TCCSĐT - Trong hai ngày 3 và 4-11-2011 tại Cannes - miền Nam nước Pháp, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi gọi tắt G20 đã diễn ra. Tại Hội nghị, các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí tăng quyền hành động của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tạo cơ sở xác lập một trật tự tiền tệ thế giới mới.

1. Liên hợp quốc bàn biện pháp cấm vật liệu phân rã hạt nhân

Ngày 31-10-2011, Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế (Ủy ban 1) đã thông qua 10 nghị quyết, trong đó khẳng định tại kỳ họp thứ 67 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ xem xét các biện pháp cấm vật liệu phân rã hạt nhân nếu Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị vẫn tiếp tục bế tắc. Các nghị quyết mới được thông qua nhấn mạnh lo ngại nghiêm trọng về hiện trạng của cơ chế giải trừ quân bị do Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị đề ra đã bế tắc hơn một thập kỷ qua. Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các nước khảo sát, xem xét và thúc đẩy các lựa chọn làm hồi sinh cơ chế giải trừ quân bị của Liên hợp quốc. Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị cần tiến hành thương lượng ngay lập tức hiệp ước quốc tế, đa phương và có kiểm chứng hiệu quả về cấm sản xuất nhiên liệu phân rã hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân nhằm góp phần quan trọng giải trừ và không phổ biến loại vũ khí này. Hội nghị lần này cần thông qua chương trình làm việc để nối lại các cuộc thương lượng thực chất về giải trừ quân bị vào đầu năm 2012, đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân và dành cho các nước không có vũ khí này những bảo đảm thích hợp về an ninh. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng nhất trí thông qua nghị quyết về Hiệp ước khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á.

2. Palestine trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO

 

 UNESCO là tổ chức đầu tiên của Liên hợp quốc kết nạp Palestine làm thành viên chính thức

Ngày 31-10-2011, với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chấp thuận đề nghị của Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này. UNESCO là tổ chức đầu tiên của Liên hợp quốc kết nạp Palestine làm thành viên chính thức và điều đó đồng nghĩa với việc công nhận Palestine là nhà nước độc lập. Chỉ vài giờ sau khi kết quả nói trên được công bố, Mỹ đã tuyên bố ngừng đóng góp tài chính đã cam kết cho UNESCO từ tháng 11-2011. Phần đóng góp tài chính của Mỹ cho UNESCO chiếm 22% ngân sách của tổ chức. Israel cũng tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ hợp tác với UNESCO và do vậy ngân sách của tổ chức này tới đây có thể sẽ bị thiếu hụt tới 25% so với trước. Trong số 27 thành viên EU có Pháp, Áo và 9 thành viên khác ủng hộ Palestine, Đức và 4 thành viên khác bỏ phiếu chống, các thành viên còn lại bỏ phiếu trắng. Mỹ và Israel chống đối quyết liệt nhất. Ngay sau khi Palestine chính thức gia nhập UNESCO, phía Israel đã quyết định đẩy nhanh tốc độ xây dựng thêm 2.000 căn hộ tại Bờ Tây và Đông Jerusalem. Ngay lập tức quyết định này đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ phía Mỹ và nhiều nước châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) “thực sự lo ngại” trước quyết định trên của Israel. Trưởng ban chính sách của EU Catherine Ashton đã đề nghị Israel thu hồi lại quyết định và kêu gọi hai nước Palestine và Israel quay lại bàn đàm phán. Bà Catherine Ashton nói, theo luật pháp quốc tế bao gồm cả ở Đông Jerusalem, hành động xây dựng khu định cư của Israel là bất hợp pháp và là trở ngại đối với tiến trình hòa bình.

3. Hội đồng các nước Bắc Âu họp lần thứ 63

Ngày 1-11-2011, kỳ họp lần thứ 63 Hội đồng các nước Bắc Âu nhằm thảo luận các vấn đề then chốt hợp tác và phát triển hội nhập trong nhiều lĩnh vực, đã khai mạc tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Tham dự diễn đàn hợp tác liên nghị viện các nước Bắc Âu lần này có các đại diện của Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Iceland, Greenland, quần đảo Faroe (Đan Mạch) và quần đảo Aland (Phần Lan). Ngoài ra, tham dự diễn đàn với tư cách khách mời còn có các đại diện của Hội đồng liên bang (Thượng viện) và Duma quốc gia (Hạ viện) Nga. Trong ngày đầu tiên của kỳ họp đã diễn ra “Hội nghị thượng đỉnh phương Bắc”. Đây là phiên thảo luận toàn thể với sự tham dự của thủ tướng các nước khu vực với chủ đề “Xã hội mở ở các nước Bắc Âu sau vụ khủng bố tại Na Uy”. Thủ tướng Na Uy, ông Jens Stoltenberg bày tỏ cảm ơn những người tham dự vì tình đoàn kết phương Bắc và nhấn mạnh sự cô lập không phải là lời đáp trả nguy cơ khủng bố, mà là sự cởi mở và dân chủ nhiều hơn. Kỳ họp lần này cũng sẽ thảo luận chương trình hoạt động năm 2012 do Na Uy - nước Chủ tịch đương nhiệm Hội đồng các nước Bắc Âu, đệ trình.

4. Báo cáo phát triển con người 2011 của Liên hợp quốc

 

 Mỹ đã tụt khỏi top 20 trong bảng chỉ số phát triển con người có điều chỉnh khía cạnh bất bình đẳng của Liên hợp quốc

Ngày 2-11-2011, tại Copenhagen (Đan Mạch), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Báo cáo Phát triển con người năm 2011 (HDR) trong đó, Na Uy, Australia và Hà Lan là ba nước dẫn đầu thế giới về chỉ số phát triển con người năm 2011 (HDI), còn Cộng hòa Congo, Niger và Burundi là những nước xếp cuối cùng. Theo báo cáo nhan đề “Bền vững và bình đẳng: Tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả”, Liên hợp quốc đã đánh giá chỉ số phát triển tại 187 nước, trong đó, Mỹ, New Zealand, Ireland, Cộng hòa Liechtenstein, Đức, Thụy Điển, nằm ở top 10 trên biểu đồ HDI 2011, nhưng theo chỉ số phát triển con người có điều chỉnh khía cạnh bất bình đẳng (IHDI) về hệ thống y tế, giáo dục, và thu nhập bình quân đầu người, một số quốc gia giàu có đã tụt khỏi tốp 20: Mỹ rớt từ vị trí 4 xuống 23, Triều Tiên từ 15 xuống 32, và Israel từ 17 xuống 25. Nhóm các nước đứng đầu danh sách về IHDI nhờ vào sự bình đẳng trong hệ thống y tế, giáo dục và thu nhập gồm có: Thụy Điển (từ vị trí 10 lên 5), Đan Mạch (từ 16 lên 12), và Slovenia (từ 21 lên 14). Bên cạnh những đánh giá về y tế, giáo dục và thu nhập, Báo cáo phát triển con người năm 2011 còn nhấn mạnh đến quyền con người được tận hưởng môi trường lành mạnh, tầm quan trọng của việc các thực thể xã hội hòa hợp với các chính sách về môi trường. Báo cáp phát triển con người năm 2011 kêu gọi một phương pháp tiếp cận táo bạo mới nhằm kiểm soát tình hình tài chính và môi trường toàn cầu.

5. Hội nghị quốc tế về Afghanistan ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 2-11-2011, Hội nghị quốc tế về tương lai Afghanistan sau khi quân đội nước ngoài rút đi đã được tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Mục đích của Hội nghị này là trao đổi giữa các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới tình hình chính trị an ninh ở Afghanistan nhằm phác họa tương lai của Afghanistan sau khi quân đội Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan cho tới cuối năm 2014 như họ đã tuyên bố. Trên chương trình nghị sự có những chủ đề nội dung lớn như đánh giá thực trạng Taliban và khả năng Taliban tham gia vào giải pháp chính trị cho Afghanistan sau chiến tranh, phối hợp hành động đối phó với Taliban ở Afghanistan và Pakistan, tái thiết đất nước sau chiến tranh và an ninh, ổn định chung cho cả khu vực. Trước Hội nghị, ngày 1-11-2011, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã có cuộc gặp song phương. Tại đây, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã thỏa thuận hợp tác điều tra vụ ám sát cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani hồi tháng 9 vừa qua. Sau cuộc gặp song phương, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã có gặp cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Guel. Ba vị tổng thống đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về an ninh và quân sự, nhưng chi tiết cụ thể không được tiết lộ.

6. Căn cứ quân sự của Mỹ tại Kyrgyzstan sẽ đóng cửa vào năm 2014

Ngày 3-11-2011, Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev tuyên bố sẽ đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ sau khi thoả thuận cho thuê hết hiệu lực vào năm 2014. Tuyên bố này được dư luận Kyrgyzstan cũng như quốc tế rất quan tâm để ý vì biểu hiện một trong những trọng tâm và ưu tiên chính sách của Tổng thống mới và vì định hướng mới ấy tác động rất cơ bản và sâu sắc tới quan hệ của Kyrgyzstan với Mỹ và Nga cũng như tới cục diện tình hình chính trị an ninh ở cả khu vực. Trước khi đắc cử tổng thống, ông A.Atambayev đã từng công khai thể hiện ý định này. Sau ngày bầu cử, khi biết chắc chắn thắng cử nhưng kết quả bầu cử cuối cùng chưa được chính thức công bố, ông A.Atambayev đã nói với giới báo chí rằng, ông lo ngại căn cứ quân sự của Mỹ sẽ trở thành một rủi ro về an ninh cho đất nước của ông. Hiện tại, Mỹ có căn cứ quân sự ở sân bay Manas, gần thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Đây là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở cả khu vực Trung Á và đóng vai trò then chốt đối với việc tiếp viện hậu cần cho hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Các nhà phân tích quan hệ quốc tế trên thế giới gần như đều cho rằng, định hướng chính sách của Tổng thống mới đắc cử ở Kyrgyzstan là dấu hiệu về điều chỉnh chính sách đối ngoại về an ninh của Kyrgyzstan theo hướng nghiêng nhiều hơn về Nga hoặc là phương cách gây áp lực để Mỹ phải nhượng bộ nhiều hơn cả về tài chính lẫn chính trị với Kyrgyzstan.

7. Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pháp

Trong hai ngày 3 và 4-11-2011 tại Cannes - miền Nam nước Pháp, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi gọi tắt G20 đã diễn ra. Tại Hội nghị, các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí tăng quyền hành động của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tạo cơ sở xác lập một trật tự tiền tệ thế giới mới. Các nhà lãnh đạo G20 quyết định tăng nguồn vốn dự trữ cho định chế tài chính này và IMF được quyền sử dụng chính sách tín dụng mới nhằm hỗ trợ khả năng thanh khoản tại các nước có nền chính trị ổn định. IMF cũng được trao thêm thẩm quyền giám sát các luồng vốn và cơ sở thay đổi tỉ giá hối đoái. Đồng thời, các nước G20 cũng quyết định năm 2015 xem xét việc phân chia Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - đơn vị tiền tệ quy ước của IMF và được coi như một loại tài sản dự trữ quốc tế, nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia, đặc biệt là 187 nước thành viên. Nguyên thủ các quốc gia G20 khẳng định IMF phải có mọi thứ để thực hiện vai trò vốn của mình trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trước mắt là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Với việc tăng thêm quyền lực cho IMF như vậy, một trật tự tiền tệ thế giới mới đã được xác lập, khi châu Âu quyết định dựa vào định chế tài chính này để giải quyết vấn đề nợ công của khu vực, chứ không phải dựa vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), càng không phải là vào đồng USD.

8. ASEAN tăng cường hợp tác với New Zealand, Australia và Nhật Bản

Ngày 4-11-2011, cuộc đối thoại lần thứ 19 giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và New Zealand đã diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia. Tại cuộc đối thoại, hai bên đã thảo luận về các định hướng phát triển quan hệ ASEAN-New Zealand trong tương lai, đánh giá những tiến bộ gần đây của Kế hoạch Hành động thực hiện Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện ASEAN-New Zealand giai đoạn 2010-2015, đặc biệt là bốn nội dung hợp tác hàng đầu của kế hoạch là Chương trình quản lý rủi ro thiên tai, Chương trình học bổng ASEAN-New Zealand, Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, Nông nghiệp và Ngoại giao. Phía New Zealand thông báo sẽ cấp nhiều suất học bổng hơn cho sinh viên ASEAN nghiên cứu và học tập tại các trường đại học ở New Zealand, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước ASEAN, đồng thời khẳng định Chương trình hành động toàn diện ASEAN-New Zealand được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN-New Zealand hồi tháng 10-2010 tại Hà Nội sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Cùng ngày, cuộc họp Ủy ban chung ASEAN-Australia (AA-JCC) lần đầu tiên cấp Đại sứ đã diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia), đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên. Tại cuộc họp, hai bên đã xem xét Kế hoạch hành động Đối tác toàn diện ASEAN-Australia; thảo luận tính chất, quy mô và diện phủ rộng của chương trình viện trợ Australia dành cho ASEAN; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; hợp tác kinh tế, bình đẳng giới, quản lý rủi ro thiên tai, lâm nghiệp, giáo dục và chương trình kết nối ASEAN.

Cũng trong ngày 4-11, Hội nghị kinh doanh lần thứ 37 giữa ASEAN và Nhật Bản đã kết thúc tại Yangon (Myanmar) với việc hai bên nhất trí thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Hội nghị đã thảo luận hàng loạt vấn đề như an ninh và kiểm soát rủi ro, hợp tác năng lượng và phát triển nguồn nhân lực cũng như lĩnh vực quản lý tại châu Á. Hội nghị tập trung đánh giá những vấn đề đã được các đại biểu trình bày và thảo luận, tổ chức cuộc họp của ủy ban trù bị cho Hội nghị kinh doanh ASEAN-Nhật Bản lần thứ 38 sẽ diễn ra tại Philippines.

9. Hội nghị cấp Bộ trưởng Tư pháp ASEAN lần thứ 8

Trong hai ngày 4 và 5-11-2011, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng Tư pháp lần thứ 8 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm thảo luận và quyết định một số văn bản hướng dẫn về pháp lý để thực hiện chung trong ASEAN trong tiến trình hướng tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bộ trưởng Tư pháp nước chủ nhà, ông Ang Vong Anthana cho biết hội nghị sẽ xem xét và quyết định những vấn đề bao gồm văn bản hướng dẫn luật về chính phủ ASEAN, triển khai Hiệp ước tương trợ pháp lý trong các vấn đề hình sự, diễn đàn pháp luật ASEAN, trao đổi các chuyến thăm nghiên cứu của các quan chức ngành luật, quan chức luật pháp của chính phủ và giới chức thông tin luật pháp. Các đại biểu dự hội nghị cũng dự kiến thảo luận việc triển khai Công ước ASEAN về chống khủng bố, triển khai các hiệp định khu vực và tiểu khu vực về hợp tác tư pháp trong lĩnh vực hình sự và triển khai mô hình luật an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ thảo luận việc tăng cường trợ giúp lẫn nhau về tư pháp trong các vấn đề dân sự và thương mại giữa các nước thành viên, các phương thức nhằm hài hòa luật thương mại ASEAN và hiệp định khung về bảo tồn môi trường biển và bờ biển. Bộ trưởng Vathana cho rằng hỗ trợ về luật pháp là quan trọng nhằm giảm thiểu các trở ngại trong quá trình tăng cường hợp tác hòa bình trong Cộng đồng ASEAN và đảm bảo ổn định chính trị và an ninh giữa các quốc gia thành viên.

10. Thủ tướng Hy Lạp Papandreou đồng ý từ chức

Ngày 6-11-2011, Văn phòng Tổng thống Hy Lạp thông báo, Thủ tướng nước này George Papandreou đã đồng ý từ chức và các nhà lãnh đạo chính trị sẽ gặp nhau vào ngày 7-11 để thành lập một chính phủ đoàn kết mới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp. Thỏa thuận nói trên đạt được sau cuộc gặp kéo dài gần hai giờ giữa Thủ tướng George Papandreou, thủ lĩnh đảng đối lập chính Antonis Samaras và Tổng thống Carolos Papoulias. Thông báo có đoạn: “Một thỏa thuận đã đạt được về việc thành lập một chính phủ mới để lập tức dẫn dắt đất nước đi tới các cuộc bầu cử sau khi thông qua các quyết định của Hội đồng châu Âu ngày 26-10", ám chỉ thỏa thuận cứu trợ của Liên minh châu Âu nhằm giảm gần 1/3 khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp. Đảng Cộng sản Hy Lạp, đảng lớn thứ ba ở nước này, lập tức thông báo sẽ tẩy chay các cuộc đàm phán ngày 7-11. Đảng cánh tả Syriza, đảng có số nghị sĩ nhiều thứ năm trong Quốc hội, cũng thông báo không muốn tham gia cuộc đàm phán. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Ilias Mossialos cùng ngày cho biết, một chính phủ liên minh mới ở Hy Lạp sẽ nhậm chức và sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong vòng một tuần nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch./.