập khẩu tăng lên bởi chiến lược công nghiệp hóa của Phi-líp-pin và việc xây dựng kết cấu hạ tầng.
- Quản lý tài chính yếu kém. Mặc dù bức tranh tài chính của Phi-líp-pin đã được cải thiện nhiều trong những thập niên trước, nhưng các biện pháp để tạo nguồn thu tài chính cho Chính phủ lại không được cải thiện, từ đó không thể cung cấp được các dịch vụ kinh tế và xã hội nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
- Nỗ lực cải cách thiếu kiên quyết và nhất quán. Sự thiếu ổn định về chính trị ở Phi-líp-pin đã làm giảm động lực cải cách của giới hoạch định chính sách, đặc biệt là trong việc xóa bỏ bảo hộ, độc quyền và giải quyết vấn đề nông dân.
Những bài học rút ra
Báo cáo về tăng trưởng - Chiến lược tăng trưởng bền vững và phát triển hòa nhập của ủy ban về Tăng trưởng và Phát triển (năm 2010) đã rút ra những bài học thành công cho quá trình tăng trưởng kéo dài là:
Thứ nhất, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới hiện nay mở hơn và quá trình toàn cầu hóa giúp các quốc gia có thể tăng trưởng cao bằng cách nhập khẩu các ý tưởng, công nghệ và bí quyết từ các nước khác và khai thác nguồn nhu cầu trên thế giới để tạo ra một thị trường sâu rộng và linh hoạt cho sản phẩm của mình.
Thứ hai, duy trì được sự ổn định vĩ mô. Trong các giai đoạn phát triển điều chính yếu là phải tránh được những tác động tiêu cực của sự bất ổn định và khó tiên liệu về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân.
Thứ ba, có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao. Mức đầu tư công cao trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng với “định hướng tương lai”, hạn chế tiêu dùng hiện tại để phấn đấu đạt mức thu nhập cao hơn trong tương lai.
Thứ tư, tôn trọng các quy luật cân bằng được thị trường. Các doanh nghiệp đều có đầy đủ quyền đối với tài sản của mình để họ yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính phủ các nước không được can thiệp để phát hiện lợi thế cạnh tranh của nước mình, từ đó tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực và vốn. Trong nhiều trường hợp, chính phủ thậm chí định hướng sự phát triển với những chính sách có tầm nhìn và linh hoạt.
Thứ năm, có chính phủ quyết tâm, đáng tin cậy và đủ năng lực. Tăng trưởng không chỉ liên quan tới kinh tế mà còn đòi hỏi có một nền tảng chính trị vững chắc. Chính phủ và các cơ quan của chính phủ phải không ngừng tìm kiếm các giải pháp hành động cần thiết để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu thiếu vắng nền tảng chính trị này thì việc duy trì các chính sách thúc đẩy kinh tế tăng trưởng là rất khó, nếu không nói là không thể làm được.
Vậy tại sao một số quốc gia lại đánh mất động lực tăng trưởng? Câu trả lời cũng không đơn giản bởi vì một quốc gia có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề gây hạn chế, thậm chí tạo ra sự bế tắc trong tăng trưởng trong nhiều năm. Những phân tích và kinh nghiệm thực tế có thể thấy một số bài học như sau:
Thứ nhất, quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém. Điều này là khá rõ ràng vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế sẽ trở nên rối ren và nhiều tín hiệu thị trường, chính sách bị che mờ hoặc thậm chí mất đi.
Thứ hai, thâm hụt kép về ngân sách và thương mại dẫn tới tình trạng nợ công tăng cao và mất khả năng chi trả và đầu tư công.
Thứ ba, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư thấp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nền tảng công nghệ, thiếu máy móc thiết bị chuẩn bị cơ sở cho tăng trưởng dài hạn.
Thứ tư, quá tập trung vào các ngành công nghệ thấp, cải tiến công nghệ không đủ nhanh để tham gia các nấc thang giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị toàn cầu, làm cho các sản phẩm của quốc gia đó có chất lượng thấp và khả năng cạnh tranh quốc tế thấp.
Thứ năm, cạnh tranh lao động giá rẻ giúp một số quốc gia tạo đà tăng trưởng trong thời gian đầu. Tuy nhiên, kéo dài lợi thế cạnh tranh này có thể dẫn tới hệ quả là trình độ nguồn nhân lực thấp.
Thứ sáu, không tạo ra được một môi trường để phát triển khu vực doanh nghiệp năng động và có khả năng cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu và giảm nghèo. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều bất ổn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn. Các doanh nghiệp trong nước còn thiếu năng lực cạnh tranh, các chính sách và thể chế vẫn tỏ ra yếu kém so với chuẩn mực của các nước Đông Á. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó có những đòi hỏi cao về trình độ phát triển của công nghệ (theo hướng chuyên môn hóa), về trình độ nguồn nhân lực và về quản lý vĩ mô. Để đáp ứng được điều này, xin đề xuất:
Một là, ưu tiên hàng đầu việc ổn định kinh tế vĩ mô để bảo đảm được lòng tin của thị trường và của người dân, từ đó ngăn chặn và đối phó thành công với những bất ổn, biến động của thị trường trong và ngoài nước. Cam kết chính trị về ổn định kinh tế vĩ mô một cách mạnh mẽ, rõ ràng, nhất quán và cam kết đó phải được hỗ trợ bởi các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi.
Hai là, xác định rõ ràng chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Mặc dù một phần quan trọng của tăng trưởng của Việt Nam dựa vào xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cụ thể và rõ ràng. Chiến lược này, như các quốc gia thành công đi trước, là để nhằm khai thác tính kinh tế theo quy mô của thị trường thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, nó giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam đạt được hiệu quả nhờ quy mô và phát triển theo chiều sâu về kỹ năng sản xuất.
Ba là, khuyến khích các tập đoàn kinh tế (không phân biệt sở hữu) phục vụ những mục tiêu tăng trưởng dài hạn. Sự can thiệp của Nhà nước theo hướng tạo ra một khu vực doanh nghiệp năng động, có khả năng cạnh tranh quốc tế, không phân biệt sở hữu.
Bốn là, cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia một số lĩnh vực mà hiện chỉ có các doanh nghiệp nhà nước hoạt động, hay phần lớn do các doanh nghiệp nhà nước hoạt động, dựa trên những tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội và lợi ích quốc gia.
Năm là, áp dụng một số hình thức quản trị hiện đại như một đột phá về thể chế thông qua hình thành các khu kinh tế đặc biệt theo hướng tự do, hiện đại và quốc tế hóa, để có bước nhảy vọt về chất cho các khu kinh tế tự do hiện nay.
Sáu là, xây dựng các cơ quan tư vấn chiến lược trực thuộc những người đứng đầu đất nước với đội ngũ trí thức tài năng, có chuyên môn, có khả năng kết nối với các nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới để có thể đánh giá định kỳ và đề xuất các kiến nghị chính sách kinh tế và khoa học.
Lịch sử thoát nghèo để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình là hết sức gian nan và có thể do sự chi phối của những yếu tố ngẫu nhiên hay bất ngờ của hoàn cảnh, nhưng dẫu sao nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã thực hiện được. Tuy vậy, từ thoát nghèo đến giàu có và thịnh vượng lại là một quá trình phức tạp, khó khăn và khó kiểm soát hơn gấp nhiều lần. Để rút ngắn con đường phát triển và tránh được những cái bẫy làm cản trở sự phát triển, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, trong đó có kinh nghiệm về tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình./.
“Nối vòng tay lớn-Vì người nghèo” diễn ra tối 31-12  (23/12/2011)
Việt Nam-Thái Lan tăng cường trao đổi kinh nghiệm  (23/12/2011)
Phát triển quan hệ Pháp-Việt Nam lên tầm cao mới  (23/12/2011)
Ngân hàng trung ương châu Âu cho vay lượng tiền kỷ lục  (23/12/2011)
Thủ tướng: Năm 2012, duy trì tăng trưởng ở mức 6%  (23/12/2011)
Liên hợp quốc kêu gọi đẩy mạnh các sáng kiến bảo vệ rừng  (22/12/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên