Đổi mới chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển
Những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta
Sau hơn 25 năm đổi mới, kinh tế nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống kinh tế và văn hóa của nông dân được nâng lên một bước. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì nông thôn nước ta vẫn nghèo và phát triển chậm, khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Đặc biệt, khi kinh tế thị trường không ngừng hoàn thiện, chi phí cho giáo dục và y tế của nông dân tăng lên ngang mức ở thành thị, nhưng thu nhập của cư dân nông thôn lại thấp so với thu nhập của cư dân thành thị nên cuộc sống của nông dân ngày càng khó khăn.
Đã nhiều năm nay chúng ta áp dụng “giá cánh kéo” để tích lũy ban đầu từ nông nghiệp, nông dân đóng góp nhiều cho Nhà nước. Nhưng đầu tư cho khu vực nông thôn lại chưa tương xứng với vị trí và vai trò của nông nghiệp và nông thôn trong sự nghiệp phát triển đất nước. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đô thị và công nghiệp hóa nhu cầu về đất tăng lên, dẫn tới diện tích đất canh tác giảm mạnh, một bộ phận nông dân trở thành người không có đất trồng cấy, không nghề nghiệp, không bảo đảm được cuộc sống.
Cách đây 10 năm, đầu tư cho nông nghiệp là 13,85% tổng đầu tư toàn xã hội, nay còn 6,2%. Từ năm 1988 tới năm 2009, nguồn FDI đầu tư vào nông nghiệp cũng giảm từ 2,25% xuống còn 0,58%(1).
Hiện ở nông thôn, kêt câu hạ tầng yếu kém, năng suất lao động rất thấp, lạc hậu xa so với thành thị, còn khoảng 10 triệu người nghèo khó tiếp cân giáo dục, y tế…
Nông dân là chủ lực quân của cách mạng giải phóng dân tộc, là người khởi xướng công cuộc đổi mới, nhưng hiện đang được hưởng lợi ít nhất từ công cuộc đổi mới.
Vì vậy, việc nâng cao sức sản xuất cho nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của Đảng và Nhà nước ta.
Phân tích một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay
Hiện nay, ở khu vực nông thôn đang có rất nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp, chúng ta hãy phân tích ưu và nhược điểm của một số mô hình phổ biến và cơ bản sau:
1 - Hợp tác xã nông nghiệp
Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ hình thành trên cơ sở tập thể hóa tư liệu sản xuất, tập thể hóa lao động, tập thể hóa mọi hoạt động kinh tế. Từ khi có chính sách giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị), lấy hộ là đơn vị sản xuất trong nông nghiệp và thực hiện cơ chế thị trường thì mô hình HTX kiểu cũ không còn phù hợp. Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2003, chúng ta đã tiến hành chuyển HTX nông nghiệp kiểu cũ sang HTX nông nghiệp kiểu mới, bao gồm các nội dung: kiểm kê, xử lý tài sản, công nợ của HTX cũ, đăng ký lại danh sách xã viên, xây dựng điều lệ HTX, tổ chức lại hệ thống dịch vụ và bộ máy quản lý HTX nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2006 tới năm 2010 trên phạm vi toàn quốc có 9.000 HTX kiểu mới được thành lập với khoảng 7,7 triệu xã viên.
Nhiều địa phương phát triển mạnh có từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn tổ hợp tác, như Thanh Hóa có 22.752 tổ, Hưng Yên: 1.754 tổ, Quảng Bình: 1.172 tổ, Nghệ An: 2.000 tổ, Yên Bái: 2.500 tổ…(3).
|
Đa số HTX ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã được chuyển đổi thành HTX kiểu mới. Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới chủ yếu là loại hình HTX dịch vụ, khâu nào hộ xã viên làm riêng lẻ không hiệu quả thì HTX làm, như: thủy lợi, bảo vệ thực vật, khuyến nông, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, làm đất, bảo vệ nội đồng, cung ứng vật tư…, thường mỗi HTX làm 4 - 5 khâu dịch vụ.
Các HTX nông nghiệp kiểu mới ở các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có điêm khác là được thành lập hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi. Nông dân tự nguyện góp vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của HTX, gắn kết về quyền lợi và có trình độ kinh doanh, năng động, sáng tạo, thích ứng được cơ chế trách nhiệm của từng hộ xã viên. Người sáng lập thường là người có hiểu biết về thị trường. Nhưng hạn chế cơ bản là số người tham gia lao động trong các HTX quá ít. ở Đông Nam Bộ bình quân 36 người /HTX, đồng bằng sông Cửu Long: 15 người/HTX, số hộ nông dân nghèo tham gia ít, số lượng HTX trong vùng cũng thấp. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn theo mô hình này không cao.
Nhìn chung hiện cách chuyển đổi HTX nông nghiệp kiểu cũ sang HTX nông nghiệp kiểu mới vẫn mang nặng tính hình thức: tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế lợi ích không có sự thay đổi căn bản, chưa tạo được động lực phát triển mới để gắn lợi ích của các hộ xã viên và người quản lý. Hộ tham gia HTX theo cách “đánh trống ghi tên” nên họ không góp vốn hoặc có góp thì góp chiếu lệ từ 30.000 - 50.000 đồng/hộ và bản thân họ không có động lực kinh tế; HTX thì không có vốn để hoạt động, ruộng đất theo hộ vẫn manh mún, nhỏ lẻ không tập trung, không thể tiến hành cơ khí hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa, sinh học hóa, thị trường hóa để nâng cao năng suất… tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn nhằm thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập.
2 - Tổ hợp tác
Từ khi các HTX kiểu cũ giải thể, loại hình tổ hợp tác - một loại hình kinh tế hợp tác đơn giản (có nơi gọi là nhóm sở thích) trong nông nghiệp, nông thôn ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Đó là các tổ, hội nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên tự tham gia hoặc tự ra khỏi tổ, quản lý dân chủ, cùng có lợi. Mục đích là cộng tác, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của mỗi thành viên. Loại hình tổ hợp tác không có điều lệ, không có tư cách pháp nhân, quan hệ với nhau trên cơ sở tình cảm, tập quán, truyền thống cộng đồng, không mang tính chất pháp lý.
Theo số liệu của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2005 cả nước có 93.648 tổ hợp tác, hằng năm tăng 4%, đến năm 2010 đạt 112.000 tổ hợp tác. ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ hợp tác trở thành hình thức kinh tế tập thể chính của vùng, được coi là tổ chức có phương thức mưu sinh hiệu quả nhất, năng động nhất hiện nay.
Các loại hình tổ hợp tác chủ yếu: tổ hợp tác tưới tiêu, vay vốn, khoa học kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, lao động; tổ hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tổ hợp tác ngành nghề nông thôn, quản lý bảo vệ rừng…
Theo kết quả điều tra ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, có tới 98% - 100% số hộ nông dân tham gia chuyển đổi từ HTX nông nghiệp kiểu cũ sang HTX nông nghiệp kiểu mới (2).
|
Mô hình này là sản phẩm tất yếu của nền sản xuất hàng hóa và có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất hàng hóa, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nó là cơ sở để hình thành HTX kiểu mới, liên hiệp HTX, doanh nghiệp - HTX (HTX cổ phần), các hiệp hội trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời làm cho sức sống HTX kiểu mới càng lớn mạnh.
Tổ hợp tác với sự thông thoáng về tổ chức, phong phú, đa dạng về ngành nghề đang trở thành phương thức mưu sinh bền vững cho những người nông dân. Tuy nhiên, cho tới nay Nhà nước chưa có một cơ chế cụ thể cho tổ hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn.
3 - Kinh tế trang trại
Trước đổi mới, thành phần kinh tế trang trại không được thừa nhận, chỉ sau khoán 10, khi quyền sử dụng ruộng đất được giao cho hộ nông dân, kinh tế phát triển trong thời gian dài, thì kinh tế trang trại dần dần được hình thành. Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, với Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 12-1997), Đảng ta đề ra và thực hiện chủ trương giải quyết một số vấn đề về quan điểm và chính sách nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế trang trại. Đặc trưng chủ yếu của kinh tế trang trại là:
- Sản xuất của trang trại là sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa với quy mô lớn hơn kinh tế hộ.
- Tập trung hóa, chuyên môn hóa các điều kiện và yếu tố sản xuất cao hơn hẳn so với kinh tế hộ.
- Chủ trang trại có kiến thức, kinh nghiệm điều hành sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng lao động gia đình và thuê lao động bên ngoài sản xuất có hiệu quả cao, có thu nhập vượt trội so với kinh tế hộ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính từ năm 2002 đến nay, cả nước đã phát triển được trên 150.000 trang trại các loại, sử dụng gần 1 triệu héc-ta đất trống, đồi núi trọc. Các trang trại chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3% tổng số trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm: 10,3%, lâm nghiệp: 2,2%, nuôi trồng thủy sản: 27,3%, trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm: 4,9%.(4).
Thành tựu nổi bật của trang trại sản xuất nông nghiệp từ khi có nghị quyết vê phát triển kinh tê trang trại đến nay là:
- Khai thác thêm 30 vạn héc-ta đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa.
- Huy động 20.000 tỉ đồng vốn trong dân để đầu tư.
- Giải quyết 30 vạn lao động thường xuyên và 30 triệu ngày công thời vụ.
- Sản phẩm hằng năm làm ra đạt giá trị 12.000 tỉ đồng.
- Trang trại vừa sản xuất, vừa là địa chỉ cung cấp các loại giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho trang trại khác và nhân dân trong vùng.
Một trong những khó khăn hiện nay hạn chế việc mở rộng đầu tư của trang trại là việc khó tiếp cận được với các tổ chức tín dụng để vay vốn cho sản xuất, kinh doanh.
4 - Mô hình liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp
Hiện nay đã có rất nhiều mô hình liên kết liên doanh của các doanh nghiệp cả quốc doanh và tư doanh với HTX, hộ nông dân, cụ thể là:
- Doanh nghiệp cung cấp vốn, giống tốt, kỹ thuật, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, tiến hành chế biến và tiêu thụ hầu hết các sản phẩm làm ra.
- Hộ nông dân góp ruộng và ngày công lao động theo quy hoạch “liền vùng, cùng trà, khác chủ”, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua chế biến và tiêu thụ.
Mô hình liên kết này hiện diễn ra rất sôi động ở nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều dạng, điêm mấu chốt là sản phẩm làm ra có số lượng lớn, được chế biến và tiêu thụ trở thành hàng hóa lớn. Có thể nêu một số mô hình điển hình sau:
- Hợp tác xã liên doanh với doanh nghiệp sản xuất cây công nghiệp, như Công ty Chè Môc Châu sản xuất chè san tuyết;
- Hợp tác xã liên doanh với doanh nghiệp sản xuất rau quả thực phẩm, như Công ty Bẩy Hòa (TP. Hồ Chí Minh); Vân Nội (Hà Nội); Xuân Hương (Đà Lạt)…;
- Hợp tác xã liên doanh với doanh nghiệp sản xuất cây ăn quả, như Công ty Vĩnh Kim sản xuất vú sữa (Vĩnh Long)...
Thực tế là phần lớn HTX liên doanh, liên kết với 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học), nên những mô hình này rất sống động, sản xuất, chế bỉến, tiêu thụ sản phẩm ổn định, phát triển và có hiệu quả. Đây là những mô hình có thể nhân rộng, khuyến khích phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay.
5 - Mô hình hợp tác xã nông nghiệp cổ phần (hay doanh nghiệp - hợp tác xã)
Mô hình này phát triển ở mức độ cao hơn, tự thân vận động. Đó là các hộ trong HTX quy mô thôn hay HTX quy mô xã tự góp vốn (số tiền tương đối lớn, không phải ở mức 50.000 đồng/hộ như kiểu HTX hiện nay). Hộ nông dân là những cổ đông, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tính cổ phần. Họ vẫn là nông dân, đất vẫn thuộc về họ nhưng được chia cổ tức và nhận lương khi lao động. Đặc biệt, ban quản lý phải là những người có trình độ quản lý, có ý chí đầu tư, nhiệt tình, năng động, sáng tạo. Ban quản lý thường gọn nhẹ, gồm: chủ nhiệm phụ trách chung,
2 đến 3 phó chủ nhiệm phụ trách trồng trọt, hậu cần, gia công chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nông dân được nhận các khoản: thu từ đóng góp cổ phần bằng ruộng đất, từ ngày công cụ thể bằng lao động, từ lợi nhuận hằng năm của HTX cổ phần, từ trích lãi tăng theo từng vụ, từng năm. Mô hình này giải quyết được nhiều vấn đề lớn đang đặt ra ở khu vực nông thôn, đó là:
- Tập trung hay tích tụ được ruộng đất để tiến hành cơ giới hóa, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa lớn, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, phù hợp với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa.
- Phù hợp với nguyện vọng của người nông dân là không bị mất đất.
- Bảo đảm ổn định lâu dài về tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Song việc thực hiện mô hình này yêu cầu phải quy hoạch lại vùng sản xuất, hoạch định sản xuất những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chính và tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, mô hình này đang hình thành ở một số địa phương, nhưng số lượng còn ít, ví dụ như: HTX cổ phần nông nghiệp Bắc Vọng (Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội); HTX cổ phần cà phê Lâm Viên (Lâm Đồng); HTX cổ phần Kiều Thạch (Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang)...
Đổi mới chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển
Thực tế phát triển kinh tế cho thấy, quan hệ sản xuất lạc hậu hoặc vượt trước quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đều kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không thể diễn ra trong vài chục năm mà phải một thời gian dài, nhiều thế hệ. Do đó chúng ta cần tạo điều kiện cho mọi hình thức sở hữu, kể cả hình thức sở hữu tư nhân phát huy tác dụng, một khi chúng còn động lực phát triển. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp không chỉ có hình thức kinh tế tập thể mà vẫn phải có đa hình thức sở hữu, đa quy mô phù hợp với trình độ quản lý, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, tùy nơi, tùy vùng, tùy trình độ quản lý và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có thể áp dụng 5 mô hình sản xuất nông nghiệp sau: mô hình trang trại; mô hình tổ hợp tác; mô hình HTX dịch vụ (HTX kiểu mới); mô hình HTX liên doanh liên kết với doanh nghiệp; mô hình HTX cổ phần (doanh nghiệp - HTX).
Thực tế hiện nay cho thấy, mô hình liên doanh liên kết với các doanh nghiệp và mô hình HTX cổ phần (doanh nghiệp - HTX) là mô hình tiên tiến sẽ đưa sản xuất nông nghiệp nước ta lên sản xuất lớn, bởi có những ưu điểm như đã trình bày ở trên.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các loại mô hình sản xuất nông nghiệp mới, phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, Đảng và Nhà nước vân cân có những chính sách đúng đắn, cụ thể:
1 - Chính sách về đất đai
- Trước hết phải tiếp tục chỉ đạo cuộc vận động “dồn điền, đổi thửa” trong các hộ nông dân từ 10 - 12 mảnh/hộ xuống còn 1 - 2 mảnh/hộ, không để tình trạng manh mún, nhỏ lẻ để tiến hành sản xuất ra sản phẩm hàng hóa.
- Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, giao quyền sử dụng lâu dài cho nông dân từ 20 năm lên 50 - 70 năm.
- Nên bỏ chính sách hạn điền để mở đường cho tập trung và tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho các loại hình sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại phát triển, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân.
2 - Chính sách tín dụng
Phải có cơ chế, chính sách để nông dân, hay bất kể mô hình nào cũng được vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Chính sách tín dụng hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho các loại hình hợp tác vay vốn phát triển sản xuất.
3 - Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Nhà nước cân khuyến khích các loại hình doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết với HTX, nông dân bằng nhiều chính sách ưu đãi, như miễn giảm thuế, ưu tiên vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, bảo hộ sản phẩm… để doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp nhằm nhanh chóng đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn.
4 - Chính sách đào tạo cán bộ
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các loại hình hợp tác là vân đề vô cùng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lâu dài để quản lý, kinh doanh các mô hình có hiệu quả, mở rộng liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế, vì yếu tố con người đóng vai trò quyết định thành bại. Đảng và Nhà nước cần có chính sách đưa cán bộ giỏi, có kinh nghiệm, năng lực, sinh viên tốt nghiệp ra trường về nông thôn giúp nông dân, giúp HTX xây dựng nông thôn mới, xây dựng HTX làm ăn lớn để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
-----------------------------------------
(1) Báo cáo của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9, “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010”, ngày 26-3-2011
(2) GS, TS Hồ Văn Vĩnh: “Phát triển hợp tác xã trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta”, đăng trên Civillawinfor ngày 13-6-2009
(3) Ninh Văn Hiệp: “Tổ hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn một phương thức mưu sinh bền vững của nông dân”, Viện CISDOMA
(4) VACVINA: “Báo cáo của Hội Làm vườn Việt Nam”, tháng 6-2010
Đẩy mạnh cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (11/11/2011)
Phản ứng của Trung Quốc và Nga với báo cáo của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran  (11/11/2011)
Các nước Bantich lập liên doanh xây đường sắt  (11/11/2011)
Nga sẵn sàng xây dựng thêm lò phản ứng ở Iran  (11/11/2011)
Tạp chí Cộng sản số 829 (11 - 2011)  (11/11/2011)
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có nên thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  (11/11/2011)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay