TCCSĐT - Ngày 30-10-2011, tại thành phố Perth (Australia) đã kết thúc Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của tổ chức Khối Thịnh vượng chung. Trước đó, ngày 28-10, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị đã khai mạc Hội nghị cấp cao này. Trừ Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ của 53 thành viên khác của tổ chức đã tới Perth tham dự Hội nghị.

Việc Thủ tướng Ấn Độ không tham dự, ba chuyên gia dân sự người Australia bị một binh lính Afghanistan bắn chết ở Uruztan (Afghanistan) ngày 29-10 và cuộc đấu tranh lao động giữa các tổ chức công đoàn với Hãng hàng không Qantas đã phủ bóng xuống Hội nghị cấp cao này.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo các nước thành viên của tổ chức đã nhất trí "cải tổ Khối Thịnh vượng chung nhằm đưa Khối thịnh vượng chung trở thành một thể chế hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của các thành viên và có đủ khả năng đối phó với những thách thức to lớn của thế kỷ XXI". Theo những thông tin được công bố thì sự nhất trí giữa các thành viên tham dự Hội nghị bao hàm quyết tâm chủ động thúc đẩy, phát huy, giữ gìn và bảo vệ những nguyên tắc và giá trị cơ bản cũng như mục đích của Khối Thịnh vượng chung, xác định lại ưu tiên trong chính sách phát triển của Khối để phát huy vai trò và ảnh hưởng của Khối nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các thành viên hiện tại cũng như trong tương lai.

Hội nghị này đã đặt ra mục tiêu phấn đấu cho Khối Thịnh vượng chung trong thời gian tới là tăng cường hợp tác trong nội khối và với các đối tác ở bên ngoài để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng hệ thống kinh tế thế giới cân bằng và bền vững có lợi nhất cho tất cả các thành viên của Khối, đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới và phát triển phụ nữ trong khối, quan tâm và đề cao hơn nữa vai trò của thế hệ trẻ trong khối, tăng cường hợp tác chống tội phạm có tổ chức, buôn bán người, tăng cường các mối quan hệ văn hóa giữa các quốc gia và công dân các nước thành viên của khối.

Các vị lãnh đạo trong Khối đã trao đổi về việc soạn thảo Hiến chương chung cho Khối cũng như việc thành lập cơ quan chuyên trách về nhân quyền của Khối nhưng chưa đi tới sự nhất trí sâu rộng đủ mức để có thể quyết định thành định hướng chính sách cho thời gian tới.

Kết quả được coi là có ý nghĩa lịch sử của Hội nghị này là việc quyết định hủy bỏ luật được áp dụng từ năm 1701 về kế nhiệm ngôi vua và kết hôn giữa các thành viên của Hoàng gia Anh với người theo Thiên chúa giáo. Theo luật này, con trai của Vua hay Nữ hoàng Anh được ưu tiên kế nhiệm và chỉ khi Vua hoặc Nữ hoàng không có con trai thì con gái mới được nối ngôi. Cũng theo bộ luật áp dụng hơn 300 năm qua này, bất cứ thành viên nào của Hoàng gia Anh kết hôn với người theo Thiên chúa giáo đều bị truất quyền kế vị ngôi vua. Hội nghị khẳng định ủng hộ Cộng hòa Sip và sẽ xem xét việc kết nạp Nam Sudan

Hội nghị cấp cao này được coi là bước ngoặt đối với tổ chức lỏng lẻo của Anh với các thuộc địa trước đây về phương diện phải thay đổi và cải tổ cơ bản thì mới có thể có ảnh hưởng và vai trò trong thế giới hiện đại. Kết quả Hội nghị cho thấy, tuy đã nhận thức được về sự cần thiết phải cải cách, tổ chức này cũng mới chỉ có được những thay đổi ban đầu và hình thức, chưa động chạm tới những cải cách quyết định nhất, cần thiết nhất và cấp bách nhất để làm cho tổ chức thực sự là chỗ dựa cho các thành viên phát triển và hội nhập, đối phó với thách thức và giải quyết mọi vấn đề.

Sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên trong tổ chức vẫn còn rất cơ bản và là một trong những cản trở chính đối với tổ chức, đặc biệt trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền, cụ thể ở một số thành viên châu Phi và Sri Lanca.

Hội nghị cấp cao của Khối Thịnh vượng chung tổ chức hai năm một lần. Hội nghị tới sẽ được tổ chức năm 2013 ở Sri Lanca. Tuy nhiên, ngay tại Hội nghị cấp cao năm nay, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã tuyên bố sẽ tẩy chay Hội nghị cấp cao ở Sri Lanca trong khi Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, chưa quyết định sẽ tới tham dự Hội nghị đó hay không./.