Xây dựng, phát triển giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
Giai cấp công nhân trước yêu cầu nhiệm vụ mới
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X của Đảng (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã chỉ rõ: "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược"(1). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: "Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội"(2). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ: "Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế"(3).
Để xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, một trong những ưu tiên là tập trung các nguồn lực cho đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt của công nhân, từng bước trí thức hóa công nhân, bởi vì đầu tư cho đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là hướng đầu tư chủ đạo và được coi là đầu tư hiệu quả nhất cho sự phát triển. Đây vừa là giải pháp cơ bản lâu dài, vừa là khâu then chốt, đột phá để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Cần tạo lập kỹ năng, kiến thức tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo cho công nhân, biến tiềm năng lao động của công nhân thành "nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực", một nguồn vốn quan trọng, quyết định sự thành công của doanh nghiệp cũng như của sự nghiệp xây dựng đất nước.
Nhà nước cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân, xác định rõ tiêu chuẩn công nhân phải qua đào tạo, đặc biệt trong các ngành trọng điểm, các lĩnh vực đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao. Xây dựng, hoàn thiện chính sách hướng nghiệp ở cấp học phổ thông, nhằm giúp học sinh định hướng đúng đắn việc chọn nghề; có cơ chế khuyến khích, tuyển chọn một bộ phận thanh niên ưu tú, nhất là con em các gia đình có truyền thống làm công nhân, những thanh niên hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự... đưa vào đào tạo trong các trường dạy nghề. Tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho công nhân học tập để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học; nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi trong tuyển chọn, sử dụng đối với những công nhân giỏi nghề, học tập có kết quả cao, để cử đi thực tập hoặc đào tạo thêm ở các nước công nghiệp phát triển. Đồng thời, cần có quy định về việc tôn vinh những công nhân có đức, có tài, có nhiều sáng kiến, thành tích nổi bật trong lao động, sản xuất nhằm khuyến khích và thúc đẩy không khí thi đua phấn đấu trong đội ngũ công nhân.
Cần tiến hành kế hoạch hóa công tác dạy nghề một cách đồng bộ, bảo đảm sự cân đối ngay trong hệ thống giáo dục, cũng như sự cân bằng giữa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp và yêu cầu thực tế của sự phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia dạy nghề, đồng thời cần tập trung cải cách hệ thống đào tạo nghề theo hướng tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về giai cấp công nhân, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Sớm có quy định đưa việc phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật Doanh nghiệp vào nội dung, chương trình đào tạo nghề.
Chú trọng đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề, ưu tiên xây dựng trường dạy nghề chuẩn với chương trình chuẩn trong cả nước để đào tạo những ngành nghề mũi nhọn; có chính sách phù hợp phát triển đa dạng và chuyên sâu nhiều loại hình đào tạo tại các trường, trung tâm và tại chính các doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quản lý thống nhất và có chất lượng công tác đào tạo nghề, xúc tiến thành lập quỹ đào tạo của các ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đồng thời, quy định chặt chẽ chính sách quản lý, sử dụng hợp lý nguồn quỹ đó, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Những năm gần đây, chúng ta đã tập trung mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề để phát triển đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế, từng bước đi vào kinh tế tri thức. Việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên phạm vi toàn quốc, các vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương tạo điều kiện để công tác đào tạo, dạy nghề phát triển tập trung, bảo đảm cung ứng công nhân kỹ thuật lành nghề tại chỗ cho các doanh nghiệp, nhất là ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất, đã và đang thực hiện, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu công nhân kỹ thuật hiện nay, giảm sức ép di chuyển lao động giữa các vùng, miền.
Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2006 đến năm 2010, cả nước đã đào tạo nghề cho 7.769.500 người, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 1.553.900 người. Cụ thể:
Cấp, trình độ đào tạo |
Năm 2006 |
Năm 2007 |
Năm 2008 |
Năm 2009 |
Năm 2010 |
Tổng cộng của 5 năm |
1. Dài hạn, cao đẳng, trung cấp nghề |
260.000 |
305.500 |
258.000 |
287.000 |
360.400 |
1.470.900 |
2. Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên |
1.080.000 |
1.131.000 |
1.280.000 |
1.420.000 |
1.387.600 |
6.298.600 |
Tổng cộng của từng năm |
1.340.000 |
1.436.500 |
1.538.000 |
1.707.000 |
1.748.000 |
7.769.500 |
Về phần mình, Công đoàn Việt Nam xác định: tham gia xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh toàn diện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, hơn 3 năm qua, các cấp công đoàn đã thực hiện tốt và hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ là đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ); tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo". Phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào hiện có, như "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn", "Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển", "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động", cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu"; tổ chức các cuộc thi "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi"; tổ chức các hoạt động nhân Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (ngày 11-6) hằng năm, thực hiện tốt việc xét, trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh nhằm tôn vinh công nhân, lao động tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh được các cấp công đoàn đặc biệt chú trọng. Từ năm 2008 đến cuối năm 2010, cả nước đã kết nạp mới 894.913 đoàn viên và thành lập mới 13.051 CĐCS, đưa tổng số đoàn viên (đến tháng 11-2010) lên 7.109.327 người và tổng số CĐCS lên 106.192 đơn vị. Năm 2010, có 76,4% số CĐCS đạt danh hiệu CĐCS vững mạnh. Từ đầu năm 2008 đến hết năm 2009, các cấp công đoàn cả nước đã giới thiệu 137.742 đoàn viên, CNVCLĐ ưu tú, được công nhận là quần chúng tích cực của Đảng; trong đó 32.997 người đã được kết nạp vào Đảng.
Các tổ chức công đoàn luôn quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho công nhân lao động. Hiện nay tổ chức công đoàn Việt Nam có 42 cơ sở trường, trung tâm đào tạo dạy nghề (2 trường cao đẳng nghề, 19 trường trung cấp nghề, 13 trung tâm dạy nghề và 8 trung tâm giới thiệu việc làm). Bên cạnh nhiệm vụ chính là dạy nghề ở các trình độ khác nhau (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề, ngắn hạn), các trường, trung tâm dạy nghề còn giới thiệu việc làm cho người lao động và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trong các năm 2006 - 2010, các trường và trung tâm dạy nghề của tổ chức công đoàn đã đào tạo nghề cho 269.623 người, tư vấn việc làm cho 739.784 lượt người, giới thiệu việc làm cho 153.391 lượt người và 5.533 người được giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài; liên kết với các cơ sở đào tạo khác đào tạo nghề cho 75.788 lượt người.
Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh: nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Bước vào thời kỳ đất nước chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, vấn đề xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn lớn mạnh cũng phải được quan tâm sâu sắc, toàn diện, thiết thực và cụ thể hơn. Với chức năng, nhiệm vụ của mình và góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, các cấp công đoàn đã và đang thực hiện những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tổ chức triển khai học tập, quán triệt sâu sắc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đến đội ngũ cán bộ công đoàn và người lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả; trên cơ sở nắm vững quan điểm, nội dung của Nghị quyết gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kiến thức pháp luật cho người lao động, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Tham mưu cho cấp ủy đảng quan tâm giáo dục, đào tạo, phát triển công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao nhận thức chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc để người lao động có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, luôn phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả, thiết thực việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với triển khai Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW trong đoàn viên và người lao động, chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước xây dựng, thực hiện chiến lược xây dựng giai cấp công nhân, chuẩn hóa hệ thống đào tạo nghề.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động để nâng cao hiểu biết pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục đối với người lao động; chú trọng các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của người lao động, nhất là người lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.
Ba là, chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan tới người lao động và tổ chức công đoàn; tham gia với các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong công nhân lao động, như việc làm, tiền lương, thu nhập; điều kiện làm việc; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nhà ở, nhà lưu trú, nhà trẻ, mẫu giáo, các thiết chế văn hóa. Kiến nghị Chính phủ sửa quy định lương tối thiểu cho phù hợp với thực tế cuộc sống, tránh tình trạng để các doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu quá thấp so với thực tế, bóc lột quá mức người lao động.
Hướng các hoạt động về cơ sở, phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; khuyến khích các tổ chức CĐCS thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; nhân rộng mô hình Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP); nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề của các trường dạy nghề, các tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm của công đoàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm đa dạng, phong phú, góp phần giải quyết việc làm cho công nhân, lao động. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tương thân, tương ái trong tổ chức công đoàn.
Tham gia thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động; chủ động chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho công nhân, lao động và tham gia bảo vệ môi trường; tích cực tham gia Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, kiến nghị xử lý nghiêm, kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại quyền lợi của người lao động.
Tăng cường công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ về việc thành lập cơ quan đại diện của Công đoàn Việt Nam ở các nước có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc.
Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong người lao động. Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn; tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ.
Vận động cán bộ, công chức thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức "trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu", góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; chủ động phối hợp chỉ đạo, tổ chức tốt phong trào thi đua liên kết trên các lĩnh vực và các công trình trọng điểm; xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến và gương "người tốt, việc tốt" trong người lao động.
Năm là, đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển 1,5 triệu đoàn viên đến năm 2013; rà soát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp và công nhân trong các loại hình doanh nghiệp, tăng cường công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Gắn công tác phát triển đoàn viên và xây dựng CĐCS với đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn theo hướng sát cơ sở, sát đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS.
Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ nữ, bố trí hợp lý cán bộ công đoàn chuyên trách ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đông đoàn viên.
Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy; ngăn ngừa vi phạm, khắc phục kịp thời thiếu sót, khuyết điểm. Làm tốt trách nhiệm của công đoàn trong việc bồi dưỡng, giới thiệu công nhân ưu tú, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất cho Đảng, góp phần phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp.
Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong hệ thống công đoàn, mở rộng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn.
Sáu là, tăng cường hoạt động đối ngoại của tổ chức công đoàn.
Quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế của quốc gia, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh CNH, HĐH, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của tổ chức công đoàn, tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Công đoàn Việt Nam với công đoàn các nước, các tổ chức công đoàn quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch./.
--------------------------------------------
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 48
(2), (3)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 80, 240 - 241
Liên hợp quốc bàn biện pháp cấm vật liệu phân rã hạt nhân  (01/11/2011)
Việt Nam dự Đại hội Đảng Những người cộng sản Italy  (01/11/2011)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Vê-nê-xu-ê-la  (31/10/2011)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan  (31/10/2011)
Ủng hộ Thái Lan 100.000 USD để khắc phục lũ lụt  (31/10/2011)
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản  (31/10/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay