Đấu tranh quyền lực ở Iraq

Hoàng Mai
21:46, ngày 22-12-2011

TCCSĐT - Không đầy 36 giờ sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq đã bùng nổ cuộc tranh giành quyền lực ở đất nước này. Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, người Shi-it, đã ra lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Tarek al-Hashemi, lãnh đạo cao cấp nhất của người Sun-ni. Ông T.Hashemi phải bỏ trốn về khu vực bán tự trị của người Cuốc ở miền Bắc Iraq. Thủ tướng Nuri al-Maliki đã yêu cầu chính quyền khu vực tự trị này giao nộp ông T.Hashemi hoặc không được chứa cấp ông T.Hashemi.

Lý do chính thức được Thủ tướng Nuri al-Maliki đưa ra để lập luận cho việc ra lệnh bắt giữ ông T.Hashemi là vì Phó Tổng thống này đã trả tiền cho đội quân bảo vệ của mình tiến hành các cuộc tấn công vào một số quan chức Chính phủ Iraq. Ông T.Hashemi đã bác bỏ mọi lời cáo buộc ấy. Phó Tổng thống Tarek al-Hashemi được coi là đối thủ chính trị đáng gờm nhất của Thủ tướng Nuri al-Maliki ở Iraq.

Mối bất hòa tới mức thù địch giữa Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki và Phó Tổng thống Tarek al-Hashemi chỉ là sự biểu hiện bề ngoài của cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ở Iraq, cụ thể là giữa cộng đồng người Shi-it và cộng đồng người Sun-ni. Thực chất, diễn biến mới này là nhằm củng cố quyền lực, loại bỏ những đối thủ chính trị, gây dựng vị thế và vai trò chính trị quyền lực áp đảo của người Shi-it ở Iraq trong thời hậu chiến, lấn át dần để rồi không phải chia xẻ quyền lực với người Sun-ni của Thủ tướng Nuri al-Maliki .

Thủ tướng Nuri al-Maliki hiện là người đứng đầu Chính phủ liên hiệp ở Iraq mà cũng vì tranh giành quyền lực nội bộ mà phải 8 tháng sau ngày bầu cử, Quốc hội nước này mới thành lập được. Mỹ đã gây áp lực mạnh mẽ về mọi phương diện để ép buộc các phe nhóm chính trị ở Iraq thỏa hiệp chia xẻ quyền lực cùng nhau cầm quyền. Sau khi Mỹ rút quân, áp lực ấy không còn như trước và có thể vì thế mà Thủ tướng Nuri al-Maliki cho rằng, thời điểm đã chín muồi, điều kiện đã đầy đủ để thu mọi quyền lực về tay mình.

Chỉ có điều, tranh giành quyền lực nội bộ như vậy ngay sau khi Mỹ triệt thoái quân đội đã xác nhận những lo ngại chung về tình hình Iraq thời hậu chiến, báo hiệu nguy cơ hỗn loạn, nội chiến và cát cứ ở đất nước này. Điều đó cho thấy, ở Iraq chưa có được sự hòa hợp và hòa giải giữa ba cộng đồng sắc tộc và tôn giáo là người Shi-it, người Sun-ni và người Cuốc. Triển vọng tình hình như thế sẽ tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hoạt động khủng bố, bạo lực, ly khai và tác động can thiệp từ bên ngoài.

Cũng vì thế mà Mỹ đã phải cảnh báo Chính phủ Iraq. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải điện thoại trực tiếp cho Thủ tướng Maliki và Chủ tịch Quốc hội Usama al-Nujsifi, yêu cầu giới lãnh đạo chính trị ở Iraq giải quyết mối bất hòa này một cách hòa bình, dựa trên những "nguyên tắc nhà nước pháp quyền và hiến pháp Iraq"./.