Ngày 27-9-2011, tại Hà Nội, Hội nghị Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao, sốt rét khu vực Đông Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ Quỹ Toàn cầu ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), các tổ chức quốc tế có liên quan, 15 quốc gia, vùng lãnh thổ và 3 tổ chức trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp nhận viện trợ của Quỹ Toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên đã khẳng định những đóng góp tích cực, hiệu quả của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao, sốt rét đối với các nước trên thế giới, trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Từ năm 2002 đến nay, Quỹ Toàn cầu đã chấp thuận tài trợ 7 vòng cho các đề án quốc gia với kinh phí dự kiến tài trợ lên đến 405 triệu USD cho cả 3 lĩnh vực: HIV/AIDS, lao, sốt rét. Đến thời điểm này, Quỹ đã cam kết tài trợ 6 vòng và đã cấp cho Việt Nam tổng kinh phí là 164,8 triệu USD. Bên cạnh giúp đỡ về tài chính, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các chuyên gia cấp cao về quản lý cũng như chuyên môn, kỹ thuật với 3 bệnh viện.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng nhấn mạnh rằng: các dự án do Quỹ Toàn cầu tài trợ cho Việt Nam đang được thực hiện tốt, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt. Kết quả của các dự án đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của chương trình phòng chống HIV/AIDS, lao, sốt rét ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và có thể đạt các mục tiêu còn lại vào năm 2015. Những thành tựu này của Việt Nam được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ Việt Nam các vòng 1 (2004-2008), vòng 6 (2008-2012), vòng 8 (2010-2014) và vòng 9 (2011-2015) cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS với tổng ngân sách các vòng là 193 triệu USD để bù đắp cho các thiếu hụt của chương trình quốc gia. Dựa vào nguồn hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu, các dự án phòng chống AIDS liên tục được triển khai và mở rộng địa bàn. Nếu năm 2004, dự án vòng 1 chỉ mới tiến hành ở 20 tỉnh, thành phố có tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất nước ta thì đến năm 2010 đã mở rộng ra 31 tỉnh, thành phố và đến năm 2011 là 50 tỉnh, thành phố. Các dự án đã cung cấp hầu hết các dịch vụ như tư vấn xét nghiệm; điều trị và điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội; điều trị bằng ARV; chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng; phòng lây truyền từ mẹ sang con; khuyến khích sử dụng bơm kim tiêm sạch, tăng cường sử dụng bao cao su và điều trị cai nghiện bằng Methadone. Hiện nay, dự án không chỉ triển khai trong ngành y tế mà còn có sự tham gia của nhiều đơn vị khác.

Về chương trình phòng chống lao, khoản kinh phí hơn 80 triệu USD mà Quỹ Toàn cầu cam kết hỗ trợ Việt Nam từ năm 2004 đến nay đã đóng góp tích cực vào nguồn kinh phí cho chương trình phòng chống lao quốc gia (40% cho giai đoạn 2001-2005 và 38% cho giai đoạn 2007-2011). Sự hỗ trợ này đã góp phần làm giảm gánh nặng đồng nhiễm lao, HIV/AIDS, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lao, phòng chống lao, cùng chương trình phòng chống lao quốc gia hướng tới loại trừ bệnh lao ở nước ta.

Từ năm 2005 đến nay, chương trình phòng chống sốt rét cũng nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu qua 2 vòng với tổng kinh phí cam kết xấp xỉ 46 triệu USD. Qua các dự án phòng chống sốt rét trong 6 năm vừa qua, đã góp phần giảm bớt gánh nặng bệnh tật do sốt rét ở nước ta. Tình hình sốt rét luôn được kiềm chế với số bệnh nhân năm sau giảm hơn nhiều so với năm trước, khi triển khai dự án.

Hội nghị Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao, sốt rét khu vực Đông Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 được tổ chức đến hết ngày 29-9. Các đại biểu được cập nhật thông tin từ Quỹ Toàn cầu; cùng chia sẻ kinh nghiệm giải quyết khó khăn, tồn tại với các đề án đang triển khai; đồng thời tăng cường hiểu biết, quản lý các rủi ro về tài chính, chương trình, bảo đảm tiết kiệm chi phí, tiếp cận hợp lý và thực hành, triển khai các dự án do Quỹ tài trợ.

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao, sốt rét là tổ chức phi lợi nhuận, ra đời năm 2002 theo đề nghị của Liên hợp quốc. Quỹ có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), nguồn vốn của Quỹ do các quốc gia, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tư nhân đóng góp. Hằng năm, Quỹ này tài trợ khoảng 1 tỉ USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao, sốt rét tại 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới./.