Dư luận và phản ứng quốc tế về sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Il
TCCSĐT - Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19-12-2011 đưa tin, nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong Il đã qua đời vào lúc 8h30 sáng 17-12 do đột quỵ khi đang đi trên tàu trong một chuyến thị sát bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Cộng đồng quốc tế đã gửi lời chia buồn với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Các nước bày tỏ chia buồn
Ngày 20-12-2011, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ sự thương cảm với người dân Triều Tiên, tái khẳng định cam kết của Liên hợp quốc vì hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan điểm, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tới Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh để bày tỏ chia buồn sâu sắc về sự ra đi của Nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Trước đó một ngày, phát biểu từ thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đã bày tỏ "đau buồn sâu sắc về sự ra đi của Nhà lãnh đạo Kim Jong Il và gửi lời thăm hỏi chân thành tới nhân dân Triều Tiên". Ông Mã Triều Húc nhấn mạnh, Nhà lãnh đạo Kim Jong Il là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Triều Tiên và là người bạn thân tình của nhân dân Trung Quốc, đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Triều Triên và thúc đẩy quan hệ hợp tác láng giềng tốt đẹp giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ông Mã Triều Húc khẳng định, Trung Quốc và Triều Tiên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực.
Ngày 19-12-2011, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gửi điện chia buồn tới Triều Tiên. Người phát ngôn của các nước Philippines, Campuchia, Indonesia cũng bày tỏ lời chia buồn sâu sắc khi được tin Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il qua đời.
Nhưng không khỏi lo lắng về vấn đề ổn định trên Bán đảo Triều Tiên
Sau sự kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên qua đời, đại diện các nước Anh, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Australia và Eu lại kêu gọi các bên giữ ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia và hoãn mọi kế hoạch trước đó. Quân đội Hàn Quốc cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt để theo dõi các diễn biến tại Triều Tiên và triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp. Người phát ngôn của bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố cho biết, "EU đang theo dõi chặt tình hình ở Triều Tiên và đang liên hệ với các đối tác chiến lược nhằm chia sẻ những đánh giá về các động thái liên quan có thể xảy ra".
Tại Luân Đôn, Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi người kế nhiệm ông Kim Jong Il "nên can dự với cộng đồng quốc tế vì điều đó sẽ tạo triển vọng tốt nhất cho việc cải thiện đời sống của người dân Triều Tiên." Cùng ngày, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng, Ban Lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng sẽ tuân thủ nghĩa vụ chấm dứt chương trình hạt nhân sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: "Chúng tôi mong đợi ban lãnh đạo mới tại Triều Tiên sẽ có các bước đi cần thiết nhằm ủng hộ hòa bình, thịnh vượng và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân nước này, trong đó có việc thực thi cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân". Theo ông J.Carney, Mỹ không nảy sinh lo ngại mới nào về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sau sự ra đi của ông Kim Jong Il.
Ngày 19-12-2011, kết thúc cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tại Washington, cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak sau khi được tin Nhà lãnh đạo Triều Tiên qua đời, các bên ra tuyên bố Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ trong các bước đi tiếp theo đối với Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng chính quyền tại Bình Nhưỡng sẽ có "những hành động cụ thể" về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết thêm, bà sẽ liên hệ với những người đồng cấp ở Trung Quốc và Nga để trao đổi thông tin và thảo luận cách phản ứng với tình hình ở Triều Tiên.
Thủ tướng New Zealand John Key và Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd cũng kêu gọi giữ ổn định trên Bán đảo Triều Tiên sau khi Nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời.
Bình Nhưỡng khẳng định sẽ xây dựng một thế giới không có thù hận, chiến tranh
Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il đột ngột qua đời, Triều Tiên đã để Quốc tang từ ngày 17-12 đến ngày 29-12-2011; tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 28-12-2011 và lễ an táng vào ngày 29-12-2011 theo nghi thức cấp nhà nước. Thi hài của nhà lãnh đạo Kim Jong Il sẽ được an táng tại Lăng Kumsusan, nơi an nghỉ của cha ông là cố Chủ tịch Kim Il-Sung. Ủy ban tang lễ quốc gia do ông Kim Jong-Un, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đứng đầu. Do sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong Il nên kế hoạch tổ chức cuộc Hội đàm cấp cao lần thứ ba giữa Mỹ và Triều Tiên tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào ngày 22-12-2011 sẽ bị hoãn lại. Cuộc đối thoại này được cho là một cơ hội lớn dẫn đến việc nối lại đàm phán hạt nhân sáu bên.
Bên cạnh đó, ngày 19-12-2011, Chính quyền Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã ra thông cáo kêu gọi cả nước giữ vững và tăng cường hơn nữa "sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, quân đội và nhân dân" sau khi Nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời. Thông cáo do Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi cũng kêu gọi toàn thể đảng viên, công chức và người dân cả nước tiếp tục trung thành với sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, "người kế tục vĩ đại sự nghiệp cách mạng của Triều Tiên và là nhà lãnh đạo xuất chúng của Đảng, quân đội và nhân dân Triều Tiên", vượt qua những khó khăn hiện nay và phấn đấu cho một thắng lợi to lớn.
Thông cáo nhấn mạnh, sự ra đi của Nhà lãnh đạo Kim Jong Il là một mất mát to lớn đối với người dân Triều Tiên nhưng cũng tạo một cơ sở chính trị và quân sự vững mạnh bảo đảm bước tiến vững chắc của sự nghiệp cách mạng, đồng thời tạo nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước và dân tộc.
Thông cáo kêu gọi người dân Triều Tiên "biến đau thương thành sức mạnh và lòng quả cảm; nâng cao tiềm lực quân sự để phục vụ sự nghiệp bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả cách mạng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân". Bên cạnh đó, Đảng Lao động Triều Tiên và người dân Triều Tiên sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và đoàn kết với nhân dân các nước, vì nền độc lập, hòa bình và hữu nghị, vì lý tưởng xây dựng một thế giới không có thù hận, chiến tranh.
Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Il sinh ngày 16-2-1942, tốt nghiệp Khoa chính trị học và kinh tế học tại trường Đại học Kim Nhật Thành năm 1964. Ngay sau khi ra trường, ông đã bắt đầu làm việc tại Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Năm 1973, ông được bầu làm Bí thư WPK và vào tháng 2-1974, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 8-1997, ông trở thành Tổng Bí thư WPK và đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên các khóa từ năm 1982 - 1998. Ông làm Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ tháng 12-1992 đến tháng 4-1993. Ông đã qua đời ở tuổi 69 sau một cơn đột quỵ khi đang trong chuyến thị sát bên ngoài thủ đô./.
|
Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine  (22/12/2011)
Nhân tố kinh tế và một số vấn đề về chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay  (22/12/2011)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình  (22/12/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình  (22/12/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên