Thế giới trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới
Cảnh báo đáng lo ngại
Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế
giới” của IMF vừa được công bố ngày 22-9-2011 đã hạ mức dự báo tăng trưởng của
nền kinh tế toàn cầu trong năm 2011 và 2012 xuống còn 4%, thấp hơn 0,5% so với
mức dự báo do chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 6-2011 và thấp hơn nhiều so
với mức 5,1% của năm 2010. Theo IMF, nguyên nhân dẫn tới quyết định hạ mức dự
báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là do các hoạt động kinh tế đã suy giảm đáng
kể so với lần dự báo trước, cộng với những diễn biến phức tạp liên quan tới vấn
đề nợ công tại châu Âu. Từ đó, IMF hối thúc các nhà lãnh đạo khu vực châu Âu
thực hiện tất cả các biện pháp nhằm khôi phục lòng tin vào chính sách trong
nước và vào đồng ơ-rô. IMF còn khuyến nghị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
nên hạ lãi suất nếu không hóa giải được nguy cơ về tăng trưởng chậm lại và lạm
phát tăng cao.
Nhận xét về động thái này,
chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Ô-li-vơ Blan-chác (Oliver Blanchard) cho
biết, trong thời điểm hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là tại
khu vực châu Âu, đang phản ứng khá chậm chạp trong khi lẽ ra họ cần có những
bước đi cần thiết để trấn an thị trường. Còn Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB),
ông Rô-bớt Dô-ê-lích (Robert Zoellick), trong bài phát biểu tại cuộc họp mới
đây ở Oa-sinh-tơn (Mỹ) đã cảnh báo các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu, Mỹ
và Nhật cần hành động ngay trước khi những vấn đề tài chính của họ ảnh hưởng
xấu tới toàn thế giới. Ông R.Dô-ê-lích nhận định: “Thế giới đang sắp rơi vào
một vòng xoáy nguy hiểm mới. Nếu trong vòng xoáy khủng hoảng năm 2008 rất nhiều
quốc gia đã không bị “chết chìm”, thì lần này, khả năng đó sẽ không còn nữa.
Chính phủ các nước phát triển cần kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ từ cả bên ngoài
và không nên coi những rắc rối về tài chính chỉ là vấn đề của riêng họ”. Trong
khi đó, ông Gioóc-giơ Xô-rớt (George Soros), nhà tỉ phú và là nhà tài chính
hàng đầu ở Mỹ cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể
gây ra những hậu quả nặng nề hơn so với sự sụp đổ của ngân hàng “Lehman
Brothers” của Mỹ hồi tháng 9-2008.
“Tạp chí phố Uôn” (The Wall
Street Journal) của Mỹ mới đây cũng công bố ba kịch bản phát triển kinh tế thế
giới là: tăng trưởng chậm, suy thoái kép và đợt tăng trưởng mới. Trong đó, kịch
bản suy thoái kép có nhiều khả năng xảy ra nhất bởi động lực cho sự tăng trưởng
hiện nay quá yếu so với mức cần thiết. Theo các chuyên gia kinh tế thuộc Trung
tâm Nghiên cứu kinh tế của Viện Toàn cầu hóa và các phong trào xã hội, kinh tế
thế giới sắp chứng kiến hàng loạt vụ phá sản mới và một vòng xoáy suy
thoái mới vào năm 2012.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các
nước G20 sau khi tiến hành phân tích tình hình kinh tế các nước Mỹ, Trung Quốc,
Đức, Pháp, Nhật Bản đã đi tới kết luận rằng, kinh tế thế giới tuy có
phục hồi nhưng vẫn đứng trước nguy cơ cao của một cuộc khủng hoảng mới.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ ra tay
Trong bối cảnh “nước sôi, lửa
bỏng” đó, sau cuộc họp kéo dài tới 48 giờ, ngày 21-9-2011, Cục Dự trữ Liên bang
Mỹ (FED) đã công bố một chương trình mua trái phiếu với nỗ lực giảm lãi suất
dài hạn, kích thích nền kinh tế Mỹ tăng trưởng. Theo chương trình này, FED sẽ
bán 400 tỉ USD trái phiếu ngắn hạn (đáo hạn trong vòng 3 năm trở lại) để mua
400 tỉ USD trái phiếu dài hạn bắt đầu từ tháng 10-2011 và kết thúc vào tháng
6-2012. Đồng thời, FED cũng cam kết tái đầu tư tiền thu được từ chứng khoán thế
chấp vào nợ do các tổ chức cho vay như “Fannie Mae” và “Freddie Mac” phát hành,
với trọng tâm mua trái phiếu Bộ Tài chính trong thời hạn 30 năm.
Như vậy, khác với những gói kích
thích khổng lồ trước đây, lần này, FED chỉ thực hiện sự can thiệp nhằm làm giảm
lãi suất trên thị trường trái phiếu. Hiện nay, Mỹ đã trở thành con nợ lớn nhất
thế giới và cũng
là nước duy nhất trên thế giới có nợ nước ngoài bằng chính đồng tiền của mình.
Theo nhận định của FED, triển vọng nền kinh tế Mỹ khá ảm đạm.
Châu Âu chưa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công
Trong những ngày qua, cộng đồng quốc tế
vẫn hết sức lo ngại về tình hình kinh tế châu Âu. Nhiều chuyên gia phân
tích cảnh báo cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán châu Âu có
thể gây ra vấn đề tài chính trên phạm vi toàn cầu, đồng thời kêu gọi
cứu vãn khu vực ơ-rô.
Ngày 16-9-2011, trong cuộc họp tại thành
phố Vrô-xláp (Wroclaw) của Ba Lan, bộ trưởng tài chính các nước châu Âu
tập trung thảo luận các biện pháp cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu
và kế hoạch hỗ trợ cho Hy Lạp. Tham gia cuộc họp này, Bộ trưởng Tài
chính Mỹ Ti-mô-thi Ghết-nơ (Timothy Geithner) mang theo bản thông điệp của Tổng
thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma bày tỏ sự lo ngại về việc khu vực đồng ơ-rô
mất ổn định sẽ đe dọa nền kinh tế thế giới. Ông Ti-mô-thi Ghết-nơ cố
gắng thuyết phục những người đồng nhiệm châu Âu làm theo “tấm gương của
Mỹ” để khắc phục khủng hoảng và tập trung nỗ lực tối đa nhằm củng
cố nền kinh tế châu Âu.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà lãnh đạo
châu Âu vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ
công mà họ đang phải đối mặt. Đại diện đến từ nước Áo đưa ra quan điểm rằng,
lối thoát duy nhất là để cho Hy Lạp bị vỡ nợ. Trong khi đó, đại diện
của Pháp lại bày tỏ sẵn sàng “hy sinh” để cứu Hy lạp. Ông Phran-xoa Ba-rôn
(Francois Baroin), Bộ trưởng Bộ kinh tế, tài chính và công nghiệp Pháp
tuyên bố: “Khu vực ngân hàng Pháp sẵn sàng tham gia đổi chứng khoán
sắp hết hạn của Hy Lạp lấy trái phiếu có giá trị cao hơn”.
Đối với việc phát hành loại trái phiếu
chung của khu vực đồng ơ-rô (Eurobond), mặc dù tại Nghị viện châu Âu, Chủ
tịch Ủy ban châu Âu Giô-sê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) đã tuyên
bố, thời gian tới sẽ phát hành loại trái phiếu này nhằm bảo đảm sự ổn
định lâu dài, nhưng Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lại chống lại
việc đó. Ông Phi-líp Rô-xlơ (Philipp Roesler), Bộ trưởng Kinh tế Đức tuyên
bố: “Tôi xin nhấn mạnh rằng, theo nghị quyết của Tòa án tối cao của
Đức, nhà nước không được nhận cam kết vô hạn nếu không có sự tán
thành của Quốc hội Đức. Điều đó có nghĩa là Đức loại trừ khả năng
phát hành trái phiếu châu Âu”. Béc-lin cũng nhấn mạnh quan điểm yêu cầu các
quốc gia thành viên EU như Hy Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và
I-ta-li-a cần thực hiện cải cách cơ cấu.
Về số phận của đồng tiền chung ơ-rô, Bộ
trưởng Tài chính Ba Lan, ông Gia-chếch Rô-xtâu-xki (Jacek Rostowski), dự báo:
“Nếu như không muốn đồng ơ-rô tồn tại nữa, chúng ta cần phải chuẩn bị sự rút
lui có trật tự của một khu vực tiền tệ”. Các nhà phân tích kinh tế Xte-phan
Đi-ô (Stephane Deo), Pôn Đô-nô-van (Paul Donovan) và La-ri Ha-thơ-uây (Larry Hatheway),
đại diện Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định: “Theo cấu trúc hiện nay và với các
thành viên hiện tại, đồng ơ-rô hoạt động không hiệu quả. Do đó, hoặc cấu trúc
hiện tại phải thay đổi, hoặc các thành viên EU sẽ phải thay đổi”. Ngay cả ông
Héc-man Van Rôm-puy (Herman Van Rompuy), Chủ tịch EU, cũng phải thốt lên: “Đồng
ơ-rô chưa bao giờ có được hạ tầng mà nó đòi hỏi”. Chuyên gia phân tích chiến
lược ở Luân Đôn A-lát-xte Niu-tơn (Alastair Newton) nói: “Chúng tôi tin
rằng chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của một thời kỳ quan trọng của khu
vực đồng tiền chung và chúng tôi cũng tin rằng, nguy cơ của một sự sụp đổ từ
nay đến hết năm 2011 là lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi bắt đầu cuộc
khủng hoảng”. Nhà tỉ phú Mỹ Gioóc-giơ Xô-rớt thì nhận định: “Chúng ta
đang trên bờ vực của sự sụp đổ kinh tế, bắt đầu từ Hy Lạp. Hệ thống tài chính
hiện tại rất dễ bị tổn thương”. Một số nhà kinh tế và nhà bình luận, chủ yếu là
người Anh và Mỹ cũng cho rằng, đồng tiền chung của 16 nước châu Âu ra đời năm
1999 có thể tan vỡ do mức độ nợ công và thâm hụt ngân sách cao của các nước
thành viên cũng như việc thiếu hụt khả năng cạnh tranh với Đức.
Đâu là nguyên nhân?
Tình trạng ảm đạm ở một số nơi được coi là
trung tâm kinh tế lớn của thế giới bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có
một số nguyên nhân cơ bản sau.
Một là, các gói kích thích kinh tế từ
năm 2008 như một “liều thuốc an thần” cho nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới
thì nay đang giảm dần tác dụng, thậm chí nguy hiểm, vì nó chỉ có tác dụng ổn
định tạm thời các hoạt động trong khu vực “kinh tế ảo” (tài chính, ngân hàng),
còn nền “kinh tế thực” lại khởi sắc quá chậm chạp. Chỉ tính trong năm 2008 đến
năm 2010, thế giới đã bỏ ra gần 15 nghìn tỉ USD để giải cứu sự khó khăn
trong khu vực “kinh tế ảo” nhưng cũng chỉ cứu được sự sụp đổ của lĩnh vực tài
chính tư nhân, mà không giải quyết được các khó khăn chung của cả nền kinh tế.
Hai là, nếu như trong vòng xoáy khủng hoảng
năm 2008, nhà nước ra tay cứu giúp các ngân hàng và các tổ chức tài chính tư nhân
khác, thì hiện nay, chính các nhà nước lại đang sa vào vòng xoáy nợ công và
phải tự cứu mình, trong khi tiềm năng đang bị suy kiệt.
Ba là, các nền kinh tế trên thế giới đang
đứng trước yêu cầu tái cơ cấu và đổi mới mô hình phát triển. Đây là yêu cầu
đòi hỏi thời gian, không thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều.
Bốn là, các thể chế tài chính toàn cầu cần
được cải tổ lại, nhưng dường như thế giới chưa sẵn sàng cho điều đó,
hoặc nếu có thực hiện thì cũng tiến triển quá chậm.
Năm là, cho tới nay, vẫn còn nhiều quan điểm
khác nhau, không thống nhất về nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính -
kinh tế toàn cầu vừa qua.
Có ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng tài
chính - kinh tế toàn cầu hiện nay xuất phát từ mô hình phát triển của chủ nghĩa
tư bản trong thời đại toàn cầu hóa sâu sắc. Do đó, các biện pháp giải cứu vừa
qua chỉ mang tính tình thế, chưa phải là giải pháp căn bản và triệt để. Và như
vậy, thế giới vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ rơi vào vòng xoáy của cuộc
khủng hoảng mới./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Tổng thống Xin-ga-po Tô-ni Tan Keng Giam; tiếp cựu Thủ tướng Xin-ga-po Lý Quang Diệu  (27/09/2011)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan  (27/09/2011)
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII  (26/09/2011)
Chính phủ "mổ xẻ" nguyên nhân lạm phát tăng cao  (26/09/2011)
Việt Nam - Cam-pu-chia tăng cường hợp tác giữa 2 tổ chức mặt trận  (26/09/2011)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên